KÝ ỨC CHÙA QUÊ 

KÝ ỨC CHÙA QUÊ 

Truyện ngắn của NGUYỄN DUNG

Cuối cùng tôi cũng lặn lội đến nơi cần đến, một ngôi chùa cổ giấu mình trong vùng bán sơn địa, thưa dân cư. Người tôi gặp đầu tiên không phải là vị hòa thượng trụ trì chùa, mà là một đại đức, gầy nhom, xanh xao, chừng tuổi ngoài ba lăm. 

Tôi tới đây mong muốn tìm nơi dung thân lúc tuổi xế chiều. Đời một người đàn bà từ khi mở mắt chào đời đã thấy chông chênh rồi; và cái chông  chênh ấy chẳng hết cho đến khi chị ta chưa thở hơi cuối cùng vĩnh biệt  thân bằng quyến thuộc. Tôi còn hơn cả nỗi chông chênh, nên muốn dừng  nơi cửa chùa nương gửi phần đời còn lại. Tiện thể, tôi muốn tìm lại núm ruột của mình. Không biết thằng bé có đi tu hay không. Vì gần bốn mươi năm trước, tôi đã đặt nó cạnh một cổng chùa rất xa quê, lúc nó vừa chào  đời nửa tháng, vẫn đỏ hỏn.  

Tôi hơi giật mình trước một đại đức ốm nhom như thế, phần vì thấy số  đông tu sĩ bây giờ không ốm vậy (trừ lão hòa thượng tôi đã gặp lần trước bởi ông đã quá già, như thuộc về một thời đại xa lắc lơ nào đó); phần vì thấy phảng phất nét quen thuộc trên gương mặt vị đại đức kia, linh cảm  của một người đàn bà đi tìm con nhiều năm nay. Tôi gặp lại cặp mắt sáng lạ lùng như thời con gái từng gặp. Chỉ một thứ giọng miền Trung trầm vang như ngọc khê là chưa nghe; vì tôi – đứa con gái châu thổ miền sông. Cái yêu một trai quê cũng trên bờ con sông vĩ đại ấy, đúng vào một mùa lũ  mênh mang đỏ rực. Nên tôi vẫn nghĩ, thằng bé con tôi phải có chất giọng  phù sa ấm áp chứ! Nhưng trước mặt tôi, một vị tu sĩ nói giọng miền Trung trầm vang như ngọc khê. Cái dáng người gầy gò trong trẻo, đăng đối nỗi  khổ hạnh trong trẻo trong cùng một thể xác của vị tu sĩ khiến ta hiểu rằng: nhìn chung, không thể giả vờ sự khổ hạnh, trong khi có thể giả vờ sự giàu sang hay giả vờ đạo đức. 

Ngôi chùa vắng vẻ, như thể cả năm rồi chả ai thăm viếng. Trong lúc đầu  óc mông lung, nghĩ mình là vị khách duy nhất, thì tôi đã nhầm khi nhận ra một chiếc xe hơi hiệu Audi rẽ vào cổng chùa. Và tôi nhìn thấy một phụ nữ dáng vẻ sang chảnh bước xuống. Tôi bỗng thấy mặt mày sa xẩm, trống  ngực nện vào mỏ ác như ai nện trống chầu. Máu não tôi không chỉ sôi bỏng huyết quản, mà hình như còn bốc hơi nghi ngút. “Mụ ấy, chó chết!” Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhận ra mụ ấy. 

“Bạch thầy, em xin gặp Sư cụ Hòa thượng.” – mụ ấy đon đả lên tiếng, cắt ngang dòng tôi nghĩ. Ngôi chùa vẫn im phăng phắc sau những âm thanh rổn  rảng đó. Tu sĩ từ tốn nhìn mụ, bảo: “Hòa thượng hôm nay mệt.” Chết không, người ta lặn lội từ mấy trăm cây số tới, đâu phải chuyện giỡn – mụ bảo.  

Tôi phải chờ hơi lâu, không rõ vì mụ ta nói dài hay vì tôi sốt ruột. Hay do chiếc đồng hồ nơi cổ tay tôi tự dưng chết ngắc. Tôi chợt nhớ về mái chùa  quê xanh rêu thời thơ ấu nơi vùng quê Bắc bộ, chừng ba trăm năm tuổi.  Nhưng trước đó một thế kỷ, những vị tiền hiền, khuyết danh đầu tiên đã  đến lập nghiệp. Một vùng đất vốn là những bồn trũng châu thổ, hơi xa con sông Cái, hang ổ của muỗi mòng, rắn độc và bệnh phù thũng đã trở mình,  biến thành làng xóm đông đúc và những cánh đồng trù phú. Khi tôi lớn  lên, còn thấy những đồng nước cỏ lác bạt ngàn, sâu lút ngực người. Hàng  đàn ngỗng trời, diệc trời, mỏ lớn, sải cánh dài đến mấy thước ta hong nắng  chiều, trước khi đậu lên những chùm lác đã được kết thành tổ. Bầy đỉa đói  nhao nhác như lá tre dưới nước, con nào con nấy dài hơn gang tay. Mẹ tôi  bảo những con đỉa ấy có thể hút kiệt máu của một con nghé. Thời ấy, mỗi  lần ra đồng bà lại xách theo một bọc vôi nhỏ, buộc nó ngang thắt lưng khi  lội xuống những chân ruộng sâu. 

