Tôi yêu gốm bắt đầu từ cuộc chơi trốn tìm trong những chiếc chum sành đựng thóc của nhà. Ông nội tôi từng dùng một mảnh vỡ của chiếc vại muối cà để mài mực viết chữ nho. Dáng mảnh sành cong cong xinh xinh như mảnh trăng lưỡi liềm trên chiếc bàn tre ngày ấy như một ký ức khó phai mờ. Lại có lần tôi lỡ tay làm vỡ chiếc nắp ấm trà đất của bố khi va vào thành giếng. Bố tôi không tìm đâu ra chiếc nắp vừa khít miệng ấm nên đành phải dùng chiếc chén sứt khác đậy lên. Tôi áy náy vì sự thiếu hụt đó cho mãi tới sau này vì đó là chiếc ấm quý của cụ nội để lại. Thời gian trôi đi hàng chục năm sau, tôi tìm đến gốm với thú chơi ấm trà cũng ẩn chứa từ những ký ức tuổi thơ ấm áp ngày nào ở làng quê. Không ít lần tôi đứng bên lò gốm bên Bát Tràng để chờ một mẻ gốm mới ra lò. Tôi như ngửi được mùi lửa đang đốt chiếc ấm đất mà mình tự nặn trong một đêm vắng: “Vòm lò men chảy thơm như mật/ Ngọn lửa liếm đêm rạn sắc hồng/ Quẩn quanh với đất cười như đất/ Hỏa biến hồn tôi mảnh sành cong”.
Chiếc ấm trà đầu tiên tôi bày lên giá có tên là Tây Thi giống hệt hình chiếc ấm của bố tôi ở quê. Có lần ông thì thầm kể cho tôi nghe về sắc đẹp của Tây Thi. Tôi nghe lõm bõm mà chẳng hiểu gì khi bố tôi dùng chữ gọi tên chiếc ấm là “Tây Thi nhũ”. Thật ra ông tôi mới là người hiểu biết về câu chuyện tình giữa người đẹp Tây Thi với Phạm Lãi ở xứ sở Nam Việt bên Trung Hoa. Nhưng ông không bao giờ kể chuyện cho tôi nghe mà chỉ nói xa xôi rằng chiếc ấm đó mang hình ảnh mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tả: “Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông” (Thiếu nữ ngủ ngày). Mãi đến giờ tôi mới hiểu ý ông muốn nói khi mải mê ngắm chiếc ấm Tây Thi xinh xinh. Những truyền nhân chuyên sưu tầm ấm Tử Sa (một trong tứ bảo quốc gia ở Trung Hoa) nói trong các loại ấm trà khó làm nhất là mẫu ấm Thạch Biều và Tây Thi. Nhưng thật ra mẫu ấm Thạch Biều mang dáng kim tự tháp cong (hình tam giác cân) còn dễ làm hơn mẫu ấm Tây Thi. Bởi lẽ khi làm ấm Tây Thi nếu chỉ bắt chước hình bầu vú của người đẹp cũng đã khó. Nhưng ngoài sự cân đối của thân ấm nghệ nhân phải thể hiện được cái thần thái và cảm xúc với hình tượng trẻ trung căng tràn nhựa sống mới cao tay. Tôi thích thú bài thơ của thiền sĩ Hạnh An vịnh chiếc ấm Tây Thi: “Trà mịn da thơm em đóa sen/ Bầu hương suối nhạc chảy êm đềm/ Bình minh tung lụa bay bát ngát/ Vũ trụ thu về núm nhũ tiên”.
Đầu thập niên 90 việc sưu tầm ấm trà cổ không hề dễ dàng. Tôi nhớ có lần vào làng gốm Chu Đậu cổ (Hải Dương), nơi có nhiều lò gốm quan (chuyên làm đồ cho quan lại dùng) bị chôn vùi theo năm tháng. Gốm Chu Đậu đã có thời kỳ hưng thịnh cách đây tới hơn 700 năm. Khi tôi được dẫn tới một gia đình trong làng cùng xem những vỉa đất họ đào ngay trên nền nhà. Gia đình đã thu nhặt được không ít đồ gốm Chu Đậu trong một lò gốm cổ. Tuy nhiên những đồ này đều ít nguyên vẹn theo năm tháng. Hoặc khi đào dân làng cũng không có kinh nghiệm và kỹ thuật trong nghề khảo cổ nên nhiều món đồ hay bị sứt mẻ. Lần đó tôi mua một ống bình vôi chứ không tìm được một ấm trà theo ý muốn. Chính vì những khó khăn vất vả trong cuộc săn lùng ấm trà trong dân gian, tôi đã đổi hướng chơi và sưu tầm những bộ ấm tử sa đất hiếm của Trung Quốc. Đây là dòng ấm nổi tiếng trên thế giới với hàng trăm mẫu khác nhau.
