Mai Văn Hoan
Nguyễn Công Trứ từng làm Tham tụng bộ Lại, Thị lang bộ Hình, Thượng thư bộ Binh… Đương thời ông đã nổi tiếng là một vị tướng tài ba, một nhà doanh điền kiệt xuất. Thế nhưng khi nói về mình ông chỉ tự hào có hai điều: Thứ nhất không ai “ngất ngưởng” bằng ông; thứ hai không ai “đa tình” như ông. Nguyễn Công Trứ “ngất ngưởng” đến mức “bụt cũng phải nực cười” vì đi vào chùa vẫn mang theo các cô đào. Cái kiểu cưỡi bò vàng, đeo đạc ngựa, chỗ đuôi bò treo cái mo cau, người ta hỏi, nói “để che miệng thế gian” thì không chỉ trong triều mà cả ngoài đời cũng chẳng ai “ngất ngưởng như ông”. Còn “đa tình” thì hãy đọc thơ ông sẽ biết. Nguyễn Công Trứ làm thơ vịnh “chí nam nhi”, vịnh “nhân tình thế thái”, vịnh các danh lam thắng cảnh, các nhân vật lịch sử… và dành khá nhiều bài thơ để vịnh chữ tình. Một người đồng hương sinh trước ông 12 năm là Nguyễn Du cũng làm quan nhà Nguyễn, cũng đa tình và viết thơ tình rất hay. Nhưng Nguyễn Du chỉ nói gián tiếp qua mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng, còn Nguyễn Công Trứ thì trực tiếp diễn tả tình cảm của mình. Một vị quan đại thần lại đi viết thơ tình quả là điều “xưa nay hiếm” trong chế độ phong kiến vốn rất kiêng kị nếu không nói là “dị ứng” đối với thứ tình cảm rất người này. Có hàng trăm, hàng nghìn định nghĩa về tình yêu trai gái, Nguyễn Công Trứ định nghĩa theo cách riêng của mình: “Cái tình là cái chi chi!”. Mới đọc qua “Cái tình là cái chi chi” của Nguyễn Công Trứ người ta dễ nhầm với “cái tình chi” trong Nước non ngàn dặm ra đi. Xem xét kĩ ta mới thấy đây là hai cách nói hoàn toàn khác nhau. Nếu “Cái tình chi” trong “Nước non ngàn dặm…” là tình cảm của Huyền Trân công chúa đối với quê hương, đất nước, đối với những người thân yêu trước khi bước chân ra đi làm dâu xứ người theo sự sắp đặt của vua cha thì “Cái tình là cái chi chi” của Nguyễn Công Trứ lại nói đến tình yêu nam nữ. “Cái tình chi” thuần túy trữ tình, còn “Cái tình là cái chi chi” ẩn chứa nụ cười hóm hỉnh. “Cái chi chi” rất khó nắm bắt. Tình yêu vừa đơn giản, vừa phức tạp, vừa cụ thể, vừa mơ hồ. Với người này tình yêu là hạnh phúc. Với người kia tình yêu là đau khổ. Tình yêu có thể chắp cánh cho con người bay tận trời xanh cũng có thể đẩy con người xuống bờ vực thẳm. Tình yêu không chỉ làm “đổ quán xiêu đình” mà có khi còn làm cho “nghiêng nước, nghiêng thành”. Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ đã viết về tình yêu. Tình yêu là nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn. “Cái tình là cái chi chi” vừa là câu hỏi, vừa là câu trả lời. “Cái chi chi” ấy đã “làm khổ” Nguyễn Công Trứ, “làm khổ” biết bao người trên thế gian này.
Đa tình là dở
Đã mắc vào đố gỡ cho ra
Khéo quấy người một cái tinh ma
Trói buột kẻ hào hoa biết mấy!
