TRÁI ĐẤT TÒ HE
Những nắm bột gạo nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng hồi hộp nằm trên mâm đồng. Bột xanh tự thấy mình biếc hơn lá trên cây. Bột đỏ thấy mình chói chang màu hoa phượng ngày hè. Bột vàng rạo rực màu lúa chín trên đồng làng. Bột tím ngó xung quanh, không thấy vật nào cùng màu với mình. May quá, lúc đó, em bé gái cài nơ tím đến chơi. Nắm bột tím mừng quýnh, suýt nữa thì nhảy cẫng ra khỏi mâm. Nắm bột đen buồn thiu, nhìn đống than tổ ong đen sì, cặp gắp than cũng đen sì…
Mâm đồng thấu hiểu nỗi niềm của từng nắm bột màu. Mâm đã từng trải qua hàng trăm lần đựng bột gạo màu để cụ nghệ nhân nặn tò he. Mâm đồng lấy que tre gõ vào bụng coong coong, lên tiếng:
– Nắm bột màu nào mà chẳng muốn vinh danh mình. Đôi tay của cụ nghệ nhân thì chẳng chiều hết theo ý muốn của từng nắm bột đâu!
Cún con đang chầu hẫu bên mâm bột. Cún ngồi từ lúc mặt trời mới lóe ánh sáng đầu tiên trên ngọn tre đầu làng. Bụng cún đói cồn cào. Những nắm bột màu thì cà kê rõ lắm chuyện. Cún bực mình gắt gỏng, sủa:
– Ẳng ẳng ẳng… Nếu được xơi bây giờ thì bột màu gì cũng khoái khẩu!
Cụ nghệ nhân mắng yêu cún con:
– Hư nào!
Cụ lấy que tre (Dùng để cắm con tò he) vụt nhẹ vào đuôi cún con, yêu cầu giữ trật tự.
Khách hàng của cụ nghệ nhân là lũ trẻ con sún răng trong làng. Chúng xúm xít ngồi quanh mâm đồng, xem cụ nghệ nhân nặn tò he. Những cặp mắt ngây thơ, trong veo như mắt mèo con ngó nghiêng. Cụ nghệ nhân khéo léo véo tí bột màu dính vào que tre. Ngón tay như phù phép. Cụ nặn con trâu cày. Ngón tay xương xẩu véo bột đen, vê tròn thành bụng con trâu vừa ăn no cỏ. Vê bột dài tựa cây gậy sắt bé hon của Tôn Ngộ Không, cấu thành bốn đoạn, gắn vào thân trâu thành bốn chân móng guốc…
Cụ nghệ nhân giải lao, hút thuốc lào. Con trâu còn thiếu đầu, thiếu đuôi. Bột đen thấy sự thiếu hụt thì bồn chồn, suýt nữa thì lên men! Sau khi phà khói thuốc lào, cụ nghệ nhân vê vê tí bột bé tẹo, gắn vào phía sau thân làm đuôi cho trâu. Ngón tay xương xẩu cẩn thận nặn đầu trâu, từ mắt, mũi, tai đến đôi sừng. Đôi sừng cong vênh vang. Cuối cùng, cụ véo một tí bột đỏ nặn trái tim, rồi đặt vào ngực con trâu tò he.
Nhờ có trái tim, dù bé tí, trâu hít một hơi dài, định phóng ra đồng làng. May mà cụ nghệ nhân đính chặt trâu vào que tre như các tò he khác.
Bé gái cài nơ tím được cụ nghệ nhân tặng con trâu tò he. Bé mừng quá! Tay của bé vuốt ve âu yếm con trâu. Không ngờ, ngón tay nhỏ làm rụng hai sừng của con trâu. Cụ nghệ nhân thấy vậy, cười hề hề:
– Cháu của cụ giỏi quá! Cháu vừa biến hóa con trâu già thành con nghé ngoan chưa mọc sừng rồi đấy!
Trâu tò he vểnh tai lên, tự hào vì nghé con bao giờ cũng nghé ọ, ngoan ngoãn.
Cụ nghệ nhân xoa tay, véo bột đỏ nặn bông hoa hồng. Con bướm vàng đang bay rong chơi, tưởng hoa hồng tò he là hoa hồng thật mới nở. Bướm nhẹ nhàng bay tới, đậu vào bông hoa. Râu của bướm dính vào cánh hoa. Bướm hoảng hốt đập cánh. Phấn từ cánh bướm rơi lả tả làm cho bông hoa được phủ lớp phấn, óng ánh tựa lớp nhũ. Cụ nghệ nhân gỡ bướm vàng ra khỏi bông hoa hồng. Cụ nhắc nhủ ân cần:
– Cần rút kinh nghiệm cho những cuộc bay lượn lần sau, bướm nhé!