Ngôi chùa toạ lạc trên cái gò cao nhất vùng. Nó trở thành biểu tượng  tín ngưỡng của người dân quê tôi, tỏa sáng cái chí tâm, chí thiện trước sự vô minh của đời sống. Chuyện tình oan khuất, cầu duyên hay cầu tự thì quý vị cứ lên chùa bộc bạch. Phật tổ thấu hiểu và độ lượng vô biên từng  kiếp quả. Tôi thích nhất tượng Phật bà sơn son thiếp vàng, uy nghi, tọa nơi  chính điện. Hàng nghìn con mắt bà chiếu muôn phương như ngọn đuốc vũ trụ, tiêu hủy mọi khổ nạn của chúng sinh. Mẹ tôi thường đúc oản đặt  dưới chân Phật bà cầu phúc. Tôi đứng đấy cùng mẹ, lòng rộn lên sự mơ hồ lẫn lo sợ. Nhìn đứa con gái mười tuổi nước mắt lưng tròng, lần nào mẹ tôi  cũng bối rối. Mẹ bảo, đó là nước mắt Quán Thế Âm nhỏ xuống, thấm trong tôi thành lệ. Mẹ tôi xinh người, đẹp nết, là vợ thứ tư của một địa chủ. Việc bà lấy chồng cũng là một bi kịch. Tôi không nhớ mặt cha mình, chỉ nghe nói ông có nhiều ruộng và trâu; nhưng đó không phải là tài sản của mẹ tôi.  Nhà tôi chỉ hai mẹ con. 

Theo lời người già, thời thực dân, quê tôi nhiều phen bị giặc càn quét  hung hãn. Nhưng trước ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính kia, bọn lính tây  lại rụt rè lưỡng lự. Sát khí chúng chùng xuống. Có lẽ, vì sự tín ngưỡng chung của loài người – kể cả kẻ thù – mà ngôi chùa làng tôi vẫn nguyên vẹn  qua những cơn binh đao. Năm tháng trôi đi, tiếng chuông chùa vẫn ngân  vang đều đặn, đến tận những hàng cây xa tít nơi cuối đồng. Rồi mối tình đầu của tôi nảy nở. Anh người làng bên, hơn tôi ba tuổi, nhưng chỉ học trên  một lớp. Không phải vì anh học dốt, mà ở quê thời ấy, nhiều người vẫn bắt  đầu học muộn. Khi ấy tôi mười sáu. Mọi người nói tôi xinh đẹp đến nồng  nàn. Anh cũng rất thư sinh, mặc dù trai quê; nhưng là con trai của ông bí  thư xã. Khi tôi lên học trường huyện, học trò cả xã chỉ mình tôi con gái. Mẹ tôi phải bán đi đôi bông tai – kỷ vật cưới duy nhất của bà với ông chồng già  có nhiều ruộng và trâu, và người ở. Mẹ bảo: “Mày xinh quá làm mẹ lo”. Lúc ấy tôi chả hiểu lời mẹ. Nhờ bà mà tôi được ăn học. 

Chúng tôi yêu nhau, dắt nhau ra tận bờ sông Cái thề thốt. Dòng sông  mênh mang, ăm ắp nước. Dáng chiều đỏ thắm, tỏa chiếu hai bên bờ những  sóng lúa dào dạt, lấp lánh. Trong ánh sáng huy hoàng phóng ra từ những xúc cảm nội tâm, tôi muốn tình yêu của mình sánh ngang với núi cao, sông dài,  miên viễn, bất tử. Tôi vẫn nhớ mây chiều hôm ấy sao cuồn cuộn đến thế!  Anh ôm tôi từ phía sau, cố tình chạm mấy ngón tay thanh mảnh vào cặp vú mới lớn nhưng rạo rực của tôi. Sau này, khi tan vỡ rồi, tôi mới nghiệm ra cái  chết của tình yêu không bắt nguồn từ lý do luyến ái mà chính từ những lý do  ngoài luyến ái. Điều này được chứng minh trong cuộc gặp giữa tôi và anh sau  hơn bốn mươi năm khi cuộc tình của hai người đã đi vào thiên thu.  

