Khương Thị Mến
(Nhân đọc tập thơ “Rồi mai mùa sẽ vui” của tác giả Vũ Mai Phong, xuất bản quý II/ 2024).
Năm 2012, Vũ Mai Phong xuất hiện trong đời sống văn học với tập thơ “Cõi bình yên” đã gây không ít ngỡ ngàng, bởi anh vốn là một kĩ sư xây dựng có tiếng, một doanh nhân thành đạt bỗng một ngày đẹp trời rẽ lối sang thi ca như một định mệnh. Mười hai năm sau anh tiếp tục xuất hiện với “Nẻo về”, “Rồi mai mùa sẽ vui” (2024). Tập thơ “Rồi mai mùa sẽ vui” đã tạo ra một dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc, đánh dấu sự bứt phá trưởng thành trong hành trình thơ anh, khiến công chúng nhớ đến anh với vai trò chủ thể sáng tạo giàu bản ngã, cá tính, một cái tôi ở độ chín, tài hoa, sắc sảo, kiêu hãnh.
Vũ Mai Phong từng quan niệm “Thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ được sắp đặt để biểu đạt bức tranh cuộc sống một cách… rất thơ”. Bức tranh về cuộc sống được nhìn qua lăng kính của Vũ Mai Phong là tiếng nói công dân, những suy tư, ngẫm nghĩ, những bình luận và cảm luận về gia đình, về làng quê, về thời cuộc, về triết lý nhân sinh dưới cái nhìn sâu sắc của Phật pháp… Và tôi gọi là một cuộc hành hương về với tâm hồn.
1. Cái tôi trữ tình thăm thẳm nỗi làng, nỗi quê
Trước hết, hình ảnh làng neo chặt cuộc đời thi ca Vũ Mai Phong. Nói cách khác, thơ Vũ Mai Phong là một cuộc hành hương về nguồn cội của chủ thể trữ tình: thăm thẳm, rưng rức nỗi làng. Điều này cũng thật dễ hiểu, nhà thơ rời quê lúa Thái Bình đi xa làng lập nghiệp từ khá sớm. Trong những năm tháng biền biệt ấy, khi nếm trải những vất vả và lăn lộn của cuộc đời, làng Vũ Trung nơi anh được sinh ra và lớn lên luôn sống trong tiềm thức anh: tập trung, ám ảnh, đong đầy trong tình yêu và nỗi nhớ thương da diết của anh. Hình ảnh ngôi làng hàng cau, mộc mạc bình dị, yên ả của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ bao đời nay ngả bóng vào thơ anh thật buồn:
Đất bạc màu đạn xới đã bao phen
Thương quê hương, thương kiếp người cơ cực
Một mùa cau lại thêm mùa thao thức
Nhói tim mình tiếng gọi: Làng ơi…!
(Làng ơi)
“Thương, thao thức, nhói ” và đau đáu khi tiếng gọi “Làng ơi” luôn vang lên từ trái tim nhà thơ trong sâu thẳm vô thức. Chữ nhói là diễn tả nỗi đau đột ngột buốt như kim châm, thể hiện tâm trạng cồn cào, se thắt, ngậm ngùi, khắc khoải, yêu trong lặng lẽ, quay quắt, tự thấy mình còn mắc nợ với ngôi làng còn nghèo khó, cơ cực. Câu thơ kết thúc bằng từ cảm thán, kết hợp dấu chấm lửng, dấu chấm than, tha thiết và đớn đau, vang vọng và ngân rung mãi trong tâm khảm nhà thơ. Câu thơ chạm vào trái tim và đánh thức trong chúng ta tình yêu sâu nặng, ân tình và thủy chung với làng. Viết về làng quê, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm từng tự thuật “Tự nhiên lại gọi tên làng. Ta như đứa trẻ lạc đường gọi cha” (Dấu quê). Nỗi làng, nỗi quê day dứt, khắc khoải trở về để chịu ơn, thủy chung son sắt với cội nguồn bởi nơi đó có hình quê, người quê, tình quê, hồn quê bao thương mến. Làng neo đậu trong tâm trí nhà thơ như sợi dây vô hình bền chặt nối vào đằng đẵng thời gian như điểm tựa tinh thần. Nơi đó, ta nhận ra mình. Nơi đó, cho ta một lối về…
Về làng, được đắm mình trong khung cảnh đẹp đẽ và thanh bình làng quê: nơi có “Tháng Giêng hương bưởi thơm lừng/ Từ ly ta tấu khúc cùng Trương Chi” (Nguyên tiêu), có hương thiết mộc lan thơm tràn sau ngõ “Vẫn thấy em mỗi lần sau ngõ. Khiêm cung và mỏng mảnh quá chừng” (Hoa Thiết Mộc Lan), có dáng mẹ gầy như chấm nắng trong chiều đông hanh hao mà quặn lòng thương xót “Cánh đồng quê xơ xác. Dáng mẹ gầy hanh hao” (Nhớ mẹ mùa Vu Lan), có đôi mắt người thương mỏi mòn ngóng đợi “Nụ tầm xuân rưng rưng ngấn đỏ. Tháng ba buồn như mắt em tôi” (Tầm xuân ơi). Về làng, về để tận hưởng gió đồng thơm hương lúa, vị mắm cáy đậm đà, cơm cháy giòn tan, cải ngồng thanh mát, để được là chính mình, bỏ lại bon chen, tất bật, lo toan cơm áo gạo tiền ngoài kia.
