Nhà bình luận văn học Trần Đình Chung (Chi hội Văn Học Hội VHNT Thái Bình – Giảng viên trường cao đẳng sư phạm Thái Bình)
Văn học đương đại Thái Bình ghi nhận một tác giả văn xuôi nổi bật, đó là Đức Hậu.
1. Đức Hậu là cây bút sáng tác theo nhiều thể loại. Nhưng thể loại tạo nên tên tuổi, nâng tác giả lên cấp độ Nhà văn chính là truyện ngắn.
Trong tập sách hơn nghìn trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018 mang tên “Đức Hậu tuyển tập” cho thấy 37 văn bản nằm trong phần Mục lục Truyện ngắn. Từ truyện đầu tay Niềm vui ra đời năm 1967 đến truyện Cố nhân in năm 2018 đã là ngót 500 trang, gần như tổng kết 50 năm cầm bút của tác giả truyện ngắn này.
Văn học bước vào thời kì hiện đại khi người viết văn đã viết như một cá thể sáng tạo. Khi đó vai trò của tưởng tượng hư cấu thay thế hoạt động đơn thuần ghi chép mô phỏng hiện thực; khi đó nhiệm vụ miêu tả hiện thực và số phận con người nhằm khái quát các quy luật đời sống thay thế nhiệm vụ phục vụ chính trị của quan điểm “tải đạo” truyền thống. Và từ đó xuất hiện các tiểu thuyết và truyện ngắn mang dấu ấn thể loại và phong cách tác giả. Riêng về truyện ngắn, lịch sử văn học đã lưu danh những tác giả lỗi lạc như G. Môpatsăng, A. Đôđê (Pháp), A. SêKhốp, Pautôpxki (Nga), Lỗ Tấn (Trung quốc)… Ở Việt Nam là Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… của văn học hiện thực. Và thời nay, nhiều cây bút nổi lên với thể loại truyện ngắn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư… là những ví dụ tiêu biểu nhất cho thành tựu thể loại truyện ngắn hiện đại.
Trong hoạt động sáng tác truyện ngắn, cách thức trần thuật (bao gồm cách xây dựng cốt truyện, cách tạo dựng nhân vật và vận dụng lời kể) và thông điệp tư tưởng toát lên từ tác phẩm được thể hiện trong hình kể chuyện dồn nén, nhỏ gọn là các đặc trưng nổi bật của thể loại này. Với người đọc, đọc truyện là nhận biết các yếu tố cốt truyện, nhân vật, lời kể trong tác phẩm để hiểu được thông điệp tư tưởng mà tác giả gửi gắm.
2. Vậy, trong “Đức Hậu tuyển tập”, truyện ngắn hiện ra như thế nào khi được tiếp nhận từ góc độ thể loại?
Theo khảo sát của chúng tôi, 37 văn bản được gọi là “truyện ngắn” trong tuyển tập này có thể được tiếp nhận theo ba nhóm, tương đương với ba cấp độ thể loại: nhóm văn bản mang tính chất truyện kí/ nhóm văn bản tiệm cận truyện ngắn/ nhóm văn bản truyện ngắn đích thực.
2.1. Nhóm văn bản tập trung kể kết hợp thuyết minh về những hành động vượt khó của các nhận vật là những điển hình xã hội tiên tiến xuất hiện trong lao động sản xuất chiến đấu nhằm mục đích biểu dương con người mới được gọi là “truyện kí”.
Ở đó, phần ghi chép sự việc có thật lấn át nghệ thuật kể chuyện, hình thức trần thuật đơn giản chạy theo sự việc, mờ nhạt dấu ấn sáng tạo của người viết, và hầu như không có thông điệp tư tưởng mới mẻ nào được đề xuất. Thể loại gọi là “Truyện kí” một thời được hình dung là cách viết “già kí non truyện”, tuy nhiên đó là một khái niệm mập mờ và hầu như không được xác lập về mặt lí thuyết trong mĩ học thể loại.
Trong “Đức Hậu tuyển tập” điển hình cho loại này là văn bản Bác sĩ Tuân.
