Vài nét về tác giả:
Sinh năm 1976, tại Văn Giang, Hưng Yên, hiện đang công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo, là Hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Hưng Yên. Đàm Huy Đông xuất hiện từ những trang báo dành cho tuổi mới lớn ở thập niên 1990.
Anh là tác giả của các tập thơ: “Miền không có gió”; “Ngày anh không tìm em trong thành phố”; tập truyện ngắn: “Ván cờ đêm”, và các tập truyện thiếu nhi: “Thời hoa đỏ”, “Hội thi tài mùa hạ”, “Hỏa long trận”; đã từng được trao giải thưởng văn học.
Truyện ngắn:
VÁN CỜ ĐÊM
1. Đêm tháng Hai – một cái kén khổng lồ đen sậm. Mưa như bụi cám vạn vạn hạt, quyện với màu đen quyền năng bí ẩn của đêm tạo thành tấm lưới. Cái kén Đêm dường như bị bóp nghẹt, bị thắt chặt bởi cái lưới mưa mỏng hờ không thanh âm dai dẳng. Khúc đê ngoằn ngoèo như con mãng xà vắt mình trong vắng vẻ. Như cái rễ cây mất hút trong lòng đất. Ướt rượt. Nhẽo nhợt. Nhây nhẫy trơn. Xe xịt lốp. Lại thêm cả xăng hết. Chẳng còn cách nào khác, Linh lếch thếch đẩy cục sắt kềnh càng, nặng trĩu lết trên mình con rắn khổng lồ trong tiếng rỉ rả thỏa thuê đêm tình xuân của đám côn trùng.
Xa xa dưới kia, làng xóm ngủ trong cái vỏ im lìm, hiền hậu.
Chốc chốc Linh lại khà khà thật mạnh, phả hơi rượu vào đêm. Hì hục, chếnh choáng. Linh cứ đi như một kẻ không biết đến cái đích của hành trình. Vô định. Lần mò đi được là tốt rồi. Mà đích là cái quái gì. Thích chỗ nào là đích thì nó là đích thôi. Như bây giờ đây Linh chẳng nhìn thấy được gì quá ba bước chân trên hành trình của mình, mà kể cả trong cái khoảng ba bước chân ấy cũng chỉ thấy lờ mờ, thì còn cách nào khác ngoài cách lần mò dò dẫm. Những chấm đèn xa xa kia thì nhìn thấy được nhưng không soi được đường cho Linh, nó chỉ như một lời hứa hẹn rằng thì có một cái gì đó vẫn đang tồn tại ở dưới kia.
2. Nguyên nhân của chuyện Linh cãi nhau kịch liệt với vợ và bỏ nhà đến chỗ thằng bạn uống rượu thật ra vốn chẳng liên quan gì đến vợ chồng Linh. Từ ngày cưới nhau đến giờ cũng đã gần mười năm, chưa bao giờ hai vợ chồng Linh khẩu chiến dữ dội như lần này. Linh là công chức phòng Nông nghiệp huyện, vợ Linh là cô giáo dạy toán ở trường cấp hai. Cuộc sống hai vợ chồng công chức với hai đứa con, một trai một gái, bình dị nhưng ấm áp, cả hai đều hiểu biết, nên ít khi to tiếng.
Vợ chồng Linh chơi thân với vợ chồng Lâm. Linh học cùng với Lâm còn vợ Linh học cùng với Nga, vợ Lâm, học cùng suốt từ lớp Chồi, lớp Mầm đến tận khi học trường Sư phạm. Lâm là bộ đội, sỹ quan của bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ có mặt ở nhà vào những ngày cuối tuần. Nga thì đẹp, lúng liếng, nói như bọn thanh niên bây giờ tán tếu là “dễ gắp”, “vừa miếng”.
Chuyện nhóm nhém từ khi thiên hạ xì xào rằng Nga có bồ. Ôi giời. Tưởng gì. Chuyện ngày thường ở xóm. Thế nhưng nó không còn nhỏ như con thỏ nữa khi đúng cái hôm Lâm bất ngờ về nhà thì được cậu em báo tình cờ thấy cái xe máy của Nga quành vào nhà nghỉ.
Lâm đứng trước cửa “thiên đường sung sướng” của vợ mình với thằng bồ, mắt nhìn tưởng thủng cả lần cửa gỗ, đốt cháy và vò nát không biết bao nhiêu điếu thuốc. Thằng em trai đứng cạnh toát mồ hôi hột, run như cầy sấy, chỉ sợ ông anh làm liều thì án mạng xảy ra. Nó ân hận, nó tự xỉ vả mình, biết thế kệ ông có chó kệ bà có chân. Cứ như mù như điếc có khi lại hay.
Rồi thì cái chốt cửa thiên đường cũng loạch choạch lên tiếng. Cửa he hé mở. Đôi uyên ương vẫn còn đang ngất ngây trong men tình ái, khóe miệng còn thơm bồ đào mỹ tửu chốn thiên thai địa đàng, líu ríu đi ra. Ôi chao. Bỗng trời long đất lở, bỗng đờ người như điện giật cứng hàm, chân tay rụng rời như cua luộc.
Thằng em Lâm mồ hôi toát sống lưng. Run nhất trong tất cả bốn người. Lâm vứt điếu thuốc đang hút giở xuống sàn. Lấy gót giày di nát, bước tới chìa tay cho gã bồ của vợ. Đàng hoàng. Đĩnh đạc. Tự tin. Phong thái như đi gặp đối tác làm ăn, ký hợp đồng.
– Ôi trời, tưởng ai hóa ra ông Tuấn bạn tôi. Tôi chỉ định đi tìm con ô sin nhà tôi thôi, không ngờ gặp ông ở đây. Thế nào, khỏe chứ? À mới ngâm được bình bìm bịp hay lắm, hôm nào sang nhé.
Rồi Lâm quay sang Nga nhẹ nhàng: Sướng không em. Anh Tuấn đây hơn anh chứ?
Lâm nói nhẹ như không, mà đôi chim chích chuột chù kia thì run như giẽ, mặt cắt ba lần cũng không ra máu, chỉ còn thiếu nước quỳ mọp xuống lễ sống Lâm. Nói xong từng ấy câu, Lâm quay sang bảo thằng em.
– Chú xuống trả tiền phòng cho chị và anh Tuấn. Rồi thì Lâm quay đi. Gót giày khua rộn rã và ngạo nghễ, miệng huýt sáo vang như Lượm, tưng tửng như không phải vừa bắt được vợ mình làm trò khỉ trong nhà nghỉ với giai.
Về nhà, Lâm cũng chẳng thèm nói câu gì, dửng dưng như không. Nga thì thấy sống không bằng chết. Nga quỳ xuống ôm lấy chân Lâm. Em sai rồi, tùy anh xử lý. Chỉ xin anh thương con.
Đừng mang con tôi vào chuyện này. Mà chắc có phải con tôi không? À mà từ nay mỗi tháng tôi sẽ đưa cho cô thêm ít tiền, lấy mà đi nhà nghỉ.
Nga gào lên như con thú cùng đường. Đồ khốn nạn, anh là đồ khốn nạn. Nga đứng phắt dậy, lục tủ mang quần áo về nhà mẹ đẻ.
Chuyện căng như thế mà ngoài bốn người hôm ấy ra, người khác tịnh không ai biết một tí gì. Linh là người thứ năm biết khi Lâm gọi điện kể chuyện và bảo xin ông một lời khuyên. Khi ấy, vừa lúc Linh đang bực mình, bực mình vì chuyện ở cơ quan, về đến nhà lại thêm chuyện thằng con đi học nghịch ngợm, bị điểm kém, thế nên Lâm chưa nói xong Linh đã sôi máu lên sùng sục, cứ như là nghe tin vợ mình ngoại tình.
– Khuyên, khuyên cái cục cứt, cái loại đàn bà thối tha ấy, mày tha cho nó lần này sẽ lại có lần sau. Tha cho nó có khi nó nằm ôm mày nhưng lại chìa mông ra cửa sổ cho hàng xóm nó xài. Cút, theo tao là cút, giải tán mẹ nó đi. Linh bắn một tràng chẳng cần suy nghĩ.
– Anh nói gì với ai mà bực dọc thế, cái gì mà thối thây với hàng xóm nó xài là làm sao. Vợ Linh hỏi.
Đang điên tiết vì vợ làu nhàu chuyện thằng con, cái cơn bực dọc vẫn xâm xấp trong người, Linh xẵng giọng: cái gì, cái con bạn quý hóa của cô ấy, đi ngủ với giai. Mẹ bố cái loại đàn bà, có chồng có con rồi.
– Cái loại đàn bà gì. Các ông cũng phải xem lại các ông xem, ông Lâm thế nào con Nga nó mới như thế chứ. Vợ Linh cũng đang cáu giận đầy người, nghe chồng nói như chửi mình thì vặc lại ngay.
– Xem cái gì, đã đĩ bợm lại còn đổ vạ, còn cả cô nữa đấy, cứ liệu cái thần hồn.
Ô hay, chồng nói thế thì chịu làm sao được, nói thế khác gì bảo mày cũng giống nó, mày cũng cùng một giuộc.
– Này tôi nói cho anh biết, anh ăn nói cho nó tử tế nhé. Anh bảo ai liệu thần hồn. Tôi không bênh cái Nga, nhưng anh đừng vơ đũa cả nắm. Bạn bè với nhau mà thế à, động viên cho người ta chẳng vẻ thay, xui người ta bỏ vợ. Lúc nào anh cũng kêu rộng lượng, khoan dung có mà bao dung hạt cải, rộng rãi trôn kim. Toàn là thêm dầu vào lửa.
Cứ thế hai vợ chồng Linh cãi nhau thật lực. Rồi những chuyện xa xôi, nhỏ nhặt từ bao ngày tưởng đã khuất lấp xó xỉnh nào bỗng được lôi ra xỉ vả lẫn nhau. Cái bộ ấm chén đẹp long lanh, chẳng tội tình gì cũng theo nhau lao cả ra ngoài sân mà tan tành xác pháo.
Rồi thằng em cùng phòng gọi điện mời uống rượu. Linh vác xe đi luôn. Lúc ấy trời đã xâm xẩm tối.