Về làng trải chiếu ta ngồi
Nước mưa trong bể, gió tươi ngoài đồng
Cơm cháy, mắm cáy, cải ngồng
Trồng rau, cuốc đất, tắm sông, trà chiều…
(Hạ cánh)
Có lẽ, với nhà thơ, một người xa quê gần 30 năm, đi khắp góc bể chân trời, thật xúc động khi gặp lại hương vị đó. Tâm thức làng quê trong thơ Vũ Mai Phong hiện hữu qua những hình ảnh nhỏ nhoi, gần gũi, hằng thường là vậy. Làng là hồn quê, tình quê, cội rễ được kết nối nuôi dưỡng từ những điều bình dị, giản đơn như thế đó.
Về làng, chạm vào vùng kí ức còn xanh, sống lại những kỉ niệm đẹp đẽ đong đầy yêu thương hồn nhiên, vô tư thuở hàn vi chăn trâu cắt cỏ, để nghe tiếng gà ru trưa hè yên ả:
Ta mơ được trở về làng
Chăn trâu cắt cỏ thuở hàn vi xưa
Chí trai biết mấy cho vừa
Vẳng nghe một tiếng gà trưa…
Mộng tàn.
(Mộng tàn)
Những câu thơ tự cảm… ở đó gương mặt nhà thơ hiện ra. Nhà thơ lấy động mà tả tĩnh, tiếng gà tác động vào thính giác, kết nối liên tưởng về không gian im ắng vắng lặng. Tiếng gà ban trưa đánh thức giấc trưa ngắn ngủi, chóng vánh như mộng công danh của đời người. Cấu trúc không gian – tâm lý, trường ngữ nghĩa tạo khả năng liên kết cùng hệ thống biểu tượng ẩn dụ. Hình ảnh thơ mang vẻ đẹp Đường thi giàu sức gợi và liên tưởng đa chiều nhờ sự tính toán, sự thông minh và nhấn nháy ở nghĩa chữ một số từ ngữ mang lại giá trị biểu đạt cao. Nếu câu hỏi tu từ: “Chí trai biết mấy cho vừa” vút lên chí khí, bản lĩnh đấng nam nhi xoay trời chuyển đất, tự khẳng định vị thế của mình thì câu thơ dưới thảng thốt nỗi niềm, tiếc nuối, hụt hẫng khi giấc công danh, tiền bạc, uy quyền, sự nghiệp đã tan tành như mây khói. Cứ tưởng chiêm bao lại hóa ra là cõi thực. Sau tất cả, nhà thơ nhận ra chuyện đời biến ảo khó lường, mà đời người thì ngắn ngủi như một giấc chiêm bao, chỉ riêng vẻ đẹp bình dị, giản đơn và những giá trị tinh thần quý giá của quê hương bao nhiêu kiếp rồi vẫn thế. Tiếng gà trưa biểu tượng cho cuộc sống thanh bình của làng quê luôn trường tồn, bất biến, để người ta tựa vào, người ta quay về dưỡng tâm sau mỗi lần vấp ngã. Khi còn trẻ, con người ta thường có nhiều hoài bão, ước mơ, nhưng khi trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, họ dần nhận ra rằng những điều bình dị, giản đơn mới là điều chân quý mang giá trị bền vững nhất.
Những lúc khó khăn nhất, chơi vơi và hoang hoải nhất, làng vẫn là chỗ dựa, niềm tin để tác giả tìm về nương náu tâm hồn.
