Bút ký Vương Tâm
Có lần đi chợ Hàng, ở thành phố Hải Phòng tôi mua được bức tượng gỗ hình một lão nông đang phê thuốc lào. Nghe chủ hàng nói bức tượng này do nghệ nhân ở làng Bảo Hà (Đồng Minh, Vĩnh Bảo) điêu khắc. Tôi ngắm mãi cái miệng nhả khói tròn vo và đôi mắt của lão nông đang bay trong làn khói. Một chân dung xinh xinh nhưng lại có nhiều nét khắc họa sống động, tinh tế có hồn cốt đê mê. Bức tượng lão nông say như mơ ấy bỗng hiện lên trước mắt tôi và ho sặc sụa vì khói thuốc. Có lẽ ông lão đã bị phê thuốc lào Vĩnh Bảo quê nhà. Tôi bị bức tượng thôi miên vì chợt thấy lão nông ấy cất tiếng hát. Đó là một câu xẩm đang nỉ non bên chợ Hàng rằng: “Thôi thôi một lũ thằng hề/ Gió mây ta lại tìm về gió mây” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Rồi tôi bị cơn ho của ông làm giật mình tỉnh táo trở lại. Tôi dụi mắt thì ra bức tượng vẫn đang ở trong tay tôi chứ đâu. Biểu hình lão nông từ Bảo Hà làm tôi vô cùng thích thú và hẹn một ngày về quê ông…
Những huyền thoại lạ lùng bên sông Hóa
Một ngày đầu xuân, tôi về Bảo Hà (xã Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) theo con đò trên sông Hóa. Đường làng đi thẳng tới bến đò và cách chân đê không bao xa và cũng là lối rẽ vào miếu Bảo Hà gần nhất. Người lái đò nói miếu có ngôi tượng Thành Hoàng làng, Linh Lang đại vương biết đứng, biết ngồi. Ngài có gương mặt phúc hậu và ánh mắt nhân từ luôn chào đón các phật tử tới dâng hương. Miếu làng Bảo Hà thờ ngài Linh Lang là người anh hùng có công dẹp giặc Tống xâm lược nước ta. Theo cổ sử ngài chính là Hoàng tử Hoàng Chân con vua Lý Thái Tông (1028-1054). Năm 1069 ngài đã đậu thuyền chiến tại bến sông và dừng chân ở đất Bảo Hà để luyện tập binh sĩ và tuyển mộ thêm quân lính. Miếu chính là nơi xưa ngài ngự giá. Hay tin Hoàng Tử mất, dân làng Bảo Hà xây miếu thờ ngài là Thành Hoàng làng. Các triều đại sau này đều tôn ngài là “Thưởng Đẳng Thần”. Nghe vậy tôi háo hức rảo bước nhanh trên đường làng bên những hàng cây hoa cúc vàng dọc cánh đồng xanh mướt. Đó là một ngôi miếu cổ gần ngàn năm tạo nên cảm giác linh thiêng cùng với những bức tượng sống động như người thật ám ảnh lòng người. Tôi rụt rè bước chân bên thềm miếu cổ trong tiếng chuông ngân nga chào đón một cách dịu dàng.