Đồng thời tôi mở rộng bộ sưu tầm ấm trà tới những lò gốm lâu đời trên toàn quốc. Miễn sao có mẫu mã độc và lạ với tiêu chí “Nhất dáng nhì men”. Có lần sang lò Gốm Bụt bên làng Bát Tràng tôi được một bạn đồng nghiệp mua tặng một chiếc ấm với men tro độc đáo. Chiếc ấm nổi bật hiện tượng hỏa biến (với sự thay đổi bất thường của ngọn lửa) tạo nên màu men xám tro hòa trong sắc nâu tô điểm. Nghệ nhân đã vẽ hình ông hổ trên thành ấm với chủ đề “Thanh hổ”. Nét vẽ ông hổ màu xanh thể hiện sự êm đềm dịu dàng và tượng trưng sự phát triển nảy nở sinh sôi. Nhưng thật bất ngờ người nghệ nhân nâng chiếc ấm lên cao rồi ngâm ngợi đọc chậm rãi những câu thơ thiền: “Để là đất cất lên ông Bụt/ Hỏa biến hồng mãnh hổ mỉm cười/ Bao buồn vui, tử sinh, ly biệt/ Cõi thiền trà tựa áng mây trôi”.
Thú vị nhất đối với tôi chính là bộ ấm tích gồm những thể tích khác nhau được sưu tầm trong nhiều năm qua. Đây là bộ ấm trà Việt mà tôi mang nhiều tâm tình trắc ẩn với cha tôi. Tôi bày một chiếc ấm lên bàn thờ như một sự ăn năn với ông cha. Ấm tích pha trà tươi là hình ảnh thân quen trong mọi gia đình ở khắp làng quê. Trong nhiều ngôi chùa đều có những ấm tích pha trà tươi hay lá vối cho các phật tử tới lễ. Những câu chuyện về thiền trà đều bắt đầu từ đây. Vị trà tươi đậm cùng hương thơm của đồng quê rơm rạ làm cho sự bình an và thanh thản tâm hồn. Chính vì thế bộ sưu tập ấm tích của tôi thấm đẫm tình yêu và nỗi nhớ quê hương. Tôi luôn nhớ tới những hình ảnh mà ông bà, cha mẹ tôi mỗi khi đi làm đồng về đều ngồi nghỉ bên ấm trà tươi thơm ngát. Đúng như ông tôi thường dặn lại con cháu sau này: “Uống trà trong nắng sớm/ Vườn tâm đầy hương hoa”. Bộ sưu tầm ấm tích của tôi có những họa tiết tứ linh với những linh vật đậm dấu ấn tâm linh bao đời nay. Bên cạnh đó còn có những họa tiết bốn mùa và tích truyện sâu sắc về nhân tình thế thái cùng đạo lý như “Phúc lộc song toàn”, “Ông đồ dây học”, “Thất hiền”, “Đại cát”, “Nghinh xuân”…Đặc biệt trong bộ sưu tập 500 bộ ấm trà của tôi có hai chiếc độc đáo. Một chiếc ấm tích có dung tích lớn nhất (50 lít) và kèm theo chiếc ấm có dung tích nhỏ nhất (5 giọt nước).
Tuy nhiên có người phản biện rằng chẳng cứ phải chọn ấm. Nếu cần ấm đẹp để pha trà thật không cần thiết. Cứ hàng ấm Bát Tràng mà chơi. Ồ! Chuyện đâu chỉ là cái đẹp. Vấn đề là ở chỗ ấm cần phát huy được hương vị trà mới có giá trị. Đó chính là những chiếc ấm đất được chế tác công phu bằng một loại đất còn lưu giữ một số chất khoáng có ích. Đặc biệt một số loại ấm tử sa còn lưu lại khoáng sắt (Fe) sẽ càng làm cho nước trà đậm vị ngọt hậu hơn loại ấm khác. Ấm sứ không có hiệu ứng trà này. Ấm tử sa được làm bằng loại đất lọc từ những khoáng chất tự nhiên trong mỏ đất ở Nghi Hưng. Cấu tạo đất tử sa sau khi lọc mịn và nung khô vẫn có những độ rỗng siêu nhỏ. Nghĩa là giữa những phân tử đất có những khoảng cách nhất định. Độ chân không ấy sẽ ngấm trà dần sau một thời gian dùng pha trà. Sau khi đã ngấm kín hương vị trà, ấm sẽ có mùi thơm. Những ấm cũ khi chế nước sôi để tráng ấm cũng tỏa hương trà là vì thế.
