Nhà phê bình Nguyên An
I. DẪN
1. Từ quan sát và phân tích những nét tình hình liên quan đến cảm hứng sáng tạo của nhà sáng tác xưa – nay, chúng ta có thể đồng ý ngay hoặc thảo luận thêm là:
a- Cảm hứng là do bản thân nhà sáng tác tự có, tự phát triển, không nên đặt vấn đề ban/cấp/nhượng/cho… họ cảm hứng. Người viết nào thiếu/ít/chưa… có cảm hứng thì viết có ra gì mà bàn?
b- Có cảm hứng xuất hiện như tình cờ/ ngẫu nhiên/ đột khởi, chẳng hạn, như lối sáng tác “tức cảnh”/ ngẫu sự/ nhân cớ… mà cũng tạo ra tác phẩm hay, cao hơn, là có tác phẩm để đời.
c- Có cảm hứng được gợi mở, rồi vừa viết vừa suy ngẫm… nên cảm hứng thêm dồi dào và chụm lại ở một số nhân vật, trạng huống… khiến cho tác phẩm trọn vẹn dần, sức hấp dẫn tự nhiên cũng tăng lên.
2. Không thể/ không nên cho rằng có cảm hứng lớn (của thời đại) và có cảm hứng nhỏ bé (là tình yêu đôi lứa, bạn bè…). Mà nếu cần, thì có thể bàn về độ sâu sắc của cảm hứng với:
a- Đề tài của từng tác giả, trong từng khoảng thời gian, khoảng không gian sáng tác.
b- Sức khỏe, tâm trạng, bối cảnh sống cụ thể của người sáng tác.
c- Mối quan hệ cụ thể của người sáng tác đối với đối tượng mà người sáng tác hướng tới.
3. Trên tất cả, điều cốt lõi làm nên cảm hứng (có hay chưa, sâu sắc đến mức nào, có tác dụng đến kết quả sáng tác như thế nào…) vẫn là, sẽ là vốn sống, vốn trải đời và có cái tâm của người sáng tác.
II. GIẢI
1. Quá trình giải này, tất nhiên, sẽ tùy thuộc vào:
a- Cảm quan và hoàn cảnh, cùng trình độ của mỗi người, từ đó cũng phụ thuộc đến phương pháp của mỗi người.
b- Hoàn cảnh, bối cảnh của quá trình giải. Quá trình này là khách quan với người giải, nó có vai trò khuôn định hay dẫn dắt sự phát triển của những – lời giải.
2. Sau đây là những ý – lời giải, hay có thể nói, là những lời bàn của chúng tôi với câu hỏi Ngày nay các nhà sáng tác có cảm hứng (và mất/giảm cảm hứng) như thế nào?
a- Cũng gần như, hay chính là từ quá trình viết/ dựng chân dung một văn nghệ sĩ, tôi rất chú ý đến việc nắm/bắt/hiểu cho được mỗi văn nghệ sĩ ấy bằng gặp gỡ trực tiếp – đối thoại trực tiếp, rồi mới tập trung tìm hiểu tác phẩm của người ấy, hoàn cảnh sáng tác – sáng tạo của người ấy. Trong cái gọi là hoàn cảnh này, có bao nhiêu chuyện/ sự việc được đặt ra, ví dụ: quan hệ của người mà mình định dựng chân dung, sở thích/ sở nguyện của người mình định dựng chân dung… Và có cần “khám phá” sự độc thoại của người này không? Rất cần, phải làm việc này cho tự nhiên, kín đáo… để họ bộc lộ.
b- Các hoạt động gần như điều tra xã hội học để biết rồi hiểu được cảm hứng sáng tạo của các nhà sáng tác, tất nhiên, cần có kế hoạch từng bước, có khi, còn phải soạn ra các biểu mẫu cần phỏng vấn. Tuy vậy, chưa phải thế mà đã là đủ. Việc “hỏi như máy phỏng vấn” là rất không nên, mà phải tránh.
c- Người đối thoại – phỏng vấn để biết/hiểu cho được về cảm hứng của người viết là thế nào, còn phải chú ý đến cảm hứng của quá trình đối thoại – phỏng vấn. Việc chăm chú quan sát nét mặt, tiếng cười, tư thế đứng, đi, ngồi… của đối tượng phải hết sức tự nhiên, thể hiện một sự tôn trọng, tin cậy… thì “Người ta mới bộc bạch về cảm hứng viết của họ”. Nếu không, cuộc đối thoại – phỏng vấn sẽ rất tẻ nhạt, gắng gượng “cho xong”, vậy là thất bại. Tư liệu để lại (ghi chép, ghi âm, chụp ảnh…) đôi khi chưa có giá trị như ý muốn.