Sau khi nghe chuyện của ông Nguyễn Văn Nghĩa, người quản Miếu Bảo Hà, tôi càng biết thêm những nghệ nhân điêu khắc ở đây hết sức tài hoa. Đã bao đời nay nghề tạc tượng ở Bảo Hà nổi tiếng khắp xứ Đông. Không ít nghệ nhân tài giỏi đã được vời vào cung vua làm việc và được phong danh tước cao sang, Ông kể, nghệ nhân tổ nghề Nguyễn Công Huệ đã tạc pho tượng Thành Hoàng làng to đúng bằng người thật; Chân và tay pho tượng có nhiều khớp dễ chuyển động, khi có sự điều khiển bằng tay, hay tự động khi cánh cửa hậu cùng đóng mở. Hẳn chăng tổ nghề tài hoa đã vận dụng nghệ thuật múa rối để điều khiển bức tượng bằng những kỹ thuật khéo tay. Họ làm cho bức tượng có thể khoan thai đứng lên, ngồi xuống tỏ tình thân thiện với dân làng vào lễ hội hàng năm. Giờ đây, câu chuyện bức tượng chuyển động không còn là điều thần bí mà là nghệ thuật ứng dụng cổ xưa của người dân Bảo Hà. Đồng thời đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật mà các nghệ nhân đã thể hiện những ngón nghề tạc tượng gỗ tinh xảo bậc nhất của làng đã có hơn 500 năm qua. Tôi mải mê ngắm bức tượng nhân từ đứng lên như mỉm cười thân thiện. Ngài như đang trò chuyện cùng tôi và không khí trở nên thanh thản ấm cúng. Hình tượng linh thiêng đó làm tôi nhớ tới Phật Hoàng thiền sư Trần Nhân Tông trên Yên Tử cùng những câu thơ thiền thâm trầm xuất chúng: “Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày/ Thềm hoa chiếu rợp bóng mây bay/ Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế/ Cùng tựa lan can nhìn núi mây” (Cảnh xuân-Nguyễn Huệ Chi dịch).
Chúng tôi đang hồ hởi nói chuyện với ông Nghĩa bỗng có tiếng vui reo của những bạn trẻ bên hồ trước miếu. Thấy mọi người có vẻ ngạc nhiên, ông Nghĩa nói các cháu ở ngoài đó đang xem những quả bưởi vửa thả vào giếng ngọc trong miếu mới nổi lên mặt nước. Ai nấy đều hể hả và không hiểu sao thả bưởi trong miếu mà lại thấy nổi ở tận ngoài hồ xa. Có người ký tên vào quả bưởi rồi chờ đợi ngoài bến hồ. Họ reo lên khi thấy tên mình trên quả bưởi nổi bềnh trên mặt nước. Có một suối nguồn bí mật nào đó chăng dẫn quả bười dưới mặt đất như một phép biến hóa kỳ thú. Đây cũng là một nét độc đáo của miếu Bảo Hà mà không nơi nào có được. Mấy người cũng ra lấy bưởi ký tên mình rồi thả xuống giếng bán nguyệt vì quá tò mò. Một số còn lại được ông Nghĩa dẫn đi xem những bức tượng cổ nhất được lưu trữ trong miếu hàng trăm năm nay. Miếu như một bảo tàng tượng gỗ cổ do chính các nghệ nhân của làng chế tác bao đời nay. Đó là những tác phẩm điêu khắc dân gian kết hợp với kỹ thuật sơn son thếp vàng siêu đẳng. Ngoài tượng Thánh Linh Lang, còn hàng chục tượng gỗ khác được xếp chúng quanh miếu. Đó là tượng Tố Nữ, tượng Quan Văn, Quan Võ, tượng Phỗng… Đặc biệt, chúng tôi bị hút hồn bởi khi vừa ngắm tới tượng tổ nghề Nguyễn Công Huệ (được xếp riêng một gian). Đây chính là nhân vật thứ hai mà dân làng Bảo Hà tôn thờ tại miếu cùng Linh Lang Đại Vương. Ngắm nhìn pho tượng tổ nghề mà không ai dứt ra được bởi cái thần thái thơ thới lạc quan cùng nét ngang tàng dạn dĩ đậm chất dân gian. Đó là nụ cười sảng khoái sau khi hoàn thành một công trình nghệ thuật mà cụ tổ vừa làm xong. Ông gác chân lên ghế, phanh áo ngực trong tư thế hoan hỉ với tâm cảm: “Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng/ Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành/ Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh/ Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng” (Trăng trối – Tố Hữu).
