Vũ Quốc Văn
Tôi không nhớ đã đọc những truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn của Kao Sơn từ ngày tháng năm nào. Nhưng sau khi đọc rồi thì tôi đâm “phải lòng” cái giọng văn chân mộc mà cô nén, cứ tưng tửng như đùa rất tài tử của anh. Và, tôi đã ước có dịp nào gặp được tác giả này.
Mùa hè năm 2003, tôi cùng hơn chục anh chị em viết văn, làm thơ Hải Phòng đi thực tế sáng tác ở Ninh Bình và trong dịp này tôi gặp nhà văn Kao Sơn – tác giả của thiên tiểu thuyết “Khúc đồng dao lấm láp”- một tác phẩm tôi hằng trân trọng.
Rồi kể từ cái dạo tôi với Kao Sơn gặp nhau ấy tình cảm giữa tôi với anh ngày một thêm gần gũi. Mỗi dịp gặp, tôi với Kao Sơn lại tự bỏ bớt đi một ít lời xã giao, diệu vợi. Bây giờ vừa tỏ mặt đã bỗ bã nói cười phớ lớ tào lao đủ thứ chuyện trên giời dưới bể. Vắng bóng lâu lâu là a – lô bồ khú, tán dóc cứ như còn tơ lắm.
Thân thiết, hiểu lòng biết dạ nhau bấy nay là thế nhưng chưa một lần tôi nghe Kao Sơn chuyện trò, đàm đạo về Thơ. Vậy mà cái hôm gặp nhau trên Lạng Sơn, Kao Sơn đường đột dúi vào tay tôi cuốn sách còn nồng mùi mực, bảo: “Thơ của gã đấy, tặng lão đọc chơi, nhá”. Tôi trợn mắt, há mồm nhìn Kao Sơn ngạc nhiên, té ra gã này không chỉ cày bừa, gặt hái trên cánh đồng Văn mà còn khai khẩn, trồng tỉa cả bên xứ đồng Thơ nữa, ghê thật. Kao Sơn cười mủm mỉm thong thả rít thuốc, mắt lơ đãng nhìn khói bay.
Ngay trưa hôm ấy tôi mở tập thơ có tên là Xúc Xắc của Kao Sơn ra đọc. Đọc xong, tôi thực sự mừng cho anh. Không ngờ thơ của Kao Sơn đáo để đến thế. 30 bài thơ được tác giả đặt xen lẫn với những dòng tự sự (một cách làm chẳng giống ai) hoá ra lại gia tăng thêm sự thú. Nó thú, bởi đó là những bộc bạch gan ruột chất chứa cảm xúc vị tình, người đọc rất dễ cảm thấu, chia sẻ những gì mà tác giả gửi gắm nơi trang viết. Và dường như bài thơ nào, đoạn văn nào trong Xúc Xắc cũng đầy ắp nỗi niềm và lòng trắc ẩn hoà quyện với một tâm hồn đa cảm, lãng mạn. Có thể vì tôi quá yêu quý Kao Sơn mà nhận xét cảm tính chủ quan thái quá và đôn thơ văn anh lên như vậy? Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Xúc Xắc là một tác phẩm thơ đáng được biểu dương như thế.
Theo như Kao Sơn thú thực thì trước nay anh chuyên tâm viết văn xuôi, còn thơ chỉ mới tập toẹ làm trong lần đi dự trại sáng tác của UBTQ Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức trên Thủ Đô dạo mùa thu năm 2001. Lần ấy nhà thơ Lê Khánh Mai, Tạ Văn Sỹ, Nguyễn Thu Nguyệt cùng vài người bạn viết nữa thấy Kao Sơn tự giam mình trong phòng nhiều ngày để viết tiểu thuyết. Thân thể anh vốn chẳng có nhiều da thịt nên ngày càng gầy tóp như con ve cuối hạ. Nếu đận ấy mà các nhà thơ kia không mau kéo Kao Sơn ra khỏi cuộc hành xác mê mải quên đời này thì có khi anh đổ gục chứ chẳng đùa. Rồi để giảm thiểu cường độ vật nhau với chữ, “rắp tâm” hoàn thành tiểu thuyết “Dòng sông thời con gái” của Kao Sơn, mọi người đã bàn nhau khuyến khích anh làm thơ. Dĩ nhiên làm thơ cũng chẳng nhàn hạ gì nhưng dù sao cũng giảm bớt cường độ, thời gian lao động cơ bắp đi rất nhiều. Và thật bất ngờ chỉ vài ngày sau đó Kao Sơn trình các bạn thơ tác phẩm thơ đầu tay. Bài thơ ấy tựa đề là Ước vỏn vẹn có hai câu: “Ước gì như thể thiêu thân / Được yêu ngọn lửa một lần rồi thôi”. Sau bài Ước, Kao Sơn còn viết thêm bài Lá, nguyên do là sau khi đọc tập thơ của Lê Khánh Mai tặng anh, đọc rồi thì Kao Sơn bỗng nổi hứng và bài thơ ra đời. Bài Lá lúc đầu cũng chỉ có hai câu: “Một mình làm cả cuộc tình / Lá xanh tự rút ruột mình mà xanh”. Về sau các bạn thơ khuyên nên thêm hai câu nữa, Kao Sơn không khoái nhưng vì nể bạn đành thể theo: “Biết đời chẳng thể có anh / Em đem bóng lẻ đốt mình tương tư”.