3. Một số thông báo và lời bàn cụ thể (đối với câu hỏi Ngày nay các nhà sáng tác có cảm hứng và mất/giảm cảm hứng sáng tạo như thế nào?) Từ các chùm/nhóm/hệ thống tư liệu, chúng tôi thấy/có thể đưa ra mấy thông báo và lời bàn là:
a- So với cảm hứng sáng tác của các tác giả trước năm 1975, thì: sau năm 1975, cảm hứng sáng tác của nhà văn nhà thơ ta có vài đặc điểm là: Sôi nổi hơn, mạnh mẽ hơn. Đặc điểm này được thấy khá rõ ở các diễn ngôn trên báo chí, trên các tác phẩm sáng tác thơ văn, trên các tiểu mục giới thiệu một tác giả hay một nhóm tác giả… Thử nhìn/ đọc/ phân tích mục Suy nghĩ về nghề văn trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại ra mắt lần thứ nhất và lần thứ hai (1993, 1997) thì thấy hầu như nhà văn nhà thơ thuộc đủ các thế hệ, vùng miền… đều phát biểu rất sôi nổi, và đều có cân nhắc cẩn thận về cảm hứng – động lực sáng tạo của mình. Là người tham gia biên soạn, biên tập để tái bản sách này qua các kỳ Đại hội – 1997, 2007, 2010, 2020, chúng tôi rất hào hứng và xúc động khi đọc các đoạn Suy nghĩ về nghề văn này. Các nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Ngọc Thiện mấy lần cho hay: Đây là những tư liệu quý, nếu in ra thành một tập riêng cũng có giá trị cho công tác nghiên cứu, lý luận và cũng là những gợi ý quý báu cho các đồng nghiệp sáng tác.
Tôi muốn nói thêm: Khi viết những dòng Suy nghĩ… này, nói rõ cảm hứng cùng mục đích, ước vọng sáng tác của mình, nhà văn nhà thơ Việt Nam ta đều thể hiện một trách nhiệm cao đối với nghề nghiệp văn chương, đối với Tổ quốc và nhân dân.Chẳng hạn, nhà thơ Nguyên Hùng tâm sự:
Tôi vẫn nhớ rằng Cụ Đồ Chiểu từng viết:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
Và tôi cũng thường băn khoăn:
Khi ta uống rượu cùng trăng
Ngoài kia người lính gồng căng hết mình
Khi ta ngồi viết thơ tình
Ngoài kia lửa cháy thái bình lâm nguy!
Nhà văn cao niên Hoàng Minh Châu, qua trải nghiệm truyện, thơ, tiểu luận phê bình và biên tập từ cuối những năm 1950 đến gần đây, thì xác quyết rằng: “Sáng tác văn học không chỉ là phục vụ mà chính là bày tỏ lẽ sống của nhà văn. Với riêng tôi, là biết quên cái riêng bé nhỏ để gặp niềm vui rộng lớn trên từng chặng đường đời”.
Như vậy, sự sôi nổi, mạnh mẽ trong cảm hứng sáng tác của nhà văn nhà thơ Việt Nam thường khởi phát, rồi chung kết lại thật nhiều ở khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng mẫu người mới có lẽ sống cao đẹp vì bình yên của mọi nhà, như Tố Hữu từng kêu gọi: “Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hát! Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta! Mùa thu đó, đã bắt đầu trái ngọt/ Và bắt đầu nở rộ những mùa hoa…” hay như Chế Lan Viên từng ao ước, kêu gọi:
Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài tầng
và hạ trực thăng rơi.
Nếu tìm đọc tiếp sáng tác thơ văn Việt Nam ta suốt những năm dài lửa cháy (1945 – 1975 – 1989…) ấy, người Việt hôm nay, các tác giả văn chương hôm nay dễ thấy là cảm hứng sáng tạo văn nghệ thời ấy là tận hiến cho sự nghiệp to lớn mà toàn dân ta, Tổ quốc ta đã và đang thực hành một cách tự nguyện, tự giác. Và người sáng tác tự hào về những hành động, những áng văn chương tận hiến đó.
