Tết đã gần lắm rồi, một năm mới nữa lại sắp sửa đến, một mùa xuân lại sắp trở về với chốn nhân gian! Dù tết bây giờ không còn cái không khí vừa náo nhiệt vừa trang nghiêm như lúc xưa, nhưng mỗi khi trời đất giao mùa, thời gian đi gần tới khoảnh khắc thiêng liêng này là lòng người vẫn lại thấy xốn xang chi lạ. Cái cảm xúc này hẳn nó là lẽ đương nhiên trong tâm hồn mỗi người con đất Việt, bởi sau cả một năm trời đằng đẵng tối tai tối mắt với cuộc mưu sinh thì đây sẽ là lúc được trở về quây quần với gia đình, bạn bè… Đây là sẽ lúc con người ta cảm thấy rõ rệt nhất hạnh phúc của tình thân, lòng sẽ thấy thật bình yên và ấm áp sau những bon chen tất tả của đời sống.
Có bao người phải tha hương biền biệt nơi xứ người, để rồi chỉ mong cho ngày tết đến mới có cơ hội được trở về trong vòng tay yêu thương của những người ruột thịt. Đời sẽ thành vô vị, người sẽ thành vô cảm nếu như ta chỉ có lao đầu vào kiếm tiền để rồi không còn biết những người thân của ta ra sao, họ cần gì ở ta và ta có thể dành cho họ những gì. Tết là một dịp để ta gắn kết thêm tình cảm gia đình, các mối quan hệ khác trong đời sống của mỗi người; một dịp để ta tri ân, tưởng nhớ về ông bà tổ tiên, về gốc gác nguồn cội. Nói một cách khác, tết chính là một nền tảng giá trị tinh thần lớn lao, nó đã và đang gìn giữ cho chúng ta bản ngã đích thực của một con người, gìn giữ cho chúng ta bản sắc văn hóa của một dân tộc luôn tự hào về lịch sử mấy nghìn năm văn hiến. Đấy là còn chưa kể, tết chính là cơ hội kích cầu cho nền kinh tế. Có bao nhiêu doanh nghiệp, bao làng nghề, bao người sản xuất, bao người buôn thúng bán bưng chỉ mong cho đến tết để tăng thêm số lượng sản xuất, tăng thêm số lượng hàng bán ra cho mình có thêm thu nhập, thêm lợi nhuận?
Thế vậy mà gần đây bỗng dưng lại có nhiều người, nhiều yếu nhân, trí thức có địa vị trong xã hội đồng loạt nêu lên những quan điểm, những đề xuất rằng, đã đến lúc chúng ta nên bỏ tết! Xin được điểm ra một số những ý kiến được cho là thu hút được nhiều sự chú ý trong thời gian qua:
Một vị giáo sư nông học danh tiếng lên báo đăng đàn phân tích rằng: “Tết làm mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.” Tuy nhiên, khi đưa ra phát ngôn như thế thì có lẽ vị giáo sư này đã không hay biết rằng: Những người nông dân quanh năm vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ấy, họ đã đổ mồ hôi lao động cực nhọc suốt cả năm trời, chỉ để rồi mong có được mấy ngày gọi là tết được tổ tiên truyền lại ấy để có cớ được nghỉ ngơi, để được hưởng thụ cái thành quả lao động của mình.
Một vị tiến sĩ đang giảng dạy ở một trường đại học nọ cũng bày tỏ quan điểm rằng: “Tết nó làm xáo trộn thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên, học sinh, làm cho các em mất đến cả hai tuần lễ học hành”. Lo lắng cho việc chểnh mảng học hành của sinh viên học sinh là đúng, thế nhưng cũng cần hiểu về tâm lý và tình cảm của các em. Thậm chí còn là của các bậc phụ huynh. Bởi khi được nghỉ mấy ngày tết thì ngoài chuyện được trở về nhà bên người thân, thì đó cũng là điều kiện thuận lợi để các em nghỉ ngơi sau những giờ phút học tập căng thẳng,để được gặp lại các thầy cô bạn bè cũ, để được đi thăm thú nơi này nơi kia… Học hành nó là quá trình trau dồi kiến thức của cả một đời người, bỏ tết đi để có thời gian học thêm được mấy ngày nữa, liệu các em có thể trở thành các nhân tài trác việt được ngay không?
Một nhà nghiên cứu xã hội học cũng lên tiếng cho rằng: “Tết là cơ hội để dân chúng tụ tập ăn nhậu, chơi bời… gây tốn kém tiền bạc và thời gian, làm tổn hại đến sức khỏe và của cải, thậm chí ảnh hưởng cả đến hạnh phúc gia đình”. Nói về chuyện ăn uống và chơi bời thì không phải cứ ngày tết mới diễn ra. Nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó, trước hết muốn ăn muốn chơi thì phải có tiền mới thực hiện được, mà theo tư duy bắc cầu thì tiền phải do lao động mới có được. Một khía cạnh nữa cũng cần phải nói đến, đó là chuyện chi tiêu cho việc ăn uống hay lễ lạt nhân dịp tết thực chất cũng chỉ một hình thức chuyển tiền từ túi người này sang túi người khác, một sự lưu thông trong kinh tế thị trường, chứ tiền nó không mất đi đâu cả!
Rồi thêm ý kiến nữa của một nữ doanh nhân trẻ kiêm nhà văn đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, đó là:“Tết làm mất cơ hội nắm bắt thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài. Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế họ nghỉ Tết Tây”. Phong tục phương tây tất nhiên khác biệt với Á đông. Còn như ai đó muốn giao thương với phương tây trong dịp này thì tất nhiên vẫn diễn ra bình thương, không ai cấm cản cả!
Tóm lại, chúng ta có nhất thiết cần phải bỏ tết Nguyên Đán để ăn tết dương lịch hay không? Nhiều người cho rằng, đất nước Nhật Bản, họ cũng đã bỏ lịch âm ra khỏi đời sống xã hội và ăn tết theo dương lịch từ lâu và họ vẫn phát triển rực rỡ. Thế nhưng ít ai biết để có được điều ấy thì họ cũng đã từng phải trả giá. Các nền tảng văn hóa truyền thống ít nhiều bị rạn vỡ, các giá trị lễ giáo trong gia đình đã dần bị mai một, dân số sụt giảm đến mức báo động… Với Việt Nam chúng ta thì việc bỏ tết, bỏ lịch âm còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác nữa. Chúng ta là nước nông nghiệp, các thời vụ gieo trồng đa số đều được căn theo tuần trăng, con nước… Hầu hết các lễ hội truyền thống ở các vùng miền cũng đều được diễn ra theo lịch âm. Chúng ta còn có ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng mười tháng ba âm lịch để tưởng nhớ đến người đã khai sinh ra đất nước này, dân tộc này. Và đặc sắc nhất là chúng ta có hoa đào hoa mai nở trong ngày tết, đó là nét văn hóa đã ăn sâu và tâm thức của mỗi người Việt, không thể xóa nhòa. Vậy thì chúng ta có nhất thiết phải loại bỏ tết Nguyên Đán ra khỏi đời sống của dân tộc này không?
Giang Hồng Trần