Mở đầu văn bản, tác giả đưa ra nhận định: “Trong cuộc đời, ai cũng có lúc phải đứng trước một khó khăn của nghề nghiệp tưởng như không khắc phục được… Bác sĩ Tuân đã trải qua giây phút như vậy”. Sau đó tác giả lần lượt kể kết hợp thuyết minh về những lần bác sĩ Tuân cứu bệnh nhân. Đó là vào năm 1965 mổ một bệnh nhân “bị phong huyết trong khi trở dạ đẻ” thoát khỏi hiểm nghèo điều kiện bệnh viện huyện Thái Thụy còn thiếu thốn về phương tiện y tế: “suốt hai tiếng đồng hồ đứng bên bàn mổ, bác sĩ Tuân mê mải với công việc, hầu như quên cả thời gian và cuộc sống sôi nổi ở ngoài cửa sổ phòng mổ”. Đó là vào ngày 21-2-1966, được tin Mĩ ném bom làng Phương Man huyện Thụy Anh, bác sĩ Tuân đã lập tức đạp xe xuống địa bàn nắm tình hình rồi về bệnh viện tỉnh “triệu tập khoa ngoại họp bàn kế hoạch cấp cứu”. “Suốt buổi sáng hôm ấy bác sĩ Tuân đứng bên bàn mổ dưới hai ngọn đèn măng sông sáng trắng… đến trưa thì hơn hai chục nạn nhân đã được cứu chữa”. Sau đó bác sĩ Tuân gặp ca khó là “một bà cụ già bị lột toàn bộ da đầu”. Để giải quyết ca hiểm nghèo này, bác sĩ Tuân đã phải bỏ công tìm tòi nghiên cứu và “bằng đôi tay khéo léo, động tác chính xác, anh khâu từng mối chỉ, buộc lại vết thương được khép kín dần dần…một tháng sau vết thương của bà cụ khỏi hẳn… bà cụ gửi một bức thư cảm ơn bác sĩ Tuân…”. Tiếp đến, tác giả kể về sự việc bác sĩ Tuân lấy máu mình cứu cánh tay gãy nát của “Em Nguyễn Thị Nhịnh 8 tuổi, xã Thụy Trường, con chiến sĩ đi B, trúng bom bi của giặc Mĩ khi đi học về… cánh tay phải gãy nát”, từ đó hai chú cháu trở thành “bạn bè của nhau”. Kết thúc, tác giả ghi lại cảm nghĩ của bác sĩ Tuân: “suốt hai chục năm trời làm bác sĩ anh luôn nghĩ rằng phải làm sao có được lòng tin của bệnh nhân, đó là tấm bằng cao nhất để đánh giá phẩm chất tốt đẹp của người bác sĩ xã hội chủ nghĩa. Anh đã phấn đấu bằng cả sức lực và lòng yêu nghề của mình, bằng công lao học tập ngày đêm, bằng những băn khoăn dằn vặt trong nghề nghiệp. Và anh đã được sự dìu dắt của Đảng, được sự giúp đỡ, cộng tác nhiệt tình của bạn bè đồng nghiệp”. Suy nghĩ tường minh này có giá trị như đoạn tổng kết trong bản báo cáo thành tích cá nhân hơn là thông điệp tư tưởng toát lên từ một tác phẩm nghệ thuật.
Cách viết tôn trọng “địa chỉ” và “thành tích” của các điển hình xã hội như trên khá phổ biến trong thời kì văn học phục vụ chính trị theo cách minh họa hiện thực, có nguy cơ biến việc viết văn thành viết báo kéo dài. Cùng dạng với Bác sĩ Tuân (viết về ngành y), tác giả còn viết Vùng xoáy (ngành thủy lợi), Người nhà máy (ngành cơ khí), Những ngôi nhà xây dở (ngành xây dựng), Mùa sau (ngành nông nghiệp), Tìm đất (Kinh tế mới).