Nhớ những chuyện xưa vào thế kỷ XV, người quản miếu kể lại, chàng trai tài hoa và khéo tay Nguyễn Công Huệ ngày ấy bị giặc nhà Minh đô hộ nước ta (1407-1472) bắt đi quân dịch ở Quan Xưởng, Trung Quốc. Nguyễn Công Huệ đã âm thầm học hỏi những ngón nghề điêu khắc từ những nghệ nhân tài giỏi nơi xứ người. Mười năm tu chí làm ăn, đến đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), Nguyễn Công Huệ được trở về. Ông đã truyền nghề cho bà con quanh vùng và chỉ dẫn lập xưởng gỗ và sản xuất làm ăn. Năm lại năm, nghề tạc tượng gỗ ngày mỗi ngày càng phát đạt. Những người thợ của làng còn tỏa đi khắp nơi tạc tượng phật và sơn son thếp vàng cho các đình chùa. Nghề tạc tượng phật, quan văn, quan võ, tố nữ, ông phỗng…; Cùng các đồ thờ cúng như ngựa, hạc, kệ, lục bình, chân nến, bàn thờ… của Bảo Hà nức tiếng thiên hạ. Rất nhiều bức tượng phật cổ ở chùa Mía và chùa Thầy ở Hà Nội, đều do một tay những người thợ Bảo Hà làm nên. Họ đều là những nghệ sĩ chân đất với những nét khắc chạm tinh tế, nuột nà. Nhiều bức chân dung người hết sức chân thật và dung dị như ở ngoài đời. Nhìn những gương mặt gỗ nhưng lại có hồn cốt thân thiện như muốn trò chuyện cùng người. Đặc biệt những bức tượng phật và chân dung truyền thần ở Bảo Hà nức tiếng khắp vùng. Trong dân gian lưu truyền ngạn ngữ tôn vinh nghề ở Bảo Hà mà lâu nay ai cũng tỏ tường rằng: “Linh Động xứ đông/ Sơn Đồng xứ Đoài”. Linh Động là tên làng cổ của Bảo Hà. Ông tổ nghề Nguyễn Công Huệ, sau khi mất được phường thợ và dân làng Bảo Hà lập ban thờ trong Miếu với bức hoành phi tôn vinh là “Bách thế sư” tức là người thầy của muôn đời.
Lớp học trò sau của thầy Nguyễn Công Huệ có nhiều nhà điêu khắc cũng hết sức nổi tiếng và được triều đình trọng dụng. Trong số đó, nghệ nhân Tô Phú Vượng còn được vua Lê quý trọng và phong sắc “Hoàng tín đại phu Kỳ tài hầu”. Tương truyền bức tượng tổ nghề do chính cụ tổ Nguyễn Công Huệ tự tạc chân dung mình. Quả là điều kỳ thú, bức tượng thật sự tài hoa chứng tỏ tài năng xuất chúng. Nhưng lại có lưu truyền rằng bức tượng đó chính do nghệ nhân Tô Phú Luật tạc nên với cách miêu tả độc đáo mà chỉ ở ông mới có được. Xem ra những nghệ nhân dòng họ Tô ở Bảo Hà đều rực sáng với bàn tay vàng của mình. Riêng nghệ nhân Tô Phú Vượng (em trai nghệ nhân Tô Phú Luật) còn được phong danh vì tài năng rất kinh dị. Cuộc đời ông đã gắn với giai thoại “Hạt gạo thành voi” hết sức thần thánh.
