TS. Nguyễn Thành Hưởng
Tiếng hát của loài sâu
"Mùa xanh lá
Loài sâu ngủ quên trong tóc chiều"
(Trịnh Công Sơn)
Trong hóc tối thân gỗ mục loài sâu thường trú ẩn
đấy là thiên đường
loài sâu hát đêm đêm
đêm đêm anh ra sân ngắm trăng trồi lên đồng cỏ
con trăng cong cong loài sâu
tiếng hát kể về giống nòi từ mảnh trăng vỡ ánh sáng không tan
ánh sáng sinh ra loài sâu
loài sâu sinh ra chúng ta
chú cào cào thanh thản tách tách bên vệ đường
trời cao hơn khuỷu chân
trụi trơ đôi vú núi
thấy tình yêu trong tiếng ca loài sâu
điệu dương cầm cổ
làn gió vô tư ruỗi rong trên tóc
trước mọi người anh chỉ là cái bóng vô hình
cũng chẳng ai thấy anh
anh là trang sách mở ra thỉnh thoảng đọc giữa chừng
mỗi chương mỗi dòng
là sông
là mồ hôi
là hơi thở
phải vứt đi nhiều thứ nhạt nhòa không tên
tựa đám trứng loài sâu li ti
mỏng hơn phiến lá
ngày hửng khi mặt trời ấm lại trong lồng ngực.
(Hoàng Vũ Thuật, 14/7/2021)
Lời bình:
Bài thơ có lẽ xuất phát từ sự cộng nhập nội tâm một nhạc phẩm nổi tiếng của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với thế giới thực tại theo góc nhìn riêng của Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Những ánh xạ từ bài hát và lời thơ tạo nên sự đa sắc, nhưng có nét chung khi cùng hướng về thân phận con người và chúng sinh.
Loài sâu ngủ, loài sâu trú ẩn. Trăng cũng thế: “con trăng đang nằm ngủ” (Biết đâu nguồn cội, Trịnh Công Sơn). Rồi đến khi loài sâu cất tiếng hát, khi đó “trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi” (Nguyệt ca, Trịnh Công Sơn). Vạn vật cũng thế. Và con người đã nghe, đã thấy. Một thế giới chung để chúng ta và chúng sinh muôn loài cùng đồng cư, “đồng trú”. Mỗi lời nói là một tiếng ca và “ngôn” là “từ”, là ái ngữ “vô tranh”. Mỗi ý tưởng nhân sinh đều có thể cùng chia sẻ, cùng “đồng duyệt”. Mỗi khám phá đều có thể cùng “đồng giải” trong sự bình đẳng, tôn trọng và thông biện. Lành thay, khi “Thân hòa đồng trú/ Khẩu hòa vô tranh/ Kiến hòa đồng giải/ Ý hòa đồng duyệt” – những pháp ngữ đã được Bậc Chánh Biến Tri vì lợi ích chúng sinh nên khởi lòng đại bi chỉ dạy trong phép lục hòa năm xưa.
Mở đầu bài thơ là câu tả thực. Một thường hữu vẫn thấy. Nhưng ngay câu tiếp theo đã cho ta cảm nhận khác. Thơ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn thế. Những bước nhảy bất ngờ từ hiện có của quan sát thực tại đến siêu thực chìm sâu trong tâm tưởng, từ đó mở ra các thông điệp tùy biến rất riêng cho người đọc tha hồ khám phá và sáng tạo. Những câu thơ mở đầu thường giản dị là một sự kiện, một cảm nhận, một sự vật, đôi khi là một cái tên rất thân thuộc trong cuộc sống. Sau đó sẽ là (những) câu thơ đậm triết lý, mở ra khoảng không gian đa chiều. Lời thơ như tự thức tỉnh tâm trí và độc giả sẽ tự cảm nhận và/hoặc tư duy để đưa ra kiến giải cho riêng mình.
Thiên đường – có thể đơn giản là sự bình an của suy niệm. Ừ nhỉ, ai cũng có thiên đường của mình. Mỗi loài, mỗi chủng thể có một thiên đường riêng để cư trú. Từ “trong hóc tối thân gỗ mục” nơi “loài sâu thường trú ẩn”, bỗng nơi “đấy là thiên đường”, nơi đó là tổ ấm, nơi đó có trăng, có cỏ và đương nhiên không thể thiếu lời ca. Thiên đường cũng không đóng cửa cho riêng ai nhưng chỉ thực sự hiện diện khi chủ nhân cùng ngoại cảnh rõ biết mối tương liên. Chủ nhân của nơi đó thực sự thảnh thơi, thực sự tự tại. Thật dễ thương với khung cảnh:
“loài sâu hát đêm đêm
đêm đêm anh ra sân ngắm trăng trồi lên đồng cỏ
con trăng cong cong loài sâu”
Thì ra thế, trăng đâu của riêng ai. Trăng có thể vỡ, nhưng ánh ngà không mất, không tan. Cũng như thế giới hiện tượng danh sắc sinh-diệt, đời sống chúng sinh còn-mất, nhưng Phật tánh, giác tánh vẫn nhất như. Từ thức luyến mà linh ứng hoá tạo. Từ không mà có, từ một mà thành muôn loài. Chúng sinh từ xa xưa đến nay đã từng cùng ta là bà con thân quyến, chỉ vì nghiệp báo khác nhau mà thay hình đổi dạng nên không còn nhận ra nhau nữa mà thôi. Một ngày, trong cái mang mang về thân phận cùng thế giới hiện tượng, chúng ta bỗng nhiên bừng tỉnh khi nghe “tiếng hát kể về giống nòi từ mảnh trăng vỡ ánh sáng không tan”. Chúng sinh trong vòng luân lạc vô thuỷ vô chung từ cái uyên nguyên bản thể “ánh sáng không tan” mà “sinh ra loài sâu”, rồi “loài sâu sinh ra chúng ta”. Phật dạy rằng chẳng thể tìm đâu ra trên thế gian có ai đó chưa từng là thân bằng quyến thuộc của mình. Và như thế, mỗi chúng ta đã từng là người thân với các bậc hiền thánh, cũng từng là gia quyến với muôn loài, với những con sâu trong hóc tối đó thôi. Cái hóc tối nơi thân gỗ mục – thiên đường loài sâu và sự vô minh nơi huyễn thân giả tạm – thiên đường loài người có gì khác nhau! Từ trong hóc tối, “tiếng hát của loài sâu” đã để lại những “dấu chân địa đàng”. Trên con đường dẫn đến “bảo sở”, nơi tìm lại được sự toàn giác bản nguyên, biết bao nhân duyên nghiệp báo cùng thức tưởng đã hóa tạo cảnh giới muôn loài, có khi lại là các “hóa thành” quốc độ, là niết bàn, thiên đường đã xuất hiện để cứu rỗi chúng ta.