Rồi cuối trại viết ấy Kao Sơn cùng đoàn trại viên đi thăm Vịnh Hạ Long, trước khi về Hà Nội, đoàn có một đêm giao lưu với văn nghệ sỹ Vùng Mỏ. Thật may, Kao Sơn cũng vừa kịp hoàn thành bài thơ Ôc Biển, anh đọc trong đêm giao lưu ấy và được nhà thơ Trần Nhuận Minh bảo gửi đăng Tạp chí Văn Nghệ Quảng Ninh: “Một đời gắn với biển khơi / Một đời im lặng, một đời nổi nênh / Buồn vui mình chỉ với mình /Bao nhiêu bão gió giấu trong vỏ ngà / Một ngày tự bến bờ xa / Nằm nghe sóng đổ vỡ oà… Rồi im / Thân về trong cát nhẹ tênh / Hồn còn theo gió hát trên môi người”.
Thế là đến trại viết Thủ Đô lần ấy Kao Sơn không chỉ hoàn thành tiểu thuyết “Dòng Sông thời con gái” mà còn kết duyên được cả với nàng Thơ, điều mà trước đó anh chưa hề nghĩ tới.
Và kể từ sau cái vụ các bạn Nhà thơ xui Kao Sơn làm thơ, anh đâm cao hứng mê mết với nàng Thơ, và chỉ trong thời gian ngắn đã viết được khá nhiều thơ, có một số bài gây ấn tượng. Nhưng hình như Kao Sơn không chỉ có duyên văn mà anh còn có số kiếp với cả thơ nữa thì phải. Ấy là Kao Sơn đến với thơ chỉ là sự tình tang ngẫu hứng vì các bạn thơ xui, nào đã lao tâm khổ tứ lặn ngụp với thơ được mấy nỗi đâu, vậy mà lần đầu vác thơ đi ứng thí đã ẵm luôn cái Giải A to lù cuộc thi Thơ lục bát do báo Văn Nghệ tổ chức. Vâng! Đó là một phần thưởng mà nhiều người sống chết vì thơ cả đời mơ ước.
Nhưng công bằng mà nói, qua chùm thơ Kao Sơn gửi dự thi rồi đoạt giải thì tôi ngờ rằng cái tố chất thơ, cái “khiếu thơ”như là nó đã có trong anh từ thuở nào rồi cũng nên. Có lẽ vì thế mà thơ Kao Sơn như có bùa mê thuốc lú, đọc nó cứ ám vào tâm trạng lòng dạ người ta lạ lắm. Tôi dám chắc người đẹp nào mà đọc những dòng này cũng sẽ ngả nghiêng phê mụ mất thôi: “Giá người đừng đẹp, đừng xinh / Giá người, cái tỉnh tình tinh… đừng giòn / Giá người đừng mới một con / Thì sân chùa ấy rêu trơn… mặc người / Đàng này khổ quá đi thôi / Tư rằm mồng một kéo tôi lên chùa / Khói hương như thể ngải bùa / Lúng la lúng liếng như đùa như trêu… Người vào lễ phật, để… chiều với tôi… (Cầu giời mưa đổ)
Kao Sơn không chỉ lãng mạn mà anh còn có những chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, tỏ tường khúc khuất thẳm cùng cõi nhân sinh như một thức giả đầy trí lự. Điều ấy, lẽ ấy, ta nhận chân được rất nhiều trong văn, trong thơ anh mà bài thơ Xúc Xắc là một tiêu biểu:
“Gói thơ gói cả phận nghèo / Làm thành xúc xắc tôi gieo giữa giời / Nhân tình trắng bệch mặt người / Nợ nần khép kín vòng đời thi nhân / Câu thơ một thuở lạc vần / Càng niêm luật lắm, càng giần giã đau / Giữa đời bước thấp bước cao / Một khi chợt tỉnh, trắng đầu sương rơi / Xúc xắc à xúc xắc ơi / Đỏ đen chi lắm cho tôi bẽ bàng”.