Vài lần ướm thử cân đai
Cố ngay ngắn lắm vẫn hình hài người quê
Bao năm đất lạ xứ mê
Điệu xẩm xoan gọi mình về làng thôi
Jjjjjjjjjjjjkkkkkkkmkkkkmm(Hạ cánh)
Áo mũ “cân đai” là hình ảnh biểu tượng cho chức tước, địa vị, quyền lực, dù có cố gắng thay đổi thế nào, bản thân mình vẫn mang đậm nét vạm vỡ, thô mộc quê hương xứ xở về hình hài, giọng nói, phong cách. Hình hài quê chính là cái chất quê, cốt cách quê, là dấn căn cước công dân đặc biệt không dễ gì thay đổi. Hạ Chi Trương, một nhà thơ đời Đường, từng cố giữ giọng quê khi trở về làng sau năm mươi năm sinh sống ở kinh đô Trường An để thể hiện tình yêu sâu sắc với làng. Dù cuộc đời có vạn biến thì tình quê là bất biến, giữ lại một phần hình hài tâm hồn ở phía cội nguồn, để còn có nơi nhớ thương; đi về nơi chôn nhau cắt rốn. Cảm thức nguồn cội gắn với không gian địa – văn hóa trong thơ anh có sức níu kéo, thôi thúc con người ta trở về. Văn hóa làng, hồn cốt văn hóa dân tộc vì thế, bao giờ cũng là nơi lưu giữ những gì thiêng liêng nhất trong tâm thức, tiềm thức, vô thức của mỗi người suốt hành trình sống. Nhà thơ quan sát, suy tư, chiêm nghiệm với đồng điệu, hóa thân đằm đượm tình yêu với làng. Vũ Mai Phong từ xa nhìn về làng, từ văn hóa làng nhìn ra xa với bao nỗi nông sâu lay thức lòng người. Tâm thức làng trở thành lẽ sống trong đời sống tinh thần của thơ anh.
Và với hồn quê day dứt ấy, trong niềm thảng thốt khôn nguôi của kẻ ly hương “nhìn lại ta- tấm hình hài/ tả tơi sau cuộc miệt mài bon chen”, nay trở về, đối diện thực tại và quá khứ, phong kín và đổi thay, bình yên và xao động, nhà thơ giật mình thảng thốt nhận ra mình đã thay đổi: lạc lõng, thất thểu, rệu rã, nhàu nhĩ khi trở về.
Ta trở về khi tóc chẳng còn xanh.
Thất thểu, cố bỏ đi vài thói cũ
Lửa ấm trong ngày xuân còn lại
Trước miếu thành hoàng cây gạo trổ hoa.
Jjjjjjjjjjjjkkkkkm(Cho ngày xuân còn lại)
Sự đối lập giữa cái đổi thay của hình hài thi nhân và cái bất biến của giá trị văn hóa làng quê: hình ảnh “lửa ấm, miếu thành hoàng” như linh hồn thiêng liêng của tâm thức cội nguồn văn hóa làng, chạm đến chiều sâu tâm linh của con người, luôn hiện hữu trong tâm khảm thi nhân như giá trị sống thiêng liêng, trường tồn, vĩnh cửu chốn quê nghèo. Đó là lời thức tỉnh, lời tự bạch buồn vui, chiêm nghiệm của nhà thơ khi sắp bước vào U 50, cái tuổi đã chín. Phải lăn vào đời, phải đắm vào đời và phải vinh nhục với đời mới viết được những câu thơ tự bạch như vậy. Và cũng phải lắng, phải thấu lắm lẽ đời, kiếp người thì khi đó mới có thể tìm được nơi trú ngụ an yên như vậy.
Với nhà thơ, trở về cũng là đi tìm mình, hoàn thiện mình, đó là con đường thật chẳng dễ dàng. Ta hãy nghe những lời tự bạch từ gan ruột của của tác giả:
Những đứa con tôi chưa kịp chơi đã lớn
Tôi hoang mang cơm áo gạo tiền
Năm qua đi, mắt cha thêm mờ, tóc mẹ thêm bạc
Tôi quay cuồng với vòng xoáy công danh
(Tất niên)
Giữa cuộc sống mưu sinh hối hả, bộn bề, mải mê theo đuổi công danh, vật chất, chỉ khi về làng tác giả mới nhận ra thời gian trôi nhanh, tuổi thơ của con cái trôi qua nhanh, cha mẹ già đi không thể nào níu giữ được. Nhìn lại, nhà thơ không khỏi chạnh lòng hối tiếc vì đã bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá bên gia đình. Đọc câu thơ mà ngậm ngùi, trằn trọc và day dứt, làm ta ngã lòng đến thế, nó nhắc chúng ta trân trọng và dành nhiều thời gian bên gia đình. Đó chính là thông điệp sống chậm, sống yêu thương mà nhà thơ muốn nhắc mình, nhắc bạn đọc chúng ta.