3. Từ đằng xa, Linh nhìn thấy một vầng sáng yếu ớt phát ra từ một cái điếm canh đê. Hình như đó cũng là một cái quán sửa xe. Hy vọng yếu ớt làm Linh phấn chấn thêm một chút, Linh bước nhanh hơn. Gần đến cái quầng sáng mờ mờ, bỗng cái bánh trước đâm xuống ổ gà, chiếc xe què khựng lại. Linh mất đà ngã dúi, nằm xoài xuống mặt đường trơn nhẫy, nhớp nháp. Có một bàn tay kéo Linh dậy.
Ôi chao, cảm ơn cụ. Mưa rét quá mà đường thì trơn. Linh vừa nói vừa đứng lên. Rồi anh loay hoay dựng cái xe dậy.
Vào đây đã. Ông già vừa giúp Linh nâng cái xe lên vừa nói.
Linh bước vào trong điếm. Đặt cái đèn bão xuống giữa nhà, ông già ngồi xuống một cái ghế và chỉ cho Linh cái ghế còn lại. Linh ngồi xuống. Lạnh phát khiếp. Hình như bây giờ cái lạnh thấm vào Linh dữ dội hơn thì phải. Linh cố căng mắt nhìn ông lão qua ánh đèn tù mù. Ông cụ tầm bảy mươi đổ lại. Mặt mũi vuông vức, mắt sáng, miệng rộng, vóc người cao lớn.
Trong điếm còn có một người nữa. Một cô gái, Linh không nhìn rõ mặt, chỉ thấy mái tóc đen dài xõa trên vai áo trắng. Cô gái ngồi im lặng, quay mặt ra ngoài đường, vóc dáng nhỏ gầy và có vẻ xanh xao.
Nó là con gái tôi. Ông già nói khi thấy Linh nhìn cô gái. Giọng ông nghe thoang thoảng mơ hồ.
– Phiền bác sửa giùm cháu cái xe.
Ông già lắc đầu.
– Ông ấy về trong làng rồi. Ban ngày ông ấy ở đây và sửa xe. Buổi tối đến phiên tôi.
Linh định đứng dậy cáo từ nhưng chân anh nặng trĩu.
Mưa gió, đêm hôm thế này, tôi nghĩ cậu chẳng nên về.
Mà uống chén nước đã. Ông lão vớ cái ấm trên cái bàn nhựa cáu bẩn rót nước ra chén. Khô khốc. Lão quay sang nói gì với cô gái, những âm thanh rất nhỏ. Linh tuyệt nhiên không nghe thấy gì. Nhưng Linh đoán ông lão giục cô gái đun ấm nước. Cô gái nói với ông già điều gì đó như là đang tranh cãi. Giữ phép lịch sự, Linh không nhìn họ, anh quay đi chỗ khác. Trong điếm, có một cái giường một, một cái chiếu, một cái bàn nhựa, mấy cái ghế và một bộ cờ tướng.
Ôi trời, khát khô cả cổ họng, giá có cốc nước thì tốt, có chén trà nóng rồi làm ván cờ. Linh nghĩ thầm.
Ông lão đã đứng sau Linh từ lúc nào, mà dường như hiểu được điều Linh nghĩ, ông lão với bàn cờ.
– Chơi chứ?
Linh giật mình, nhưng nhanh chóng gật đầu.
Hai người dàn quân, Linh chọn quân đen mời ông già đi trước. Kính lão. Ông già khai cuộc bằng tốt ba, dùng thế Tiên nhân chỉ lộ. Linh phi tượng, ông già tiếp tục triển khai thế trận Tiên nhân chỉ lộ đối chốt đề pháo. Đến nước thứ mười bốn Linh cảm thấy mình chiếm thế thượng phong. Một xe tuần hà, một xe ghim Pháo, Xe và cả Mã cánh trái của đối phương. Không những thế Linh còn lợi hơn hai Tốt.
Ông già này chơi cờ cũng xoàng. Linh nghĩ thầm. Thoáng thấy ông già cười trong khi đẩy Tốt biên trái ở lộ chín lên hà mời đổi.
Ái chà, cũng kinh đấy, mình mà đổi chẳng hóa ra mắc mưu, họ đã thông Mã biên lại còn dời được xe sang cánh trái dọa Mã mình. Kệ nó đi. Linh nghĩ rồi đẩy Xe đang ở đầu Tốt ba sang lộ bảy dọa bắt Mã. Thực ra đi nước này Linh không hòng bắt Mã, bản chất của nó chỉ nhằm tranh tiên. Linh biết, ông lão không thể đi Mã ba tấn bốn bàn hà, đi thế thì Mã cản Xe, vô tình biếu không Linh con Tốt biên, ông lão sẽ phải thoái Mã và đương nhiên thế chủ động là của Linh. Linh đắc ý nghĩ thầm và liếc mắt nhìn cô gái. Cô ta vẫn ngồi im lìm. Ngoài trời mưa vẫn đang tứa táp cứa vào đêm, muôn vệt móng cào.
Ôi trời, chắc phải chịu khát thôi. Linh quay lại nhìn ông lão. Chạy Mã đi thôi. Linh giục thầm. Nhưng không, ông lão đẩy Tốt biên qua hà ăn Tốt của Linh. Bỏ Mã. Chịu thiệt quân chứ không chịu thất tiên, cũng quật cường đấy. Linh nghĩ và đặt quân Xe của mình thay vào chỗ quân Mã trắng. Linh vừa đặt quân Mã ăn được xuống chiếu thì đã thấy ông lão đẩy Tốt biên tiến thêm nước nữa đuổi Mã biên của Linh. Linh thoái Mã về lộ ba sau lưng Pháo. Không có gì. Chưa dứt đã thấy ông lão gạt Tốt biên sang ngang một nước. Ôi trời ơi. Linh giật nảy mình, tinh diệu tuyệt luân. Nhờ con Tốt gạt sang làm ngòi, Xe của Linh ở lộ hai bị Pháo ông lão dọa bắt, Linh lại không dám dùng Xe đánh thẳng vào Tốt, bởi đánh Tốt xong con xe của Linh sẽ lâm vào tử địa. Đánh Tốt xong ông lão sẽ tiến Mã làm ngòi cho Pháo, và lúc ấy chỉ còn cách đổi Xe lấy Mã.
Khiếp quá, Linh đành bình Xe sang lộ ba, lòng thầm thán phục. Ông lão vẫn ngồi im như thóc. Trời mỗi lúc một lạnh. Người Linh run bần bật và cơn khát hành hạ. Anh liếc mắt nhìn về phía cô gái. Cô ta vẫn ngồi im lìm. Cái siêu nước để trên bếp được kê bằng mấy viên gạch vỡ cũng im lìm. Hình như cô ta chưa nhóm lửa. Quái quỷ. Linh định cất tiếng nhưng chẳng hiểu sao không nói nổi. Anh quay mặt nhìn vào bàn cờ. Ông già lại đẩy Tốt thêm một nước, đuổi Pháo. Đuổi thì chạy. Ông lão lại bình Tốt vào trong một nước đuổi Mã của Linh. Đành vậy, chẳng còn lối chạy, Linh đẩy Pháo lên hà. Ông lão tiến Tốt ăn Mã.
Kinh thật, Linh chưa từng thấy trận cờ nào mà chỉ dùng một Tốt liên tiếp bảy nước tấn công, đoạt quân chiếm thế như vậy.
– Hình như anh là công chức? Ông lão hỏi Linh khi trong khi cắm Pháo đáy cánh trái tấn công.
– Vâng, cháu ở phòng Nông nghiệp.
– Ra thế.
Dường như cô gái đứng lên và mở cánh cửa phía sau Linh, anh cảm thấy sau lưng mình rất lạnh. Linh định ngoái lại nhưng cổ anh đau như có ai bóp vào. Ông lão lắc đầu, nói câu gì đó Linh không nghe rõ, dường như can ngăn.
Cha con nhà này kỳ lạ thật. Linh lâm râm nghĩ. Anh lại nhìn đăm đăm vào bàn cờ. Tình thế đã đảo ngược. Ván này mình sẽ thua.
– Anh cho tôi hỏi. Công nghiệp hóa là gì? Ông già cất tiếng.
– Công nghiệp hóa, à nói đơn giản là sự chuyển đổi toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh… từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện, phương pháp hiện đại, tiên tiến.
Linh nói một hơi dài, gì chứ cái này Linh thuộc lòng. Rồi như sợ ông lão không hiểu, Linh giảng giải. Ví dụ trước đây ông dùng cuốc dùng cày, bây giờ ông dùng máy cày, máy lồng, trước dùng gầu sòng giờ dùng máy bơm, thế là công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông lão gật gù trong lúc bình Pháo trái lộ biên. Hiểu rồi, hiểu rồi, có nghĩa công nghiệp hóa không phải là biến nông nghiệp thành công nghiệp bằng cách lấy bờ xôi ruộng mật đổ cát tràn lan làm công ty công teo.
A, hình như mình đang mắc bẫy cả trên bàn cờ lẫn trong câu chuyện. Linh chờn chợn, là cái tay công chức trong địa bàn đang có nhiều căng thẳng về ruộng đất, Linh đã được quán triệt và tự nhận thấy phải hết sức thận trọng khi nói về vấn đề nhạy cảm này.
– Cháu thua rồi. Linh lấy tay xóa bàn cờ, lảng sang chuyện khác. Tham ăn con Mã. Tham cái lợi trước mắt, quên cái họa sau lưng. Phục cụ cao cờ.
Ông lão lắc đầu.
– Đúng thế mà, giá lúc ấy đừng ăn Mã, bình Xe sang đánh Tốt của cụ thì đâu đến nỗi.
Hà hà, ông lão cười. Đúng thế, nhưng cậu đã không làm vậy, một là vì cậu tham tiểu lợi nhưng còn một lý do quan trọng hơn.
Lý do gì quan trọng hơn nữa đâu?
– Lý do cậu coi thường con Tốt, cậu nghĩ một con Tốt qua sông thì làm trò trống gì.
