Lê Văn Lạo
Khi đọc một bài thơ hoặc một câu thơ hay, tôi thường dừng lại nghĩ ngợi, để lòng mình lắng xuống, các giác quan tự nhiên mở ra, xúc cảm lan toả, trí tưởng tượng bay lên… Sung sướng lắm, như được khám phá thêm chính mình, khơi dậy các góc khuất nào đó của lòng mình, làm giàu thêm cảm xúc, làm giàu thêm tâm hồn mình, để lòng mình như “Bừng thức” (Trần Nhuận Minh). Cảm ơn đời đã sinh ra các thi sĩ, các nhà thơ.
Học theo cách của nhà thơ Trần Nhuận Minh, tôi để các giác quan rung lên, xổng ra, không dám “gõ”, sợ cái cảm xúc mong manh kia bay mất, mà chỉ khe khẽ “tìm”, để may ra sẽ “gặp” như lời đề từ ở đầu sách mà tác giả trích từ Kinh Thánh:
“Hãy gõ cửa rồi cửa sẽ mở
Hãy đi tìm rồi người sẽ gặp.”
Tôi đọc tập thơ (cả tập không có đầu đề – trừ bài “Bừng thức”), đọc chút lại ngừng. Có cái gì mới mẻ quá, không giống như bất cứ đâu mà lại giống rất nhiều. Những điều ấy tôi vẫn mang mang cảm thấy mà bây giờ có người nói hộ lại nói rất hay. Ở đấy, câu thơ ảo mà thực, thực mà ảo, ngỡ vu vơ mà không vu vơ, không nói mà lại nói, nói rất ý vị, sâu xa, khó nắm bắt, như chỉ để cảm, để rung ngân, tôi muốn dùng hồn để cảm áng thơ.
Trái đất từ thời Galilê, Côpécníc… đã biết luôn quay và nghiêng. Đến khi nó vào thơ:
“Tôi đi chênh chếch 23 độ nghiêng
Các giác quan mở đóng khôn lường
(Trang 70)
Thì đây, sao không là câu thơ có tính phát hiện. Từ đây mà có:
“Câu thơ cũng đi chênh chếch 23 độ nghiêng
Mà có bốn mùa
Bên này câu thơ tuyết rơi
Bên kia câu thơ nắng gắt…”
(Trang 70 – 71)
Bản thân cuộc đời này, xưa nay có cái gì tuyệt đối ngay ngắn mãi đâu? Nay đúng, mai sai; hôm nay còn, mai mất. Bản thân hành tinh đã nghiêng 23 độ, nghiêng mà vững vàng, nghiêng giữa bao la vũ trụ, mà con người nơi đây chỉ là hạt bụi, ngỡ thẳng mà khó thẳng; đầu tưởng tới sao trời, nhưng rồi đang chúc xuống… Vậy thì trách gì mọi lý thuyết, triết thuyết, kinh sách dù nghiêm túc, sáng tạo mấy, nhưng do chủ quan con người làm ra, có thể đúng mà chưa hẳn đúng, lúc này đúng, lúc khác phải xem lại; phủ định nó để có cái mới hơn, tiến bộ hơn, nhưng không loại trừ….
Con người nhỏ bé, ngắn ngủi đến thảm hại giữa mênh mông vũ trụ ấy mà luôn luôn:
“Trái đất ba phần là nước mắt”
(Xuân Diệu)
Và cũng hơn thế:
“Máu ta chảy qua địa tầng đen thẳm”
(Bừng Thức)
Mỗi “hạt” người li ti ấy mà quen gọi “tiểu vũ trụ” đi qua thời gian, không gian không đáy, qua vũ trụ, rồi muốn hay không, dân thường và vua chúa đều:
“Bởi sau đó
Tôi hoàn toàn không biết gì…”
(Trang 71)
Vậy mà luôn luôn “cõi trần là bể khổ”. Không biết từ bao giờ Đức Phật đã nói một câu đúng thế, chính xác thế. Cứu rỗi mãi rồi mà những kiếp “Bá Kim”, “Ông Hủi”, ‘Dì Nga”…. (Các bài thơ của Trần Nhuận Minh ở tập “Nhà thơ và hoa cỏ”) cứ vật vã đau khổ. Có thương cảm thế cũng khó lấp nổi nỗi đau khổ trong bể khổ trần gian. Vậy mà con người nhiều khi vô cảm với nỗi đau đồng loại, nỗi đau con người. Có lẽ chính vì chúng ta, kể cả tác giả đã quá mệt mỏi, chán ngán:
“Mọi yêu ghét ta chả cần nhớ nữa
Vĩnh biệt nhé nắng chiều côi cút gió”
(Bừng thức)
Cuộc đời có gì đó muốn chán mà không chán được, muốn trút bỏ mà khó trút bỏ. Không thể “là thi sĩ nghĩa là ru với gió” (Xuân Diệu), mà con người, nhất là các nhà thơ với giác quan nhạy bén để cảm nhận được đầy đủ cần phải “cởi trói các giác quan” mới nghe, mới cảm nhận được:
“Bên này