Ngày ấy, anh say đắm tôi, nhưng lại bắt đầu ngờ vực một tình yêu bền  vững giữa anh và tôi. Anh lên thủ đô, vào học một trường đại học danh  tiếng. Còn tôi năm sau lên thị xã, học một trường sư phạm. Khi biết anh  yêu tôi, gia đình anh không thuận. Thiếu gì gái phố xinh đẹp, mà ham gái  quê, lại là con địa chủ? – Bố anh bảo thế! Lần đầu yêu, cũng là lần đầu tôi hiểu rằng tình yêu cần phải khoác thêm tấm áo lý lịch. Nhưng tôi không trách anh. Anh biết rõ nhà tôi chỉ có hai mẹ con, chẳng trâu, chẳng ruộng, sao gọi là địa chủ? 

Thỉnh thoảng anh ghé thị xã thăm tôi. Còn tôi thì mò đến tận trường anh. Mỗi lần đến, tôi tranh thủ giặt giũ cho anh, thổi cơm cho anh. Rồi  những cuộc thăm viếng của anh thưa và nhạt dần. Nghe tôi nhận xét, anh im lặng. Lúc cái bụng tôi nhô lên, anh càng im lặng hơn. Một cơn bão đang  hình thành trong tôi và anh. Anh đã thành con người khác, chỉ biết mình và mọi chuyện cần phải theo ý mình, thế thôi.  

Anh có phần giống bố, gốc nông dân nhưng chưa ngày nào làm nông  dân. Dù ông vốn dân quê, sinh ra và chết đi cùng gốc rạ mà không đi nổi  đường cày, không khiến nổi con trâu. Việc phân tro, giống má, thời vụ ông cũng bập bõm. Thế mà, nếu nghe ông nói, ai cũng nghĩ ông biết tuốt mọi  việc. Có lẽ ông mang bản chất cố hữu của hạng nông dân lưu manh nào đó – những kẻ thường nói hay làm dở. Riêng khả năng tranh công, chối  tội của họ lại thuộc năng lực bẩm sinh! Ưu điểm lớn nhất của ông là có chí lãnh đạo. Thuở nhỏ ông không được học Nho, lớn lên cũng không học Quốc ngữ. Nhờ đợt Bình dân học vụ mà ông đánh vần được công văn từ  trên gửi về. Ông bảo: “Thế là ổn! Mấy cái chữ phong kiến thực dân không cần học nhiều!” Ông trở thành bậc “tiên chỉ” mới, thay cho những kỳ hào cũ thời phong kiến. Với dáng đi lạch bạch nhưng cố tỏ vẻ oai vệ của một vị tướng, ông vén tay áo thiết lập cơ đồ làng quê hiện đại bằng cách đập phá  những thứ ông coi là cũ. Ông đả kích lối sống trưởng giả của đám địa chủ  trước đây, rũ bỏ tục rước thành hoàng mà thời trẻ ông có chân trong đội  cầm cờ phướn. Trong khi luôn tỏ vẻ xông xáo, sắp đặt mọi sự, thì chả phải lúc nào trời cũng chiều ông. Chẳng hạn việc ông muốn con trai, nhưng bà  nhà toàn cho ra những mụn con gái, đứa sống, đứa chết. Do ý muốn của ông, bà vợ phải sinh đẻ liên tục; đến lượt anh, tưởng bụng bà đã hết trứng. 

Khi đã bàn hết cách với anh về cái thai, tôi đành thổ lộ với mẹ mình. Tưởng chừng như có ngọn núi sập xuống đầu bà, nhưng không. Bà chỉ lặng lặng ôm lấy tôi. Bàn tay bà với phẩm tính an ủi bẩm sinh, một lần nữa lại nâng đỡ, vỗ về đứa con gái nhẹ dạ nhất trên đời mà bà phải cưu mang. “Thôi con ạ, Trời Phật chứng giám” – bà thì thào. Một dòng lệ vô hình từ lồng ngực bà thấm đến tận tâm khảm tôi. Tôi nói “Con cắt tóc, lên chùa sám hối”.  Muộn rồi – bà nói. – “Họ phá từ mấy tháng trước!”. Bà thầm thì kể. 

 Tôi hình dung cái buổi sáng kinh hoàng, u uẩn đó. Một đám nông dân với những chiếc vồ to, nhỏ cầm tay. Những tiếng đập chát chúa trong làn  bụi ê ẩm, ngập ngụa, bốc mùi thời gian. Mái chùa cổ chênh vênh đầy rêu và lá mục bị giật xuống từng mảng. Những tượng gỗ an vị hương khói ba  trăm năm trước, bị lôi xềnh xệch. Tiếng ngói vỡ lạnh lẽo… Người ta hồn nhiên nghĩ việc đập bỏ ngôi cổ tự này đồng nghĩa với việc tiễn biệt, vùi sâu  chôn chặt một thời đại từng áp bức, thống khổ con người. Khổ nỗi, thời cuộc xưa nay vẫn hay nhầm lẫn giữa xây dựng và phá phách. Con người cứ  tưởng mình được giải phóng khỏi thế giới cũ, nỗi khổ cũ; nhưng thực ra, lại bị gông cùm trong một thế giới mới, nỗi khổ mới. 