Về mặt sáng tạo thể loại, viết chạy theo đề tài “người thật việc thật” rất hiếm khi đạt tới những giá trị của truyện nghệ thuật. Năm 1955, nhà văn Nguyên Ngọc viết Đất nước đứng lên lấy nguyên mẫu người anh hùng Tây Nguyên chống Pháp, nhưng tác phẩm trở thành tiểu thuyết nổi tiếng là vì ông chỉ dựa vào nguyên mẫu để sáng tạo nhân vật Núp với tính cách và số phận riêng cũng như dựng lên bức tranh sinh động về một làng Tây Nguyên đói khổ nhưng giàu lòng yêu nước. Nhà văn không đơn thuần mô phỏng sự việc con người có thật ở làng Kông Hoa. Năm 1978, Đức Hậu viết Bông cúc biển kể về cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của các cô gái trong đại đội pháo phòng không tại cống Lân, huyện Tiền Hải, thời kì chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Về hình thức, Bông cúc biển được kết cấu theo sự việc riêng lẻ, được đánh dấu từ mục I đến mục XV, mỗi mục tập trung kể lại một sự việc “sống” hoặc “chiến đấu” của các cô gái với rất nhiều đối thoại. Có thể dựa vào hình thức kết cấu này mà Bông cúc biển được xếp vào danh mục Tiểu thuyết, cho dù “tiểu thuyết” này hầu như không dựng được nhân vật nào có tính cách hoặc số phận, cho dù văn bản này được viết chủ yếu theo lối kể người thật việc thật. Bạn đọc văn có vốn tri thức về thể loại sẽ khó đọc những văn bản kiểu Bác sĩ Tuân hay Bông cúc biển như tiếp nhận truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Loại văn bản “già kí non truyện” đến nay hình như vẫn còn thịnh hành đâu đó trong một số tạp chí văn nghệ dưới cái tên mĩ miều là Truyện ngắn. Đây có lẽ là phần ít giá trị nhất trong sáng tác của cây bút được gọi là tác giả truyện ngắn, cho dù nó cho thấy tính tích cực công dân của người cầm bút trong thời kì văn học còn nặng tính minh họa. Đọc những “truyện” trên, bạn đọc không khỏi băn khoăn về cách làm tuyển tập của Nhà xuất bản Hội Nhà văn: “Tuyển tập” văn học, nhất là tuyển tập của Hội viên nhà văn, là nơi công bố những tinh hoa sáng tạo thể loại của nhà văn ấy hay là nơi in lại tất cả các trang viết của một tác giả mà không câu nệ chất lượng nghệ thuật của thể loại ?
Nhưng sau này, rất may cho bạn đọc khi nhận thấy Đức Hậu đã vượt qua “lằn ranh đỏ giữa truyện và kí” để dần dấn thân vào con đường sáng tạo thể loại mang tên truyện ngắn. Ở một số thời điểm, nhất là sáng tác ở chặng cuối, Đức Hậu đã vươn lên thành cây bút viết truyện ngắn khá chững chạc khi cho ra đời những truyện ngắn đĩnh đạc được bạn đọc ghi nhận như Đêm công chúa, Hoàng hôn, Giáng sinh, Cố nhân, Người đàn bà ám ảnh, Người tình phố huyện, Khúc giã biệt, Ông Lừng, Ngài công sứ.
2.2. Nhưng chưa hắn Đức Hậu đã nhanh chóng thành công như thế.
Tác giả đã từng viết những truyện mang sắc thái hư cấu, ở đó dần lộ ra cách trần thuật vượt lên sự mô phỏng đời sống, ở đó tác giả bắt đầu quan tâm đến sự tìm kiếm các thông điệp tư tưởng cho câu chuyện của mình, và trong một số trường hợp việc viết truyện đã vượt lên sự minh họa để hướng tới khám phá hiện thực, tìm ra các quy luật đời sống. Nhưng cách kể chuyện chạy theo sự việc, cốt truyện đôi khi lộ sự lắp ghép, nhân vật mờ nhạt, thông điệp tư tưởng lộ, giọng điệu trần thuật đơn điệu là những giới hạn mà tác giả cần phải vượt qua. Những điều đó đã hạn chế tính chân thực và sức hấp dẫn của nhóm tác phẩm loại này. Tình yêu học trò là một trong số những truyện được viết như thế.
Truyện ngắn này ra đời năm 1978, được tác giả viết với nhiều tâm huyết.
Hòa bình sau 1975, thời gian đặc biệt ấy đã gợi cảm hứng sáng tạo cho những người cầm bút viết về chiến tranh. Một khoảng lùi xa cần thiết cho phép các nhà văn có cơ hội cảm nhận, suy ngẫm, đánh giá theo cách nhìn riêng về cuộc chiến mà nhân dân, người lính của dân tộc đã trải qua. Và, như chúng ta đã biết, đề tài người lính sau chiến tranh đã làm thức dậy một mùa tiểu thuyết và truyện ngắn trong văn học đương đại Việt Nam kéo dài cho đến nay.