Tiếng thở hào hoa của cây rừng
Mờ tịt khói
Bên kia
Biển đêm đau khổ
Âm u đến tận chân trời…”
(Trang 12)
Đi vào trong sự vật, nhập hồn vào một đấng tối linh nào đó mà tác giả đặt ra là “Đấng Mê Tơi” để biết:
“Ánh trăng vắng lặng
Mà thổi thành gió hiu hiu
Trong hồn cây cỏ
Mà ngân vang trong mỗi tế bào tôi…”
(Trang 61)
Như cảm nhận, thấy được sự liên đới, sự tương phản giữa các đối tượng, các hiện tượng; ánh sáng và bóng tối; cây cỏ và ánh trăng; tôi và không tôi… Các phạm trù ấy trong cuộc sống, trong đời sống tự nhiên và con người như tương tác, miễn trừ, thúc đấy, hỗ trợ nhau để song hành tồn tại như một tất yếu, khó kiến giải, minh biện:
“Cùng lúc sinh ra
Thiên thần và quỷ sứ”
(Trang 15)
Cuộc sống như luôn trớ trêu oái oăm ngoài ý muốn, ngoài mọi cố gắng chủ quan:
“Cái màn đêm phản trắc đầy cạm bẩy
Đâu có bị cái ánh ngày
Chính trực anh minh ruồng bỏ…”
(Trang 15)
Như cái vô lý, phi lý trớ trêu, có thể vô đạo, bất tri ấy cứ tồn tại, chả hiểu tại sao nó thế, nảy sinh bao nghi ngờ, thắc mắc truyền đời qua suốt thời gian, không gian:
“Những bức tường
Truyền nhau câu hỏi
Đời nọ sang đời kia
Nhưng chẳng bao giờ có câu trả lời…”
(Trang 34)
Tất cả đều do “Đấng Mê Tơi” có thể linh thiêng, có thể nhố nhăng nào đó bày đặt, điều hành, đặt cái vô lý thành cái có lý, đặt cái sáng bên cái tối, cái cao sang bên cái thấp hèn, cái khổ đau bên cái sung sướng… Còn có thể hỏi ai, sau khi con người từ ngàn đời đã có những thắc mắc, những câu hỏi ấy, phải cất công đi hỏi ngay chính đấng quyền năng ấy, thì:
“Người vắt dải râu trắng ba ngàn thước
Sang một bên trời
Và phất phới đi…”
(Trang 65)
Tuy không được đáp lời – mà nào có ai mà đáp – chỉ chính trí tuệ, chính tri thức, chính sự anh minh của bản ngã mình có thể phần nào giải toả, an ủi, trấn an:
“… Tôi tin những ý tưởng của mình
Đều vọng tới Đấng Mê Tơi…”
(Trang 79)
Tác giả thật may mắn trộm được cây đàn thơ của trời, chả cần chiết tự mà làm gì, cấu tứ mà làm gì, hồn cứ mang mang đi cùng “thập loại chúng sinh”, đi mang mang trong trời đất. Tiếng thơ cứ ngân vang, cứ vang vọng, như gió thoảng, sương bay, như hương, như khói, không bám vào đâu mà tan trong tất cả. Có lẽ thơ anh ra với thế giới rộng lớn cũng từ những vần thơ “chỉ là thơ” này (Lời tác giả Trần Nhuận Minh).
Về sức mạnh của thơ, tác giả hơn ai hết:
“Những câu thơ mỏng tựa cánh chuồn
Ngàn năm bay ngược bão
…
Cái mỏng manh thắng được cả sắt thép”
(Trang 180)
Cái hay, cái đẹp cụ thể, có vị trí riêng. Còn cái huyền ảo, như mờ mờ ảo ảo… của thơ cũng có vị trí rất đặc biệt của nó, có chỗ đứng nhất định. Hồn thơ của Trần Nhuận Minh thiên sang cái cảm, cái ảo nhiều hơn mà lai láng, thấm đẫm. Tôi cho đây là một thi pháp mới, một phong cách rất đặc biệt, một giọng thơ, một cách cảm không giống bất cứ ai. Áng thơ viết bằng hồn, bằng cảm và người đọc cùng chỉ có thể cảm, mà chỉ có cảm mới hiểu nổi.
Tôi thích cái hay cái đẹp cụ thể, cũng thích cái hay huyền ảo mênh mang. Hồn thơ phiêu lãng ngân mãi trong lòng, ngân lên các cung bậc cảm xúc. Thơ, một món ăn tinh thần thượng hạng. Mỗi bài thơ hay ví như một thứ đặc sản đặc biệt. Có thể trên hết phải có hồn, vượt trên hương và vị. Giữa chốn nhân gian nhộn nhạo này mọi giá trị đều đảo lộn, hoán đổi, cuồng vọng, thì tiếng chuông gió gióng lên, như thức tỉnh, thật quý giá:
“Ta là ai? Thăm thẳm có ta không?
