Vài nét về tác giả:
Tác giả Đỗ Nguyên Thương, bút danh Đỗ Quyên, là nhà giáo và nhà phê bình văn học. Chị là hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam; Uỷ viên BCH Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ; Chi Hội trưởng Chi hội Lý luận phê bình và văn học dân gian – Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ.
Sách đã xuất bản:
– Đi tìm vẻ đẹp văn chương (tiểu luận, phê bình), tập 1, Hội VHNT Phú Thọ 2005, tái bản 2006;
– Đi tìm vẻ đẹp văn chương tập 2 – Nxb Hội Nhà văn 2022;
– Đi tìm vẻ đẹp văn chương tập 3 – Nxb Hội Nhà văn 2024;
– Cảm ơn cuộc đời (thơ) – Nxb Hội Nhà văn 2020.
Giải thưởng: Giải A Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ năm 2022.
Đỗ Nguyên Thương yêu thơ, làm thơ, nhưng lại say mê với phê bình văn học. Viết phê bình, Đỗ Nguyên Thương luôn có ý thức trang bị cho mình một nền tảng lí luận chắc chắn, chí ít là trong lĩnh vực hoặc vấn đề mình quan tâm. Không phải ngẫu nhiên, trong các tập sách của mình, chị luôn chạy đà bằng các bài khái quát hoặc điểm danh “câu chuyện phê bình” qua những thu lượm của bản thân trong tâm thế của một người say nghề và trách nhiệm.
Tạp chí Nhà Văn Và Cuộc Sống xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một bài phê bình văn học của Đỗ Nguyên Thương viết về tác phẩm BẾN QUÊ của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Bài đã được in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9.
BẾN QUÊ – NƠI NEO ĐẬU TÂM HỒN CỦA CON NGƯỜI
(Về tác phẩm Bến quê của Nguyễn Minh Châu)
(SGK Ngữ văn lớp 9)
Nói đến Nguyễn Minh Châu, người ta thường nhớ đến một nhà văn luôn luôn có ý thức đi tìm “Hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn mỗi con người”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu- “Người mở đường tinh anh và tài hoa” cho công cuộc đổi mới văn học này quả là đã mang đến cho người đọc nhiều tác phẩm văn học có giá trị nhân văn sâu sắc, có giá trị tư tưởng đề cao sức mạnh và niềm tin, nghị lực trong mỗi con người.
Ai đó trong cuộc đời chẳng đã từng thấm thía “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nhân vật Nhĩ trong Bến quê đã trải qua những “ngày đàng” không chỉ đi trong nước mà còn đi nhiều nơi trên thế giới, tới mức “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Thử hỏi, một người như Nhĩ có hạnh phúc không? Có may mắn không? Dù nhà văn không giải thích kỹ anh làm nghề gì, đã được đi những đâu nhưng cách giới thiệu của nhà văn đã gợi cho người đọc thấy Nhĩ là một người may mắn và hạnh phúc vì đã có được những tháng ngày sung sướng, được mở rộng tầm mắt, được học hỏi nhiều “sàng khôn” trong “túi khôn” của nhân loại.
Nhưng Bến quê không khai thác sâu khía cạnh niềm vui hay sự sung sướng của một người hạnh phúc vì đã được đi nhiều nơi như Nhĩ mà chủ yếu xoay quanh phản ánh những sự việc khi Nhĩ đã bị bệnh phải nằm liệt trên giường.
Bến quê được hiểu là “một truyện ngắn chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh sự trân trọng giá trị cuộc sống gia đình và những vẻ đẹp bình dị của quê hương”.
Những suy ngẫm và trải nghiệm sâu sắc ấy được gửi trọn vào cách xây dựng tình huống có tính chất nghịch lý của câu chuyện. Làm nên thành công của một truyện ngắn là nhờ nhiều yếu tố nhưng không thể phủ nhận một yếu tố là cách xây dựng tình huống truyện.
Đã có người nói rằng “Tình huống là vấn đề cốt tử của truyện ngắn”. Điều đó quả không sai, tình huống là thời điểm tính cách nhân vật bộc lộ, là nơi nhà văn thể hiện rõ nhất tư tưởng của mình muốn gửi gắm tới độc giả.
Tình huống có tính chất nghịch lý là tại tình huống đó có những mâu thuẫn, những đối lập xảy ra mà con người ta, ở vào hoàn cảnh ấy ý thức được về nó nhưng không giải thoát được.
Với Bến quê, tình huống có tính chất nghịch lý thứ nhất là nhân vật Nhĩ “Suốt đời đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” thế mà dường như giờ đây lại bị cột chặt vào giường bệnh, đến tự lết bản thân dịch chuyển dần từ tấm nệm ra gần khung cửa số cũng không làm được. Nếu như trước đây một mình anh tự đi được đến với những chân trời xa lạ thì nay phải nhờ mấy đứa trẻ con hàng xóm giúp đỡ anh mới dịch chuyển được cơ thể của mình “từ mép tấm nệm nằm ra mép tấm phản, khoảng cách ước chừng năm chục phân”.