Đức Hậu cũng viết về đề tài ấy. Tình yêu học trò kể chuyện tình tay ba giữa hai bạn học thân thiết là Quảng, Chiến và cô gái tên Tình cùng quê. Quảng học sinh lớp 10A “thích là nhà sử học” và cô Tình “con gái ông đồ Thụy… nết na và đẹp nhất vùng” đã nảy sinh tình cảm lứa đôi sau lần “đu đôi” trong dịp tết ở làng Giành. Khi chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ bùng nổ, Quảng nhập ngũ, Chiến vào đại học. Đêm chia tay người yêu, Tình đã trao thân cho Quảng cùng lời hứa “Từ bây giờ em coi như là vợ anh rồi… em không thể sống với ai khác được nữa. Em sẽ chờ anh, chờ anh đến già”. Quảng vào lính được ba tháng thì ở quê, Chiến và Tình làm đám cưới. Dưới con mắt dân làng “Chiến còm đã lộ nguyên hình là thằng đểu lừa thầy phản bạn”, Tình “là hạng Thị Mầu lẳng lơ đĩ thõa”. Vì thế, vợ chồng Tình phải chuyển nhà lên Thị xã làm việc và sống cùng hai đứa con. Hơn mười năm sau, Quảng từ chiến trường trở về, bất ngờ chứng kiến ngôi nhà hạnh phúc của Tình và Chiến, Quảng “đau khổ và uất hận”. Nhưng Quảng hiểu ra sự thật khi được Chiến cho biết đứa con đầu của họ là con trai Quảng. Sau đó, Quảng ra đi với ý nghĩ “anh không có quyền đảo lộn cuộc đời những người thân yêu vốn đã chịu nhiều đau khổ”.
Có thể nhận thấy Đức Hậu đã lao động công phu hơn trong khi viết truyện này. Cốt truyện nhiều tình tiết phức tạp đan xe thực tại với hồi ức (Quảng vừa từ chiến trường trở về qua nhà Chiến, bất ngờ nhận ra bị Tình và Chiến phản bội / Quảng nhớ lại những kỉ niệm tươi thắm về tình bạn với Chiến và tình yêu sâu nặng với Tình khi còn tuổi học trò trường làng / Những ngày Quảng ở nhà dằn vặt, đau khổ khi biết tường tận về sự phản bội của Tình / Ngày khoác ba lô trở về đơn vị, tâm trạng uất hận của Quảng được giải tỏa khi Chiến cho biết sự thật đứa con trai của Quảng). Đan xen thực tại với hồi tưởng là cách tổ chức cốt truyện trong phần lớn các truyện ngắn của tác giả này.
Có thể khi viết Tình yêu học trò, tác giả hướng đến việc khám phá vẻ đẹp trong sáng, cao thượng trong tâm hồn những thanh niên nông thôn thuở học trò qua các nhân vật Quảng, Chiến, Tình; biểu hiện trong các quan hệ truyền thống là tình bạn và tình yêu. Nhưng với bạn đọc, mọi sự việc trong Tình yêu học trò đều xoay quanh nhân vật Quảng. Những mâu thuẫn nội tâm luôn thuộc về nhân vật này trong vai người lính chiến trở về. Vậy thì trọng tâm Tình yêu học trò là câu chuyện về sự mất mát của người lính sau chiến tranh với nhiều day dứt, đau khổ, thậm chí thù hận chứ không phải những kỉ niệm tin yêu, tươi sáng tuổi học trò. Niềm cao thượng diễn ra trong nội tâm nhân vật Quảng ở cuối truyện khi anh quyết định dứt áo ra đi, lòng dặn lòng “Không, anh không có quyền đảo lộn cuộc đời những người thân yêu vốn đã chịu nhiều đau khổ” ít cho thấy tình cảm trong sáng tuổi học trò, ít cho thấy trạng thái an nhiên của sự giải thoát, mà cho thấy nhiều hơn nỗi buồn thương u ẩn của một thứ tình yêu “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Vì lẽ đó, Tình yêu học trò có lẽ là câu chuyện “Ngày về” của người lính hơn là tình bạn, tình yêu thuở học đường. Nhưng nếu so với những câu chuyện ngày về của người lính xuất hiện trong loạt truyện viết về thời kì hậu chiến trong văn xuôi