2. Cái tôi thế sự quyết liệt, gai góc
Thơ Vũ Mai Phong ngồn ngộn chất thế sự. Hồn vía thơ anh neo đậu, bám trụ sâu khi luận giải đối chất vấn đề về văn hóa lịch sử. Người đọc có cảm giác như bị cuốn vào mê lộ của tri thức văn hóa: trông thành quách mà thấy bóng dáng cả triều đại, thấy buồn vui thế cuộc đặt ra về thân phận con người. Điều này làm sáng tác của anh nóng hổi hơi thở của đời sống.
Vũ Mai Phong có trường quan sát rộng, liên tưởng phong phú. Chỉ là ván cờ trong đình làng thôi nhưng nhà thơ đã khái quát cả quy luật bất thành văn trong cuộc sống. Con người trong cuộc đời cũng như những quân cờ trên bàn, có lúc lên xuống, được mất, thăng trầm, thành bại, rủi may tất cả đều phụ thuộc vào thời thế thế thời:
Đình làng vui mấy ván cờ
Ngẫm cuộc lên xuống, được thua thế thời.
(Đình làng)
Ở tuổi mình, hẳn anh đã quá thấu hiểu thị phi ở đời nên triết lý sống của anh vui với khoảnh khắc hiện tại cõi nhân gian, sống một cuộc đời ý nghĩa và không nên quá tham luyến vào quyền lực, địa vị. Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, có những tiếng cười huy hoàng, rực rỡ, nhưng cũng có tiếng khóc thương bi ai, tàn tạ, suy tàn cũng như sự kết thúc của một giai đoạn, một triều đại: “Kịch đời hết thịnh đến suy/ Màn nhung khép lại, quyền uy hết thời”. Quyền lực, địa vị, mọi thứ đều tan biến, không gì là vĩnh cửu.
Mượn chuyện táo quân, nhà thơ thể hiện phẫn nộ, bức xúc, bất bình trước thực trạng xã hội thối nát, hỗn độn, tệ nạn tràn lan nhức nhối, trước sự bất lực của công lý trong xã hội đương thời.
Táo quân
ba ông đầu rau tranh nhau lên giời bẩm báo
cá chép bị om dưa chưa kịp hóa rồng
nhân gian rì rầm kể chuyện bất công
sương mù nghi ngút cả sông Ngân
đèn giời nào thấu tỏ.
(Viết cho ngày cuối năm)
“Đèn giời” là ánh sáng soi sáng mọi thứ, tượng trưng cho công lý, sự minh bạch. Câu hỏi “Đèn giời nào thấu tỏ?” thể hiện sự thể hiện sự chua chát, mỉa mai nghi ngờ, thất vọng vào khả năng giải quyết vấn đề của những người nắm quyền. Công lý mù quáng, bất lực trước những thế lực tham nhũng. Qua đó, tác giả thể hiện sự cảm thông, xót xa cho số phận của người dân lao động. Đây là tiếng nói phản kháng, tố cáo mạnh mẽ của nhân dân, góp phần thức tỉnh xã hội và hướng đến những thay đổi tốt đẹp, niềm mong ước về một xã hội công bằng, liêm chính nơi người dân được sống no ấm, hạnh phúc. Đó chính là thái độ công dân đầy trách nhiệm của nhà thơ trước vận mệnh của đất nước, của thời cuộc. Không hề lên gân hay phát ngôn sống sượng về thời sự mà bằng những so sánh đầy ẩn ý độc đáo.
Tết sấp ngửa
rủi may như trò xóc đĩa
dân hay quan đều ngược xuôi, xuôi ngược
thế cờ vẫn chưa tàn cuộc
hết năm!