Nếu như sinh ra đã chẳng may bị liệt thì ý thức về sự thiệt thòi của số phận trong anh sẽ không lớn bằng việc đã từng được đi tung hoành khắp nơi giờ lại phải suốt ngày nằm liệt trên giường bệnh. Dù nhà văn không miêu tả nhưng người đọc có thể hình dung được, thời gian nằm trên giường bệnh chắc chắn ký ức của những ngày tháng đẹp đẽ trong quá khứ sẽ ùa về làm nhân vật thấy xót xa và tiếc nuối. Nhưng, chính những ngày tháng này anh mới nhận thấy nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống mà trước đây anh đã vô tình (và cả chút vô tâm) nên không nhận thấy.
Trước hết, về cái đẹp của thiên nhiên, đó là vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông ngay trước cửa nhà mình “Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của cái bãi bồi bên kia sông Hồng, ngay trước khung cửa sổ. Cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng, lúc này đang phô ra trước cửa sổ gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn với màu xanh non – Những sắc màu quen thuộc quá, như da thịt, như hơi thở của đất màu mỡ”. Vẻ đẹp gần gũi, trong tầm mắt, trong tầm tay mà không thể đặt chân tới được. Nếu trước đây anh đã biết đến nhiều miền quê, nhiều cảnh quan đẹp đẽ khác nhau thì nay mới phát hiện ra một vẻ đẹp hiền hòa, bình dị mà gần gũi, rất gần gũi với mình mà anh không hề biết.
Cũng như vậy, trước đây vì đi công tác xa nhà mà anh không nhận thấy người vợ của mình rất đáng trân trọng bởi sự tần tảo và đức hy sinh. Cả đời lo cho chồng con, bản thân mặc áo vá. Những cử chỉ ân tình như bón từng thìa cháo, từng miếng nước cho chồng, những lời an ủi động viên “Miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong gian nhà này…” đã là hạnh phúc đối với Liên – vợ anh. Những ngày bị ốm được vợ ân cần chăm sóc anh mới nhận ra mình thực là có lỗi với người vợ của mình và anh nhớ lại trước kia khi mới cưới Liên, Liên vẫn mặc áo nâu và chít khăn mỏ quạ, nay Liên đã trở thành người đàn bà thị thành “Tuy vậy cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa”.
Từ nghịch cảnh đặt chân tới không sót xó xỉnh nào trên trái đất mà lại không đặt chân được tới bãi bồi ngay trước mặt nhà mình mà Nhĩ chiêm nghiệm, nhận ra thiên nhiên cũng như con người luôn luôn tiềm ẩn những vẻ đẹp dung dị và đáng trân trọng, đáng tự hào và Nhĩ thấy mình có lỗi với người vợ thân yêu. Cảm giác ấy cho thấy anh trân trọng, quý giá những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người như thế nào.
Và, từ hai nghịch lý nêu trên, người đọc dễ dàng nhận thấy một nghịch lý thứ ba xuất hiện: Lẽ thường, người ta phải mơ ước một cái gì lớn lao, đằng này Nhĩ lại mơ ước một điều cỏn con là đặt chân lên bãi bồi bên kia sông gần ngôi nhà của mình. Ước mơ giản dị và nhỏ bé ấy sẽ không phải là ước mơ mà là một hiện thực đơn giản trong tầm tay của người khác nhưng với Nhĩ, đó là mơ ước và mơ ước không thành bởi Nhĩ ý thức được thời gian tồn tại của mình trên cõi đời này không được bao lâu nữa. Anh nhờ đứa con trai thực hiện mơ ước của mình. Nhưng, đứa con trai của anh không thể hiểu ý nghĩa sâu xa trong việc làm đơn giản là đặt chân lên bãi bồi bên kia sông cho nên trên đường đi, nó lại sa vào đám phá cờ thế để rồi lỡ mất chuyến đò duy nhất trong ngày.
Cuộc đời của con người ta, mấy ai có thể tránh được những sự “lỡ đò” như thế?
Vậy là, thông qua những tình huống có tính chất nghịch lý, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi đến độc giả những thông điệp chân thành và quý giá: “Bến quê” là bến đỗ, là nơi neo đậu của tâm hồn mỗi con người. Ở đó có con người, có cảnh vật gần gũi thân thương. Bởi thế, mỗi chúng ta cần phải biết trân trọng, nâng niu những gì hiện có thuộc về mình, trân trọng con người, trân trọng thiên nhiên, trân trọng cuộc sống để cuộc sống có ý nghĩa hơn.