Thì lạ lẫm khác biệt quá đi chứ sao?”
Câu hỏi mình, hỏi đời, hỏi về bản ngã con người. Có thể là có, mà cũng có thể là không. Bản ngã con người là phải có, cần có. Vậy mà người ta quên, người ta đã quên. Với bản ngã thiêng liêng muôn đời, là CON NGƯỜI trong cái tổng thể Thiên – địa – nhân của triết thuyết phương đông thì nó bất diệt, tồn tại vĩnh cửu. Vậy thì không cớ gì con người tự đánh mất mình, tự loại bỏ mình, nhất là sự linh thiêng, phần hồn, phần tinh thần cao khiết, phần thần thánh trong mỗi con người.
Trong mối tổng hoà Thiên – Địa – Nhân ấy, thời gian và không gian, bầu trời và mặt đất, ánh sáng và bóng tối, con người và vạn vật, thực và ảo, hữu hình và vô hình… gắn quyện vào nhau. Sự bài trí của tự nhiên là đầy đủ, hợp lý. Thế giới vốn có bản chất ấy. Chỉ có con người do chủ quan, do khách quan, có thể làm biến dạng méo mó đi…
Nhà thơ muốn bằng thơ khám phá cái thế giới nội tâm, tâm linh huyền ảo, kỳ bí, ẩn khuất ấy, kể cả nội tâm mình. Dù huyền bí, mơ hồ, mọi thứ đều có số phận, có sứ mệnh, vị trí. Hơn hết con người bằng tâm hồn, trí tuệ thần thánh của mình phải đứng trên vị trí tối thượng tối linh của mình. Vậy sao phải tự đánh mất? Nhà thơ đang hướng ta về với bản ngã, với vị trí bản định của mình mà Thượng Đế dành cho – nếu có Thượng Đế thật.
Để có một giọng thơ chỉ là thơ, câu thơ, hồn thơ phiêu lãng như khí trời, ám ảnh ấy quả không dễ và nó cũng khác lạ lắm. Anh hay thơ anh, hay cả hai cùng nhập đồng…?
Với nhà thơ hầu như mọi thứ đều có linh hồn, có giác quan, có cách cảm nhận, có cuộc sống, trường tồn. Hoà đồng, nhập đồng vào đó, các dòng nhạc, các khúc nhạc rung lên… Với thi sĩ thì ở đâu, cái gì cũng có thể thành thơ; thơ của trời, của đất, của vạn vật, cái hiện hữu và cái vô hình, cái yểu mệnh và cái bất tử… cứ để hồn thơ bay bổng lang thang… câu chữ rơi đâu cả…
“Bản xônat hoang dã” buông một đoạn nhạc như rơi từ một cõi nào về, không đầu, không cuối, mơ hồ mà rõ rệt, không tiếng mà vang vọng… cho ta biết, cho ta cảm nhận thế giới một cách tâm linh, hồn hoá, quyến rũ lung linh hơn, giật mình với cách nhìn vật hoá nhỏ nhoi, vụn vặt, tách biệt. Ta, chính ta phải ngỡ ngàng trước cái bao la, kỳ bí của vạn vật, đang song hành mà quên lãng, tụ tán bất kỳ…
Khúc nhạc “Bản xônat hoang dã” gióng lên cái khát vọng khám phá thế giới tâm linh, thế giới nội tâm con người và ngoại giới, tôn vinh con người và đặt vạn vật, hồn hoá ngoại vật. Điều ấy khiến ta không thể vô tâm, vô cảm với ngoại giới, với ngôi nhà – trái đất của chúng ta, có trách nhiệm với chính mình. Trong sự tồn tại của tự nhiên, vạn vật cũng như con người, nhất là con người.
“Không tỏa sáng thì không tồn tại”
(Đá cháy – Trần Nhuận Minh)
Gặp “Bản xônat hoang dã” mà tôi cứ thích nó là “Hoang dã xônat”, tôi sửng sốt trước cách cảm, trước tâm hồn nhà thơ, tự nhiên cũng muốn như nhà thơ, để hồn mình xổng ra, trút bỏ, “cởi trói giác quan” cho tâm hồn mình, tự do bay lượn, biết thêm nhiều chiều của tâm hồn mình, về ngoại giới, về con người, về cái linh thiêng bất tử, các giá trị vĩnh hằng tự nhiên cuộc đời dành cho:
“Hãy gõ cửa rồi sẽ mở
Hãy đi tìm rồi người sẽ gặp”
Rất cảm ơn nhà thơ!