Linh giật mình, quả đúng thật, lúc ấy Linh nghĩ thế. Một con Tốt quèn. Nào ngờ.
Cô gái bước đến trước mặt Linh. Rất xinh, Linh thảng thốt. Nhưng sao gương mặt nàng tái xanh. Mà hình như có vết bầm tím. Mái tóc đen dài cố tình che đi. Nhưng Linh vẫn nhìn thấy. Cô gái đưa cho Linh cái chén. Nước trong chén đỏ lòm. Mẹ kiếp, mình hoa mắt hay sao, nước chè gì mà như máu. Linh nghĩ thầm, nhưng vẫn đưa tay đỡ chén nước. Mắt cô gái mở to. Hàng mi cong rợp. Vẻ căng thẳng và bồn chồn.
Sao căng thẳng thế nhỉ. Hay mình có điều gì không phải. Linh cầm chén đưa lên miệng, mùi tanh nồng xộc lên mũi. Ông già lắc đầu giận dữ. Linh dốc tuột chén nước nhờ nhờ đỏ vào mồm. Cô gái đưa cho Linh chén nữa. Linh chợt nhận thấy một luồng sáng chói lòa sau lưng. Anh quay lại, ôi chao, anh dụi mắt. Ô hay, bao nhiêu là người quen. Họ đi tìm anh sao. Thằng Tú, Linh gọi ầm lên, sao lại gặp mày ở đây, tưởng mày chết rồi cơ mà, nói gì đi, sao không nói gì. Ơ mẹ, mẹ ơi. Linh nhìn thấy mẹ anh, bà ngồi đọc báo bên thềm trước cái sân con con đầy nắng. Dường như mẹ không nghe anh gọi, Anh chạy tới. Người nhẹ bẫng mà chân nặng như đổ chì. Anh ngã sấp như con lật đật. Anh cố gượng đứng dậy. Chợt nhìn thấy Nga. Nga, sao Nga cũng ở đây? Lâm đâu? Mặt sao tái mét thế kia? Nga không nói gì, ánh mắt lạnh sắc, ai oán. Anh lại chạy, lại ngã sấp. Cô gái kéo anh dậy, đưa cho anh một chén nước nữa, đỏ bầm.
Linh cuống cuồng cầm cái chén ngửa cổ. Bỗng dưng ông già thét lên. Vơ cả đống quân cờ ném vào Linh. Linh hoảng hốt, cái chén tuột khỏi tay rơi độp xuống bàn cờ. Thứ nước đỏ lòm vung vãi. Cô gái hét lên một câu gì đó, chạy vụt ra cửa. Linh nhìn theo. Không thấy con đường sáng lòa đâu. Chỉ thấy ông lão đang ngồi sau xe máy cô gái chở. Ơ hay, họ đi đâu vội thế. Linh nhao ra cửa định chạy theo. Một cái xe máy kềnh càng rồ đến, hai thằng xã hội đen kính đen xì. Ép sát vào xe hai cha con. Kìa. Không được. Linh gào lên. Nhưng dường như không ai nghe. Thằng ngồi sau co chân đạp. Hai bố con ngã xoài ra đất. Linh lao ra còn nghe hai thằng xã hội đen bảo nhau. Gọi điện cho bọn công ty Hoa Hồng đi, báo xong việc rồi.
Quân giết người. Linh gào lên chạy tới chỗ hai bố con ông lão. Nhưng không thấy họ đâu. Chẳng hiểu ra sao nữa. Linh ngồi bệt xuống. Xỉu đi.
***
Vẫn thở, này này, dậy đi.
Linh mở mắt, một đám người lố nhố.
Trời ơi, ông này, say rượu hả.
Hai cha con ông lão đâu rồi? Linh hỏi.
Cha con ai?
Tai nạn? Linh ngơ ngác.
À, anh là người nhà à. Đúng rồi, vừa tháng trước hai bố con ông Túy cờ chết ở dưới kia. Con chở bố đi hội cờ về.
Bọn công ty thuê người đâm chết. Ông ấy cầm đầu khiếu kiện đất đai mà.
Linh há hốc mồm kinh hãi. Anh nhìn thấy bàn cờ. Trên con Tốt trơ trọi giữa bàn còn vệt đỏ mờ mờ như máu.
PHÙ SINH
1. Trưa.
Thay đổi thời tiết. Gió mùa về. Lạnh. Màu trời từ sáng tới giờ vẫn nguyên một kiểu mang mang, xam xám, âm âm u u, chẳng biết sớm hay muộn, trưa hay chiều. Chứ thực ra giấc này đã trưa lắm rồi.
Đám thợ xây í ới rủ nhau về. Điện thoại tíu tít gọi nhau tụ bạ. Đã thành thông lệ, mấy tay thợ lại ghé qua nhà quản trang bắn cố điếu thuốc lào, uống thêm chén trà, tán láo vài câu.
Cái chõng tre của lão Thống kê sát góc nhà. Trên chõng, cái chiếu cũ rách như xơ mướp. Lão Thống ngồi một góc, chân thõng xuống đất. Móm mém nhìn đám thợ xây qua làn khói xanh mờ mịt. Con Ba Mắt lười nhác, gối đầu lên chân lão Thống mà ngủ, thỉnh thoảng thè cái lưỡi nhỏ liếm liếm bàn chân gầy guộc, nứt ngang nẻ dọc với những cái móng vàng khè của chủ. Nó là một con chó già, đen tuyền, chỉ duy nhất ở khoảng giữa hai mắt lại có một chỗ lông trắng, nhìn như mắt giả. Lão Thống nhân thế gọi nó là Ba Mắt.
Ngoài sân, cạnh đám xe máy khác nhau về màu sơn nhưng giống nhau về độ cũ sờn, xộc xệch, siêu nước đặt trên bếp than tổ ong lục bục sôi. Hơi nước phun phì phì từ cái vòi mẻ, cái vung ấm dập dềnh, lập cập.
– Bố về hay ở đây đấy? Một tay thợ hỏi, rồi không để cho lão trả lời, anh ta tiếp luôn – ngày nào cũng nói câu ấy, thay cho câu chào: “Cho bọn con gửi đồ nhé”.
– Ừ, cứ để đấy đi, lo gì. Lão Thống phều phào. Lão móm từ lâu, mỗi hàm còn sót đúng một cái răng lủng liểng. Lão nói mà mắt lão thì nhìn vào đâu đâu.
– Bọn con về đây ông ơi. Ông ăn gì đi, trưa rồi. Nhịn đói là mai phải ra ngoài kia nằm đấy, không được ngủ ở đây đâu. Một tay thợ khác bông đùa.
– Ôi dào, lão móm mém cười, cái cười phồng phềnh như gió thoảng, bây giờ thì nằm đâu chả được, gần tám chục rồi.
– Ông còn ngon lắm. Vẫn kiếm bà được.
Cánh thợ xây lục tục ra về. Lão Thống đứng dậy, lấy cái bát, cái thìa, một cái đĩa sắt Tây đã mấy chục thâm niên, lôi một gói mì tôm từ trong thùng ra, loạt soạt xé vỏ. Lão định bước ra sân lấy siêu nước đang sôi, rồi nghĩ thế nào lão dừng lại. Lão đổ cơm với cá khô trong cặp lồng ra cái bát sắt to góc nhà rồi gọi con Ba Mắt. Con chó già sục mặt vào bát cơm, tợp vài miếng là hết sạch. Nó vẫy vẫy đuôi, dỏng tai nghe ngóng rồi cẫng lên, chạy vụt ra ngoài nghĩa địa.
Lão Thống gắn bó với nghĩa địa này đã hơn hai chục năm trời. Hai mươi năm, lão đã chứng kiến bao nhiêu con người về cát bụi. Lão thuộc từng gốc cây ngọn cỏ trong nghĩa địa, chẳng chỗ nào dấu chân lão không chồng lên nhau. Nhắm mắt lại lão cũng nói được mộ người này người nọ ở chỗ nào.
Bảy, tám nghìn ngày, nắng cũng như mưa, trời nóng cũng như trời rét, mùa hạ cũng như mùa đông, cứ bảy giờ sáng là lão đặt can nước mưa lên poocbaga xe đạp, cùng con Ba Mắt ra nghĩa địa, năm rưỡi, sáu giờ lại túc tắc về.
Lão ngơ ngẩn bần thần nghĩ ngợi mông lung. Miếng mì tôm bẻ bốn vẫn nằm nguyên trong bát. Chiếc đồng hồ báo thức bé xíu như bao diêm lọc cọc gõ nhịp đều đều. Vừa lúc ấy, lão nghe tiếng xe máy đỗ xịch ngoài sân, rồi lão nghe tiếng gọi.
– Ông ơi. Có cái liềm nào không cho cháu mượn.
– Ờ, à, muộn thế. Có có đấy.
– Hình như ông lại không nhận ra cháu rồi. Lần nào cũng phải nói tên, ông mới nhớ. Ông biết đứa nào không?
– Không. À mà có phải con Liên không, vợ thằng Tâm.
– Dạ đúng rồi. À cháu biếu ông mấy quả cam. Liên vừa nói vừa dúi vào tay lão Thống túi cam.
– Thôi, ông không lấy đâu. Già rồi, răng còn đâu, ăn cũng chẳng được nhiều. Với lại người ta cũng cho ông nhiều. Mày mang về cho bọn trẻ ở nhà đi.
Lão Thống đưa cho Liên cái liềm, cầm túi cam bỏ vào giỏ xe.
Con Ba Mắt ở đâu vụt chạy về, gầm gừ trong cổ họng nhưng cái đuôi lại ngoáy tít mù. Nhận được người quen, nó chạy vòng quanh Liên mừng rỡ.
2. “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ. Cô chu nhất hệ cố viên tâm” bỗng dưng lão Thống nổi hứng bum bê câu thơ Đỗ Phủ. Lão vốn con nhà Nho, thuở bé cũng học thuộc làu Tam tự kinh với những “Nhân chi sơ tính bản thiện, Tính tương cận tập tương viễn/ Cẩu bất giáo tính nãi thiên…” Nhưng lão không có mệnh quan trường nghiên bút, thế nên chữ nghĩa thánh hiền lão học được cũng lặn biến đâu đâu, thi thoảng mới chợt bật ra như tiếng nấc.