Đêm đó, hai mẹ con ngồi ôm nhau trong cơn sốt của số phận nóng rẫy. Đời con gái bà rồi chả khác đời bà. Tình duyên chơ vơ, lẽ sống chơ vơ. Một tâm hồn suốt đời không phỉ nguyện. Bà quỳ xuống khoảng không trước mặt, lời kinh lầm rầm, nước mắt nhôm nhem những sợi tóc bạc và tấm  khăn choàng đầu. Niềm đau khổ trong thâm tâm bà rống lên những tiếng kêu của một con sư tử cái bị thương… 

Rất nhiều năm sau tôi mới biết, nhờ số gạch ngói thu được khi phá chùa, người ta xây lên một “Nhà văn hóa mới” và một trại lợn tập thể. Nhưng từ  khi những công trình này xuất hiện, nạn trộm cắp, cờ bạc; kể cả tai vạ cũng  rủ nhau đến. Nguyên do là sau vài tháng khánh thành, nhà văn hóa biến  thành kho chứa lúa công cộng. Vì bọn đạo chích khoái nhất tài sản công, nên người ta bố trí một đội an ninh canh gác; thế mà thóc lúa đó vẫn mất  mát theo định kỳ. Đội canh gác kia còn nảy ra sáng kiến đặt những chiếu  tổ tôm hay xóc đĩa ban đêm, nhằm chống ngủ gật. Nhưng nhờ thế, nạn cờ bạc từ đó thả sức phát tán ra ngoài. Có vẻ dân chúng quê tôi càng nghèo,  thì càng thích cờ bạc. Còn trại lợn – vào mùa đông nọ – biến thành một ổ  dịch khủng khiếp tràn ngập thôn xóm. Dân chúng vừa đau xót vì mất của,  lại được phen kinh hoàng vì ngốn quá nhiều thịt lợn chết. 

 *** 

Đây là lần thứ ba tôi vác xác tới chốn hoang địa này. Đón tôi là một vị tu  sĩ gầy, xanh xao; tương phản với cái tướng phốp pháp của tôi. Ông ta nhìn váy áo tôi mặc, ánh mắt khó chịu. Tất nhiên, vị tu sĩ đâu biết rằng tôi cũng  khó chịu với những người gầy như như ông – như khó chịu với sự nghèo  túng không ngừng túa ra từ khắp ngóc ngách của đời sống hiện hữu. Còn  nhớ thời bao cấp, trừ số ít quan chức ngấn cằm dày ụn, che mất càng cổ, dân phe phẩy cũng ít béo tốt. Bấy giờ, lời khen béo tốt đồng nghĩa với việc  công nhận anh hoặc chị ta đẹp và oách. Đó là thứ khẩu ngữ sang trọng và danh giá, ít dùng. Vì ít người xứng đáng. 

Tôi nói: “Bạch thầy, cho em gặp sư trụ trì”. – Hòa thượng không được khỏe – tu sĩ đáp. Thái độ khó chịu của vị tu sĩ làm tôi thấy hơi lạ. Bởi vì mấy ai  từ chối một người mang tiền bạc hay cơ hội tốt đến cho mình. Nhớ lại những năm trước, gia đình tôi cung tiến một số tiền lớn, dựng lại mấy ngôi chùa cổ cho khách thập phương thăm thú. Tín ngưỡng con người đang cần được thoả dạ trong thời buổi kim tiền này. Thóc gạo có thị trường, thì tâm linh cũng có thị trường chứ! Tôi dằn lòng nói sẽ: “Bạch thầy, gia đình em muốn cúng số tiền làm lại ngôi chùa này, khang trang gấp trăm lần hiện nay!” 