Đi tìm cảm hứng sáng tác, nghiên cứu của giới văn chương văn học, tất nhiên, chúng ta không nên/ không thể chỉ tìm tòi, phân loại , phân tích từ kho các diễn ngôn (như tập hợp các suy nghĩ về nghề… trong các sách và báo chí). Chúng ta còn đã và đang tìm đến thế giới nhân vật trong các tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết… trong các trường ca và đủ dạng thơ thuộc các thể thức và đề tài khác nhau nữa. Sự mở rộng thật là cần thiết diện sưu tập để phân tích này như thế của chúng tôi đã giúp chúng tôi có thể đưa ra một khái quát là:
Đi tìm cảm hứng sáng tạo của thơ ca có phần dễ hơn cảm hứng sáng tạo mọi nhà ở các thể văn xuôi; xác định cảm hứng sáng tạo của văn chương chiến trận cũng có phần dễ được thống nhất hơn phần văn chương khác. Cũng có thể nói thêm/ nói tiếp là: Cảm hứng của giới sáng tác văn chương và phần sôi động và đa hướng, gây bất ngờ và thú vị hơn là cảm hứng sáng tạo ở trong các nhà nghiên cứu và lý luận văn chương. Cảm hứng sáng tạo của sáng tác văn chương và nghiên cứu văn chương ở thời kỳ đổi mới khoảng 40 năm lại nay quả thực, có phong phú hơn, bởi chúng được nuôi dưỡng từ chính đời sống xã hội đã phức tạp phức hợp hơn.
Xin có hai ghi chú ngay là: một, thực ra, văn chương – văn học hiện có sự phát triển nhanh hay chậm, đơn tuyến với một vài chiều kích, hoặc đa tuyến với dăm bảy mức độ phát triển/thành công. Chúng ta dùng cụm từ thời kỳ đổi mới; chẳng qua, là từ một sự thực: Văn học – văn chương khoảng 40 năm gần đây có nhiều phát triển hơn, và tính tổ chức – phong trào của nó rõ là có cải tiến hơn, mối quan hệ của hoạt động xã hội này 40 qua cũng ngỡ như “biệt lập” hơn, nhưng theo tôi, thì gắn bó máu thịt, gần gũi với đời sống muôn người của xã hội ta hơn; hai là: chữ phức tạp – phúc hợp hơn, chủ yếu, muốn nói đến mức độ (khách quan) của sự phát triển tích cực, có hiệu quả tốt đẹp.
Phong phú, là một thực chất không mấy khó nhận ra của cảm hứng sáng tạo văn chương – văn học trong khoảng 40 năm (1985 – 2025). Nói vậy, chúng ta cũng cần phải thừa nhận một thực tế đi liền với nó là: Vì dễ nhận ra ngay trong một tuyển tập thơ (hoặc truyện ngắn) mười năm của báo Văn nghệ chẳng hạn, hay tuyển tập tác phẩm truyện – ký của giải Cây bút vàng do Bộ Công an phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức viết rồi chọn ra tác phẩm hay hơn cả mà trao giải trong vài chục năm nay, người chấm giải, và cả công chúng đều vừa công nhận là đúng và hay thật, lại vẫn có băn khoăn về nghệ thuật sáng tác “chưa thật tuyệt”, và đôi khi ở truyện ngắn này, hoặc thành phẩm kia, cùng còn “có vấn đề” như là hình như tác giả chưa thật rạch ròi về thái độ khen/chê, yêu/ghét; cảm hứng viết của tác giả cũng chưa liền mạch thì phải. Nói theo cách của một số nhà nghiên cứu có kinh nghiệm và nhà sáng tác cũng có thành tựu rõ ràng – số người này bao giờ cũng ít trong cộng đồng nghề nghiệp văn học, thì do người đọc chưa được thay đổi một cách đọc – hiểu, một cảm hứng tiếp nhận văn chương mới… nên họ chỉ “nhận xét thế thôi”. Vả lại, theo tôi hiện tượng “chưa nhất trí cao” này, một phần, cũng do người chọn lựa tác phẩm đưa vào tuyển tập, người chấm giải cũng còn có lúc thỏa hiệp và chất lượng của một phong trào sáng tác còn đậm chất tính thời vụ.