Ấy là chuyện nghệ nhân Tô Phú Vượng đã được triều đình gọi lên kinh đục ngai vàng cho vua Lê Hiển Tông (1717-1786) ngồi. Ông cho con rể là Hoàng Đình Ức đi theo phụ việc cùng làm. Đây là tác phẩm nghệ thuật được đục, khắc chạm họa tiết trên một khối gỗ liền lạc không lắp ghép. Sau khi hoàn thành, nghệ nhân Tô Phú Vượng thấy ngai vua quá sang trọng và khoái trá đúng với ý tưởng sáng tạo. Bất ngờ ông đã hứng chí ngồi thử để kiểm tra xem cảm giác ra sao. Nhưng không ngờ việc làm đó phạm phải điều cấm kỵ và mắc tội khi quân. Có kẻ đã mách tới tai vua nên ông bị tống giam, cầm tù chờ chém đầu vì phạm thượng. Trước khi bị đưa vào ngục tối, ông vẫn còn ngoái lại ngắm ngai vàng của mình mới hoàn thành và nở nụ cười thật mỹ mãn.
Nghệ nhân đành ôm hận đón lấy cái chết oan uổng chỉ vì sự tình cờ không đâu. Trong đêm tối, ông vẫn mơ tưởng tới những vẩy rồng được mài dũa óng mượt trên chiếc ngai vàng sang trọng. Ông nghĩ giá mà được sống mình sẽ còn sửa chiếc ngai vàng đó cho đẹp hơn. Hẳn khi đó vua càng hài lòng mỗi khi ngự giá. Nghĩ vậy đôi mắt nghệ nhân càng thêm buồn vì đã lỡ thời cơ. Ấy thế rồi, một lần tình cờ trong nhà lao ông nhặt được 7 hạt thóc từ chiếc chiếu rơm đang nằm. Dưới ánh trăng hắt bóng và tia sáng bập bùng của cây nến nhỏ, ông tỉ mẩn bóc vỏ những hạt thóc rồi lấy móng tay mình cùng chiếc kim găm trên chiếc khăn đội để khắc thành những con voi. Bảy hạt gạo thành bảy chú voi với những tư thế khác nhau. Mỗi con một vẻ cùng thể hiện nỗi buồn vô tận trong cõi lòng oan khuất. Ông say sưa ngắm đàn voi trắng của mình với suy tư về số mệnh. Nghệ nhân than thở với con số 7 trong thần số học luôn mang theo chiều sâu và đầy bí ẩn. Sự trầm luân cuộc đời thật bi phẫn trong tâm hồn người nghệ sĩ như ông. Nhưng không ngờ, thần may mắn đã đến với ông khi đàn voi siêu bé kia cất tiếng với trời đất và núi non. Người cai ngục mang bữa cơm cuối cùng tới thì bất ngờ phát hiện ra 7 chú voi được bày trên một chiếc lá rơi hắt từ ngoài sân vào trong ngục. Cai ngục sửng sốt vì như nghe thấy đàn voi hý vang lời vạn sự oan khiên. Ông ta vội báo với vua về đàn voi kỳ lạ này. Tiếng vang đồn khắp kinh thành, vua thân chinh xuống ngục, trực tiếp nhìn thấy những chú voi hạt gạo và hết sức kinh ngạc. Ngay lập tức, vua đã không những tha tội cho người nghệ nhân xuất chúng Tô Phú Vương mà còn phong cho danh hiệu “Kỳ tài hầu”.
Cùng là học trò giỏi của nghệ sư Nguyễn Công Huệ còn có Hoàng Đình Ức, cũng được vua phong Cục phó nam tước vì giỏi nghề và có bàn tay vàng. Hay như nghệ nhân Tô Phú Luật được phong “Diệu nghệ bá”… Hiện trong các nhà thờ họ Tô và Hoàng trong làng vẫn có giữ các sắc phong và công trạng của các nghệ nhân nổi tiếng hàng trăm năm qua. Hiện có rất nhiều tác phẩm tượng phật rất kỳ công của những nghệ nhân Bảo Hà được lưu trữ tại các chùa nổi tiếng như chùa Thầy, chùa Mía ở Hà Nội. Đặc biệt bức tượng “Phật Bà nghìn tay nghìn mắt” của Kỳ tài hầu Tô Phú Vượng được thờ ở chùa Bút Tháp (Đình Tổ – Thuận Thành – Bắc Ninh) là một điển hình cho nghệ thuật điêu khắc gỗ cực kỳ tinh xảo và thấm đẫm chất nhân văn của làng nghề Bảo Hà. Không những thế, những thợ giỏi nghề trong làng thường đi khắp nơi làm tượng phật chùa tại các tỉnh như Ninh Giang (Hải Dương); Tiên Lãng (Hải Phòng); hay như Đông Hưng (Thái Bình); Thạch Thất, Đường Lâm (Hà Nội); hoặc Thuận Thành (Bắc Ninh)… Đó chính là niềm tự hào mà dân làng nơi đây vẫn ghi tạc: “Sơn son hồn phật tượng Bảo Hà/ Vang danh thiên hạ khắp gần xa/ Chắp tay chính niệm tâm dâng lễ/ Hương khói bay về đất quê nhà”.