(Viết cho ngày cuối năm)
Câu thơ là sự hiện diện của một tâm trạng, cũng là sự hiện diện của khung cảnh: bức tranh Tết ảm đạm, tát tả ngược xuôi, mệt mỏi, bấp bênh, đầy lo âu của con người trước cuộc sống. So sánh cuộc sống với trò chơi xóc đĩa đánh bạc may rủi, bất định, nhà thơ thể hiện sự bi quan, bế tắc của con người khi phải đối mặt những mâu thuẫn dai dẳng, cuộc sống ngột ngạt, bất an và phiền muộn khiến con người ta méo mó, lệch lạc, ganh đua, đánh mất mình:“ Nhất nọ, nhì kia, gồng mình phông bạt/ Sống mà như phấn đấu huy chương”.
Có lúc, Vũ Mai Phong chỉ ra cái bi kịch hết thời và đáng thương của kẻ quyền chức một cách thẳng thắn:
Thế nhân đàm phiếm sự đời
Còn ung dung ghế mấy người ngộ ra
Mờ tâm bởi bám bụi tà
Kẻ rớt ghế, kẻ nhạt nhòa lệch vai.
(Lệch vai)
Người đọc sẽ thấy Vũ Mai Phong ở một khía cạnh và chiều kích khác để phơi bày thực trạng cuộc sống của con người trước tiền và quyền: “Chén rượu nhạt như cái bắt tay/ leng keng, những lời tán dương nồng nhiệt /một năm đo độ dày mỏng/tập thơ, cuốn lịch, phong bì” (Tất niên).
Trong thơ, Vũ Mai Phong nặng lòng với những vấn đề lịch sử, anh thường để khuyết một khoảng trống để tương tác với độc giả: tranh luận, thuyết phục bằng các hình thức độc thoại phân thân để đối thoại, chất vấn, để người đọc suy ngẫm, trăn trở những vấn đề cùng tác giả. Thiết nghĩ, đó cũng là nội lực và tài năng của người cầm bút. “Viếng đền Lệ Chi Viên” là một minh chứng cụ thể. Nhà thơ chỉ ra nguyên nhân nỗi oan ngút trời của gia tộc Nguyễn Trãi, chính cơn tao loạn triều đình với thái độ lên án quyết liệt, mạnh mẽ: “Những nạn nhân cơn tao loạn triều đình/ Sới đấu đá tranh quyền đoạt vị”. Những câu thơ trào dâng nỗi xót xa, quặn thắt và niềm tin ở công lý, lẽ phải, lòng dân:
Ngàn thông reo than khóc nỗi Côn Sơn
Nghe ai oán cả Bình Ngô Đại Cáo
Thái tổ ơi, thước nào đo công tội
Lòng dân ta hay nước mắt thánh thần?
(Viếng đền Lệ Chi Viên)
Suy tư về kiếp người, thân phận đại trung thần mang bóng dáng thân phận lịch sử. Mạch nguồn ấy sáng rõ ở thơ Vũ Mai Phong với cấu trúc chặt chẽ, nén đầy năng lượng, cảm luận, đánh giá nâng lên thành ý thức đọc bằng cả cuộc đời và có thể cả kiếp sau và kiếp sau nữa mới thấu hết. Lẽ phải nói về lương tâm, công bằng nói về lý trí còn sự thật nói về ý thức lịch sử. Mỗi phút giây chúng ta sống vừa là quá khứ hôm qua, vừa là hiện tại của ngày hôm nay:
Mây trắng bay trên đền thờ Đoàn Thượng tướng quân
Bậc trung thần tấm gương sáng chói
Đao đình Phùng Khoang cong lên trời dấu hỏi
Lý triều không suy thì liệu có nhà Trần?
(Về Kẻ Mọc)
Lời thơ gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử đầy biến động, khi nhà Lý suy yếu và nhà Trần lên nắm quyền. “Đao đình Phùng Khoang cong lên trời dấu hỏi” là hình ảnh ẩn dụ độc đáo, thể hiện sự thắc mắc, day dứt về số phận của vị tướng tài ba và triều đại nhà Lý. “Lý triều không suy thì liệu có nhà Trần?”. Câu hỏi tu từ đầy suy ngẫm, cấu trúc song hành, nhà thơ đi ngược thời gian để liên hệ về quá khứ và cuối cùng quay về hiện tại, khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa sự sụp đổ nhà Lý và sự trỗi dậy nhà Trần chuyển giao quyền lực như một tất yếu. Từ vấn đề của lịch sử, người đọc sẽ suy ngẫm về cuộc sống của hôm nay.