Bé lớp trưởng lớp mẫu giáo được tặng bông hoa hồng, Bông hoa thật xứng đáng với thành tích của bé. Bữa cơm trưa nay, bé tự cầm thìa xúc cơm. Xúc ba thìa cơm nhưng bé chỉ làm vãi ra bàn hai thìa cơm mà thôi.
Cụ nghệ nhân véo bột vàng, bột tím nặn thành chiếc tầu bay. Mỗi bé được tặng một chiếc tầu bay, để không tị nạnh nhau mơ mộng về bầu trời. Tầu bay tí xíu đính chặt vào que tre. Que tre bảo: “Tầu bay đậu vào que tre thì tới mốc xanh cũng chẳng cất cánh được, vì cụ nghệ nhân không nặn phi công lái máy bay!”.
Mỗi nắm bột tự nguyện đóng góp một tí bột để nặn một vận động viên chạy việt dã. Màu vàng nặn tấm thân căng phồng cơ bắp. Màu chàm nặn áo thi đấu. Màu đỏ làm số áo dính sau lưng. Màu tím nặn đôi giày hiệu cá sấu. Màu xanh làm đôi mắt tinh nhanh, nhìn xa hơn đích. Bởi mắt không bao giờ chớp, dù gió tạt vào mắt cay sè. Màu đen vun thành mái tóc gọn gàng.
Các bé vỗ tay ngắm vận động viên, một chân dính vào que tre, một chân co lên trong tư thế xuất phát. Que tre được cắm trên mặt đất. Vận động viên tò he lại tưởng cuộc thi việt dã, bắt đầu! Cún con thì không mảy may nghĩ đó là vận động viên chạy việt dã. Cún tóp tép nuốt nước miếng nhìn cục bột ngon lành. Vận động viên tò he liếc ngang, lại tưởng cún con ngưỡng mộ mình nên hô vang: “Xuất phát!”. Chân vận động viên tò he đạp quá mạnh, làm que tre đổ ngang xuống đất. Vận động viên ngã sóng xoài. Đúng lúc ấy, cún con nhảy bổ tới, ngoạm vận động viên tò he chạy biến. Đầu vận động viên tò he thò ra ngoài miệng cún con. Vận động viên tưởng mình đang chạy tốc độ siêu nhanh. Những nắm bột trên mâm thì ngỡ rằng: Cún con cùng vận động viên tò he đang chạy bộ môn tiếp sức…
Cụ nghệ nhân vun tất cả nắm bột còn lại trên mâm đồng. Bột xanh một tí, bột đỏ một tí, bột đen một tí, bột tím một tí, bột vàng một tí… Cụ đưa nắm bột đủ màu cho các bé. Các bé chưa bao giờ nặn tò he. Những bàn tay bé xíu, vụng về vo tất cả bột trên mâm đồng thành một cục bột to tướng. Bột xanh lẫn với bột đỏ. Bột vàng lẫn với bột tím. Bột trắng lẫn với bột đen. Cục bột tròn trộn nhiều màu sắc.
Cụ nghệ nhân ngắm cục bột tròn to tướng mà các bé vừa vo lại. Cụ rất đỗi ngạc nhiên. Thời trai trẻ cụ bôn ba khắp mọi miền Tổ quốc làm thợ đào than ở mỏ Vàng Danh; làm thợ khai thác Apatit tại Tĩnh Túc, Cao Bằng; làm thợ đào vàng tại mỏ Bồng Miêu, Quảng Nam; làm thợ khai thác đất sét làm gạch nung Giếng Đáy. Cụ còn giúp nước bạn Lào khai thác mỏ muối. Muôn màu sắc của than, của vàng, của Apatit, của đất sét, của muối mỏ… mà tạo nên màu sắc của Trái đất này!
Phát hiện ra điều kỳ diệu, cụ nghệ nhân thốt lên:
– Ôi! Cục bột tròn mà các bé vừa tạo ra là Trái đất đấy! Trái đất Tò He đấy!
Các bé reo ầm ĩ:
– Trái đất Tò He! Trái đất Tò He!
Cụ nghệ nhân cảm động, nói:
– Cả đời nghệ nhân của cụ chỉ biết nặn con trâu tò he, vận động viên việt dã tò he, bông hoa hồng tò he, Tôn Ngộ Không tò he… Các cháu giỏi quá! Lần đầu tiên nặn tò he mà các cháu nặn ngay thành Trái đất Hòa Bình!
Lũ trẻ con sún răng đặt Trái đất Tò He lên mâm đồng. Chúng công kênh Trái đất Tò He trên con đường làng.
Cụ nghệ nhân nhặt một viên sỏi nhỏ chạy theo lũ trẻ. Cụ đính viên sỏi vào Trái đất Tò He, đánh dấu địa điểm làng Tò He của Việt Nam.