Những đôi mắt thời gian
Do nghề tạc tượng khéo léo với khả năng lắp ghép chuyển động, ở Bảo Hà còn sinh thành ra nghề làm con rối. Đó là những nhân vật dân gian chuyển động trên sân khấu với những tích trò diễn ra trong các lễ hội và sinh hoạt văn hóa xã hội thường niên. Chính vì thế mà đất Vĩnh Bảo có nhiều phường rối cạn, điều khiển bằng tay kết hợp với que tre và dây để diễn trò trên sân khấu. Nhiều nhà nghiên cứu có lần đã khẳng định, Bảo Hà là nơi sinh ra những con rối có nét đặc sắc riêng mà không phường rối nào ở nước ta có được. Đó quả là niềm tự hào và cũng là truyền thống văn hóa dân gian đặc sắc đã hình thành tại vùng đất “chiêm khê mùa thối” Vĩnh Bảo. Đây là nơi được sông Luộc, sông Thái Bình và sông Hóa bồi đắp chở che. Và những chú Tễu cũng sinh thành tại nơi đây dưới sự tài hoa của cánh thợ Bảo Hà. Nhiều con rối cổ được lưu giữ tại làng như những bảo vật quý hiếm và làm mẫu chế tác cho nhiều phường rối khác khắp xứ Đông một thuở. Có người còn nói rối cạn ở Bảo Hà ra đời sớm nhất trên đất nước ta. Điều minh chứng xếp hạng rối cạn ở đây là nghệ thuật biểu diễn rối “tay trong” hay gọi là “que trụ” hoặc “que trong” mà không nơi nào có được. Theo như ông Nguyễn Văn Tươm, đồi trưởng sân khấu rối cạn Bảo Hà, nói: hầu hết các phường rối khác đều dùng que hoặc dây ở phía ngoài để điều khiển động tác con rối. Chính vì thế người xem có thể phát hiện được và mất đi cảm xúc tự nhiên từ các nhân vật được biểu diễn. Riêng con rối Bảo Hà chỉ nhờ vào một que duy nhất ở bên trong để điều khiển động tác thể hiện cảm xúc mà không bị lộ kỹ thuật sân khấu. Đây cũng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Khi chúng tôi được xem các nghệ nhân biểu diễn trích đoạn “Tứ Linh” trong vở “Trương Viên” mới thấy rõ sự thanh thoát trong từng động tác theo lời hát và giọng thoại rất tinh tế.