3. Triết lý nhân sinh “Thế giới dưới kia Đạo là Đời” đậm sắc màu Phật tính
Phật tính được thể hiện rất rõ trong “Rồi mai này sẽ vui” của Vũ Mai Phong trên phương diện nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Trong ngày Phật thành đạo anh đã viết “Thế giới dưới kia Đạo là Đời/Thân phàm vẫn luyến cuốc rong chơi/ Ta vút mơ mình là cơn gió/ Lồng lộng hồn nhiên với mây trời.” (Một ngày lên đỉnh Hồ Thiên). Tập thơ dung chứa một năng lực ngôn ngữ tuyệt vời sự xuất hiện rất dày mảng từ vựng thể hiện cảm quan Phật giáo (“tam bảo”, “vô thường”, “nhân sinh”, “bụi trần”, “chấp niệm”, “nhân duyên”, “phù sinh”, “cứu thế”, “khổ hạnh”, “thiền tọa” “buông bỏ” “chúng sinh” “thị phi” “ta bà” “ba la tăng yết đế”, “bồ đề tát bà ha”)… cho thấy người thơ dường đã xả lỵ tham ái, buông bỏ, giữ tâm thanh, an trú vào chốn khác. Nhân vật trữ tình trong tập thơ thể hiện sâu sắc nhân sinh quan Phật giáo trong triết lý sống vô thường – vô ngã, buông bỏ giải thoát, tỉnh thức và sống an lạc hạnh phúc từng phút giây ngay trong cõi đời này.
Vô thường- một nhịp thở thôi
Học quán buông bỏ cho đời an yên.
(Thân tâm)
Câu thơ nhấn mạnh bản chất ngắn ngủi của cuộc sống, khẳng định rằng ngay cả một hơi thở cũng có thể đánh dấu sự thay đổi của sự tồn tại. Giống như hơi thở thiền, tất cả mọi thứ trong vũ trụ đều không có gì là vĩnh cửu hay bất biến, chúng trải qua một quá trình liên tục phát sinh, suy tàn và tan biến.
Nhà tang lễ
Sinh ly tử biệt
Vô thường.
(Một ngày ở nhà tang lễ)
Ý thức được sự vô thường trôi chảy, hiểu thấu căn nguyên của sự vật, nhà thơ nhắc nhở chúng ta trân quý, nâng niu, tận hưởng đủ đầy vẻ đẹp hiện sinh của cuộc sống, bình tĩnh, tự tại ngay cả khi đối diện sinh tử. Sinh và tử là hai quá trình,trạng thái diễn ra đồng thời trong một sự vât, hiện tượng cũng như trong toàn thể vũ trụ đối lập nhau, nương vào nhau. Bởi nhà thơ hiểu rằng không phải là sự vật, hiện tượng sinh ra mới gọi là sinh, hay chết đi mới gọi là tử, mà trong sinh có sự diệt, tử không phải là hết mà tử là điều kiện của một sinh thành mới. Chiêm nghiệm về bản chất của kiếp nhân sinh thông qua việc ý thức về đời sống thực tại là cách nhà thơ đã tu tập tới hạn để vượt qua. Đó là sự hành thiền sâu sắc an tĩnh trước dâu bể cuộc đời, khi tuổi đời đã vào độ chín, cái độ có đủ đắng cay, ngọt bùi, xanh chín, nóng lạnh của đời chúng ta mới có thể nhận ra.
Nỗi hư vô vạn vật và đời người trong dòng chảy của cuộc sống luôn ngắn ngủi, mong manh trước quy luật vô thường. Điều đó ám ảnh nhà thơ “Anh ngồi viết tiếp lời độc thoại/ Lên dốc thời gian, lên hư vô” (Chiều Nghĩa Đô). Theo nhà thơ, thực chất mối quan hệ tương duyên của vạn vật trong thế gian này đều do duyên chi phối (dù đó là duyên lành hay ác), nhân duyên trong quá khứ hay hiên tại, cõi thực hay cõi mộng, đến và đi, hợp và tan. Cái nhìn Phật pháp đã thấm nhuần và thăng hoa thành những vần thơ đậm chất đầy suy tư, chiêm nghiệm thoát tục từ câu chữ cho đến thần khí của thơ.
Hợp tan chỉ bấy nhiêu thôi.
