Nhà thơ Bình Địa Mộc tên khai sinh Đỗ Thanh Toàn, quê quán ở Tam Kỳ, Quảng Nam, hiện sống và sáng tác tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ông là một trong những người dấn thân hết mình với thi ca, ngay cả trong những lúc khốn khó lênh đênh mưu sinh. Nhân dịp Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” do Hội Nhà văn Cần Thơ phối hợp Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 6.11.2024, nhà thơ Bình Địa Mộc đã viết tiểu luận đầy tâm huyết này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Giải thưởng Nobel Văn học năm 1907 vinh danh nhà thơ người Anh Rudyard Kipling với bài thơ “Đông và Tây”. Nội dung phản ảnh sự va chạm tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Đông – Tây thuộc biên giới Tây Bắc Ấn Độ. Bài thơ gồm 30 câu. Trong đó 4 câu mở đầu và kết thúc giống nhau nhằm tái khẳng định chủ đề tư tưởng của tác giả.
“Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ
Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông lực lưỡng từ đường biên mặt đối mặt không thôi.
…
“Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ
Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông lực lưỡng từ đường biên mặt đối mặt không thôi.”[Trích trong bài thơ “Đông và Tây” của tác giả Rudyard Kipling]
Tuy nhiên hiện nay câu hỏi hai miền Đông – Tây hội nhập đến mức nào và gặp gỡ tiếp xúc đến đâu như ý tưởng bài thơ vẫn còn bỏ ngỏ. Song một làn gió mới, một niềm cảm xúc mới về thơ bắt nguồn trào dâng ngay sau đó trên khắp các thi đàn thế giới. Nó đã ít nhiều minh chứng tiến trình vận hành văn hóa xã hội. Thơ mới hiện diện trong đời sống tinh thần bấy giờ không phải một sớm một chiều, càng không phải đột biến mà cả chặng đường dài tiếp thu, thống hợp, thay đổi, thích nghi, lột xác giữa cái cũ và cái. Giữa vùng miền, tôn giáo, sắc tộc vốn dĩ đóng đinh trên bức tường sáng tác mỗi quốc gia.
Ở nước ta mãi đến năm 1932 mới xuất hiện bài “Tình già” của Phan Khôi gây nhiều tranh cãi trong giới thi nhân. Bởi sự giao thoa giữa tác giả – tác phẩm – bạn đọc không chung đường, không thống nhất ý kiến khiến độc giả hoang mang, lo lắng. Khiến các nhà thơ hoài nghi cái mới, họ liên tục giằng co giữa thơ mới – thơ cũ. Thơ mới tạo cảm giác thích thú về sự trẻ trung, hấp dẫn. Góc độ nào đó nó đã kích thích trí tò mò muốn khám phá, trãi nghiệm ngay tức khắc của người cầm bút lẫn công chúng thưởng thức. Trong bối cảnh các dòng thơ cũ như Đường luật, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, song thất lục bát ngày càng già nua tuổi tác đã vô tình thu hẹp biên độ sáng tạo do thành trì niêm luật, vần vận, câu cú quá ư chặt chẽ từ ngàn xưa không dễ gì phá vỡ.
“Hai mươi bốn năm xưa,
một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
hai cái đầu xanh kề nhau than thở”
[Trích trong bài “Tình già” của tác giả Phan Khôi]
Tám mươi sáu năm sau (1932 – 2018) kể từ ngày bài thơ “Tình già” của Phan Khôi chào đời, thi đàn Việt Nam may mắn xuất hiện một thể loại thơ hoàn toàn mới, có tên gọi bằng số khá ấn tượng: Thơ 1-2-3, với sức cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Được biết sau chuyến tham quan nước Nga vĩ đại vào mùa thu 2018, trên đường quá giang đất nước Qatar bên vịnh Ba Tư nơi giao thoa văn hóa Đông – Tây, nhà báo – nhà thơ Phan Hoàng (khi đó là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, hiện nay là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên trang vanvn.vn, và Chủ biên trang vanhocsaigon.com) đã nảy sinh ý tưởng sáng tạo dòng thơ khá độc đáo này.
Tính đến nay, theo thống kê của Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca – Trường Đại học Tây Đô ở Cần Thơ, thể thơ 1-2-3 đã có gần 1000 người sáng tác, đang thu hút nhiều cây viết chuyên nghiệp và nghiệp dư. Đặc biệt, đã có hàng chục tập thơ 1-2-3 của các tác giả trên 3 miền Nam – Trung – Bắc xuất bản, chưa tính những bài thơ 1-2-3 in chung với các thể loại thơ khác trong các tập thơ của nhiều tác giả.
