Sáng ngày 23.02.2024 (tức ngày 14 tháng Giêng), tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”. Các chương trình nổi bật nhất trong ngày đầu tiên của hội thơ là Cuộc thi trình diễn thơ của các nhà thơ hội viên Hội nhà văn Hà Nội và Cuộc thi Trưng bày quán thơ của các Câu lạc bộ thơ trong thành phố Hà Nội.
Trong số những người tham dự cuộc thi có tác giả Khuê Anh. Chị là một trong số 15 nhà thơ ở các câu lạc bộ tại Hà Nội được lựa chọn để lên đọc thơ trên sân khấu Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Tác giả Khuê Anh đọc một bài thơ do chị sáng tác với chủ đề về người mẹ chồng. Mẹ chồng của chị là một người phụ nữ có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, khi đó bà mới 24 tuổi. Sau đó bà quyết định ở vậy nuôi con cho đến cuối đời. Bài thơ có nhan đề “Mẹ tôi”:
MẸ TÔI
Mẹ tôi,
Têm giấc mơ cánh phượng
Gặp lá trầu con gái sang sông.
Mẹ tôi,
Đi hái hoa hồng
Gặp tiếng gọi chồng bay trong khói sương.
Mẹ tôi,
Mê nón đội trưa
Mót trong bom đạn cũng vừa quảy khoai.
Mẹ tôi,
Chiều rớt hôm mai
Nghĩa dâu dâng trọn, đôi vai hao gầy.
Mẹ tôi,
Cười khóc với mây
Hỏi trong khói súng đâu đây bóng chồng?
Trời mưa bong bóng phập phồng (*)
Mẹ tôi đan gió
Gánh đồng nuôi con.
Chiến tranh
Một thế kỷ tròn
Sóng xô gối mẹ giấc mòn trăm năm?
Chín mươi
Buồn mấy áo khăn
Hỏi ai đếm nổi vết nhăn đôi bờ?
Nhớ, quên
Đã tự bao giờ
Chỉ còn tôi khóc đến mờ lư hương.
Dấu chân
In đậm nẻo đường
Mênh mang mẹ giữa vô thường đời con!
(*): Ca dao
Giọng thơ âu yếm và yêu thương cho thấy tình cảm sâu đậm và nỗi thương nhớ da diết của người con dâu đối với mẹ chồng, một mối quan hệ ấm áp thật hiếm hoi làm sao trong thời kỳ mà người ta vẫn hay nói “Ưa nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”.
Bài thơ này đã được đăng trên báo Văn nghệ Công an, số 661, ngày 27/7/2023. Đến với Ngày thơ Việt Nam, bài thơ lại một lần nữa thành công tốt đẹp. Ban tổ chức Ngày thơ VN lần thứ 22 đã công bố bài thơ “Mẹ tôi” được nhận Giải C trong cuộc thi “Trình diễn thơ trong ngày thơ Thăng Long – Hà Nội”.
Tác giả Khuê Anh chia sẻ rằng: “Khi viết bài này, những hình ảnh của cuộc đời mẹ tái hiện lại trong đầu tôi, vô cùng xúc động trước những thiệt thòi của người phụ nữ, trước cuộc đời đầy vất vả và chu toàn của mẹ đối với bố mẹ chồng, tức ông bà của chồng tôi, và những vất vả lo toan, yêu thương ngập đầy nước mắt mà mẹ dành cho chồng tôi… (Khi được nhận giải), tôi thực sự hạnh phúc, bởi mình đã có một món quà để kính tặng Mẹ được ghi nhận tại đây, hạnh phúc vì được tỏ bày tâm tư của mình qua thi ca tại đất linh thiêng Văn Miếu, hạnh phúc vì đã được đứng tại nơi chứa đầy hương thơm của chữ nghĩa tự ngàn đời mà hóa mình trong con chữ rất nhỏ nhoi của mình”.
Cảm ơn tác giả Khuê Anh vì đã nhìn thấy và ghi nhận bao nỗi vất vả không tên và những nhọc nhằn chôn giấu của một người mẹ Việt Nam. Là nạn nhân của chiến tranh nhưng người phụ nữ ấy không chịu đầu hàng số phận mà luôn luôn đặt hạnh phúc của gia đình thân yêu lên hàng đầu. Hình ảnh đẹp đẽ tần tảo của người mẹ qua những câu chữ giản dị đã lặng lẽ in sâu vào tâm hồn người đọc, để họ được biết rằng có một người mẹ chồng đã chinh phục được tình cảm của người con dâu đến như thế. Mong rằng hình ảnh của bà với nghị lực sống và nụ cười lạc quan sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho tác giả Khuê Anh và bạn đọc.
Trần Quỳnh Hoa