Mình tôi ngồi với liêu xiêu bóng mình
(Gặp là duyên, không gặp cũng là duyên)
Nếu vô thường là nhìn vào thực tại từ khía cạnh thời gian thì vô ngã là nhìn từ bình diện không gian. Chân lí của đạo Phật là tìm về không, không có gì bất biến nên làm sao có được cái ngã riêng biệt và vĩnh hằng? Đời người ngắn ngủi vô thường như giấc mộng thoảng qua, thế sự ưu phiền, đảo điên, hỗn loạn, đổi thay khó lường, sinh mệnh mong manh. Biết đủ, hướng thiện và trân trọng từng giấy phút để sống có ý nghĩa. Nhà thơ chiêm nghiệm, nêu triết lý về sự sinh tồn trong cuộc sống :
Cao xanh, xanh tận muôn tầng
Nhân sinh hư mộng, cuộc trần đảo điên
(Đường lên Ba Vì)
Hình ảnh thơ là trạng thái đối lập giữa thiên nhiên và con người. Điệp từ “xanh” được lặp lại hai lần nhấn mạnh sự hùng vĩ, vĩnh hằng, rộng lớn, vô lượng của thiên nhiên, đối lập với sự hữu hạn, mong manh, nhỏ bé, phù du hư ảo của đời người. Và chỉ khi đến có thể giác ngộ, tỉnh thức thoát khỏi những ảo tưởng về bản thân, về sự vĩnh cửu của cuộc sống.
Song trong cuộc sống những toan tính, bon chen, xô bồ, đố kị trước bả vinh hoa phú quý thường khiến con người ta đau khổ quanh quần trong vòng tục luỵ luân hồi. Cái thực tại ấy đã hướng tác giả tới sự cố gắng thoát khỏi đêm dài thế tục của kiếp người bằng cách buông bỏ “rũ sạch bụi trần”. Tác giả nhìn ra những u mê của cõi người, nhìn ra sức mạnh của tâm là vô tận “Mờ tâm bởi bám bụi tà” “Tâm sinh tướng, mệnh do mình”. Từ đó, tu tâm dưỡng tính, chấp nhận mất mát thua thiệt, giác ngộ và buông xả, phục sinh và giải thoát, hướng đến sống thiện lành, rũ bỏ tham sân si, bình tĩnh đủ khoan dung để giấu ẩn buồn đau, nhưng đủ chín buông bỏ, đủ trí bừng ngộ thăng hoa trong cõi mộng ảnh nhân gian là tinh thần khai phóng triệt để và đức khoan dung nhân từ của Đạo Phật.
Dại đi đừng tính thiệt hơn
Hoà đi kệ thói bon chen tranh giành
Thật đi mặc kẻ khôn lanh
Rũ đi cho sạch sành sanh bụi trần.
(Rũ đi)
Có thể nói, thơ VMP thấm đẫm chất thiền trong cảnh, trong mây, trong tâm thức. Khi thả mình đắm chìm trong thiên nhiên núi rừng yên tĩnh đượm hương vị thiền, bút lực của tác giả dường như trong những câu thơ chứa chan thi ảnh đầy thẩm mỹ. Sự hoà quyện trong hiện tại thể nhập tương duyên giữa con người và thiên thiên lung linh, bay bổng huyền ảo tĩnh tịch, cùng gió núi mây ngàn phảng phất hư vô tìm về an tĩnh của tâm hồn. Cái đẹp của thiên nhiên được tạo dựng bởi giữa Thực và Hư, giữa Sắc và Không, giữa Hữu và Vô, giữa động và tĩnh. Hồn thơ anh dường như đắm đuối trong vẻ “xanh xanh” vô cùng trời đất ở vùng núi Ba Vì.
Một ngày giữa đỉnh non thiêng
Dõi mây ngũ sắc tạm quên cõi người
Trên kia hun hút cổng trời
Chợt hồi chuông gọi, việc đời chưa xong
Bb I(Đường lên Ba Vì)
Câu thơ bóng dáng con người trần thế ẩn mình không phá vỡ sự mơ hồ, thanh tịnh, tịch diệt siêu thoát của chốn thiền viên đẹp như tiên cảnh cái đẹp nguyên sơ của sự tịnh lạc. Ở đây cái tiểu ngã đã thực sự hòa vào đại ngã để vượt lên sự hữu hạn của đời người, tiếp nối vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận, của vũ trụ. Con người xã hội hướng ngoại và con người cá nhân hướng nội nơi ông từng biết cách hài hoà thống nhất làm một đủ rộng lòng trắc ẩn, khoan dung, đủ phục sinh và giải thoát hướng đến một thái độ ứng xử tích cực, dưỡng tâm phụng hiến cho đời của cái tôi nhập thế.