sau 1975 ở nước ta, thì cốt truyện Tình yêu học trò không mang tính phát hiện. Giả dụ tác giả chọn cô Tình làm nhân vật thôn nữ trung tâm cho sự diễn tả bi kịch chiến tranh của người hậu phương thì thông điệp tư tưởng sẽ sâu sắc, mới mẻ hơn chăng. Tuy nhiên, sự khám phá và miêu tả số phận cô Tình trong quan hệ tay ba cùng cảnh ngộ vô cùng éo le sẽ là thử thách không phải cây bút nào cũng dám xông vào và vượt qua được. Cốt truyện Tình yêu học trò còn lộ ra sự sắp đặt tình tiết của tác giả, thể hiện ở sự việc gây truyện (thắt nút), đó là cái thai của nhân vật cô Tình sau khi Quảng đăng lính ba tháng. Tình tiết “cái thai” là một sự việc thiếu tự nhiên, một sự việc khiên cưỡng. Vì sao? Vì Tình là con nhà gia giáo, lại là cô gái thôn quê mới lớn “lần đầu tiên được gia đình cho đi chơi” với bạn trai; Quảng 18 tuổi là học trò nhà quê; tình yêu của họ mới chớm nở; và câu chuyện này diễn ra vào thời buổi chuyện tình cảm lứa đôi còn đơn sơ trong trẻo; truyện lại mang cái tên gợi vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng của tuổi học trò. Thế nên khó có chuyện “họ đã hóa thân vào nhau trong niềm hoan lạc trong trắng của tuổi mười tám” để mang hậu quả làm khổ mọi người. Nhưng nếu không “thắt nút” bằng sự việc “cái thai” thì sẽ không có chuyện gì xảy ra hết, không có nỗi đau bi kịch, và tất nhiên, sẽ không có truyện Tình yêu học trò.
Tình yêu học trò là một câu chuyện tình mất mát với những tình tiết éo le được tác giả tìm cách đẩy lên với độ căng nội tâm của nhân vật chính là Quảng, nhưng cũng chính tác giả “mở nút” một cách nhẹ nhàng. Bi kịch là sự mất mát không thể cứu vãn. Sự mất mát tình yêu của Quảng là mất mát bi kịch. Quan niệm này sẽ cho thấy màn “giảng hòa” do hiểu lầm cuối truyện Tình yêu học trò đã phá vỡ tính bi kịch của truyện ngắn này, từ đó làm hạn chế mức độ chân thực cùng thông điệp tư tưởng của truyện. Câu nói của chú Thịnh với Quảng “Trong chuyện này không ai có lỗi… chẳng qua là chiến tranh đã đẩy con người vào cảnh ngộ éo le mà nếu không dựa vào nhau, hy sinh vì nhau thì khó qua nổi” là thông tư tưởng của truyện, nhưng là một thông điệp lộ liễu. Trong lao động viết truyện, tư tưởng của tác phẩm toát lên từ toàn bộ câu chuyện và nhân vật bao giờ cũng sâu sắc, chân thực hơn khi được tác giả nói thẳng ra.
Với một cốt truyện tình éo le như thế, nhận vật hiện lên như thế nào trong Tình yêu học trò? Trong truyện ngắn hiện đại, cốt truyện gắn liền với nhân vật, nhân vật là nòng cốt của sự việc. Nhân vật chỉ hiện lên sinh động khi tác giả có khả năng miêu tả chúng bằng các chi tiết (ngoại hình, nội tâm, hành động, cử chỉ, lời nói…). Trong dạng nhỏ gọn và cách kể chuyện dồn nén, nhân vật trong truyện ngắn khó hiển hiện như một số phận con người với tính cách hoàn chỉnh (như trong tiểu thuyết), nhưng vẫn cần hiện lên trong những đường nét cụ thể cho thấy đặc điểm hoặc một nét tính cách người. Thế kỉ trước, khi nhận xét về cách xây dựng nhân vật của nhà văn hiện thực nổi tiếng O. Bandắc, F. Ăng ghen cho rằng “nhà văn không chỉ kể việc nhân vật đó làm, mà chủ yếu là miêu cách nhân vật làm việc đó”. Nhận xét này về sau được xem là một trong những nguyên tắc kinh điển khi sáng tạo nhân vật của người viết truyện.