Những nhân vật rối trong các vở diễn đều được các nghệ nhân Bảo Hà tạc theo mẫu gần với ngoài đời. Sự cách điệu ở hình tượng là sự tối giản và tôn trọng thần thái của nhân vật được tạo hình trên sân khấu. Đó chính là tính kế thừa với mỹ cảm “cực thực” trong hội họa. Các nghệ nhân tạo tác nhân vật rối giống hệt với tính cách và diện mạo của câu chuyện làm cho người xem bị hút hồn qua thái độ và hành vi của con rối. Đây cũng chính là nghệ thuật ước lệ trong nghệ thuật tuồng của ông cha ta. Chúng tôi ngắm một nhân vật rối tạc một ông quan vương triều xưa mới hay chân dung nhân vật hiện ra rõ mồn một từ nét mặt, cái mũi, bộ râu. Đặc biệt là con mắt có độ tinh tế biểu cảm chứ không cứng đơ con mắt gỗ thô kệch. Thêm nữa cái đẹp của nhân vật rối còn được các nghệ nhân phủ sơn son thếp vàng làm cho gần với cuộc sống rất đời nhưng không kém phần lung linh. Chính vì chăm chút tới tiêu chí nghệ thuật “Cực thực” nên các bức tượng phật của Bảo Hà luôn được các chùa đặt hàng. Hơn nữa trong hàng chục năm qua các nghệ nhân tài hoa ở Bảo Hà còn là nơi đầu tiên đẻ ra dòng nghệ thuật điêu khắc “Truyền thần” qua ảnh. Đây là một nghề mới và cực khó đối với bất cứ ai làm nghề điêu khắc gỗ. Theo chỉ dẫn của người quản Miếu, tôi tìm đến một truyền nhân khác trong làng. Với đôi bàn tay tài hoa, nghệ nhân này có thể trò chuyện với những nhân vật mà mình đã tạo nên qua ảnh. Thậm chí, đó còn là bức ảnh mờ mịt qua thời gian ngỡ như bị phai mòn chỉ loáng thoáng vài ba nét sơ sài. Vậy mà những người thợ giỏi ở Bảo Hà đã phục chế lại bằng những nét chạm đục và khoét những lớp gỗ mỏng tang. Phải nói đó là những ngón độc của làng Bảo Hà vì điêu khắc chân dung quả là khó nhất trong nghề làm tượng gỗ ở bất cứ làng nghề nào.
Câu chuyện của làng điêu khắc gỗ Bảo Hà càng cuốn hút tôi. Bức tượng lão nông hút thuốc lào ngày nào trở về với nụ cười và đôi mắt say thuốc luôn ám ảnh trong tôi. Người tôi gặp đầu tiên chuyên tạc tượng chân dung truyền thần là “Nghệ nhân dân gian” Đỗ Văn Bưởng ở xóm Quyết Thắng thôn Bảo Hà. Gặp ông đúng là gặp một pho sử của làng nghề với nhiều câu chuyện thú vị. Ông có tài tạc tượng chân dung theo ảnh. Tôi đến đúng lúc ông đang chăm chú làm việc ngay tại góc sân. Ông nói giờ đã ngoài tuổi bảy mươi (sinh năm 1950), mắt kém nên cần phải ngồi ngoài nắng và soi kính lúp nhìn cho rõ nét ảnh. Họ toàn đưa những ảnh đã phai nhạt theo thời gian. Đặc biệt là những ảnh đen trắng được chụp từ nhiều năm đã cũ nát có dùng kỹ thuật khôi phục cũng chỉ là ảnh với sắc độ nhòe mờ. Nhiều bức chỉ mờ mờ làm ông phải hình dung với những nét khắc họa khi tham khảo các ảnh của những người thân quen mà dựng gương mặt nhân vật. Một kiểu khắc tượng khó vào bậc nhất. Và, đó cũng là một sự lựa chọn đầy thử thách. Ở làng cũng chỉ có mươi người dấn thân làm việc này. Một ăn cả ngã về không. Bởi chỉ một vết đục nhỡ tay là “rách” luôn cái mặt, một cú phỏng đoán về gò má là quyết định cả một khuôn hình. Hay nếu chỉ với một nét cong không chính xác của mí mắt là làm tan vỡ cả hồn phách. Đó là cái tinh thần bên trong của nhân vật cần phải được dựng nên với độ chính xác tuyệt đối.
