Rất nhiều đồng nghiệp và cả bạn đọc khả kính đã hỏi tôi nghĩ thế nào về bài văn của một em học sinh Hà Nội, bàn về Thiện và Ác qua bài thơ hai câu của thi sĩ Trần Nhuận Minh. Tôi thấy đây là một vấn đề vô cùng thú vị, nên đem ra bàn.
Bấy lâu nay, chúng ta cứ kêu văn trong chương trình phổ thông là có vấn đề. Rằng học sinh đang quay lưng lại môn văn. Học sinh dốt văn lắm. Rồi họ lại đưa ra những câu văn rất ngớ ngẩn của học trò. Có thật học sinh không thích môn văn và học văn kém không?.
Trên trang mạng Xã hội HỌC VĂN CÔ PHƯƠNG – TUYỂN SINH 247.COM được rất nhiều người truy cập, có bài văn của em LINH GIANG, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội, có bài văn như sau :
Đề bài :
“Cái Ác vỗ vai cái Thiện
Cả hai cùng cười đi về tương lai ”
(Đừng quên – Trần Nhuận Minh)
Từ những câu thơ trên, nêu suy nghĩ của em về mối quan hệ thiện – ác trong cuộc sống.
BÀI LÀM
Cuộc sống là một thế giới kì ảo luôn tồn tại những mâu thuẫn, trong đó luôn có hai mặt đối lập vừa thống nhất với nhau, vừa đấu tranh với nhau. Mâu thuẫn giữa thiện và ác cũng vậy. Nói về mối quan hệ này, trong bài thơ “Đừng quên”, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết:
“ĐỪNG QUÊN
Cái Ác vỗ vai cái Thiện
Cả hai cùng cười đi về tương lai”
Những câu thơ tuy ngắn nhưng lại rất sâu lắng, cô đọng, chắc chắn đã gieo vào lòng người đọc không ít điều phải suy ngẫm…
Thiện và ác là hai khái niệm dường như đã trở nên quá quen thuộc với mỗi chúng ta. Nhưng để tường tận về mối quan hệ giữa chúng thì không phải ai cũng rõ. Nôm na, ta có thế hiểu rằng, ác là cái xấu xa, cái đen tối, trái đạo đức làm người. Còn ngược lại, thiện là những cái tốt đẹp, tốt lành, hợp với đạo đức. Rõ ràng, chúng thuộc hai phía đối lập nhau, nhưng bên cạnh việc đấu tranh, triệt tiêu nhau thì chúng lại thúc đấy nhau cùng phát triển. Một điều tưởng chừng như vô lí mà lại hoàn toàn có lí. Bởi đơn giản, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Nếu chịu khó quan sát, ta sẽ thấy quy luật ấy luôn tồn tại ngay xung quanh ta, hiện hữu ngay trước mắt ta, trong những thứ thật gần gũi với ta.
Trong thiên nhiên, nơi cuộc sống hoang dã muôn màu, bên cạnh những con vật ăn cỏ hiền lành vẫn có những thú dữ hung ác. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, bên cạnh những đàn hươu ngoan ngoãn, những chú thỏ dễ thương, những con nai yếu đuối vẫn có nhưng con hổ khát máu, những con báo háu ăn hay những con cáo ranh mãnh. Bên cạnh những chim sâu nhí nhảnh, gõ kiến cần cù vẫn có những diều hâu, những đại bàng độc ác. Bên cạnh những cá ngựa, những tôm hùm, rùa biển, cá heo vẫn có những cá sấu, cá mập hung dữ. Hay ngay giữa khu vườn đầy hoa thơm trái ngọt luôn tồn tại không ít rắn rết, sâu bọ và những loài phá hoại đáng ghét. Trong cuộc sống cũng vậy, bên cạnh những con người lương thiện là những kẻ xấu xa độc ác. Bên cạnh cô Tấm dịu hiền là mẹ con Cám lắm mưu nhiều kế. Bên cạnh nàng Lọ Lem chịu thương chịu khó là mụ dì ghẻ lòng dạ tối tăm. Hay bên cạnh nàng Kiều tài sắc vẹn toàn là bọn buôn người vô lương tâm Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh… Thế nên đâu phải vô cớ mà trong phim, trong truyện luôn có những nhân vật chính diện và những nhân vật phản diện. Chẳng qua phim, truyện cũng là những phương tiện để phản ánh cuộc sống mà thôi. Thậm chí trong mỗi con người, bên cạnh phần tốt đẹp cũng có không ít phần xấu xa. Phần người và phần con, luôn tồn tại và đấu tranh trong mỗi chúng ta. Như nhân vật người họa sĩ trong truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, vì việc làm sai trái, ích kỉ của mình mà anh đã làm cho bà mẹ anh chiến sĩ đã từng giúp mình thương con đến nỗi khóc mù cả hai mắt. Cuộc sống nội tâm của anh cũng vì thế mà không bao giờ có một giây thanh thản. Việc làm ấy khiến lương tâm anh cắn rứt. Nhiều lúc, cái thiện thúc giục anh hãy mau đến trước bà mẹ đáng thương ấy mà quỳ gối để cầu xin tha thứ nhưng cái ác lại cản trở anh, ngăn anh làm việc đó. Bởi vậy chúng cứ đấu tranh, giằng xé tâm can anh, làm cho anh lúc nào cũng phải sống trong ưu phiền, sợ hãi…