Thơ 1-2-3 cũng đã được dịch ra gần 20 thứ tiếng và đăng tải trên các tạp chí văn học nước ngoài, được đề cập tới trong nhiều cuộc hội thảo văn học quốc tế tổ chức trong lẫn ngoài nước. Chẳng hạn, tại cuộc Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải – Trung Quốc lần thứ VIII vào tháng 12.2023, với sự tham dự của nhiều nhà thơ đại diện cho nhiều quốc gia, trong đó có nhà thơ Mỹ gốc Nigeria đoạt giải Nobel Văn học năm 1987 là Wole Soyinka. Nhà thơ Phan Hoàng đại diện duy nhất của Việt Nam trực tiếp bay sang Thượng Hải tham dự, trình bày tham luận về trí tuệ nhân tạo AI và thơ 1-2-3 đã được bạn thơ các nước hoan nghênh nồng nhiệt.
Vừa qua, ngày 6.11.2024, Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức buổi Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” diễn ra hết sức sôi động. Được biết đây là buổi hội thảo chính thức đầu tiên, bàn về thể thơ mới 1-2-3 thuần Việt đang trở thành trào lưu sáng tác thịnh hành trong đời sống thơ ca mấy năm qua. Về tham dự buổi tọa đàm có nhà thơ Phan Hoàng và nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình đến từ mọi miền đất nước cùng đông đảo sinh viên và người yêu thơ.
Công thức sáng tác thơ 1-2-3 bình dân, dễ hiểu, dễ làm như sau. Mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ có 1 câu tối đa 11 chữ, đồng thời nó cũng là tên thi phẩm nhằm tránh sự dễ dãi, trùng lắp tiêu đề các bài thơ khác dẫn đến nghi án đạo thơ. Đoạn 2 có 2 câu, mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, mỗi câu tối đa 13 chữ. Nghĩa là thơ 1-2-3 tương ứng với 11-12-13 chữ trên mỗi câu, trên mỗi đoạn thơ với nội dung từ hướng ngoại đến hướng nội theo quy tắc ý tại ngôn ngoại.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết Phan Hoàng nung nấu ý tưởng sáng tạo thơ mới trong một thời gian khá dài nhưng chưa có cơ hội thể hiện. Sau chuyến tham quan nước Nga như đã trình bày ở trên, đứa con tinh thần khỏe mạnh của anh mới thực sự chào đời với hình hài vóc dáng bảnh bao, lịch lãm.
“Dưới ánh trăng Sergei Yesenin bỗng hiện về
Lãng tử trên lưng ngựa lướt qua cánh đồng lúa mì
lững thững rừng phong lá rơi vàng bước chân ngôn ngữ
Với thi nhân khổ đau và cái chết không có điều gì mới
sợ đôi mắt người đẹp buồn hơn, mẹ già khuya sớm cút côi
dưới ánh trăng linh cảm tài hoa bão tuyết xoáy lòng tôi”
Và với một thi sĩ khác trong tâm thức Phan Hoàng:
“Trái tim thơ Olga Berggolts toả ấm nghĩa trang
Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng
câu thơ sống mãi những người ngã xuống vì Leningrad năm xưa
Tên thành phố đổi thay nhưng tình yêu không bao giờ thay đổi
và chẳng vĩnh cửu nào bằng trái tim nồng nàn Olga Berggolts
xin nghiêng mình trước áng thơ máu xương nâng cánh tâm hồn”.
Phải chăng số phận của Sergei Yesenin và Olga Berggolts cùng nhiều nhà văn, nhà thơ nước Nga vĩ đại đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những bài thơ 1-2-3 Phan Hoàng hình thành? Phải chăng sau một kỳ ngủ đông dằng dặc những 86 năm nàng thơ Việt Nam mới thức dậy, bừng tỉnh vươn vai bước ra cánh đồng chữ nghĩa đầy ắp hoa thơm cỏ lạ? Mà ở đó vai trò chủ đạo, thủ lĩnh tinh thần Phan Hoàng đã thắp nắng, khơi bấc, bật dậy ngoài bút thi nhân vốn sáo mòn, lễ nghi, niêm luật chặt cứng như nêm trong cách cảm, cách nhận, cách thể hiện quen thuộc qua các dòng thơ truyền thống xưa nay.