Tình yêu học trò, như đã nói, là tấn bi kịch nội tâm, nên việc tập trung miêu tả tâm lí nhân vật là công việc hàng đầu của người viết truyện. Hình như lần đầu tiên ngòi bút Đức Hậu đi sâu khám phá thế giới nội tâm nhân vật khi viết Tình yêu học trò (Nhà phê bình văn học Biêlinxki gọi đó là “biện chứng pháp tâm hồn”). Với nhân vật Quảng, những dích dắc tâm lí đã được chú ý miêu tả. Buổi trở về, bất ngờ phát hiện Chiến và Tình trong ngôi nhà của họ, khi thấy Chiến “đang hết sức bồn chồn”, Quảng “thấy hả hê vì một tình cảm cay độc”, và lúc rời đi Quảng đã mang tâm trạng cay đắng của kẻ bị phản bội “Đằng sau anh có một thằng bạn với ngôi nhà yên ấm và cái hạnh phúc đáng nguyền rủa của nó… Hay nó nghĩ rằng anh chưa biết nó là thằng phản bạn, còn cô ta là kẻ phản bội”. Những ngày ở quê khi nghe mẹ kể “toàn bộ câu chuyện” về Tình, Quảng vẫn “lặng thinh” vì “hơn mười năm đánh giặc, anh đã trải qua nhiều mất mát đau khổ tưởng như không thể đau khổ hơn được nữa”, nhưng trong tâm trí Quảng “sôi lên” ý định lật mặt những kẻ tráo trở: “chính anh phải nhắc cho họ nhớ rằng họ là quân phản bội xấu xa. Để rồi sau này mỗi khi nhìn vào mắt nhau họ phải hổ thẹn”. Ngày ra đi, Quảng quyết định đến nhà Chiến “với ý định phán xử và trừng phạt”. Nhưng khi Tình xuất hiện “còn đẹp hơn thời con gái”, cùng tiếng chào “Anh” khiến Quảng “bủn rủn chân tay”, tâm trạng Quảng bỗng bấn loạn “Quảng đã đến đây với ý định phán xử và trừng phạt… nhưng trái tim anh thổn thức và đau nhói khi nhìn thấy vẻ đau khổ cùng cực không lời nào diễn tả được của Tình”. Khi Chiến yêu cầu cả ba người “cần nói chuyện với nhau”, Quảng đã “vùng đứng lên. Anh muốn gào thét, đập phá, muốn lồng lộn vì đau khổ và uất hận”. Quá trình tâm lí của nhân vật Quảng được diễn tả khá tự nhiên cho đến khi Chiến cho Quảng biết “Thằng lớn của mình chính là con cậu đấy”, Quảng đã “chồm lên” vì nghĩ Chiến “đã tra khảo cô ấy khi cô ấy lấy mày phải không”. Hành động “chồm lên” cùng với cách gọi bạn là “mày” là các chi tiết cực tả cảm xúc thù hận của Quảng đối với hạnh phúc của Chiến. Nhưng nên nhớ là khi Chiến làm đám cưới với Tình thì cái thai trong bụng Tình đã lộ sau ba tháng chia tay Quảng. Là bạn thân của Quảng, Chiến thừa biết tình yêu mặn nồng của Quảng với Tình. Thế nên cái thai là con ai cần gì phải “tra khảo”. Nếu vậy thì pha cực tả sự nổi giận của nhân vật Quảng không biện chứng. Lại nữa, khi Chiến cho biết toàn bộ sự tình thì tâm trạng Quảng nhanh chóng chuyển từ thù hận sang biết ơn, thay vì “chồm lên”, nhân vật đã “ôm vai tạm”, và trong lòng tràn đầy cảm nghĩ cao thượng “Chiến tranh đã chia rẽ chúng ta. Chúng ta đã đau khổ rồi, không có quyền khuấy động cuộc đời của con cái nữa”. Bạn đọc không khỏi hoài nghi về sự chuyển biến tâm lí mau lẹ của nhân vật, và bất ngờ về cái kết “mở nút” bi kịch Quảng lại diễn ra theo cách “giải thoát” khỏi sự “hiểu lầm” như thế.
Cùng với Tình yêu học trò là các truyện nằm rải rác trong tuyển tập: Niềm vui, Chỗ trống, Làng quê, Từ mùa xuân anh đi, Năm tháng một tình yêu, Người thứ ba, Giọt đắng, Đứa con, Người cha, Bạn bè sau chiến tranh, Cai thuốc lá, Tít và Mít, Tổ chim, Việt kiều về làng. Ở đây, bạn đọc sẽ nhận dạng được hình thức tiệm cận truyện ngắn trong lao động của một cây bút đang trên đường chiếm lĩnh để dần làm chủ thể loại. Những truyện được viết theo dạng này có đủ các yếu tố cấu thành truyện ngắn nhưng nó được viết hoặc dàn trải như Tình yêu học trò, Bạn bè sau chiến tranh (dài 25 – 26 trang sách in) hoặc ngắn đến độ dễ dãi như Cai thuốc lá, Tít và Mít, Tổ chim và chúng đều có đặc điểm chung là nhạt, ít gây xúc động bạn đọc.