 – “Như lần trước, Hòa thượng không chịu”. Vị tu sĩ trả lời dứt khoát, bước vào bên trong như sợ mất thêm thì giờ quý báu của bậc hành giả. Tôi nấn ná nhìn quanh xem còn ai không. Hy vọng sẽ có một tu sĩ nào đó ủng hộ quan điểm của tôi. Thử hỏi, ở đâu người ta hết mâu thuẫn nhau trong những chuyện liên quan đến quyền và tiền cơ chứ? Tôi không phải  đợi lâu. Từ đằng xa, một ánh mắt lạ đang dọi đến; có một tu sĩ dáng người mập mạp đứng lấp ló sau bức tượng la hán gầy trơ xương. Chúng tôi tiếp tục duy trì cái nhìn dò xét nhau cho đến khi hai người đứng cách nhau chừng  ba gang tay. “Đáng ra mình phải gặp đối tượng này trước!”. Tất nhiên, tôi  không nghĩ vị tu sĩ ấy thuộc hạng phá sơn lâm, đâm hà bá được giác ngộ. Nhưng rõ là tu sĩ ấy hợp ý tôi, hứa hẹn này nọ. Qua vị này, tôi được biết hòa thượng đã lâm bệnh dài ngày, chưa rõ viên tịch khi nào. Nội bộ họ cần một cuộc sắp xếp. Tôi giơ tay “bai bai” rồi lùi ra sân, nhìn chiếc xe hơi Audi lấm  láp bùn đất như trâu đồng, bảo cậu lái xe nổ máy. 

Tôi vẫn tưởng việc giao dịch với nhà chùa dễ dàng như giao dịch với doanh nghiệp tư nhân – thành phần đang được chính phủ khuyến khích phát triển. Đã chục năm nay, xã hội bắt đầu khôi phục nhiều tục lệ mà khoảng nửa thế kỷ trước bị phế bỏ, thậm chí bị đả kích. Nơi nơi, người ta nghiện việc cúng vái như nghiện ma túy. Dòng họ tôi thuộc tốp đi đầu trong cơn lốc phục hưng  văn hóa truyền thống. Trước tiên, chúng tôi xây nhà thờ họ như một biệt phủ nguy nga, nơi tụ họp các chi họ lớn nhỏ; sửa sang lăng mộ tổ tiên theo phong cách cung đình cho con cháu phát đường quan lộc. Chúng tôi cũng đầu tư vào một vài khu du lịch tâm linh. Tôi gái phố lấy chồng quê, đâm vất vả. Vất vả không vì kiếm miếng ăn, mà vì việc chuyển hóa một tay nhà quê khủng  khỉnh, đạo đức nửa vời thành một thằng chồng biết sống dựa vào tài lực, thủ đoạn. Nhà này chỉ hơn người có thế.  

Mấy mươi năm trước, bố chồng tôi quy tiên. Điều đó không có gì đáng  nói với một người già, mệnh vãn như ông. Nhưng ngại thay, ông lại chết trong một vũng trâu đầm, ở góc ruộng chùa cũ; bên cạnh xác một con mèo và một con chuột chù trương sình. Khi người làng phát hiện ra, ông chỉ  còn là một hình thể cứng queo, bê bết bùn đất; miệng mũi, tóc tai dính đầy  phân gia súc; bộ dạng như đang quỳ lạy Trời Phật. Từ đó, xuất trình một  kho tin đồn về nguyên nhân cái chết thê thảm của một ông già trước kia vốn là một tượng đài chứa chất sự thông minh, cao đạo, kể cả trách nhiệm và lòng nhiệt tình. Ngày ấy đứng trước ông, mọi người dân quê ông đều thấy mình tăm tối, bé nhỏ; lỗ tai được nghe những lời chí lý. Ông đi đâu, già trẻ, lớn bé đều ngưỡng mộ. Có lẽ, chỉ những ngọn gió vu vơ ngoài đồng  kia mới không biết ông là ai. 

Theo tôi thì ông chết đi cho thoát! Do những năm cuối đời ông mắc một căn bệnh thần kinh. Con cháu phải nhốt ông trong một phòng kín, nhưng nhiều lần ông vẫn đào thoát ra ngoài. Ông đi lang thang trong làng, ngoài  đồng, miệng cười ngô nghê với bất cứ thứ gì ông thấy. Bị lũ trẻ trêu chọc cả  ngày ông cũng không giận. Đôi khi ông còn vái lạy chúng một cách cung kính. Hình như căn bệnh thần kinh đã kéo ông trở về thói quen dân dã, ăn  ở phải chăng với mọi người, chẳng còn đóng vai ‘tiên chỉ” như ngày trước. Khi hết cách chữa chạy, tôi xoay sang cúng vái cho ông; bắt ông thăm viếng những ngôi chùa thiêng nhất tôi biết. Ông đã quên nhiều, kể cả chuyện mấy  chục năm trước, vào một buổi sáng thu yên bình, ông dẫn đầu đám dân  quân lên phá ngôi chùa cổ kính trong xã để xây nhà văn hóa và trại nuôi  lợn. Bây giờ thì nhà văn hóa và trại nuôi lợn cũng chẳng còn. Ký ức làng quê chứa đầy nghịch lý. Tôi gái phố, không quan tâm những nghịch lý ấy. Có  thể bố chồng tôi là người vô thần. Nhưng tôi không vô thần như ông, cũng không phải là hết vô thần như nhiều người bây giờ. Tôi chỉ theo cái lợi, nói  thẳng vậy! Tôi biết nhiều người hám lợi đến xịt máu mũi, nhưng họ biết che  đậy bản lai diện mục. Nên hình ảnh họ trong mắt dân gian không có tì vết. Họ được xem là tấm gương phụng sự lý tưởng, kẻ nắm giữ giềng mối đạo đức xã hội.  