Vừa móm mém nhai mì, lão vừa nheo nheo mắt nhìn đứa cháu gọi lão bằng ông trẻ đang thấp thoáng phía xa. Thực ra, họ hàng dây mơ rễ má thôi, chứ xa lắm rồi, lão là cậu họ của mẹ chồng nó.
Chồng nó mất năm nó chưa đầy ba mươi tuổi và thằng con trai nó mới ngoài một năm. Rõ khổ. Lão Thống lắc đầu. Hơn ai hết lão hiểu. Bà ấy cũng bỏ lão đi năm lão ngoài ba mươi để lại bốn đứa con lóc nhóc. Tự dưng lão thấy mắt mình ươn ướt. Ô hay, già bằng này tuổi rồi. Lão đi về phía mộ của Thành, thằng cháu gọi lão bằng ông trẻ. Con Ba Mắt đang nằm ngay cạnh đám cỏ phía đầu ngôi mộ, nhìn thấy lão Thống thì nống lên, nhảy xồ vào người lão.
– Ông không nằm nghỉ chút à, ông ra đây làm gì?
– Ôi giời, già rồi, ngủ được đâu. Mà con đi muộn thế.
– Vâng, con cho bọn trẻ về nhà ông nội. Bà nội các cháu bị ốm. Loanh quanh mãi mới đi được. Mà ông này, dạo này ông còn đi trông lò thuê ban đêm không đấy?
– Vẫn, vẫn. Đi đều.
– Ông không biết mệt là gì à? Làm nhiều thế làm gì, ông già rồi, phải nghỉ chứ. Mai sau chết tiền để ai tiêu.
Lão Thống cười ngất. Ôi làm quen rồi. Ngồi không cũng buồn. Đêm chả ngủ được. Tiền thì cũng có làm gì đâu. Cho con cho cháu cả thôi.
– Ông này, năm nay xây nhiều mộ thế. Bán hết chưa? Có chỗ nào đẹp ông bảo cháu.
– Bán hết rồi. Mà mày cứ để năm năm nữa hãy tính.
– Thế à ông. Mà ông này, có người bảo với cháu là có nơi người ta kiêng không động vào cây cỏ trên mộ chưa cải táng. Anh ấy còn bảo ngày xưa có người thương chồng còn quạt mồ mong cho cỏ mọc. Sao quê mình lại cắt cỏ hả ông?
Hà hà. Lão Thống lại cười. Phong tục mỗi nơi một khác, để cây cỏ mọc lùm xùm không đẹp, cắt đi cho phong quang. Còn cái chuyện quạt mồ đợi cỏ ấy không giống như con nghe đâu. Vậy là thế nào hả ông? À, ngày xưa có ông Trang Tử, ông ấy đi lang thang khắp nơi. Một hôm ông ấy gặp người thiếu phụ đang ngồi quạt một nấm mộ. Ông ấy hỏi tại sao lại làm việc ấy.
– Quạt mộ?
– Ừ, chị ta nói, người nằm dưới mộ là chồng tôi. Ngày trước, khi còn sống chồng tôi dặn nếu sau này chồng tôi chết thì đợi mộ chồng tôi xanh cỏ rồi hãy đi bước nữa. Nhưng bây giờ đất đắp mộ nhão nhoét thế này, cỏ làm sao mọc, tôi phải quạt cho mồ chóng khô mong cỏ sớm mọc để còn đi lấy chồng.
– Ôi thế à ông. Thế mà con cứ tưởng. Liên ngẩng mặt lên nhìn lão Thống, cái nhìn vừa khâm phục vừa thẹn.
– Đấy là tích của Tàu, bọn trẻ chúng mày giờ không để ý những chuyện ấy. Mà mấy lần trước mày lên lúc gần tối à? Đi thì đi sớm sớm vào. Mà hai đứa trẻ dạo này ngoan không?
Liên gật đầu. Vâng, cháu ngoan.
– Ừ, cố mà nuôi chúng nó. Đừng đi lấy chồng con ạ.
– Ôi giời, cháu ông thì ai lấy bây giờ nữa. Mà này, cháu hỏi thật, ngày trước ông có bà nào không?
Hà hà. Lão Thống cười, hai cái răng lủng liểng. Có có, cũng có mấy bà thích ông, à mà có một bà cứ đòi lấy ông.
– Ông cũng đào hoa nhỉ. Thế sao ông không lấy bà ấy?
– Ôi giời, ngày ấy khổ lắm, chẳng muốn người ta khổ lây, rồi nhỡ người ta không thương con mình thì sao.
– Bây giờ bà ấy còn sống không ông?
Ờ còn, sau bà ấy lấy một người cũng góa vợ dưới làng Đìa kia kìa, kém bà ấy những tám tuổi. Bất giác, lão Thống không nén được một tiếng thở dài. Liên bỗng dưng cũng rười rượi buồn. Thiếu một chút thì liềm cứa vào tay.
3. Một ngày tháng sáu oi nồng, vợ lão Thống phải cảm lặng lẽ về với đất. Lão không thể tin nổi, đến bây giờ sau hơn bốn chục năm lão vẫn không tin là vợ lão lìa xa lão giản đơn và vội vàng đến thế. Như một người đi ngủ một giấc rồi không dậy nữa. Như chiếc lá vàng vu vẩy rơi xuống hồ thu lạnh lẽo.
Lão bắt đầu hành trình gà trống nuôi con, hành trình cô độc, buồn thảm với ngàn vạn nỗi nhọc nhằn từ buổi chiều ấy. Bốn đứa con, đứa lớn lên tám, đứa bé lên hai. Hai gái, hai trai. Một thằng sáu tuổi hơi ngớ ngẩn.
Lão đã làm quần quật đủ mọi thứ việc, làm bằng bốn người cộng lại để nuôi con, để quên nỗi đắng cay, buồn tủi. Lão nhớ cái lần mang thằng thứ hai đi viện. Cái thằng ngớ ngẩn ấy mà tình cảm lắm. Lão thương con đứt ruột. Nhưng khó khăn quá, lão bỏ con ở viện trốn về. Thôi thì, nó ở viện sẽ được người ta chăm sóc, lão nghĩ thế, còn ba đứa nữa ở nhà. Thế rồi bệnh viện đánh giấy về ủy ban xã, ủy ban xã cho cờ đỏ đến gọi lão. Đang giữa trưa tháng sáu, lúc lão đang bì bọp dưới con ngòi móc cua thì cờ đỏ đến. Lúc đầu lão tưởng anh em đuổi không cho bắt cá bắt cua. Ngày ấy, đồng làng lắm cua nhiều cá, có người tham bắt cá, tháo hết nước từ ngòi, từ mương ra sông, hết cả nước cho lúa, vì thế người ta cấm.
Lão tưởng anh em cấm. Hai tay ôm cái giỏ, lão phân trần: Anh em thông cảm, cho tôi kiếm vài con nuôi cháu. Tôi không tháo nước, tôi không phá bờ. Mặt lão rúm ró, thảm hại. Lão khổ, nghèo và đói nữa nhưng lão chưa từng làm gì khuất lấp, ngoài cái việc mò vụng mấy con cá con cua ngoài đồng.
– Không, không ai nói anh đâu. Nhưng chiều anh ra ủy ban xã, có giấy gọi anh từ bệnh viện.
Thế là lão lại phải lóc cóc ra đón con về. Cái thằng lẩn thẩn thế mà dường như cũng biết, gặp bố nó cứ ôm chặt bố khóc. Lão cõng con ra bến xe. Chiều ấy, mưa như trút. Lão mua cho con một cái bánh mì. Nhão nhớt. Lão không cầm lòng nổi. Lão khóc. Lão thương nó. Ôi cái thằng đã ngớ ngẩn lại mồ côi mẹ. Thế mà lão định bỏ nó. Nó về nhà được mấy tháng thì bỏ lão đi, đi mãi theo mẹ nó. Một chiều, thằng anh mải chơi không để mắt đến em. Nó, cái thằng đã mồ côi mẹ lại còn lẩn thẩn ấy lang thang ra ngoài sông, chết đuối. Thương lão, cả làng ra sông mò vớt xác nó. Đến sáng hôm sau mới vớt được thằng bé. Bây giờ nó nằm bên mẹ nó. Bên cạnh đó là chỗ lão mua sẵn cho mình. Đã xa nhau mấy chục năm trời rồi, lúc chết lão sẽ về bên cạnh vợ.
Nhiều buổi chiều lão lang thang giữa những nấm mồ. Cắt những đám cỏ già. Tỉa bớt cành vạn thọ đã lụi, tưới cho một cây hoa mới trồng. Lão làm tất cả những việc đó một cách chăm chỉ và tỉ mẩn, hoàn toàn tự nguyện. Dường như lão mang ơn tất cả những người già trẻ trong làng, lúc sống lão chưa trả ơn được họ, bây giờ lão chăm chút mộ phần người ta. Lão vừa làm vừa rì rầm, thủ thỉ chuyện trò. “Này ông Ba ơi, hôm nay có gì vui không. Chắc gì ông đã có nhà, suốt ngày tổ tôm thôi. Thằng Tú con trai ông hôm qua nó bảo tôi: Ông ạ, bố mẹ vợ cháu chẳng cho cháu cái gì hết, chẳng được nhờ gì cả. Tôi mắng nó ông ạ. Tôi bảo, người ta cho anh cả đứa con gái hai mấy năm nuôi dạy, anh lấy vợ anh được thêm bao nhiêu anh em chú bác họ hàng, thế anh còn đòi hỏi gì. Nó nhe răng cười, Không con nói tiền nong, nhà cửa, đất đai cơ. Tôi bảo: Ôi giời, tiền nong, nhà cửa, đất đai thì quý, nhưng cũng dễ mất lắm. Cái tình mới quý hơn, mới còn mãi. Tôi nói thế đúng không ông”.
“Ông Phúc ơi, ông có gặp thằng Ngố nhà tôi không, ôi giời, cái thằng mà ông vớt xác nó dưới sông lên ấy. Tôi ân hận mãi đến tận giờ vẫn chưa kịp nói lời cảm ơn ông”.