Nếu “thế giới thuộc về sự nhận biết” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) thì loài sâu hay chú cào cào cũng vậy. Tất cả tuỳ thuộc vào cảm nhận thực tại. “Trời cao hơn khuỷu chân” chú cào cào mà thôi. Thật bình đẳng và gần gũi. Trong cái vô tư, vô ưu đấy, chúng ta sẽ:
“thấy tình yêu trong tiếng ca loài sâu
điệu dương cầm cổ
làn gió vô tư ruổi rong trên tóc”
Ở nơi “ruổi rong”, những gì có thể gọi tên là đã có mặt trong ý niệm, dẫu “chỉ là cái bóng vô hình”. Vật chất và tinh thần, sự phản ánh thực tại của ý thức, rộng hơn là tâm và thân, hết thảy cũng từ duyên sinh. Các nhân duyên đưa đến, làm nên sự hiện hữu của ta và như vậy sẽ hoại diệt cùng nó, liên tục. Một khi không nhận biết sự thật chân như, thì thấy mà chẳng thấy. Nhưng khi thấy rõ dòng biến đổi không ngừng và không chối bỏ sự hoại diệt, thì cái thấy bấy lâu của ta hóa ra chỉ là ảo giác. Vậy đó,
“trước mọi người anh chỉ là cái bóng vô hình
cũng chẳng ai thấy anh”
Cái mà anh và mọi người thấy chỉ là cái ảnh tưởng từ bên ngoài, cái đang luôn biến đổi. Thực tướng chân thật ở nơi tri kiến bát nhã “ngũ uẩn giai không”. Nhưng cái thấy biết cần quá trình nhận thức sinh diệt, trên con đường đó:
“anh là trang sách mở ra thỉnh thoảng đọc giữa chừng
mỗi chương mỗi dòng
là sông
là mồ hôi
là hơi thở”
Từ đó, sự trỗi dậy của tâm trí bắt đầu, “là sông” núi thiên nhiên, “là mồ hôi” nỗ lực, “là hơi thở” sự sống tỉnh thức. Cũng như Trịnh Công Sơn, từ “Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều” cho đến “nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng/ Vùng u tối, loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng”, rồi “từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền”. Trong đêm sâu của sự tịch mịch, lời ca thơm hương đã cất lên, lan tỏa “để người về hát đêm hồng/ địa đàng còn in dấu chân”.
Nhận biết tiếng hát và nhận biết dấu chân từ vùng u tối đến địa đàng là một sự kỳ diệu, là phép màu của quá trình nỗ lực để thấy cái – như – là, cái – đang – là trong thực tại. Khi giác tánh chiếu rọi, nhẹ nhàng buông thư, nhẹ nhàng xả bỏ những “nhạt nhoà không tên”, sự vượt thoát xuất hiện ngay trong sinh tử “tựa đám trứng loài sâu li ti”, từ thô ráp cho đến những vi tế “mỏng hơn phiến lá”. Lúc đó “ngày hửng khi mặt trời ấm lại trong lồng ngực”.
Khát vọng được nuôi dưỡng và niềm tin được làm sung mãn về thế giới bình đẳng, đại đồng, đại hỉ. Tôn tổ và chúng thiện nhân ba đời mười phương vẫn nhất tâm nguyện cầu tứ sinh cửu hữu đồng giác ngộ lý của pháp thân, đồng chứng nhập thể của pháp thân. Hết thảy rồi sẽ được chánh báo thân mà đồng đăng Hoa-Tạng-Huyền-Môn thế giới Liên-Hoa nơi thập phương ức độ cõi Phật; bát nạn tam đồ chướng sâu nghiệp nặng nơi tam giới được cộng nhập hết thảy cùng chân như vô cùng vô tận Tỳ-Lô-Tánh-Hải, đồng pháp giới thanh tịnh Phật tánh vô biên tế.
Ngày hửng vì có mặt trời!
Người hửng vì có trái tim!
Hãy lắng nghe “tiếng hát của loài sâu”, và như “loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng” (Trịnh Công Sơn), hãy cùng hát lên, hát lên tiếng – hát – của – con – người!
Nguyễn Thành Hưởng
(Pháp danh Nguyên Thành)