Tôi nhớ sau nhiều năm bị cấm đoán, văn hóa tâm linh trong dân gian  giờ đây đã hồi phục, kéo theo những lễ hội khổng lồ thu hút hàng chục  ngàn người. Đúng là chưa bao giờ xã hội ta hăng hái cầu nguyện đến thế.  Quý vị thấy không, quan dân trước thánh thần đều xuýt xoa thỉnh vọng  tuốt mọi sự. Các cô gái cầu duyên, hạng đỏ đen cầu trúng số, hạng chức sắc  xin hanh thông đường quan lộ, hay trù yểm nhau chết sớm…, đủ loại. Tôi  nghĩ, cứ theo cung cách này, không cần xây trường học và xếp xó những thứ giáo dục vô bổ lại. Chỉ cần dựng nhiều đền miếu thờ tự là dân trí tự  nhiên tăng vọt – thu lợi ngay. Nếu quý vị muốn thỉnh công danh, tài lộc thì cứ đến, nhưng hãy chuẩn bị sức khỏe và tiền bạc để khi cần phải tranh cướp hay ẩu đả đấy! Chỉ có điều, một xã hội cả tin vào thần thánh thì đã  mất lòng tin con người. Xã hội đó bị trốc rễ. Tín ngưỡng khi ấy chỉ như một hình thức che đậy sự trống rỗng trong tâm hồn con người! – Ai đó đã nói thế (hic). Quý vị có tin không? 

Chắc hẳn đây là suy nghĩ của những kẻ thất thế, hoặc không hiểu chuyện đời; nếu họ rơi vào hoàn cảnh khác, sẽ nghĩ khác! Tôi không có thói quen lý sự về sự thành bại của xã hội hay mục đích sống cá nhân. Song với tình  hình này – như cương vị chồng tôi bây giờ – “Cứ bám vào cái lợi trước mắt là chuẩn!” Tôi nói vào tai chồng năm, sáu lần như vậy. Thực ra, đây là  những ngày sống đẹp nếu anh biết sống. Vì xung quanh ta, mọi ngày, tháng  năm, thậm chí từng giờ phút đều được đeo huân chương. Các loại thành tích sáng choang, lấp lánh. Nơi thiên đường mặt đất này, lúc nào cũng sôi  lên những phong trào, đầy dẫy những người khổng lồ ăn to, nói lớn, thông tuệ toàn tập. Hội hè cuồn cuộn, mênh mang, hết cướp ấn đền Trần lại đến cầu tài bà chúa Kho, chúa Xứ, thi hoa hậu, người đẹp… Những tượng gỗ  mỉm cười, xung quanh từng tập vàng mã, và trên các kẽ tay dính đầy tiền lẻ. Cứ thế, trăm họ – ngày qua ngày – ngây ngất một cách đáng yêu trong  niềm hoan hỉ vặt vãnh đã thành nếp. Một cuộc sống dễ dàng! Tôi là cá trôi  theo dòng lũ kiếm cơ hội. Thế mà chồng tôi đôi lúc còn day dứt chuyện này nọ, lừng khừng như thằng hâm. Thời buổi này, nhiều đứa tự dưng giàu sụ,  cần lý do gì đâu. 

 *** 

Chúng tôi gặp lại nhau trên facebook. Câu chuyện đã bốn mươi năm  hóa sẹo, nay nổ tung. Tôi nghĩ anh sẽ ân hận vì đã phá nát cuộc đời một  phụ nữ khi cô ấy mới vào đời, là tôi. Anh sẽ đồng cảm với những ý nghĩ  thù hận của tôi; sẽ hỏi han cái giọt máu anh cấy trong bụng tôi thời con gái, giờ số phận tôi ra sao; anh sẽ hỏi tôi có cần gì ở anh nữa không…Nghĩa là  trong thâm tâm, tôi vẫn mong anh là hạng tử tế. Cách đây ít tháng, tôi tình cờ gặp vợ anh tại một ngôi chùa rất heo hút, nhưng quang cảnh đẹp nhất vùng. Tôi muốn tìm nơi gửi thân cuối đời cho an tịnh. Cứ nghĩ đến đó sẽ  chẳng ai quen biết. Thế mà cô ta cũng mò tới. 