Thông qua một số tư liệu khai thác và viện dẫn đầu bài viết, Thơ mới thường tiên phong trong một số lĩnh vực như cấu trúc, ngôn ngữ, hình ảnh. Đặc biệt nó còn có nhiệm vụ kết nối vùng miền, xóa nhòa ranh giới văn hóa, tập tục sáng tác, văn phong của từng tác giả. Thực tế chứng minh trong suốt thời gian qua thơ 1-2-3 hiện diện khắp các trang viết cá nhân trên nền tảng mạng xã hội, được đăng tải trên một số báo giấy, báo điện tử trong và ngoài nước. Cũng như các thể loại thơ khác, thơ 1-2-3 chuyển đến bạn đọc một thông điệp yêu thương, bác ái trong một không gian sáng tác tương đối ổn định về hình thức thể hiện. Theo đó tạo động lực cho người làm thơ, ban đầu hãy còn nhút nhát dần dần trở nên dạn dĩ, quen tay.
Thơ 1-2-3 có cái hay là nó khống chế số lượng 6 câu trong một bài, không ít hơn hoặc nhiều hơn. Đồng thời tác giả có thể sáng tác cả chùm từ 1 bài đến [n] bài với nhiều chủ đề khác nhau trong chùm thơ đó. Số lượng chữ ít hơn hoặc bằng mức quy định 11-12-13 chữ mỗi câu. Là điểm dừng chân nghỉ ngơi để tạo cảm xúc, nạp năng lượng cho người viết giữa bối cảnh thơ văn hiện nay khá đa dạng, phong phú nhất là thể thơ tự do hiện đại, hậu hiện đại, cách tân không hạn chế số câu, số chữ khiến người viết dễ rơi vào đầm lầy ngôn ngữ.
Tám mươi sáu năm tương đương tuổi thọ người Nhật Bản 84.4, người Australia 84.5, người Thụy Sĩ 84, người Hàn Quốc 83.7 năm mới xuất hiện một dòng thơ lạ mang dãy số tự nhiên 1-2-3 quả thật rất đáng kinh ngạc. Có ý kiến cho rằng thơ đấy đang thử nghiệm có khi được khi không, khi đúng khi sai. Thơ đấy của Phan Hoàng liên can gì đến mình. Thơ đấy gò bó, khuôn khổ khó lòng bứt phá, tung tẩy. Còn nhiều ý kiến trái chiều khác nữa song đa phần đều ủng hộ, khích lệ tinh thần, kể cả hỗ trợ kinh phí để trước đây trang Văn Học Sài Gòn trao tặng thưởng hàng tháng và sau này Diễn đàn Thơ 1-2-3 trên Facebook tặng mỗi quý [3 tháng] cho những chùm thơ xuất sắc, những tác giả trẻ tiềm năng.
Cái mới có thể hay hoặc dở, có thể đúng hoặc sai song nó hợp lý và tồn tại như thế nào xin phép nhường lời cho vị thần thời gian thẩm định. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đất nước đang vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới, hy vọng thể thơ 1-2-3 sẽ đồng hành cũng bạn đọc. Bởi số lượng chữ của nó khá khiêm tốn, đâu đó mỗi bài làm đúng, làm đủ sẽ cho ra 74 chữ/bài. Một chùm 6 bài sẽ bằng 444 chữ/chùm là con số đẹp nhất. Tương đương đề thi môn Ngữ văn 400 chữ, viết về một hiện tượng xã hội mà gần đây được ngành giáo dục triển khai đại trà ở các kỳ thi bậc học phổ thông. Đồng thời với số lượng chữ khắt khe này sẽ giúp cho người viết chắt chiu, chọn lọc ý tứ nhiều hơn thay vì dàn trải, manh mún. Hơn nữa thơ 1-2-3 phù hợp với mọi độ tuổi, giai tầng xã hội. Nó vừa không khó, vừa không dễ tạo sân chơi bình đẵng thông thoáng, phù hợp với mọi thành phần nên càng ngày sức hút của nó càng mạnh, càng lan tỏa khắp nơi âu cũng là điều dễ hiểu. Hiện tượng lạ cũng là một yếu tố đáng quan tâm. Bởi bản thân cái lạ tự phát ra từ tường riêng biệt không lẫn vào đâu được. Sự lạ lẫm, tinh khôi; sự nguyên sơ, nguyên bản của 1-2-3 như cô gái mới biết yêu lần đầu, nhắm mắt đón nhận nụ hôn nồng nàn của bạn trai trong một đêm trăng huyễn hoặc rất chi lãng mạn.