2.3. Đêm công chúa, Hoàng hôn, Giáng sinh, Cố nhân, Người đàn bà ám ảnh, Người tình phố huyện, Khúc giã biệt, Ông Lừng, Ngài công sứ là những truyện ngắn chững chạc, sản phẩm của những thời điểm thăng hoa nhất của Đức Hậu trong vai một cây bút truyện ngắn.
Một số chuyện tình như Đêm công chúa, Hoàng hôn, Giáng sinh, Cố nhân cho thấy viết về tình yêu tinh tế lãng mạn kiểu nghệ sĩ phảng phất âm hưởng của truyện Pautốpxki là sở trường của Đức Hậu.
Một số khác như Người đàn bà ám ảnh, Khúc giã biệt cho thấy truyện ngắn Đức Hậu đôi khi có thể vươn tới khả năng khám phá miêu tả các xung động xã hội làm toát lên một số thông điệp tư tưởng có sức khái quát hiện thực xã hội đương thời.
Những truyện ngắn khác như Ông Lừng, Ngài Công sứ, Người tình phố huyện chỉ khai thác cốt truyện đời thường, không sử dụng tình tiết éo le mùi mẫn hoặc triển khai câu chuyện theo hướng xung đột căng cứng, chỉ miêu tả nhân vật trong đời thường qua các chi tiết sinh động, mà vẫn nêu được thông điệp tư tưởng mới mẻ. Đây là các truyện ngắn hoàn chỉnh nhất của Đức Hậu xét trên tư cách thể loại, cho dù chúng không hấp dẫn theo cách ngang trái mùi mẫn như các truyện tình của tác giả.
Đặc điểm chung của nhóm truyện ngắn này là chúng được sáng tạo khi tác giả đã “có tay nghề”. Ở đó, hàm lượng hư cấu nổi trội trong sáng tạo cốt truyện và nhân vật; tác giả làm chủ lời kể và giọng điệu trần thuật; nhân vật hiện lên có đường nét nhờ cách diễn tả tự nhiên tâm lí nhân vật với nhiều chi tiết sinh động; thông điệp tư tưởng toát lên từ bản thân câu chuyện và nhân vật chứ không cần tác giả nói thẳng ra nên có sức khái quát hiện thực đời sống… Những ưu điểm trên nhiều khi làm lu mờ lối kể chuyện đôi khi sa vào yếu tố éo le hoặc tình tiết ngẫu nhiên và bàn tay sắp đặt của tác giả.
Thành công của Đức Hậu từ các truyện ngắn nêu trên đã được bạn đọc trân trọng đón nhận. Nhiều bài bình luận đã ghi nhận, biểu dương đóng góp của tác giả được xem là cây bút hàng đầu của truyện ngắn trong văn nghệ Thái Bình.
3. Trong Suy nghĩ về nghề văn, Đức Hậu tự nhận xét mình là cây bút “chỉ viết ra những gì đã trải nghiệm, trăn trở”.
Sự thật tác giả đã từng viết như vậy.
Đức Hậu đã từng công phu đi tìm kiếm tư liệu để có thể viết một cách trung thực và đầy trách nghiệm về các điển hình xã hội. Có điều sản phẩm tác giả tạo ra lại mang dáng dấp của thể loại ghi chép sự việc (kí) hơn là kể chuyện về con người theo cách hư cấu (truyện ngắn). Giá như tác giả (hoặc Nhà xuất bản) gom những bài này vào một nhóm thể loại gọi là kí thì bạn đọc sẽ không có cơ sở phản biện. Sáng tác văn học không xếp loại đẳng cấp theo thể loại mà đánh giá theo phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm. Nguyễn Tuân chỉ viết tùy bút (một dạng của thể loại kí) mà thành tài danh lớn. Nguyễn Khải viết kí sự về cuộc chiến đấu của những người lính trên đảo Bạch Long Vỹ mà có tác phẩm Họ sống và chiến đấu nổi tiếng một thời.