Đấy là lần thứ hai tôi gặp cô ta. Có những người đàn ông hay đàn bà, dù chỉ gặp họ một lần duy nhất cũng đủ tang tóc cả đời rồi. Tôi nhớ lần gặp  đầu, cả ba chúng tôi ngồi trong một quán nước. Anh giới thiệu cô là bạn học – một cô gái phốp pháp, răng thưa, lớt phớt mấy chiếc ria mép đen hin  như đàn ông. Tôi ngồi đó, hẳn xinh hơn cô ta, nhưng gầy guộc, hệ quả của nỗi nghèo túng từ thời thơ ấu. Ngay lần gặp ấy, tôi đã cảm thấy trí lực cô ta cao hơn anh. Đúng là hạng đầu óc tiểu nông pha chất thị dân con buôn. Sau này tôi mới hiểu, cuộc hội ngộ đó là một thông điệp cho sự bức tử mối  tình đầu của mình. Chia tay anh, tôi sống chẳng khác gì kẻ chết đuối đang chìm dần trong dòng đời. Còn anh lại sống một cuộc đời trưởng giả, giàu có bên vợ và ba cô con gái. Khi chuyện trò trên facebook, anh lờ đi những câu hỏi mà tôi mong muốn hỏi. Những ngôn từ mà chỉ thoáng nghĩ đến, mọi cay đắng tủi nhục lại đùn lên ngun ngút như đám cháy trong đầu tôi. Anh biết đâu rằng tôi đã bao lần chết đi sống lại. Ngày ấy không thể học tiếp, tôi bỏ lên bà cô nơi miền ngược, trước khi cái thai quá to. Nếu bạn đã  nghe huyền thoại những nàng tiên lỡ có thai nơi thiên đình, bí mật xuống  hạ giới sinh con, xong lại bay về trời – thì mới hiểu mong ước khi ấy của  tôi. Thì ra tiên hay người đều khổ như nhau, nếu chót làm đàn bà. Lại là đàn bà ở một xứ phong kiến khốc liệt, chuyên diễn đạo lý một cách ất ơ  đạo đức giả thế này. Nhưng tôi không thể quay lại chốn cũ như nàng tiên nhẹ dạ kia. Tôi bỏ con trước một cửa chùa rồi lang thang, làm nhiều nghề không tiện kể ra đây. Cuối cùng trở thành dân xuất khẩu lao động nước  ngoài. Tôi thấy đời mình ổn từ đấy.  

Anh tha thiết gặp tôi. Tôi lần lữa không muốn gặp. Lý do thì nhiều. Nhưng một bữa anh bảo, đây là mùa thu cuối cùng, nước con sông Cái đã cạn. Anh sẽ thanh toán sổ đời mình trước tết. Thấy lạ, tôi bèn nhận lời; nhưng chẳng phải trên bờ con sông Cái ngày xưa, hoặc tại một quán café  ẩn mình trong một phố cũ nào đó. Tôi đến với anh trong một bệnh viện, khu điều trị cán bộ nghỉ hưu trung cao cấp. Qua câu chuyện anh kể, tôi biết  ba cô con gái anh du học xong thì lấy chồng ngoại quốc, sống ở nước ngoài. Không đứa nào muốn về. Cha con xa lạ dần nhau. Khi anh gặp chàng rể, anh không biết tiếng nó, nó không biết tiếng anh. Thành ra hai bên như  hai cái cọc gỗ.  

Cũng qua câu chuyện, tôi biết anh thuộc hạng quan chức khá, bổng lộc cũng khá. Thông lệ thì các nguồn bổng lộc của quan chức nhà ta luôn được giấu kín. Nếu ai đó chẳng may là nhân chứng trong vụ một lãnh đạo khuất tất của công, hoặc biết rõ ông này giàu sụ cỡ nào, thì rất có thể người đó sẽ  bị lây vạ. Gần quan như gần đống lửa, không khéo là chết cháy. Vì nhiều  khi, chuyện lợi ích nhóm hay tài sản của quan chức được xem như bí mật nhà nước, không thể tuỳ tiện minh bạch. Còn anh, có lẽ do thiếu những  bí mật lớn, hay chúng hiện giờ chưa được phát giác, con đường quan chức của anh xem ra suôn sẻ hơn người. Anh bảo, trước lúc nghỉ hưu anh đã sắp  đặt mọi sự, kể cả việc xây một nhà thờ họ “nho nhỏ” (chữ anh dùng) ở quê. Tôi đùa: “Anh giờ khác gì thành phần tư sản!” Anh cười khó hiểu. Tôi chợt  nhớ câu chuyện cách đây không lâu ở phiên toà nọ, một quan chức bị cáo buộc về tội tham nhũng – thanh minh với vị thẩm phán rằng: “Làm lãnh đạo thời này, cơ hội tiền bạc, lắm khi chối cũng chả được!” 