4. “ Rồi mai này sẽ vui” có cấu tứ độc đáo, hình thức thơ linh hoạt.
“Nghệ thuật cấu tứ phản ánh quá trình tư duy, tài năng, sáng tạo của người nghệ sĩ”. Cấu tứ dựa trên dòng suy tưởng bắt đầu bằng một ấn tượng, một sự kiện hay một tâm trạng cụ thể để mở ra luồng suy tưởng, va chạm, cọ xát, câu kết bao giờ cũng bất ngờ. Bộn bề sự kiện, bộn bề cảm xúc, bộn bề chất liệu trong những vần thơ viết về thế sự, biểu hiện những vấn đề nổi cộm cuộc sống hiện đại làm cho ý thơ thoát khỏi sự đơn điệu, dễ dãi. Sử dụng thi ảnh có tính biểu tượng: biểu tượng văn hóa làng quê với hình ảnh tiếng gà, miếu thành hoàng, điệu hát biểu tượng trong thơ có giá trị khái quát về văn hóa, có gợi nhớ đến huyền thoại cổ xưa của con người, giúp người đọc nhận ra chính mình trong chiều sâu của cội nguồn quê hương và dân tộc.
Hình thức thơ của “Rồi mai này sẽ vui” khá linh hoạt. Ngôn ngữ tự nhiên, đa nghĩa, thi ảnh giàu tính biểu tượng: Vũ Mai Phong làm thơ, không làm chữ, chữ trong thơ anh chảy tự nhiên theo mạch cảm xúc, không cần gò công gọt đẽo, mài rũa. Anh viết phóng khoáng, tự nhiên theo suy tư và dòng cảm xúc. Trong số hơn 80 bài thơ đã in có 25 bài lục bát, 21 bài năm chữ, 12 một vài bài thơ tự do, còn lại là sự xen cài pha trộn linh hoạt của kiểu thơ 6-7-8 chữ tự do, khoáng đạt, biến cải theo cảm xúc của chủ thể trữ tình:
Lúc là thơ tự do:
Một năm!
Rồi lại một năm
Tết như một dấu chấm than cũ càng
(Một năm qua đi)
Khi lục bát nhuần nhuyễn, uyển chuyển: “chữ tình chia nửa trang đời/ nửa còn đọng lại, nửa vời vợi xa”( Phôi pha) hay “Trông người đong cái dở dang/ Tiếng chuông thương những lỡ làng trong nhau..” (Lỡ làng), “xin Giời cho đá nên vôi. ông tơ bà nguyệt têm tôi vào mình”.
Có khi là thể thơ bảy chữ phiêu du, lãng mạn, đằm đượm. Tôi thích những câu thơ tình của anh. Nó chân tình và da diết, mộc mạc, chạm đến trái tim người đọc.
Anh đến Nami một ngày đông giá
Tuyết rơi dày như nỗi nhớ em
Nghĩ về em anh thấy lòng ấm lạ
Tuyết cứ rơi và tuyết nở thành hoa.
(Tuyết Nami)
Khi nào gió không còn thổi nữa
Dòng sông đêm tĩnh lặng ngừng trôi
Anh sẽ vớt nửa vầng hao khuyết ấy
Ghép nửa anh bù đắp tròn đầy
(Về bên anh)
Lúc lại là thơ năm chữ giản dị, bất ngờ trong thi ảnh:
Đêm tháng bảy đầy sao
Gió về theo tay mẹ
Chiếc quạt mo nhè nhẹ
Sao rơi vào giấc mơ
Không chủ ý thiết tạo hình thức song thơ anh có nhiều câu thơ so sánh mới lạ, độc đáo:
Chén rượu lạt như cái bắt tay
Leng keng những lời tán dương, ca tụng…
Tết sấp ngửa
rủi may như trò xóc đĩa
(Viết cho ngày cuối năm)
“Rồi mai mùa sẽ vui” vẫn tiếp nối mạch nguồn của hai tập thơ trước song đã có một giọng điệu riêng, một màu sắc riêng tinh tế và tài hoa, độc đáo. Có những câu thơ sẽ còn đọng lại mãi trong lòng độc giả bởi vẻ đẹp của ngôn ngữ, sự chân thành, lay thức cảm xúc. Hãy đọc “Rồi mai mùa sẽ vui” để trò chuyện và thấu hiểu cùng nhà thơ. Hành trình sáng tạo còn dài, tôi cũng như độc giả luôn mong chờ và đón nhận những đứa con tinh thần tiếp theo của anh.