Bài và ảnh: Khuê Anh
Theo số liệu thống kê của Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có 28 tỉnh có đường bờ biển với khoảng 500.000 ha có thể nuôi biển và hàng chục khu bảo tồn ven biển. Đây là một trong những tiền đề rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển.
Những năm gần đây, Chính phủ đã có một số chính sách, đường hướng chỉ đạo nhằm thúc đẩy và phát triển nghề nuôi biển, đặc biệt Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng chính phủ đã định hướng rõ phát triển ngành nuôi biển công nghiệp cả trong vùng ven bờ lẫn vùng biển xa bờ với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.
Bên cạnh đó là đặc điểm biển nhiệt đới với tính đa dạng sinh học biển cùng nhiều yếu tố khác là những điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi biển của Việt Nam.
Mặc dù đứng trước một tiềm năng lớn như vậy, nhưng hiện nay nghề nuôi biển của nước ta đang có rất nhiều khó khăn. Phân tích về những trở ngại này, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho biết một trong những vấn đề quan tâm và mong mỏi hàng đầu là vấn đề quy hoạch biển và việc cấp phép nuôi biển cho ngư dân; tiếp đó là những vấn đề cơ sở hạ tầng, về khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất; những khó khăn về tài chính, nhân lực; vấn đề cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững chưa được giải quyết thấu đáo; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển còn thiếu,…
Trước một thực tại như vậy, cùng với mong mỏi của đông đảo các doanh nghiệp, các hợp tác xã trong lĩnh vực nuôi biển, rất nhiều đơn vị nhà nước cũng như nhiều tổ chức, cá nhân đã vào cuộc nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho nghành, cho ngư dân.
Trong hai ngày 31/3 và 1/4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” với chủ đề “Nuôi biển vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”. Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của các tổ chức, các đại biểu: lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh; Ủy ban Khoa học và công nghệ Việt Nam; Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA); Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO); Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP); Đại sứ Hoàng gia Na Uy; các tổ chức, hiệp hội và 28 địa phương ven biển, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông báo chí, các chuyên gia hàng đầu, các nhà khoa học,… Đây là một trong những hội nghị với chương trình và quy mô lớn nhất về nuôi biển tại Việt Nam từ trước tới nay.
BỘ TRƯỞNG LÊ MINH HOAN: NUÔI BIỂN HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU GÌ?
Mở đầu bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đặt vấn đề: “Nuôi biển hướng tới mục tiêu gì?”. Bộ trưởng chia sẻ: “Nếu tất cả các doanh nghiệp ở đây và tất cả mọi người chúng ta hiểu rằng chúng ta nuôi biển để giải quyết một nỗi đau của đại dương, đó là tài nguyên thiên nhiên càng ngày càng cạn kiệt. Thật ra chúng ta làm để chúng ta hiểu một nỗi đau thì chúng ta có một động lực, sự kiên trì vượt qua những khó khăn để thực hiện. Nuôi biển nằm trong tổng thể của ba trụ cột phát triển kinh tế biển, kinh tế thủy sản là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển”. Bộ trưởng phân tích, nuôi biển là giải pháp cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và tạo ra sự phát triển bền vững.
BÀI HỌC TỪ QUẢNG NINH
Trong ngành nuôi biển, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước. Quảng Ninh cũng là địa phương tiên phong và làm rất quyết liệt để phát triển nghề nuôi biển.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã phân tích những tiềm năng, lợi thế đặc biệt lớn của tỉnh nhà để phát triển ngành hàng nuôi biển. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn lợ. Hết năm 2023 toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 10 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường. Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho biết tỉnh xác định phát triển bền vững kinh tế biển, gắn chặt với phát triển dịch vụ tổng hợp; phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế.