Thử phân tích một vài bài 1-2-3 gần đây của tác giả Phan Thảo Hạnh để xem tính phổ quát của nó như thế nào.
“Nghe tiếng chuông chùa ở nơi xa
Chờ hết mùa thu anh mới về nhà
Cây xoan rụng lá cây đào đơm nụ nở hoa
Anh chờ giông bão đi qua con chim bay về trú ngụ
Chờ nghe chuông chiều nhắc nhủ
Anh lặng lẽ về trong tiếng mẹ ru”
Trong không gian mùa thu tĩnh mịch, văng vẳng tiếng chuông chùa, cô gái chờ đợi người yêu về nhà. Một hình thức mô tả quen thuộc thường thấy trong kho tàng văn chương Việt Nam. Song qua cách cảm, cách nhận, cách nhả chữ của 1-2-3 bạn đọc bắt gặp một cơn giông thoáng qua, một đàn chim bay về tìm nơi trú ngụ khá logic. Và tiếng chuông chiều nhắc nhở anh hãy quay về trong tiếng mẹ ru. Dường như cô gái đã bất lực bởi giông bão cuộc đời cuốn anh mất hút vào dòng chảy mưu sinh chăng? Cô đã kêu mẹ mình ra làm nhân chứng, kêu mẹ đứng ra gọi anh về chăng? Hay ngược lại anh từ miền viễn xứ xa xôi lặng lẽ quay về thăm mẹ sau khi nghe tiếng chuông chùa liêu trai ngân lên nhắc nhớ. Trong triết học cái gì tăng về lượng thì sẽ giảm về chất và ngược lại, cho nên dòng thơ 1-2-3 luôn luôn đạt chất lượng bởi nó quá ít chữ, quá kiệm lời.
“Sao phải sống bằng cuộc đời người khác
Con ong sống đời ong đam mê hút tìm mật
mối sống đời mối chăm chỉ đắp lâu dài
Nhiều con người sống bằng cuộc đời người khác
bỏ bản thể, tâm hồn, … cầu cạnh lợi danh
đánh đổi mình mà không giá trị như loài ong loài mối”
[Thơ 1-2-3 Lưu Minh Hải]
Còn đây là một bài 1-2-3 khác với tứ thơ khá quen thuộc trong bầu trời thi ca Việt Nam. Đó là “con ong làm mật yêu hoa / con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời / con người muốn sống, con ơi / phải yêu đồng chí, yêu người anh em”. Tuy nhiên ở đây tác giả đã chuyển sang một hệ triết lý giáo dục, vận hành theo đời sống thực tế vốn sôi động, năng nổ. Một câu hỏi được tác giả đặt ra. Đó là tại sao chúng ta phải sống bằng cuộc đời người khác trong khi chúng ta cũng có đủ năng lực, trình độ để làm chủ bản thân mình? Hay là chúng ta đang mơ một giấc mơ cao quá, đành liều mình đánh đổi bản thân bằng một thứ danh hảo chẳng hạn. Tác giả khuyên nên chăng chỉ làm con ong một đời chăm chỉ hút mật, hãy làm đàn mối trọn kiếp cần cù xây tổ dưới bụi tre làng bất khuất. Tại sao giá trị sống của ta không bằng loài côn trùng nỉ noi ai oán nhỉ!
– Vì vật chất kim tiền ư?
– Vì nhu cầu đua đòi ăn chơi hưởng thụ ư?
Thông điệp bản ngã khá rõ ràng, mạch lạc, nhân văn chuyển đến bạn đọc thông qua thể thơ 1-2-3 mộc mạc. Thiết nghĩ ngay lúc này đây chỉ có 1-2-3 mới đủ sự khiêm nhường nhân ái đồng hành cùng bạn đọc, trong bối cảnh các dòng thơ truyền thống đang bất lực ngồi nhìn chiếc lá rơi, mà chạnh lòng nhớ thương dĩ vãng thoáng qua trên trang giấy mùa thu ố vàng, quăn góc.
Sài Gòn, 11.2024
BÌNH ĐỊA MỘC
Theo Vanvn.vn