Cuci Art Studio giới thiệu triển lãm ‘Khi Linh Hồn Ta là Cánh Bướm’ của nhóm nghệ sĩ: Nguyễn Xuân Hoàng, Phan Tuấn Ngọc, Nguyễn Đoan Ninh, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Khánh Toàn, Đoàn Xuân Tùng. Triển lãm là bộ sưu tập 21 tác phẩm, bao gồm các tác phẩm sử dụng chất liệu giấy, lụa. Triển lãm sẽ mở cửa tới công chúng từ ngày 16/05 đến 09/06/2024, giờ mở cửa 10 – 19h, Thứ 3 tới Chủ Nhật hàng tuần tại Tầng 3, 17 Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Người nghệ sĩ lấy mặt toan làm đôi cánh của mình, để bay đến những khu vườn. Dù mong manh nhưng những câu chuyện khắc sâu trong từng nét cọ, nó cũng giống như những đường gân nối giữa đôi cánh. Chúng là những đường vân mà qua đó bướm có thể truyền năng lượng quan trọng cho phép nó bay, di chuyển từ bông hoa này sang bông hoa khác; rải các hạt phấn hoa để tạo ra nhiều hơn các mầm sống trong khu vườn.
Trước khi người nghệ sĩ mở ra và chạm vào mặt trời, họ đã bị chôn vùi trong một bức tường dày, một cái kén gói gọn khoảng thời gian đêm tối của tâm hồn. Mọi ý tưởng sáng tạo đều xuất phát từ vô thức. Nó cũng giống như giai đoạn ấu trùng biến thành nhộng, đó chính là một cuộc lột xác sâu sắc của tâm hồn và trí tuệ để khởi nguồn của sự sống. Nghệ sĩ là những người duy nhất có ý định tận dụng tất cả những phần mà dường như không được chú ý, hay chính cái phần bản ngã bị chối bỏ đó để làm nên tác phẩm.
Đoàn Xuân Tùng
Tùng đưa chúng ta đi qua những xung đột giữa truyền thống và hiện đại, tìm kiếm những câu chuyện tưởng đã bị lớp thời gian chôn vùi, để rồi tái tạo lại chúng thông qua việc tập hợp những đồ vật đã được tìm thấy. Tác phẩm sắp đặt điêu khắc của anh mở ra một cách mới, để tổ chức lại nhận thức của chúng ta về những người bị lãng quên bỏ lại phía sau. Việc sắp xếp lại những vật liệu này, để truyền đạt quá trình phân hủy sẽ làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với những vật thể này thành mối quan hệ thu hồi và hội nhập.
Nguyễn Hồng Phương
Phương đã dấn thân vào thế giới tưởng tượng và khám phá giấc mơ chung – đó là được bay. Bức chân dung bay của anh giữa những lan can công nghiệp có thể biểu thị chủ nghĩa thoát ly. Nhưng việc thực hành vẽ tranh lâu dài và khả năng kiểm soát mà anh có được trong môi trường của mình, đã khiến khả năng khám phá và tưởng tượng của anh đã vượt xa hơn của bộ não. Niềm đam mê này thường xuất hiện ở những đứa trẻ đóng vai, nơi vùng đất giả tưởng mà Phương đã thử nghiệm với con trai mình khi dán những búp bê Barbie và những cánh bướm neon dễ thương lên tác phẩm của mình.
Nguyễn Khánh Toàn
Khi tìm kiếm những gì mới mẻ, Toàn không quên việc xóa bỏ cái tôi cũ của mình, hết chồng chất này đến chồng chất khác. Giống như chứng kiến từng lớp lá rơi, dày đến mức khi dẫm lên sẽ chìm xuống. Lớp phủ bề mặt nằm trên nền đất của ký ức. Mặc dù bị lãng quên, chúng vẫn bồi đắp hoặc lây nhiễm mối quan hệ của chúng ta với cõi hữu hình, tạo thành những cái mới được xây nên từ cái gốc vững bền linh hoạt.