CHIA SẺ TỪ CÁC TỔ CHỨC TRONG NƯỚC, QUỐC TẾ VÀ CÁC CHUYÊN GIA
Bà Karin Greve-IsdahI – Tham tán Thương mại, Đại sứ Hoàng Gia Na Uy đã chia sẻ với hội nghị những kinh nghiệm từ Na Uy:
“Thành công của Na Uy nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạch định chiến lược, hợp tác và công nghệ. Chúng ta cần phải ưu tiên quy hoạch không gian bền vững để đảm bảo sự thịnh vượng của ngành mà không gây tác hại cho ngành khác. Quy hoạch không gian biển và sử dụng đại dương bền vững rất quan trọng. Trong hành trình tiến tới nuôi dưỡng bền vững thì chúng ta phải nhận ra vai trò quan trọng của công nghệ và đổi mới. Phát triển công nghệ là một trong những chìa khóa để tăng cường mật độ cá nuôi trong những lồng bè. Chúng ta phải chuẩn bị cho những thách thức mới vì nó luôn thay đổi”.
Chương trình tọa đàm “Tiềm năng và thách thức nuôi trồng thủy sản biển” với các ý kiến đến từ các chuyên gia, các đại diện ban ngành và đại biểu biểu quốc hội.
Ông Vũ Văn Diện – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với hội nghị về thực trạng phát triển nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh và định hướng phát triển nuôi biển trong thời gian tới với tiên chỉ xác định là nuôi biển bền vững, nuôi biển vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau.
Đại biểu Quốc hội – PGS. TS Nguyễn Chu Hồi phân tích về hệ tài nguyên đa dụng của không gian biển và việc đòi hỏi phải có một quy hoạch tốt về không gian biển quốc gia, về việc phải cụ thể, phải phân ra những khu vực chi tiết hơn, nhỏ hơn để hiện thực hóa quy hoạch không gian biển bên cạnh sự cần thiết phải có hệ thống quản trị liên ngành.
Chủ đề mà PGS. TS Võ Sĩ Tuấn – Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học đề cập đến là mối tương quan giữa sinh thái và hải dương học trong phát triển nuôi biển bền vững.
Các ý kiến đến từ các diễn giả quốc tế bao gồm các nội dung về: kinh nghiệm phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, vấn đề an ninh sinh học, một số nội dung, kiến nghị về chính sách,…
Na Uy – một quốc gia có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến hàng đầu trên thế giới đã chia sẻ về kinh nghiệm nuôi biển, quá trình quản lý nuôi biển; những bài học kinh nghiệm từ ngành công nghiệp nuôi cá hồi tại Na Uy.
Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam chia sẻ về vấn đề phát triển bền vững nuôi biển.
Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại VN và Trưởng phòng hợp tác nghiên cứu Ban giáo dục và Nghiên cứu nghề cá Nhật Bản chia sẻ các ý kiến đóng góp qua hình thức online.
THÁO GỠ MỘT SỐ ĐIỂM NGHẼN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NUÔI BIỂN Ở VIỆT NAM
Đây là phần tham luận của PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.
PGS. TS đề cập đến bước chuyển thứ nhất là vấn đề Định hướng phát triển nuôi biển Việt Nam: “Chúng ta đang trong quá trình phát triển nuôi biển thủ công sang nuôi biển công nghiệp, chúng ta đang chuyển từ nuôi vùng biển kín ven bờ sang vùng biển mở xa bờ, chúng ta đang chuyển từ việc kêu gọi, động viên ngư dân ra biển sang việc quản lý chặt chẽ nghề nuôi biển. Chúng ta đang chuyển từ việc nuôi đơn loài sang nuôi đa loài tích hợp, và chúng ta đang chuyển từ việc phát triển riêng đơn ngành sang việc tích hợp với các ngành kinh tế biển khác”.
Bước chuyển thứ hai mà ông phân tích là Chính sách quản lý nuôi biển bền vững. Đó là vấn đề cấp phép nuôi biển, việc quy định hạn mức sản lượng, phân bổ quota công khai rồi các cơ chế đồng quản lý kiểm soát hoạt động nuôi biển, vấn đề truy xuất nguồn gốc, áo dụng công nghệ số…Ông cho biết: “Vấn đề cơ chế đồng quản lý và vấn đề áp dụng công nghệ số, trong đó có vấn đề bản đồ số tự cập nhật, vấn đề này Hiệp hội chúng tôi đang tiến hành”.