Tạm biết vậy mà lựa lọc, chúng tôi muốn nói tới các biểu hiện của sự phong phú trong cảm hứng sáng tạo của văn chương đổi mới 40 năm lại này là:
Nếu thời trước, khi phải chấp nhận chiến tranh bảo vệ và giải phóng Tổ quốc, toàn dân Việt Nam đã cùng các chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang đã chủ yếu là sống và hành động theo khẩu hiệu “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “tất cả cho tiền tuyến”, thì từ cuối những năm 1980, đời sống Việt Nam đã bắt đầu chuyển hóa khá mạnh (dù phải giấu diếm – cũng là một biểu hiện của phức tạp…) theo kinh tế thị trường một cách tự phát. Rồi từ 1992 trở đi, sự chuyển hướng này trở nên rõ hơn, có tổ chức của Nhà nước. Kinh tế đổi, chuyển, tư tưởng và tâm lý – tâm trạng xã hội cũng đổi theo với mấy xu hướng đáng chú ý như: nhìn lại các cuộc chiến đã qua – thắng/ thua, được/ mất ra sao? hướng về tương lai đã thấy và còn cần làm những gì? rồi sự phá bỏ chế độ bao cấp trong kinh tế – phương thức làm ăn, đặc biệt là trong tư tưởng là đúng/ sai, được và chưa được, cần băng lên mạnh mẽ hay là vừa đi vừa ngẫm, vừa chạy vừa xếp hàng đây?
Tất cả các nét, các thực trạng xã hội vừa thật sự to lớn, dàn trải khắp nơi khắp ngành, vừa âm thầm mà quyết liệt trong tâm trí mỗi người, mỗi nhà có trách nhiệm đã dội/ ướp/ tẩm… vào suy tư của các nhà văn nghệ – bộ phận vốn có sự nhạy cảm gần như là “rất nhạy cảm” – bậc nhất trong xã hội.
Bởi thế mà như một tất yếu của quy luật lao động nghề nghiệp/ câu chuyện/ vấn đề cảm hứng viết của các nhà văn nhà thơ thời gian này đã trở nên phong phú hơn ở các chiều là cao sâu hơn, bồng bột phấn khích hơn… Và đối với một số người, thì lại bần thần ngơ ngác trong tình trạng “nhận đường mới”, thậm chí là hụt hẫng cảm xúc.
Có một yếu tố nữa cũng liên quan thật gần đối với cảm hứng của người sáng tác vài chục năm gần đây, là sự phát triển thật sự nhanh và mạnh của các phương tiện và kỹ thuật truyền thông. Sự phát triển của công nghệ truyền thông này, đối với người sáng tác văn chương, một mặt cũng giúp cho họ biết và hiểu nhiều hơn về những phiến cảnh của đời sống xã hội vốn đã dày dặn trong tâm trí họ, rồi gợi dẫn họ suy tưởng thêm, mà mặt khác cũng khiến cho họ bước vào một cuộc chạy đua mới về sự phơi bày thực tiễn, khái quát và điển hình hóa thực tiễn sao cho cô đúc hơn, lại vừa tăng giá trị cập nhật tình hình, thời cuộc nhất là trong sáng tác truyện ký và tiểu thuyết.
Quan sát, phân giải mảng/phần tình hình – bối cảnh này, chúng ta có thể rút ra mấy biểu hiện đáng ghi nhận, đáng chú ý – hay nói cách khác, là mấy đặc điểm của cảm hứng sáng tác văn thơ hơn vài chục năm nay ở ta là:
Đặc điểm 1 – Nếu như cảm hứng viết của văn chương hồi chiến tranh, chủ yếu là khẳng định chất anh hùng của dân tộc, thì ngày nay, bên cạnh cảm hứng này còn có cảm hứng mô tả, khắc họa phẩm giá của người Việt, nhất là phụ nữ, ở sự chịu thương chịu khó vượt trên hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc sống.
Theo hướng viết của cảm hứng này, không chỉ các tác phẩm văn xuôi, mà cả trường ca và thơ, cũng khắc họa quá nhiều sự cô đơn có thật của người Việt, thậm chí là sự éo le của thân phận con người trong chiến tranh và trong thời bao cấp. Ở một số tác phẩm, cảm hứng mô tả, tái hiện thực tế cuộc sống thật mạnh mẽ và da diết như nó vốn có đã là nguồn cội trực tiếp cho sự ra đời của những trang văn, những đoạn, những bài thơ ca khiến đọc nên ai cũng thổn thức, xót xa.
Đặc điểm hai – Mạnh dạn viết theo cảm hứng chân thực – một sự chân thực từ sự thay đổi điểm nhìn về cuộc sống, về quan hệ con người với con người trong các bối cảnh/phiến cảnh cụ thể, nên nhiều tác phẩm văn chương viết về chiến tranh hay đời sống đa dạng thời nay đã mô tả, khái quát cuộc sống rõ là đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, thấu tình đạt lý hơn… Vượt qua được nối viết cực đoan – dẫu cũng đã có hiệu quả của một thời.