Nghe nói vậy, tôi hình dung phần nào những nét tài tình của bàn tay phù phép khắc trên gỗ của ông Bưởng. Tôi xuýt xoa khi ngắm các nhân vật được bày la liệt trên sàn nhà. Mỗi nhân vật, ông kể một câu chuyện. Rằng, tượng ông già này được một tay đại gia đưa đến đòi dựng tượng theo ảnh với kích thước cao lớn ngồi trên ghế. Tay đại gia nọ đã đặt tiền một nửa sau khi xem mẫu thấy đúng là mặt của cha mình. Tết này là đến trao tiền rồi rước tượng về. Lại còn bà kia nữa, người hàng xóm của ông, thấy ông tạc ai cũng giống quá nên cũng muốn dựng một bức để sau này con cháu thờ cúng. Đúng là kiểu chơi của con nhà giàu. Mốt dựng tượng thờ mới sang trọng… Câu chuyện của nghệ nhân cuốn hút tôi và ông cũng say mê công việc và còn bế những pho tượng để tôi chụp ảnh. Đôi mắt nghệ nhân sáng láng với tác phẩm điêu khắc chân dung của mình. Có lúc tôi bỗng giật mình khi ngắm một bức tượng qua ống kính vì đôi mắt của nhân vật như muốn nói điều gì đó. Có đôi mắt nửa vui nửa buồn. Có đôi mắt hiền từ trao gửi nỗi niềm yêu thương cuộc đời. Lại có đôi mắt già nhìn ẩn ức với giấc mơ trong mộng du không tưởng. Thật đáng yêu sao, khi tôi chụp được bức ảnh nghệ nhân đi dạo giữa những nhân vật gỗ vây quanh. Ngẫm mà vui cùng tâm hồn nghệ sĩ như ông: “Bước chân lảo đảo miệng cười/ Lão đi như múa rong chơi cõi tình/ Ngón tay say khướt rung rinh/ Rượu cười cái thói một mình lẻ loi…” (Hề say, trong điệu chèo lới lơ).
Tôi bất ngờ hỏi ông có bao giờ bị thất bại, bị trả hàng vì tạc không giống ảnh không. Ông nói ngay là có mà không phải ít lần. Đó là những khi gặp phải bức ảnh cũ nát mà ông phải phỏng đoán hay tưởng tượng về những nếp nhăn hay khóe miệng. Ông kể ngay trường hợp chính người trong làng đến đặt tạc tượng theo ảnh của cụ nội. Khi mất cả nửa tháng trời hình dung và nhớ lại qua ảnh, ông Bưởng mới hoàn thành hợp đồng. Khi đến xem tượng, anh ta chê là không giống cụ nhà mình và kiên quyết từ chối. Thậm chí còn đôi co với ông Bưởng và không trả tiền. Ông Bưởng đành bày bức tượng ở góc nhà để làm kỷ niệm. Nhưng không ngờ nhiều người làng đến chơi đều nhận ra mặt của ông cụ được tạc tượng này. Phải tới mấy tháng sau, nghe bà con khẳng định mặt người nhà ấy giống hệt mặt tượng. Bởi đó là hình ảnh và những ký ức đã in sâu trong thời gian đối với những người già. Cuộc sống nơi đồng quê là vậy. Sau đó người con trai kia mới bùi ngùi đến gặp nghệ nhân xin lỗi và nhận cụ ông nhà mình về thờ. Thì ra muốn nhận ra mặt thật của người nhà mình cũng không đơn giản chỉ vì cái ảnh mờ mịt theo năm tháng…