(Vịnh chữ tình)
“Cái chi chi” ấy có một sức mạnh hết sức ghê gớm:
Đã gọi người nằm thiên cổ dậy
Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi
(Vịnh chữ tình)
Càng tài hoa thì càng đa tình. Càng đa tình thì càng bị “cái tinh ma” nó “quấy”. Vốn là người tài hoa nên Nguyễn Công Trứ hiểu thế nào khi “sa lưới” tình yêu. Ông đã từng “bổi hổi, bồi hồi…” mất ăn, mất ngủ vì nhớ mong người đẹp:
Tương tư không biết cái làm sao
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào!
Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện,
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao.
Trăng soi trước mắt ngờ chân bước,
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào,
Một nước, một non, người một ngả,
Tương tư không biết cái làm sao?
(Tương tư)
Bài thơ diễn tả thật sinh động nỗi nhớ người yêu. Nhớ nên hay tưởng tượng: ở đâu, lúc nào cũng như nhìn thấy, nghe thấy hình bóng, tiếng nói của người mình yêu. Đã “sa lưới” tình yêu thì “đố gỡ cho ra”. “Cái tình chi” ấy đã bao lần làm cho nhà thơ tan nát cõi lòng. Đó là lúc nhà thơ chia tay với người mình yêu:
Tình ấy trăng kia như biết với
Chia làm hai nửa giọi hai bên
Một danh tướng can trường như ông, một viên quan đại thần “ngất ngưởng” như ông thế mà khi đứng trước sự bội tình đã phải thốt lên những lời thê thiết:
Non nước, nước non ngao ngán nỗi
Cỏ hoa, hoa cỏ ngẩn ngơ chiều
(Trách tình nhân)
Trái tim nhà thơ mềm yếu làm sao! Nguyễn Công Trứ từng chiến thắng nơi chiến trường nhưng phải chịu “thất bại” trước tình yêu. Và nhờ nếm mùi “thất bại” ấy, nhờ trái tim bị tổn thương ấy, ông mới có thơ hay lưu lại cho hậu thế. Điều đó nói rằng dẫu là một danh tướng tài ba ông vẫn là con người. Trước tình yêu thì một vị tướng cũng tan nát trái tim như người bình thường. Có điều, dầu biết “Cái tình là cái chi chi” như thế, Nguyễn Công Trứ vẫn không chối bỏ tình yêu, ông vẫn cứ “chi chi với tình”. Chỉ đảo đi đảo lại hai chữ “chi chi” mà nói được bao nhiêu ý. Cái “chi chi” ở câu trên là cái chi chi của tình yêu. Còn “cũng chi chi với tình” là biểu hiện sự dấn thân. Biết đến với tình là “sa lưới”, là vướng vào “dây oan” là vào chốn “ngục tù”. Nhưng lạ thay người đời vẫn thích “sa lưới” vẫn thích vướng vào “dây oan” vẫn thích dấn thân vào chốn “tù ngục”. Nguyễn Công Trứ đã từng muốn “đem lạng vàng” để chỉ mua lấy “một tiếng cười” của người đẹp. Ông phát hiện ở người phụ nữ một sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Dường như vẻ đẹp của họ không phôi phai cùng thời gian.
Nguyễn Công Trứ biết cách nói đùa, biết cách an ủi những vầng trăng ngay khi đã xế:
Trăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết
Hoa tàn song lại nhị càng tươi!
Chẳng thế mà khi đã vào tuổi “xưa nay hiếm” ông vẫn cưới vợ hầu 23 tuổi:
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam
(Người vợ mới hỏi chồng bao nhiêu tuổi
Năm mươi năm trước ta hai ba tuổi!)
(Tuổi già cưới vợ hầu)
Ở phần cuối bài thơ, Nguyễn Công Trứ tự khẳng định:
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai!
Phải đặt vào địa vị của ông, đặt vào thời đại mà ông đang sống chúng ta mới thấy hết ý nghĩa mảng thơ tình mà Nguyễn Công Trứ gửi lại cho hậu thế.
Quả là xưa nay ít ai “ngất ngưởng” như ông; ít ai thành thật, bản lĩnh và đa tình như ông.