Ông cũng nhấn mạnh đến việc áp dụng nuôi thủy sản đa loài tích hợp và ông cho biết Hiệp hội đã thảo luận với các ngành khác để tiến đến sự phối hợp chặt chẽ với nhau: “Một mô hình mà tôi rất muốn đề nghị các địa phương và trước hết là Quảng Ninh áp dụng, đó là mô hình nuôi thủy sản đa loài tích hợp. Nếu như vậy, chúng ta rất có thể tiến đến làm giảm các tác động đến môi trường và có thể là trong trường hợp tối ưu thì tác động môi trường là bằng không. Và đương nhiên là tích hợp với các ngành kinh tế khác, trong đó là có dầu khí, có vận tải, có điện gió, có du lịch.”
Đặc biêt, PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng tập trung vào bảy điểm nghẽn về chính sách cần tháo gỡ. Đây là những vấn đề thời sự rất được cộng đồng và các doạnh nghiệp, cơ sở cũng như ngư dân quan tâm. Bao gồm các vấn đề về quy hoạch, thủ tục giao biển, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển, vấn đề cần thiết phải có cơ quan đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển, vấn đề bảo hiểm cho hoạt động nuôi biển và nguồn nhân lực được đào tạo cho nghề. Ông chia sẻ đầy tâm huyết: “Tôi muốn tập trung vào một điểm, tức là các điểm nghẽn chính sách càng cần tháo gở. Thứ nhất, thiếu quy hoạch không gian biển. Thứ hai là thủ tục giao biển còn rất phức tạp, không giao biển lâu dài cho dân thì dân không thể đầu tư được. Cái điểm đầu tiên là “tấc biển cắm dùi”, chúng tôi cần cái đó. Thứ ba là thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thứ tư là chưa có cơ quan nào kiểm tra và đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển. Thứ năm là chưa có bảo hiểm cho hoạt động nuôi biển. Thứ sáu là chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển và thứ bảy, rất quan trọng tức là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển. Điều mà tôi muốn nói ở đây tức là cả bảy cái điểm nghẽn này chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.”
Thay mặt cho Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, PGS. TS cũng nêu kiến nghị về mức phí giao biển là quá cao và những vướng mắc trong việc đánh giá tác động môi trường đang gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Chương trình tọa đàm “Tiềm năng và thách thức nuôi trồng thủy sản biển” với các ý kiến đến từ các chuyên gia, các đại diện ban ngành và đại biểu biểu cho thấy ngành nuôi biển của Việt Nam còn gặp rất nhiều những khó khăn thách thức, đặc biệt là việc phát triển doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp. Cuộc tọa đàm có rất nhiều những nội dung sâu sắc, rất nhiều những kiến thức khoa học giá trị và hữu ích.
Trong hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rõ sẽ sẵn sàng lắng nghe bất kỳ ý kiến nào từ các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp và ngư dân. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ NN và PTTNT là sẽ nhanh chóng tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc đang làm chậm mục tiêu phát triển nuôi biển. Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng cùng nhau đồng hành để thực sự: “có những cái mới mẻ trong ngành nuôi biển của chúng ta: sản xuất tốt hơn, nuôi trồng tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, và cuộc sống tốt hơn. Xu thế chúng ta tạo ra những ngành hàng, chúng ta đi đúng quỹ đạo đó thì đó mới chính là cái thương hiệu của sản phẩm nuôi biển của chúng ta”.
Phần cuối hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 6 đơn vị tại tỉnh: HTX Thủy sản Trung Nam, HTX Thương mại và dịch vụ thủy sản Mạnh Đức, HTX Thủy sản Thắng Lợi, HTX Dịch vụ và Nuôi trồng phát triển thủy sản Bảo Anh, HTX Thương mại và Nuôi trồng thủy sản Trọng Vinh và Công ty Cổ phần STP Aqua.
Hội nghị kết thúc trong khát vọng vươn ra biển của các tổ chức, đơn vị, các địa phương, trong sự kết nối giữa các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, hợp tác cùng phát triển nuôi biển với tình thần “Vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.
Quảng Ninh, tháng 4/2024