Đức Hậu đã từng viết khá hay về nghệ sĩ và trí thức (các nhân vật trí thức trong truyện Đức Hậu ít nhiều đều mang cốt cách nghệ sĩ) có lẽ do tác giả là nhà văn chuyên nghiệp, quen thân với giới nghệ sĩ, trí thức. Bản thân Đức Hậu là người có ý chí tự học để vươn lên và cũng thuộc giới nghệ sĩ giàu khát vọng tình cảm. Tâm lí học sáng tạo nghệ thuật cho biết những khát vọng tình cảm của nghệ sĩ khi không được đáp ứng trong đời thực sẽ có xu hướng giải thoát bằng nghệ thuật. Nói cách khác, nghệ sĩ thường dùng nghệ thuật để giải tỏa khát vọng sống của mình. Đó có thể là cơ sở lí giải những chuyện tình éo le của nghệ sĩ, trí thức, ở đó nhân vật của Đức Hậu luôn hiện lên với vẻ đẹp thanh nhã cao quý và luôn được tác giả bao bọc bằng cái nhìn trân trọng, đồng cảm, xót thương.
Lại nữa, từng một thời gian dài làm quan chức văn nghệ hàng đầu trong tỉnh, chắc hẳn Đức Hậu có dịp giao du với giới chức sắc nên hiểu khá rõ về con người thật của họ. Nhờ đó, các nhân vật chức sắc hiện lên trong truyện của Đức Hậu có cá tính sinh động. Trong các truyện viết trước đây, chẳng hạn Ông Lừng, Bạn bè sau chiến tranh, tác giả từng dựng hình ảnh người lãnh đạo thân thiện có tầm nhìn và nhiệt huyết với công việc. Nhưng ở một số truyện gần đây (Người đàn bà ám ảnh, Khúc giã biệt, Người tình phố huyện) nhân vật chức sắc lại mang cá tính của kẻ luôn biết dùng uy quyền vào việc mưu cầu danh lợi cho bản thân và thống trị kẻ khác. Với thái độ không khoan nhượng, tác giả đã viết về loại người này như là hiện thân của cái xấu xa đê tiện lúc nào cũng có khả năng hủy hoại hạnh phúc chính đáng của những con người giỏi giang tử tế. Cách xây dựng nhân vật có phần cực đoan khi tác giả luôn tạo tình huống căng thẳng giữa một bên là kẻ ham quyền lực, dốt nát, hiểm ác, thiếu vắng lương tri với một bên là người trí thức giỏi giang, cao thượng, giàu nhân nghĩa trong thế đối lập tuyệt đối. Cực đoan hóa cá tính nhân vật chưa hẳn đã là cách làm khiến nhân vật trở nên chân thực. Nhưng đó là dấu hiệu đổi mới trong cách nhìn hiện thực của nhà văn, là tinh thần phản biện xã hội rất đáng ghi nhận ở tác giả này, nhất là trong không gian bình lặng của một vùng văn nghệ mà ở đó còn ít hoặc chưa thấy những tìm tòi khám phá của người cầm bút viết văn.
Nhưng cũng có sự thật khác nữa.
Đức Hậu còn kể chuyện về hiện thực con người mà vốn sống của tác giả chưa đủ để viết sâu sắc trần trụi, chân thực, cảm động về họ, chẳng hạn những chuyện người lính trong và sau chiến tranh. Với thiên chức là nhà văn nổi danh vùng quê lúa, sáng tác của Đức Hậu chưa đủ nhiều và sâu sắc khi cần tái hiện đời sống, tính cách, số phận người nhà quê gắn chặt đời mình với đất đai xứ sở trước các biến động thời cuộc. Phải chăng, ở đề tài này, người cầm bút còn chưa đủ “trải nghiệm trăn trở” với quê hương?
Từ sáng tác đầu tay Niềm vui, cách viết còn đơn giản thật thà, đến truyện Cố nhân gần đây giàu sức hư cấu và ám ảnh, cho thấy bước chuyển vượt bậc của lao động sáng tạo và sự bền bỉ của cây bút viết truyện mang tên Đức Hậu. Bạn đọc mong “Tuyển tập” này chưa khép lại lao động truyện ngắn của Đức Hậu. Và hy vọng, nếu viết tiếp, tác giả có thể một lần nữa vượt lên mình, vượt lên lối trần thuật chỉn chu truyền thống để viết được một cách cá tính hơn, mới mẻ hơn, ám ảnh hơn, xứng đáng bước trong đội ngũ các nhà văn đương đại sáng tạo truyện ngắn hiện nay.
Trần Đình Chung
(Tại Trại sáng tác VHNT Tam Đảo, tháng 4/2022)