“Bà Nga này, bà với bà nhà tôi là hay chuyện lắm đấy, bà nhà tôi nằm đằng kia kìa. Ôi giời, chắc hai bà lại ngồi lê ở đâu với nhau rồi chứ gì. Tôi thì còn lạ gì tính hai bà”.
Rồi có khi lão dừng lại mắng con Ba Mắt: Này con, hư quá, ai cho con nhảy lên mộ người ta thế, chiều quá đâm hư, xuống ngay.
Cứ thế, cứ thế lão vừa làm vừa nói, vừa đi cùng con Ba Mắt, hết ngôi mộ này sang ngôi mộ khác. Cuối cùng, hôm nào cũng như hôm nào, lão dừng lại bên mộ vợ, lão rì rầm kể cho bà ấy nghe về những việc hôm qua trong nhà, trong họ, trong làng. Bà nó ạ, hôm qua xóm mình họp bàn nhau đổ bê tông cổng xóm, nhà mình ngay cái vòng cua, tôi tính thế này, để cho xóm đổ cổng lấn vào vườn nhà mình một chút, đi lại cho dễ dàng, thuận tiện, bà thấy có được không? Rồi thì bà nó này, con Hồng cháu nội bà sắp cưới đấy. Tôi cho nó bốn triệu bà nó ạ. Bố mẹ nó thì tôi cho ba trăm thôi. Cháu gái đi lấy chồng phải cho nó khá hơn một chút.
4. Liên trả lão Thống cái liềm, chào lão rồi về. Lão Thống nhìn theo Liên lắc đầu khe khẽ. Nó trẻ quá. Liệu có… Lão chẹp miệng nghĩ lơ vơ. Có người bảo lão thủy chung với vợ. Lão thì không nghĩ thế. Chẳng qua lão không có điều kiện, chẳng qua là lão nghĩ đến bọn trẻ, lão sợ chúng khổ. Lão cũng là người. Mà thủy chung là thế nào? Người chết liệu có bắt người sống phải thủy chung như thế? Lão nhớ đến câu chuyện những người đàn bà được vua ban những tấm bằng Tiết hạnh khả phong. Rồi những người phụ nữ được nêu danh trinh liệt, nào là Công chúa Thiều Dương nghe tin Thái Tông băng hà, kêu gào mãi rồi chết; Lê Thị nghe tin chồng chết, không ăn mà chết; Mỵ Ê phu nhân tiết nghĩa không thờ hai chồng, nhảy xuống sông mà chết; vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không phụ nghĩa chồng, cũng nhảy xuống sông chết theo chồng. Ôi chao ơi, cứ một người chết lại có một người chết theo như thế thì mấy mà hết cả giống nòi.
Chiều qua, lúc ra chợ mua mớ rau, lão gặp bà Lành, người đàn bà ngày xưa yêu và một mực đòi lấy lão. Ngày ấy, vợ lão mới chết được hai năm. Bà Lành là gái nhỡ thì. Lũ trẻ con nhà lão quý cô Lành lắm. Lão cũng thinh thích, mà không hiểu sao ngày ấy lão sắt đá thế. Lão nhớ, có lần, dạo ấy mùa gặt tháng mười cùng đi làm hợp tác, mọi người lừa lão với bà Lành vào trong nhà kho rồi khóa cửa. Nhập nhoạng tối, ruột gan lão cồn cào như lửa đốt, lo cho mấy đứa trẻ ở nhà. Bà Lành thì ngồi yên một chỗ bên đống sợi đay, chẳng nói năng gì. Lão đấm thùm thùm vào cửa. Bất ngờ, lão thấy lưng mình nóng như phải bỏng. Tiếng Lành gấp gáp: Em em… Mùi tóc Lành thơm thoảng, thực mà như mơ. Lão đã đứng lặng yên, để mặc cho thân thể mình run khe khẽ. Rồi lão vụt xoay người lại, ghì chặt lấy Lành. Hai cặp môi khao khát yêu đương xoắn cuộn lấy nhau. Hai cái núi lửa đang chực phun trào lăn tròn trên nền nhà kho nham nhám. Cúc áo Lành chẳng cần tháo cũng bật tung. Đúng lúc những ngón tay mê cuồng của lão chạm vào bầu ngực căng tròn, săn chắc, hừng hực như lửa của Lành thì bất ngờ có tiếng trẻ khóc ré lên từ phía xa vọng đến. Thống giật mình đứng phắt lên. Lành kéo Thống lại bằng tất cả sức lực và đam mê khao khát. Anh, anh…
– Không, không, tôi xin lỗi Lành. Thống đứng phắt dậy. Loay hoay tìm lối trèo ra. Thống chạy. Chạy như ma đuổi. Để mặc cô Lành khóc như mưa trong cái nhà kho hợp tác. Thống cũng không biết ai đến mở cửa cho Lành, bởi sau ngày hôm ấy, Lành tránh mặt. Một thời gian sau Lành lấy chồng, một người thôn dưới. Tay ấy cũng góa vợ, kém Lành tám tuổi, có hai thằng con trai.
Lành lấy chồng nhưng không có con. Người ta bảo, thằng kia lấy Lành cũng là lấy người hầu hạ bố con nó, cho nó thỏa mãn cơn thèm đàn bà. Người ta bảo, vì thế thằng kia không cho Lành chửa. Ôi trời, cũng chẳng biết thế nào. Tin đồn thì mãi mãi chỉ là tin đồn.
Mấy mươi năm rồi, già lụ khụ rồi, chiều qua hai người gặp nhau mới nói với nhau. Mà đúng ra là bà Lành nói, nói mỗi mấy câu. “Bây giờ ông vẫn một mình à? Thế mà ngày xưa chẳng lấy tôi, giờ hai cái thân già dựa vào nhau cho đỡ khổ. Hay ông sợ lấy tôi phải xuốngDầu Oa Địa Ngục.
Câu ấy là bà ấy trách ông hay hỏi ông mà ông cứ day dứt mãi. Mấy chục năm rồi. Lại còn ngục Dầu Sôi nữa. Ngục Dầu Sôi là ngục đọa đày những kẻ tà dâm. Ông mà lấy bà thì sao gọi là tà dâm được? Mà bà ấy gầy yếu quá…
5. Có lần cách đây cũng lâu lâu, nhân ngày giỗ mẹ, lũ con lão xúm lại bảo ông đã hy sinh bao nhiêu năm vì chúng con rồi, Ông vừa là bố vừa làm thay phần mẹ, bây giờ không thể ở một mình được. Con chăm cha không bằng bà chăm ông, các cụ nói thế. Ông phải lấy một bà đi. Chúng con đã ngắm rồi, bà Đen làng mình hợp lắm. Ông đồng ý đi, cả sáu đứa trai gái dâu rể chúng con đến lạy bà ấy rước về làm mẹ.
Chúng nó nói chân thành làm lão cảm động. Bốn đứa con lão, một thằng mất còn ba, thêm hai thằng rể và một nàng dâu, ơn trời đều ngoan ngoãn, hiếu thảo. Lão tự hào về chúng. Lão tự hào vì các con lão dù chúng không là ông nọ bà kia, chúng chỉ quanh quẩn nhà quê, trồng rau, nuôi gà, nhưng chúng không vì đồng tiền mà bất chấp tất cả. Chúng không dùng thuốc diệt cỏ phun cho cải để ngày mai ra chợ có cây dưa vàng ngon mắt, chúng không dùng thuốc bảo quản ngâm cho cà chua mấy tháng trời không thối, chúng không lừa lọc, gian dối, chao chát, điêu ngoa.
Lão bảo chúng: Ôi trời, bố đã bằng này tuổi rồi, bao năm sống một mình quen rồi, bây giờ ở chung với người khác khó chịu lắm. Bố cứ thế này thôi, được bao lâu thì được, sau rồi đi với bà Sáu, bà sáu tấm. Lão nói rồi lão cười.
Lũ chúng nó lại nhờ cả ông nọ bà kia vun vào nhưng ông gạt phắt. Chúng nó lại mè nheo bảo ông nghỉ, không cho ông đi làm đêm, không cho ông trông nghĩa địa, chúng bắt ông về ăn chung ở chung với thằng Cả, không một mình một niêu. Chúng nó van nài. Nhưng ông không nghe. Ôi giời nghe chúng nó thì khác gì trói chân trói tay ông lại. Chúng nó chẳng hiểu lẽ sướng khổ ở đời, chúng nó không hiểu bằng ông. Ở đời sướng nhất là được tự do, tự tại, thuận với tự nhiên, còn làm được thì làm, thích làm cái gì thì làm, thế mới là sướng. Con người đã bị trói buộc bởi bao nhiêu thứ nào là tập quán, nào là phong tục, nào là đạo đức, nào là pháp luật, nhiều điều chẳng thể làm theo ý thích, lẽ nào những thứ có thể làm theo ý thích mình lại không làm?
6. Nhà Liên ở trong một ngõ nhỏ của thị trấn. Một ngõ toàn nhà viên chức. Buổi trưa vắng hoe, vắng ngắt. Liên thường ở nhà một mình vào các buổi trưa. Lũ trẻ bán trú ở trường.
Cốc cà phê ban sáng Nguyễn mời làm Liên không ngủ nổi. Nằm trên giường mà mắt nàng mở chong chong, đầu óc nghĩ ngợi tận đẩu tận đâu. Ngột ngạt, bí bức, Liên trở dậy bước vào phòng tắm. Trút bỏ bộ quần áo mỏng manh trên người. Trong lúc chờ nước chảy vào bồn tắm, nàng ngắm mình trong gương. Nàng thấy mình vẫn đẹp. Mà nàng đẹp thật. Ba mươi tuổi, hai con, cơ thể nàng không còn nét mỡ màng mơn mởn của thời xuân thì thiếu nữ, nhưng bù lại có những nét đằm, phồn thực, miên man, mê hoặc của bãi bồi châu thổ.