Ví như: Người lính của đối phương trong tác phẩm trước kia thường là kẻ bất lương, vô đạo, thậm chí là phi nhân tính, họ cũng là những người nhắm mắt cầm súng bắn giết để có tiền và danh vị mà hưởng lạc (nhân vật Xăm trong tiểu thuyết Hòn Đất)… Gần đây trong tiểu thuyết của các nhà văn vốn là bộ đội thì hình ảnh binh sĩ Việt Nam cộng hòa cũng có phần đáng thông cảm: Họ cũng yêu quý gia đình, cũng xót thương đồng đội và đặc biệt họ cũng căm ghét cố vấn Mỹ vì nhận ra bọn này đã đem bom đạn và tiền bạc làm tan nát đất nước ta. Đồng thời, cũng từ cảm hứng viết sao cho chân thực, điển hình, nhiều tác phẩm văn thơ thời nay cũng dựng lại cảnh những trang mờ tối,những sự nhem nhuốc cần phải tẩy rửa. Ví dụ: Từ cảm hứng ngợi ca chính nghĩa Việt Nam, sự sáng tạo và tinh thần nhân đạo của dân tộc ta, các tác giả không viết theo cách một chiều nữa mà giờ đây họ đã dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật mới hơn. Nhờ có cảm hứng và tay nghề như vậy, các tác giả thơ văn đã giúp cho công chúng hiểu rõ rằng: thành quả chúng ta đã đạt được, máu xương mà chúng ta đã đổ ra, quả là một quá trình đánh đổi không thể khác; trong quá trình ấy, tiếc thay cũng đã để lại một ít di hại chưa thể khắc phục ngay được. Sự trưởng thành và chiến thắng từ những xung đột chính trị và xung đột đạo đức với lối sống trước đây, trong văn chương ta, quả là những chiến thắng vẻ vang của trí dũng Việt Nam, đạo hạnh Việt Nam rất đáng ghi nhận và tự hào, mặc dù cũng có thể nói là chưa thật trọn vẹn và hoan ca rộn rã được. Vì sao? Vì ngay trong một số truyện ngắn và các tiểu thuyết dày dặn, trong một chùm thơ hay một trường ca mới đến với công chúng vài chục năm nay, ta còn thấy khá rõ rằng kẻ ác kẻ xấu vẫn còn lẩn quất và gây hại, người chân chính hiền lương một lòng một dạ vì sự bình yên của cuộc sống vẫn còn bị hiểu lầm, bị thiệt thòi, họ chưa được tôn vinh cho xứng đáng.
ĐÔI LỜI TẠM KẾT
1/ Cảm hứng sáng tác là một thực thể chứ không chỉ là ý tưởng chủ quan, dù nó được nảy sinh từ người quản lý, chỉ đạo minh tuệ hay một nhà sáng tác từng có thành công. Cảm hứng sáng tạo đã là hằng số, là mẫu số chung; và nhiều khi, nó cũng đã là một biến số, thậm chí là ẩn số. Vì nó là sản phẩm trực tiếp của mỗi tác giả trong quá trình quan sát và chiêm nghiệm, mà quá trình này lại thường tùy thuộc vào trình độ bản lĩnh cùng phong cách suy nghĩ, làm việc của mỗi người.
2/ Trải qua lao động sáng tạo của mỗi cá thể, cảm hứng của họ đã tự nhiên mà có sự điều chỉnh theo cả mấy chiều kích: Hoặc là sôi nổi bồng bột hơn, hoặc là sâu đằm hơn đôi khi lại như vơi cả đi rồi lại phục hồi hoặc rẽ sang hướng khác. Dẫu cái thực thể này có dịch chuyển thế nào do bản ngã của mỗi người sáng tác trong cõi nhân gian – thời thế, thì cảm hứng vẫn tác động vào thành quả hay thất bại của sáng tác. Có cách thức và con đường nào khả thi cho sự phát triển lành mạnh của cảm hứng sáng tác không? Có chứ. Nhưng tham luận này chưa có ý định trình bày. Xin được hẹn một dịp khác.
3/ Nuôi dưỡng, vâng, cần phải nuôi dưỡng cảm hứng rồi mới bàn đến phát triển cảm hứng, trong thời gian gần, hoặc là ngay bây giờ, tại hội thảo này, tôi nghĩ là chúng ta cũng có thể trao đổi về việc nuôi dưỡng cảm hứng.