Khi tôi hỏi ông Bưởng về con cháu họ Tô, dòng dõi nổi tiếng trong làng, có người nào làm nghề tạc tượng truyền thần; thì nghệ nhân giới thiệu ngay về ông Tô Văn Hữu. Đây là nghệ nhân tài hoa vào bậc nhất trong làng. Cửa hàng của nghệ nhân Tô Văn Hữu lúc nào cũng đông khách và bán nhiều loại hàng mỹ thuật gỗ. Ông Hữu có các tác phẩm nổi tiếng với bức tượng chân dung cụ Dương Đức Nhan, nhạc phụ của Trạng Trình và một số chân dung quan lại và các tiến sĩ nổi tiếng của đất Vĩnh Bảo. Nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng cho hay, nghệ thuật tạc tượng chân dung truyền thần qua ảnh, không chỉ cần giống như thật mà còn tạo dáng với bố cục thân mình và trang phục phù hợp. Sau đó mới tính tới xử lý sơn son thếp vàng cho sống động. Đặc biệt, nét thần thái của nhân vật lại nằm ở đôi mắt nên nghệ thuật ủ sơn cần tỉ mỉ và mài sơn thật kỹ lưỡng. Ông còn cho biết sự khác biệt của sơn mài Bảo Hà chính là kỹ thuật xử lý sơn ta (nhựa cây sơn) theo kinh nghiệm cổ truyền nhưng rất khoa học với 8 lớp sơn hòa sắc. Do vậy, tượng phật của Bảo Hà luôn ám ảnh người xem bởi sự thẳm sâu bên trong đôi mắt. Ông còn dùng từ những đôi mắt làm mê hoặc các phật tử. Đó là những ấn tượng: “Mắt là đôi mắt bàn tay/ Nghe con tim đập mỗi ngày thiết tha/ Chùm hoa khế tím hiên nhà/ Cứ nhìn đau đáu xót xa mắt buồn” (lời bài hát Văn). Vậy nên kho tượng phật tại miếu Bảo Hà là minh chứng sâu sắc nhất cho những bàn tay tài hoa của nghệ nhân trong làng bao đời nay. Miếu đã được nhà nước công nhận là di tích văn hóa quốc gia (1991) với những kiệt tác điêu khắc gỗ Bảo Hà.
Những tố nữ môi hồng
Tôi đang hào hứng nghe chuyện thì đâu đó có một giọng hát chèo lanh lảnh vang lên. Ông Bưởng nói đó là đội rối đang tập chuẩn bị cho ngày giỗ tổ nghề đó (vào ngày 18 tháng 6 âm lịch). Đã có câu: “Lừng danh tượng phật Bảo Hà/ Trẻ già đi khắp gần xa hành nghề/ Mười tám tháng Sáu hội quê/ Giỗ Tổ, phường thợ nhớ về thắp hương” (Vè dân gian). Những con rối của trai làng này làm ra. Đó là tiếng loa vang vang của những chú Tễu báo sắp có hội làng. Nghệ nhân Bưởng còn mang ra một chú Tễu mà ông đã tạo hình một thiếu niên xưa. Tễu có miệng cười hết cỡ lộ hàm răng trắng bóng cùng hai lọn tóc hình trái đào. Tễu là nhân vật đầu trò cho mỗi tiết mục tựa như một MC dẫn chương trình ngày nay. Sau đó là những trò diễn hay kịch bản được trích đoạn từ những vở chèo kinh điển. Nhưng có lẽ vui nhất là màn những con rối Tố nữ múa hát chào đón mùa xuân. Tiếng hát rộn ràng như cuốn hút hồn tôi. Con sóng sông Hóa êm đềm trôi trong tiếng hát vang xa. Tôi chậm rãi bước theo tiếng hát trong một chiều xuân. Lời ca dấm dứt nỗi niềm về tình yêu quê hương: “Ai về sông Hóa bến vui. Bảo Hà vào hội xin mời đò sang. Trời xuân nắng ấm mênh mang. Chúng em Tố nữ, những nàng xinh tươi. Lời xinh, lời ngọt, lời vui. Đón người khao khát một trời nhớ thương…”. Tôi lặng người ngắm những con rối tố nữ môi hồng, rung rinh mái tóc đuôi gà, với lúm đồng tiền khoe sắc. Đó là những bức tượng biết nhảy múa và hát ca về một mùa tình yêu đang đến.