Nàng búi tóc gọn gàng rồi vớ cái mũ chụp tóc phơn phớt hồng đội nên đầu, khoan khoái thả mình vào bồn tắm sáng bóng. Vòi nước vẫn xối xả chảy. Nàng lim dim mắt tận hưởng cảm giác mực nước bò lên, nhẹ nhàng xâm chiếm cơ thể mình từng chút một. Nàng nghĩ đến Nguyễn. Nghĩ đến mái tóc chấp chới giữa bồng bềnh và bù xù của Nguyễn, nhớ gương mặt rắn rỏi, nụ cười tươi và cái vẻ phớt đời của Nguyễn. Nàng nhớ những câu chuyện cười Nguyễn kể. Nguyễn luôn diễn tả mọi sự dù khô khan đến đâu thành những điều hài hước. Ở Nguyễn luôn có vẻ ung dung tự tại của người làm chủ được mình, làm chủ được tình thế.
Nàng với Nguyễn trước vốn là đồng nghiệp, cùng dạy một trường. Nguyễn dạy giỏi, học trò quý mến. Thế rồi đùng cái bỏ nghề. Nguyễn bảo: Tao thấy nhục, ai đời phụ huynh đến trường nói với giáo viên: “Con tôi nó nghỉ học bao ngày đi chơi mà cô chẳng báo cho gia đình một tiếng. Tôi nào có dám mong nó làm ông nọ bà kia gì, chỉ mong nó học xong cái cấp hai, tốt nghiệp, không chạy được vào cấp ba thì chạy vào bổ túc, xong cái bổ túc thì chạy cho nó đi học liên kết, làm giáo viên nhì nhằng…” Nó chửi đấy. Đau lắm. Nhưng mà đúng. Ai đời dốt lòi cán táu. Chẳng biết cái mẹ gì mà cũng đứng trên bục giảng, cũng đồng nghiệp với mình, cũng dự giờ, nhận xét. Ôi cha mẹ ơi, thứ tự thực hiện phép tính không biết, làm cái tính nhân không xong cũng đòi cao quý nhất trong các nghề cao quý, cũng đòi là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Sáng tạo, ngữ ấy thì tạo cái cục cứt.
Nguyễn bỏ nghề, dĩ nhiên còn có những lý do khác. Dĩ nhiên không phải chỉ một mình Nguyễn thấy đau, thấy nhục. Đầy người thấy đau, thấy nhục nhưng không thể bỏ nghề. Mà nếu ai thấy đau thấy nhục cũng bỏ nghề thì còn lấy ai đi làm. Nguyễn bỏ nghề bởi Nguyễn ở nhà có cả một trang trại mấy mẫu đất, đàn lợn cả nghìn con, vợ Nguyễn một mình quán xuyến không hết. Nguyễn bỏ nghề, ở nhà làm với vợ, chơi cây, nuôi chim, nuôi cá cảnh, nuôi gà chọi.
Ngày trước, Liên coi Nguyễn như người anh, người thầy, Nguyễn cũng quý Liên như em gái. Nguyễn bỏ nghề, nhưng Nguyễn vẫn thường xuyên liên lạc với Liên qua email, qua điện thoại và thỉnh thoảng gặp gỡ ở một quán cà phê nhỏ. Những câu chuyện giữa hai người đầu tiên là hỏi han về chuyên môn, sách vở, sau là những chuyện buồn vui thường nhật. Rồi thì càng ngày lời lẽ càng thắm thiết, bên cạnh sự quan tâm đã loáng thoáng thương nhớ, giận hờn. Tình cảm giữa hai người không còn đơn giản là tình đồng nghiệp đồng chí nữa.
Có những đêm Liên gặp Nguyễn trong mơ, những giấc mơ hoang hoải, nóng bỏng và đẫm ướt, rồi khi tỉnh dậy giữa cô đơn trống vắng, ôm cái gối vào lòng Liên ao ước được nằm trong vòng tay Nguyễn. Có lúc Liên hoang mang, lo lắng, không hiểu rồi tình cảm giữa Liên và Nguyễn sẽ đi về đâu. Liên cảm thấy mình như một vạt rừng khô vừa sợ vừa thèm lửa. Muốn được cháy một lần nhưng sợ cháy xong chỉ còn lại tro tàn, sợ cháy rồi không dập được, sẽ cháy thui tất cả.
Tiếng chửi rủa hò hét ngoài ngõ làm Liên dứt khỏi dòng suy nghĩ. Nàng lắng tai nghe. Hình như có ai bị đánh. Liên đứng dậy, choàng cái khăn tắm lên người, bước ra phòng ngoài, he hé rèm nhìn xuống đường. Ba bốn thằng đầu xanh đầu đỏ, mình trần trùng trục, đầy vết xăm trổ, mã tấu sáng lòe đứng dàn hàng ngang. Một người đàn bà khoảng ngoài bốn mươi, một tay túm tóc, một tay cầm dép vả đôm đốp vào mặt chị Hà hàng xóm nhà Liên, mồm chửi xoe xóe nào là con đĩ mày cướp chồng bà, nào là đồ giẻ rách, đồ ca ve, bà cho mày biết thế nào là lễ độ… Hà tóc tai xõa xượi, máu mồm chảy thành vệt từ hai bên mép, hai tay ôm ngực che cái khoảng áo bị xé rách, không kêu, không chống trả. Cái xe máy lăn kềnh ngã ngửa giữa đường.
Như có luồng điện chạy dọc sống lưng, Liên tự dưng run hết cả chân tay. Nàng khuỵu xuống. Hai tay bịt chặt tai. Trong một phút Liên nhớ đến những lời xì xầm về việc Hà cặp bồ, rồi Liên nhớ đến lần Nguyễn ghì lấy mình, lần ấy, chỉ cần một chút nữa thôi thì Liên đã… Liên rùng mình, chạy vào trong phòng tắm, đứng nép vào một góc, thật lâu.
7. Chiều. Lão Thống đi qua mộ thằng cháu lão. Ôi cha, cỏ mọc búa xua, bời bợp. Lão chợt nhớ, có đến gần hai tháng nay rồi không thấy mặt con vợ nó. Chắc là nó bận, nghĩ bụng thế, lão quay về nhà quản trang lấy cái liềm.
– Ông lò dò đi đâu thế ông? Đám thợ xây mộ cho làng nghỉ giải lao trong nhà quản trang hỏi lão.
– Ờ à, ra mộ thằng cháu. Cỏ tốt quá. Vợ nó lâu lắm không thấy đến.
– Đứa nào bố ơi.
– Thằng Tâm, thằng Tâm ấy mà…
– A, ối giời, con vợ nó là con Liên chứ gì, người thôn ta nhưng có nhà ở thị trấn.
– Ừ, phải phải.
– Ối giời, nó còn đi với bồ bố ạ. Vừa hôm nọ bị đánh ghen sưng mặt. Chắc chưa mở mắt ra được.
Lão Thống không hỏi gì thêm lặng lẽ cầm cái liềm đi ra ngoài mộ. Lòng lão nặng trĩu. Lão buồn.
Lão vừa cắt cỏ vừa thì thầm như nói với một người đang ngồi bên cạnh. Tâm này, cỏ trên mộ tốt quá rồi, để ông cắt cho mày, cái con vợ mày thế là hư, nhưng mày đừng trách nó. Mày chết là thoát nợ, là dễ. Nó ở lại mới là khó là khổ. Bao nhiêu gánh nặng mày dồn hết cho nó. Bao công lớn việc to, bao mưa nguồn chớp bể, bao nhiêu tiếng bấc hòn chì, bao nhiêu chông gai cạm bẫy. Ôi chao ơi, nó con gái đàn bà. Đàn bà nhẹ dạ lắm con ạ. Ông biết, mày không trách nó, chẳng lẽ mày bắt nó chung thủy với ma. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Sống khó lắm con ơi. Đời người phù du lắm. Ông nói mày có hiểu tí nào không?
Mà mày gặp chú Ngốc nhà ông không đấy…
Lão cứ vừa làm vừa thầm thì như thế, bóng lão gầy còm, khô héo đổ dài.
8. Chào các anh. Ông Thống đâu rồi ạ? Liên đứng ngoài sân hỏi vọng vào. Đám thợ xây đang đùa bỡn, văng tục chợt ngừng cả lại.
– Ông ấy chết rồi. Chiều tối hôm qua. Anh trưởng đoàn đứng dậy, bước ra sân và nói với Liên.
– Chết rồi. Liên nhắc lại hốt hoảng.
– Cô giáo có đi viếng thì giờ vào vẫn kịp, hai giờ chiều mới cất ma.
Liên vội vàng quay xe vù đi, không nghe rõ mấy tiếng cuối cùng. Nước mắt nàng chảy tràn hai gò má.
– Vợ thằng Tâm hay sao ấy nhỉ? Mấy tay thợ hỏi nhau.
– Đúng rồi. Chuẩn không phải chỉnh.
– Này, con bé này mới bị đánh ghen phải không.
– Ừ.
– Đâu, không phải, con bé bị đánh ghen là con Hà chứ. Hàng xóm con này.
– À,
– À thế là hôm nọ nói nhầm với cụ Thống.
***
Buổi chiều ngay sau hôm lão Thống cắt cỏ trên mộ Long, lão Thống thăng thiên. Từ nghĩa địa về, lão ăn cơm, uống nước, tắm gội xong xuôi, vào ngồi trong giường, tự dưng cười khà khà vài tiếng rồi chết.
Người ta bảo lão hóa. Hóa chứ không phải chết.
Đêm đầu tiên lão Thống nằm dưới đất, đom đóm ở đâu bay về nhiều lắm. Đom đóm đậu kín trên mộ lão, đến quá nửa đêm, đom đóm đồng loạt bay tản đi, hàng nghìn đốm sáng lập lòe như pháo hoa nổ bùng trong nghĩa địa.
12/12/2012
Ngày hôm qua đã qua
Tôi về nhà cũ lúc gần nửa đêm. Trăng nhàn nhạt, manh manh sáng. Cuối mùa thu, Sen trong giếng làng tàn úa. Những mảnh lá sen già teo tóp như những mê nón rách gục gặc trên mặt nước lạnh lẽo, thoang thoảng sương.