30 bài thơ trong tập Xúc Xắc thì có đến hơn 20 bài Kao Sơn làm theo thể lục bát. Còn lại anh viết lối thơ tự do và có cả một vài bài đường luật nữa cũng khá thành công. Trong bài viết nhỏ này, người viết là tôi xin được dẫn mấy lời nhận xét về thơ lục bát của Kao Sơn của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Kao Sơn có ý định mang vào thơ Lục bát xưa nhiều chất ‘Hôm nay’ hơn. ‘Hôm nay’ trong đề tài, trong hình tượng thơ… Thơ Kao Sơn nhiều ẩn dụ. Anh biết cách diễn tả gọn những vấn đề thế sự phức tạp nhờ cách lập tứ khá sáng tạo cho từng ý thơ… Bút pháp ấy cũng là một bước tiến của thơ Lục bát vốn thích sa đà vào diễn ca”. Còn nhà thơ Đỗ Bạch Mai thì nói: “Kao Sơn là một nhà văn và vì thế, khi làm thơ anh có thế mạnh riêng. Thơ Kao Sơn thường có bố cục chặt, giống như một truyện ngắn, có nhân vật, có chi tiết và thường không bị sa vào cái miên man dàn trải của một số các cây bút khác”.
Như đầu bài viết tôi đã nói là tôi “phải lòng” cái giọng văn của Kao Sơn. Và bây giờ thì tôi ngưỡng mộ cả thứ thơ được viết ra từ nguồn cảm xúc căng trào nội lực, chân mộc mà góc cạnh, đanh chắc, ngân lắng gợi mở của anh. Mỗi chữ trong thơ Kao Sơn như được chắt ra từ trải nghiệm cuộc đời đủ vị ngọt bùi cay đắng, đẫm ướt mồ hôi nước mắt và có cả máu của người viết nữa. Chính từ cái kết tinh đó mà nó đã tạo ra một dẫn lực hút cuốn, khía khắc vào tâm khảm người đọc, tạo nên niềm cảm mến rưng rưng.
Tôi đã hơn một lần vu cho Kao Sơn là có duyên phận may mắn với văn chương thơ phú. Nhưng sau khi đọc những gì anh viết từ trước đến nay thì có lẽ tôi phải đính chính rằng đã vu rất oan cho anh, bởi những trang văn, câu thơ anh có được bây giờ đã trải qua một quá trình vật vã, phiêu du và hiến dâng thành kính lắm. Nghĩa là Kao Sơn đã sống hết mình rồi mới tìm đến và gửi gắm dãi tỏ lòng mình hồn mình vào trang viết. Kao Sơn từng nói: “Tôi sống thật. Viết thật. Sống hết mình. Yêu ghét hết mình.” (Tự bạch trong Kỷ Yếu Nhà Văn Hiện Đại).
Kao Sơn tuổi Kỷ Sửu (1949), quê Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình. Ngày còn bé là một đứa trẻ nghịch rách giời rơi xuống, trêu chọc đùa giỡn khắp làng. Lớn lên thích lang thang, hầu như nơi nào trên dải đất chữ S này cũng có vết chân Kao Sơn. Học xong Đại học Bách Khoa thành kỹ sư, sống với nghề điện mấy năm rồi đi làm chuyên gia bên nước Lào. Sau quay về làm nghề cũ mấy năm lại cắp sách đi học Đại học Kinh tế Quốc Dân kiếm cái bằng cử nhân cho oai rồi về làm quản lý một doanh nghiệp. Chán. Kao Sơn chuyển về tỉnh uỷ Ninh Bình làm việc. Cách đây mấy năm thì tếch sang Hội Văn Nghệ vác cái chức Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Ninh Bình. Kao Sơn bảo có lẽ bây giờ đã đứng số nên có thể an phận với kiếp thơ văn chẳng màng xê dịch nữa. Kể người như anh thì cũng nên dẹp cái máu lang thang đi mà chí thú với thơ văn, biết đâu lại chẳng làm được một tác phẩm “để đời” trên cả truyện ngắn giải 3 Báo Văn Nghệ hay như cái “Khúc đồng dao lấm láp” Giải A Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn tái bản xoành xoạch đấy. Và cũng từ Nghiệp văn, tháng năm qua từng mang đến cho Kao Sơn cả một đống giải thưởng nữa đấy mà tôi không có điều kiện liệt kê hết vào đây. Nhưng mà thôi, ngần ấy vinh dự cũng tàm tạm được rồi, bây giờ thì mong anh hãy “ngậm ngải” mà “tầm” cho mình có thêm “tác phẩm để đời” đi là vừa.
Nhà văn Kao Sơn của chúng ta có lẽ chưa thể xả hơi hay ngồi rung đùi chấu nhấm vinh quang mà tôi đồ rằng trong kho lai cảo của anh hẳn còn nhiều nhiều tác phẩm đang ươm ủ chờ ù.
Là bạn anh, tôi tin bạn đọc yêu văn thơ nước Việt sẽ sớm được chiêm ngắm thưởng lãm, ngẫm ngợi những tác phẩm hay và mới nữa của nhà văn Kao Sơn.