Nguyễn Xuân Hoàng
Hoàng hình dung sự trải nghiệm cơ thể, của hành trình hướng tới Bản ngã bên trong mình. Bước đi trong chánh niệm là một phương pháp thực hành giúp chúng ta tiến một bước gần hơn đến trung tâm của mình – đến phần bất biến và thiêng liêng trong chúng ta. Nó phản ánh sự thức tỉnh tâm linh sâu sắc khi một người trải qua đêm tối của tâm hồn và chọn cách đồng nhất với những phẩm chất của Pháp(Dharma), một hành trình phù hợp với sợi dây sống độc nhất của con người và bước qua nó với sự hiện diện mới.
Nguyễn Đoan Ninh
Tác phẩm của Ninh thường mang tính chất bình luận xã hội một cách hài hước. Cách tiếp cận giễu nhại của Ninh đối với những thứ được coi là quá nghiêm túc sẽ hướng chúng ta sang phía bên kia hàng rào một cách dễ thở hơn. Thông qua sự vui tươi ấy, phần xấu xí bị kìm nén của con người được bộc lộ. “Tôi không vẽ những vẻ đẹp mình nhìn thấy. Tôi vẽ những nhận thức của mình về cuộc sống, cũng có thể là một cuộc sống giả tưởng ở một nơi nào đó… và bộc lộ thái độ trước những điều đó” – anh nói. Với sự hài hước, Ninh đã sàng lọc những vấn đề quan trọng và cung cấp cho chúng ta một sự rõ ràng về sự thật đau đớn, một phần kéo chúng ta vào mặt tối của sự việc, nhưng lại giải thoát chúng ta khỏi chìm xuống vực thẳm vì tự tác phẩm đã cất lên tiếng cười.
Phan Tuấn Ngọc
Các tác phẩm của Ngọc rất phù du và chất liệu hoạ sĩ sử dụng gợi nhớ đến đôi cánh mỏng manh của một con bướm. Với Ngọc, “Sứ mệnh của một nghệ sĩ là truyền tải những gì trong tâm hồn theo những cách khác nhau, từng chút một theo thời gian.” Những tác phẩm của anh phản ánh sự mong manh của những khoảnh khắc. Một khi chúng đi qua, chúng có thể được lấy lại hoặc tiêu tan như một giọt sơn rơi vào một vùng nước rộng lớn.
Lần lượt từng hình ảnh, từng giọt sơn nối tiếp nhau, một chiếc lá rơi trên lớp lá mục—những mảnh vỡ nảy ra từ vô thức của sáu nghệ sĩ sắp xếp lại quan điểm của chúng ta về thực tế thành một thứ gì đó phản ánh động lực sáng tạo của họ. Có lẽ, ý chí sống đó chính là tình yêu. Và vì thế, con bướm sẽ bay đi sau khi suy ngẫm sâu sắc về những giấc mơ, tưởng tượng, ký ức, những mâu thuẫn và cả sự hài hước của cuộc sống cùng sự thức tỉnh về những điều thiêng liêng mà tất cả chúng ta đang hoài mong, tìm kiếm.
Giới thiệu về Cuci Art Studio
Cuci Art Studio là một không gian nghệ thuật hiện đại, cởi mở, nơi kết nối họa sĩ Việt Nam với công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là các họa sĩ trẻ trong một không gian chuyên nghiệp, sáng tạo và linh hoạt. Với mong muốn cùng chia sẻ giá trị chung trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, tôn vinh sự sáng tạo mang tính nhân văn, Cuci Art Studio luôn chào đón các nghệ sĩ tài năng, sáng tạo từ nhiều loại hình, dưới nhiều hình thức như triển lãm, workshop… Cuci tự hào là người đại diện cho những nghệ sĩ tài năng Việt Nam như Lục Quốc Nhượng, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Khánh Toàn, Phan Tuấn Ngọc và những người bạn nghệ sĩ…
Được thành lập năm 2014 bởi art organizer Võ Quỳnh Hoa và họa sĩ Nguyễn Hồng Phương – đôi bạn cùng đồng hành trong đường đời và cả con đường nghệ thuật. Cuci Art Studio trân trọng giá trị sáng tạo, sự thay đổi và thử nghiệm, mang sứ mệnh giới thiệu những tài năng nghệ thuật thị giác ẩn giấu của Việt Nam tới những người yêu nghệ thuật và nhà sưu tập trong và ngoài nước.