Nhà cũ của tôi ở xóm Cao Nền, khu đất cao nhất làng, thấy bảo ngày xưa quê tôi chín lần đê vỡ, cả làng chìm lút chìm loát trong phù sa sông Cái, riêng xóm tôi nước chỉ ngập đến mấp mé giát giường. Tôi không dám qua lối cửa đình, phải vòng qua lối chợ chiều mà đi. Nhà tôi ở gần cuối xóm, rộng lắm, ngót ba sào đất, có cây thị già, chắc độ này quả đang vàng lúc lỉu.
Con chó xù nhà ông Thanh điếc đầu xóm xồ ra, tru lên một hồi dài, khi tôi lướt qua cổng. Nó không nhìn thấy tôi, nhưng rõ ràng là nhận thấy. Nó sủa hết sức bình sinh, hết sức nhiệt tình. Cả làng biết tiếng ông Thanh điếc vì hai lý do, thứ nhất có con chó dữ, thứ hai có bà vợ vén miệng ra lời, đanh đá có văn bằng chứng chỉ.
Con chó sủa liên hồi kì trận. Kệ, tôi vừa đi vừa vơ vẩn nghĩ. Cái bóng đèn lờ mờ dưới cái chụp tự chế bằng tôn nhay nháy liên hồi, bao lần dáo dác bảo thay mà vẫn thế. Cái xóm có gần ba chục gia đình với hơn trăm con người già trẻ lớn bé chẳng mấy khi nhất trí được cái gì. Dĩ nhiên, trong đó có phần tôi.
Tôi thoáng giật mình vì có luồng khí nóng rần rật phả ra, cùng với nó là cái mùi tanh tanh, gây gây. Tôi bám vội vào cột đèn bên bờ rào cúc tần nhà bà Tổng. Cổng sắt nhà chị Hòa cố rón rén, cố khẽ khàng mím miệng nhưng không kìm được tiếng kêu rền rĩ và sau đó he hé mở. Một cái đầu muối tiêu bù xù xuất hiện, ngoắc trái, nhìn phải, tiếp đó là thân hình đàn ông săn chắc, lực lưỡng ở trần truồi ra. Thấy vắng vẻ, an toàn, gã đàn ông mở cửa mạnh dạn hơn, bước ra ngoài, cái áo ba lỗ màu cháo lòng vắt trên cổ. A! Lão Phú.
– Anh về đây cưng. Lão Phú quay lại thì thào. Nói thế nhưng lão chưa về, lão đẩy toang hai cánh cổng đang chực khép, len ngược trở lại. Phía trong, cái nhà chị Hòa, người đàn bà góa chồng, tuổi ngoài bốn mươi tí xíu, tóc xõa, áo sơ mi cộc tay chưa cài hết cúc, vạt áo quá ngắn không che được nửa thân dưới ở truồng.
– Không về đi còn gì. Muốn chết à.
Lão Phú ôm ghì lấy cô cháu dâu. Mặt rúc vào ngực. Tay rờ rẫm khu hạ tầng cơ sở.
– Thôi, ai nhìn thấy thì chết cả nút. Chưa chán à, anh, thôi, mà anh, ơ, ớ.
Hôn hít một lúc, Lão Phú đột nhiên dừng lại, làm chị Hòa hơi hẫng, lão nhìn trước nhìn sau. Lại Anh về đây, rồi rón rén đi, như con mèo đi trên thành bể nước.
Phú kém tôi gần mười tuổi, cỡ sáu mươi ngoài. Người thấp, vạm vỡ, chắc nịch như hòn đá tảng. Đặc biệt là cái khoản giống đực của Phú thì hoành tráng lắm, hắn đã mò mẫm, ăn nằm, bơm vá, sá sẩm với cơ số đàn bà con gái, cả trong xóm lẫn ngoài làng, cả thôn Đông với xứ Đoài. Kể cũng tài. Không tài không làm được thế.
Người làng từ trẻ đến già đều khinh Phú, thì đã đành là của giời, ăn được bao nhiêu thì ăn, dùng được bao nhiêu thì dùng. Nhưng mà như Phú thì tạp quá, tục quá, bất kể già trẻ lớn bé, thân sơ, họ hàng, liếm hết. Ôi chao, khổ thân cho cái nhà chị Nhít – vợ tôi – cứ tưởng lão Phú chỉ yêu một mình mình.
Tôi lại vụt nhớ cái đêm trăng hôm nào, Nhít rên rỉ từng cơn, lặp đi lặp lại Phú ơi, em chết mất Phú ơi, phì phọp trong cái nhà tắm lộ thiên có cái cửa tôi làm bằng tấm liếp, Phú và Nhít cuồng điên không còn biết đến đất trời. Tôi không còn thấy giận mà nói thế không đúng bởi trước đây tôi cũng đâu có giận.
Tự dưng tôi nảy ra ý dọa Phú một phen. Vừa hay, có con rắn hổ mang trườn trong bụi. Tôi xúi nó quăng mình ra giữa đường, ngóc đầu, bạnh mang lao bổ về phía Phú. Bị bất ngờ, Phú giật bắn người, luống cuống, ném vội cái áo, ngoắt người chạy. Buồn cười quá, tôi giục con rắn quăng mình đuổi theo. Phú chạy ríu cả chân, ngã sấp xuống đường. Ô hô, hóa ra một kẻ chẳng coi liêm sỉ, sĩ diện ra gì cũng biết sợ chết.
***
Thắng vẫn ngồi trên ghế đá ngoài sân, cái ấm trà nhỏ và cái chén nhỏ. Thắng ngồi ngắm vườn, ngắm cây. Trong ba đứa con của Nhít, Thắng là đứa có tài, một nghệ nhân thực thụ. Giới làm cây cảnh khắp vùng, ai cũng phải nể vì. Nghĩ lại ngày trước, nó phải nằn nì mãi, nói đi nói lại mãi tôi mới chịu cho nó chuyển hơn hai sào vườn trồng vài cây doi, ba cây mít, một cây nhãn, bốn cây bưởi cỏ và bạt ngàn lá rong, sang trồng cây cảnh. Đồng ý cho nó làm rồi nhưng tôi còn bĩu môi, bĩu mỏ, ra ngấm vào nguýt, con ốc bò lên con sên bò xuống chán chê. Nhưng thằng bé lỳ, nó không nói năng gì, nó vẫn vui vẻ như không, nó lặng lẽ làm, dùng kết quả, dùng sản phẩm để trả lời. Nó tài hoa, lại chịu học hỏi, nhanh ý, làm cây thế, cây bon sai, non bộ đều đẹp cả. Tôi từ lúc ca kiết cầm rầm đâm ra thích, mải mê phụ giúp nó từ lúc nào chẳng biết. Nó là thằng biết sống, biết ứng xử, rất người.
Tôi cưỡi lên con đom đóm, lập lòe bay vào hiên nhà. Tiếng Nhít húng hắng ho trong phòng. Nhít héo hon lắm rồi, Nhít hơn tôi năm tuổi. Đàn bà như Nhít cũng thậm khổ. Nhít có con với bốn người đàn ông, hai đời chồng, nhưng chẳng được mấy ngày làm vợ cho nó ra con vợ. Tôi chưa bao giờ thù hận, đánh đập, lăng nhục chị ấy, nhưng cũng chưa bao giờ yêu thương.
***
Bà Nhít trở dậy, lẹp xẹp đôi dép, đi ra ngoài hiên. Con đom đóm lập lòe xanh bên cột.
– Ông Thức về đấy à? Ông về từ bao giờ thế, sao không vào nhà?
– Ôi giời ơi, ông nào mà ông, con đom đóm chứ ông nào, bà cứ lẩn thẩn thôi, bà ngủ đi, đêm hôm rồi còn ra đây làm gì.
Tôi có lỗi với ông, tôi nợ ông nhiều lắm. Tôi hại cả đời ông. Ông trở lên gàn dở, lẩn thẩn cũng là vì tôi. Nhưng tôi cũng khổ lắm ông ạ. Hai hai tuổi tôi lấy chồng, ở được với chồng mười ngày, vừa quen mùi bén tiếng thì ông ấy lên đường Nam tiến. Con Lan, cái con bé mà ông rất quý ấy, được hai tuổi thì tôi thành vợ liệt sĩ. Có chút kiến thức văn hóa, tôi được làm ở Ủy ban xã. Có một ông cán bộ cấp trên góa vợ đã lâu, phụ trách phong trào ở xã tôi, hay qua lại, chúng tôi phải lòng nhau, tôi chửa. Đó là một chuyện động trời. Tội hủ hóa chứ đâu phải chuyện đùa. Ông ấy yêu tôi, tôi yêu ông ấy, tôi khóc ròng và ông ấy nghĩ ra một cách. Ngày xưa có cái bà vua gì nhường ngôi cho chồng, làm hoàng hậu rồi sau mãi không có con, ông chú vua mới nghĩ ra cách phế bà ấy đi, lại bắt em bà ấy đang có chửa lập làm hoàng hậu. Ông chẳng là vua, tôi cũng chẳng là hoàng hậu, nhưng ông bị ép lấy tôi. Lúc ấy, ông có người yêu, cô Na, xinh lắm, tôi biết. Ông còn kém tôi năm tuổi. Nghe lời bố, ông buộc phải lấy tôi. Nhưng ông hận, ông đau đớn lắm. Từ một anh chàng vui tính, ông trở lên trầm lặng, cáu bẳn. Mấy chục năm trời sống với nhau ông luôn gọi tôi là chị, rồi dần dần ai ông cũng gọi là anh là chị, từ người ngang tuổi đến bọn thanh niên. Ông sống cô độc, lủi thủi, ông chẳng mấy khi bước chân ra khỏi cửa, hàng xóm láng giềng công to việc lớn ông mặc kệ. Là vợ chồng mấy chục năm, chung giường chung chiếu, duy nhất một lần tôi với ông làm chuyện đàn ông đàn bà, hôm ấy, ông say rượu. Tôi đã mừng rơi nước mắt khi mà tôi có thai. Tôi hi vọng đứa bé sẽ làm ông thay đổi, sẽ kéo ông lại gần tôi. Nhưng thằng bé chào đời được mười ngày thì chết. Tôi nhận thấy một vùng tối sầm như thảo nguyên tắt nắng trong mắt ông hôm ấy. Ông ngồi bó gối trên chiếc chõng tre, phờ phạc. Ông khóc, nước mắt ràn rụa. Ông khóc con cũng là khóc mình.