Câu chuyện giữa chúng tôi lan man mấy giờ đồng hồ. Anh cho biết dạo này ít khi ló mặt về làng. “Thôi, giờ chẳng về quê làm gì, mồ mả đã có mấy  bà chị coi sóc, buồn nhất là con cái mình lại gắn bó với một xứ sở khác!”. Có chút gì trầm buồn phảng phất trên gương mặt nhàn dật của anh. Tôi  biết anh và mấy bà chị bất hoà, không muốn nhìn mặt nhau. Bi kịch bắt đầu từ lúc ông cụ nhà anh di chúc để hết tài sản cho con trai. Sau đó còn  nhiều chuyện khác nữa. Tội nghiệp cho ông lão, cứ tưởng con cháu mình đời đời có trai nối dõi!  

Anh ngồi đó, người hơi xanh xao, nhưng cái điệu bộ trưởng giả trong anh vẫn có vẻ đầy vãi. Cuốn sổ cuộc đời anh sẽ thế nào? Tôi chờ anh nhắc đến đứa con chung, mà ngu không hiểu rằng: hạng người như anh sẵn sàng phủi bỏ trách nhiệm; thậm chí xem tôi là gái không đoan chính. Hoặc,  cũng vì anh thừa kinh nghiệm trường đời để hiểu rằng mọi việc đã quá  muộn. Câu chuyện đã bốn mươi năm, thằng bé khốn khổ kia còn sống thì  cũng lấy đâu ra tình phụ tử với anh? Nó đích tôn dòng máu nhà anh, vậy  mà cả anh và bố anh đều không thừa nhận. Giờ đây, thân phận nó ra sao:  nghèo hèn, thất học, hoặc may mắn nên người – không ai biết. Tôi nghĩ  anh không có con trai, bởi trời đã trừng phạt anh vì tội rũ bỏ con tôi. Anh còn làm tôi suốt đời u uẩn về nó. Gặp cậu trung niên nào, tôi cũng thầm  lòng ngờ ngợ – “Có phải thằng bé nhà mình?” Sao vị tu sĩ tôi gặp mấy  tháng trước lại giọng miền Trung, mà không phải giọng châu thổ vùng sông Cái? Cảm giác tội lỗi lúc nào cũng ám tôi, kết án chung thân tôi trong  cái trại giam khổ sai do chính mình dựng lên. Thế mà qua câu chuyện anh  kể, dường như cuộc đời tôi và anh mấy mươi năm qua diễn ra trọn vẹn,  mọi thứ đều hợp lý, đúng chỗ! Chuyện gặp tôi chỉ là sự thỏa mãn tính tò mò của anh. Khi tôi cố lái chuyện cũ, anh bảo – “Thôi, qua rồi, thời thế nó vậy!” Tôi phải cố giữ vẻ bình thản, để che đi tung tích một cuộc đời đổ vỡ  do anh là thủ phạm.  

Ký ức tôi lại bùng cháy một tuổi thơ cô liêu. Khi tôi về nước, mẹ tôi qua  đời trước đó bảy năm. Im lặng, không nhắn nhủ gì. Lũ trẻ năm xưa cũng bắt đầu già xọm, ưa nói chuyện hậu sự. Có ai còn nhớ đến ngôi chùa, biểu tượng của sự bình yên làng quê (hình như không phải thế!). Nhớ đến cái  chết kỳ dị của ông cụ thân sinh ra anh? Nhớ đến đám nông dân năm xưa  hăm hở cầm vồ, leo lên mái chùa để đập nát chính linh hồn mình? Nhớ đến đứa con trai bé bỏng, vô tội, bị tôi và anh chối bỏ… Vậy cuối cùng, mục đích sống của những con người như tôi và anh có gì được viên mãn?  Khi ta sắp trọn kiếp người mới ngộ ra rằng: Nhiều đồ án được xem là vinh quang kia, thực ra chỉ là những tính toán nông cạn, nhất thời. Mỗi hành vi xã hội tưởng chừng chỉ liên quan đến bối cảnh lúc này, lại có nguồn gốc sâu xa từ một căn cước văn hóa của nhiều thế kỷ trước. Thế giới vốn bất định, bởi đó là nơi dung chứa những chân lý đối lập. Nên suốt cuộc đời, dù bao  nhiêu bận người ta tính toán, quyết định; song cái quyết định chung cuộc  lại không thuộc về họ. Thế mà con người vẫn không ngừng ảo tưởng về những chân lý mặc định; để rồi cứ đinh ninh rằng, họ đang ôm một cuộc đời thắng lợi giữa thế gian này!. 

 Tháng 4/2023  N.D

Leave a Reply

Your email address will not be published.