Nhưng do độ thấm trong thành ấm như vậy nên mỗi ấm chỉ pha được một loại trà. Hơn nữa mỗi chiếc ấm đất là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp bao gốm bố cục thiết kế chế tác cùng với thư pháp hay hội họa trên thân ấm. Vậy mới nói: “Hương trà thơm ấm đất. Nồng đượm ủ mỗi ngày. Mây trời xanh bát ngát. Tụ về trong chén đầy”. Việc chọn ấm cũng cần là ở sự thưởng trà tới tận cùng khoái cảm. Tuy ở vị trí thứ tư nhưng ấm lại là một góc nhìn thẩm mỹ của văn nhân thưởng trà vào mỗi buổi sáng khi ánh bình minh tỏa rạng. Nào ta cùng nhâm nhi những chén trà thơm. Mùa xuân đã về rồi đó. Và: “Bao nỗi buồn vui, sinh tử, mộng. Tan biến trong hương một chén trà”.
Nghệ thuật thưởng trà sinh thành từ một nền văn hóa trà mà dân tộc ta đã hình thành hàng trăm năm. Xa xưa cụ Nguyễn Khuyến đã thể hiện rõ nét: “Khi trà chuyên năm ba chén/ Khi Kiều lảy một đôi câu”; hoặc thi hào Nguyễn Du cũng tâm đắc: “Khi hương sớm lúc trà trưa/ Bàn lan điểm trước đường tơ họa đàm”. Chính vì thế những chiếc ấm có phần điểm tô cho không gian văn hóa trà Việt thêm ngát hương. Khi mới sưu tầm ấm tôi đã biết các cụ thường dạy về quy trình trong không gian trà rằng: “Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”. Tuy nhiên đó chỉ là một phép quy chiếu ước lệ còn trong nghệ thuật và văn hóa trà thì tất cả đều ngang nhau. Riêng ấm trà được chọn thích hợp không những thể hiện sự mỹ cảm đầu tiên trong bữa tiệc trà. Bởi mỗi chiếc ấm là một tác phẩm nghệ thuật gồm những bản khắc thư pháp hoặc đồ họa tạo hình cùng những áng thơ tiêu dao. Đó chính là bầu hương của thi nhân khi rót trà ra chén. Với những chiếc ấm đất (tử sa) được chọn thích hợp với từng loại trà thì ắt hẳn vị trà mới được chắt lọc đến kiệt cùng của suối nguồn thơm hương. Khi ấy hình ảnh thôn nữ rót trà hiện ra thật lung linh: “Đôi bàn tay hoa đơm búp tiên/ Sóng sánh mắt cười vương chén ngọc/ Thanh ngát huyền bay hương cốm non” (thơ đề trên ấm).
Chợt nhớ có lần một nhà sư đã tới thăm “Kho” ấm trà của tôi. Đó là Thiền sư Thích Tâm Căn trụ trì chùa Phước Thể ở Tuy Phong (huyện Tuy Phong – Bình Thuận). Ông chậm rãi và hiền hậu. Một học trò của tôi dẫn thiền sư tới và nói ông muốn đàm đạo về thiền trà. Bên cạnh đó thiền sư muốn soi rọi những mẫu ấm của tôi để tìm ra vẻ đẹp và cốt cách gốm của thế gian mười phương. Tôi dâng trà rồi ngỏ lời: “Chiếc ấm đất thơm sen/ Trà rót đầy một chén/ Sau bao lần hò hẹn/ Xin dâng mời thiền nhân”. Thiền sư mỉm cười thật ấm áp và đón lấy chén trà. Ông nhấp một ngụm rồi lim dim mắt một lúc thưởng vị trà ngọt nơi cuống họng. Bất chợt thiền sư khà lên một tiếng rồi nhận ra vị trà thơm phía bắc. Thiền sư cầm chiếc ấm đất lên ngắm một lúc rồi xoay nắp hình con ếch nằm trên lá sen rồi ngâm nga: “Chén trà trong hai tay/ Chánh niệm dâng tròn đầy/ Thân và tâm án trú/ Bây giờ và ở đây” (Thi kệ -Thiền trà). Tôi bồi hồi ngắm thiền sư nâng chén trà lên và chợt nhớ tới dư âm trong một bài thơ Hai Ku: “Bên chén trà buổi sáng/ Sự thanh thản, lòng thiền/ Hoa cúc nở”. Tôi cũng lặng im như thế. Nghe như bên thềm hoa cúc ngan ngát mùi hương.
Vương Tâm