***
Bà lão dạo này lẩn thẩn thật rồi. Thắng nhấp một ngụm trà rồi bất giác thở dài. Có lẽ bà cũng chẳng sống được bao lâu nữa, ngót tám chục tuổi rồi, đi cũng được rồi. Già mà không chết được cũng là bất hạnh. Mà cuộc đời mẹ mình thì đâu có sung sướng gì. Nghĩ đến đây anh lại chạnh buồn. Anh cũng đâu có sung sướng gì. Liệu có là không sung sướng không, dẫu tuổi thơ anh chẳng hề thiếu thốn vật chất, dẫu anh cũng thành công ít nhiều trong cuộc đời, dẫu vợ anh xinh đẹp, con anh ngoan ngoãn? Liệu có là hạnh phúc không khi chính mình hoài nghi về xuất xứ của mình? Anh là con hay là em cùng cha khác mẹ của người anh gọi bố? Anh là cháu hay là con của người anh gọi là ông nội. Anh đã từng rất khổ đau về điều đó, về những lời bình phẩm, đồn đoán của thiên hạ. Sự khổ đau khó hiểu của kẻ không biết mình từ đâu tới, không truy nguyên được xuất xứ của mình. Anh là ai? Mãi mãi một câu hỏi? Có lần anh định hỏi mẹ? Nhưng như thế anh thấy mình nhẫn tâm quá. Có thể anh biết thêm sự thật, nhưng mẹ anh sẽ đau đớn rất nhiều. Anh không nghĩ đến việc hỏi cha mình, nhưng như thế còn nhẫn tâm hơn nữa và cha anh chắc chắn sẽ không trả lời. Anh lặng lẽ mang trong mình một sự hoài nghi, một câu hỏi cuộc đời. Anh chỉ biết người mà anh gọi là bố dù rất lập dị, cô độc, rất khép mình với xã hội, xóm giềng, xa lánh cả anh em ruột thịt nhưng rất mực yêu thương con. Cha anh chưa từng nạt nộ, mắng mỏ vợ con. Anh và thằng Dũng lúc bé được học hành từ tế, được chăm bẵm, yêu chiều. Thế thôi, như thế thôi.
Cha anh ít nói và chẳng mấy khi cười. Suốt thời gian ở bên cha, Thắng chỉ thấy cha cười có một lần. Lần ấy, chị Hạnh, con của mẹ với người chồng liệt sĩ mang cháu về chơi, chị Hạnh chào bố, lũ trẻ hét toáng lên: Ông ngoại, ông ngoại. Anh thấy cha đứng dưới giàn bầu nậm lúc lỉu trái non màu xanh ngọc, mặt ông tươi tỉnh, rạng rỡ khóe miệng cười, rạng rỡ như những cánh hoa bầu trắng đang ánh lên trong nắng.
Các chú, các cô làm ăn xa, điều kiện kinh tế có, thi thoảng về dúi cho nắm tiền, mua cho đồ nọ, vật kia, ai cho cha anh cũng nhận. Đồ vật cái thì dùng, cái thì bán đi lấy tiền cho hai anh em anh ăn học. Cả đời ông quanh đi quẩn lại vẫn mấy bộ quần áo cũ, ăn uống đơn sơ, nằm phản gỗ, quạt nan, mấy thứ đồ điện, ti vi, đài đóm với ông không ý nghĩa. Chẳng mấy khi cha anh ra khỏi cổng, vụ gặt bận lắm thì kéo xe bò cải tiến xuống đồng trở vài chuyến lúa về, vậy thôi. Suốt ngày cha quanh quẩn trong vườn, cây trái trồng được để mẹ anh mang ra chợ bán. Ông lão quý mảnh vườn ấy lắm, vì thế lúc chuyển sang trồng cây cảnh, anh phải nằn nì, tỉ tê mãi. Ông lão đồng ý rồi, anh mới dám làm, làm với quyết tâm không để ông thất vọng, không để ông buồn.
Sau này, thấy anh làm cây được, dù không nói nhưng Thắng biết cha anh vui lắm. Ông giúp việc cho anh rất tận tình. Thắng bất ngờ nhận ra cha mình thật tài hoa, khéo léo.
***
Tôi nép vào cạnh đóa Quỳnh trắng muốt đang bung khẽ từng cánh mỏng, hương thơm ngát cả vùng đêm. Tôi nghe tiếng Thắng thở dài, tiếng Nhít trở mình trằn trọc. Nói cho cùng, tôi cũng là kẻ gàn dở và cố chấp. Nếu tôi vượt qua nỗi hận cha mình, nỗi hận cuộc đời, tôi biết thuận theo dòng nước có khi tôi đã thành được ít nhất là khóm lục bình nở hoa. Tôi biết Nhít cũng muốn trả nợ tôi, nhưng thái độ lạnh lùng đến ghê tởm của tôi làm cho Nhít sợ. Cuộc đời quá bất công với tôi và tôi đã đáp trả cuộc đời bằng cách tiêu cực nhất.
***
Tôi bị lão Phú hiếp vào cái hôm tôi sang nhà lão hỏi mua lợn giống. Lúc đang cúi xuống nhìn con lợn thì lão từ phía sau ôm vòng qua mông rồi lôi vào trong bếp. Tôi chống cự yếu ớt một lúc rồi nhắm mắt buông xuôi, lão ta hùng hổ quá, nghiến ngấu quá, còn tôi thì như ruộng nẻ khô hạn hán thèm mưa. Sau lần ấy, tôi với Phú đi lại với nhau. Phú liều lĩnh lắm, có đêm tôi đi tắm, Phú cũng mò sang.
Rồi tôi có con với Phú. Khi biết mình có thai, tôi thấy nhục, tôi thấy mình khốn nạn, thấy mình tàn nhẫn với ông quá, tôi lén mua thang thuốc xổ thai của ông lang người Mán. Sắc vụng trong xó bếp, vừa sắc vừa khóc. Lúc bưng bát thuốc lên, chực uống, bất ngờ ông vào. Dường như ông đã biết tất cả, ông hất bát thuốc đi, đập tan cái ấm sắc thuốc. Ông thản nhiên nói như mọi ngày vẫn nói: Chị Nhít này, có thai thì để đẻ, đứa trẻ có lỗi gì, chị đừng gây thêm tội nữa. Tôi đã khóc rất nhiều, tôi quỳ xuống lạy ông. Đáp lại là một thái độ dửng dưng, thản nhiên như mọi ngày. Trời ơi, ông là người, là tiên Phật hay ma quỷ? Thằng Dũng ra đời, ông yêu nó như con mình, mặc kệ lời ong tiếng ve. Giá như ông cứ đánh chửi tôi, dằn hắt nó có khi tôi đã thanh thản, nhẹ nhàng hơn.
***
Ông không phải là bố tôi. Thằng Dũng đã hét lên như thế. Lúc ấy cha vừa nói xong, hút điếu thuốc lào. Cái điếu rơi độp xuống sàn nhà. Mày… mày, mắt cha trợn lên, uất nghẹn tột cùng, tay cầm que đóm run bần bật chỉ vào mặt Dũng.
Mày mày gì, ông tưởng ông hay lắm đấy, ông đầy đọa mẹ tôi, ông sống tử tế làng xóm nó đã chẳng chửi.
Thằng Dũng mất dạy vừa vừa chứ. Tôi hét lên.
Nó đứng phắt dậy, bước ra sân, ngồi lên xe, nổ máy.
Cha tím ngắt mặt lại, thở dốc.
Buổi chiều hôm ấy thành buổi chiều tang tóc.
Tôi đã đủ lớn khôn và từng trải để hiểu được nỗi lòng của cha, nỗi niềm của mẹ và cả nỗi niềm của tôi. Nhưng vì thế tôi càng không hiểu được cha tôi. Trong ông là những mâu thuẫn, những xung đột vô cùng, những đau đớn không mấy ai thấu hiểu. Tôi kính trọng và yêu thương ông, như ông từng yêu thương chúng tôi, những đứa trẻ gọi ông là cha nhưng không phải con ông. Có phải ông như quả mít, gai vò xù xì nhưng ruột vàng thơm ngọt? Có phải vì thế mà khi định chặt cây mít đi ông ngẩn ngơ tiếc mãi, cuối cùng tôi đành để lại một cành góc vườn nói rằng để gắn phong lan? Trên đời này tôi chỉ có ông là cha. Dù không sinh thành nhưng công dưỡng dục của ông, tình yêu thương của ông tôi cảm nhận được. Tôi đã cố gắng sống thật tốt, đối với ông thật chân thành, kính trọng.
Nhưng thằng Dũng dường như nghĩ khác.
***
Tại sao ông không để tôi giết nó từ lúc nó chưa kịp ra đời, ông đã chấp nhận nó, nuôi nấng nó để rồi chết đắng cay vì nó. Nòi nào giống ấy, vợ con yên ấm, đề huề nó đi với gái, hết con này con khác. Vợ nó về khóc lóc. Cả nhà ngồi nói. Ông bảo: Cho anh ăn học mà anh thế à, Nhà này không có nòi giai gái, đĩ bợm. Nó dằn chén nước xuống bàn hùng hổ: Ông không phải là bố tôi.
***
Thắng đã thu dọn ấm chén, bước vào trong nhà, hình như bà Nhít cũng ngủ rồi. Hương Quỳnh thơm quá, nhưng tôi cũng không ở lâu được nữa. Tôi cũng phải đi. Đi về với hư vô thăm thẳm, đi về với mây trắng, biển xanh, rong chơi trong cõi mênh mang trời đất. Ngày cũ qua rồi. Đừng hỏi vui buồn, hạnh phúc hay bất hạnh là gì. Bởi như Trần Hậu chúa có lẽ cái buồn nhất trên đời là dòng nước mùa xuân đang chảy về hướng đông. “Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu/ Giá tựa nhất giang xuân thủy hướng đông lưu”
Mùa Vu lan 2013