Đã có ai dám khẳng định rằng mình chưa từng, chưa bao giờ nghĩ đến những việc làm xấu không? Không, tôi dám chắc là trên đời này không tồn tại những con người như vậy. Chúng ta chẳng qua cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường. Mà đã là người bình thường thì ai mà chẳng dễ bị cám dỗ. Hơn thế nữa sức cám dỗ để sa vào cái ác thường mạnh mẽ hơn cái thiện rất nhiều. Đơn giản là vì làm việc ác đôi khi có lợi cho ta nhiều hơn là việc thiện. Ví dụ như nhân vật Thành trong truyện ngắn Sợi tóc của Thạch Lam. Anh hoàn toàn có thể lấy trộm tiền trong chiếc ví căng phồng của người bạn mà chẳng ai nghi ngờ. Dù đã chuẩn bị trong đầu kĩ lưỡng mọi tình huống để đối phó nhưng cuối cùng cái Thiện trong anh đã trở lại lớn đến nỗi đẩy lùi cả cái Ác nên anh đã trả lại cái áo cầm nhầm và còn cẩn thận dặn anh bạn hãy kiểm tra lại tiền. Mà kể cả chúng ta cũng vậy chứ không phải chỉ trong văn chương mới có chuyện như thế đâu. Chẳng hạn như đã bao giờ có người lạ hứa sẽ cho bạn tiền để bạn làm cho hắn một việc không tốt mà khiến bạn phải suy nghĩ mãi? Hay đã có lần nào cô giáo kiểm tra đúng vào bài bạn chưa học nên bạn có ý định quay cóp? Có đấy. Những việc như thế xảy ra là chuyện cơm bữa. Chỉ có điều cái thiện có đủ sức giữ cho bạn vẫn hoàn toàn là người trong sạch hay không thôi. Xét về mối quan hệ giữa cái thiện và cái ác, ta thấy chúng thật phúc tạp. Với mỗi con người, ai cũng mong muốn có một xã hội công bằng, trong đó thiện sẽ thắng ác, chính sẽ thắng tà nhưng thực tế thì không tồn tại một xã hội hoàn hảo đến thế. Bởi luôn có nhiều trường hợp xảy ra, có khi thiện thắng ác, có khi ngược lại, có khi lại chuyển hóa cho nhau. Như nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Bản chất Chí không xấu nhưng hoàn cảnh đã đẩy Chí vào bước đường cùng khiến cho những cái tốt đẹp trong con người Chí bị tha hóa thành những cái xấu xa, đáng ghét. Như vậy cái thiện đã bị chuyển hóa thành cái ác từ lúc nào có lẽ Chí cũng không hay. Cũng nhiều khi chúng ta thật khó để phân biệt rạch ròi trắng đen, tốt, xấu, thiện, ác. Đơn cử như nhân vật Xuân Tóc Đỏ, thật khó mà phân biệt nổi xem anh ta là người tốt hay kẻ xấu. Đúng ra thì anh ta cũng chẳng làm hại đến ai nhưng những hành vi của anh ta lại là những hành vi lừa đảo người khác. Mà độ tinh vi của các trò lừa đảo ấy cứ tăng dần lên biến anh ta thành một con người ác nhiều hơn thiện. Sự may mắn đã làm cho anh ta trở nên có tiếng tăm, giàu có, sung sướng. Là một kẻ hữu danh vô thực nhưng anh ta lại hài lòng, tiếp tục lừa dối mọi người. Chẳng phải cái ác đang lấn dần lên trên cái thiện trong con người anh ta đấy sao?
Suy nghĩ về mối quan hệ thiện ác, chúng ta có thể rút ra những bài học cần thiết gì để mỗi người có thể sống tốt hơn? Thứ nhất, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện, phân biệt đúng tốt xấu, thiện ác, không quá bi quan song cũng không nên ảo tưởng cuộc sống chỉ toàn màu hồng. Ở đâu cũng có cái thiện xen lẫn cái ác; cái tốt đan vào cái xấu vì thế không có gì là tuyệt đối. Mỗi chúng ta phải phân biệt rõ ràng để lựa chọn một hướng đi đúng đắn cho mình. Thứ hai, chúng ta cần phải biết đề phòng, cảnh giác với nguy cơ tha hóa trong chính bản thân mình, luôn luôn tự đấu tranh để cho phần tốt đẹp chiến thắng phần xấu xa dung tục, Như Các Mác đã nói: “Trong trường kì lịch sử đấu tranh của nhân loại, cái thiện chỉ thắng cái ác trong nửa vòng bánh xe bởi ranh giới giữa thiện và ác là vô cùng mong manh chỉ như một sợi tóc…Cuộc sống luôn luôn là vậy. Xung quanh ta lúc nào cũng lẫn lộn thật, giả, tốt, xấu. Đề có thế tồn tại và đứng vững không còn cách nào khác, chúng ta phải tự đứng trên đôi chân của mình, dùng đôi mắt và trái tim của mình đế phân biệt đúng sai, trở thành một con người lương thiện.
Đó là toàn văn bài viết của một em học sinh ở đầu cấp THPT. Phải nói ngay là thầy cô nào chọn bài thơ hai câu này làm bài thi là một người có hiểu biết sâu sắc, có trình độ thẩm mĩ cao. Đề bài hợp lí mà có tính gợi mở, nghĩa là tạo ra một đường biên rất rộng cho mọi suy tư, cho những tìm tòi sáng tạo của các em, không chỉ xoay quanh hai câu thơ rất hay này mà cao hơn, còn tạo ra những khám phá về thực tế xã hội, với những tổng kết đã rất ngắn gọn của nhà thơ Trần Nhuận Minh, có thể bổ sung vào kho tàng Thành ngữ Việt Nam, giúp các em trang bị những kiến thức mới, những hiểu biết về cuộc đời và cách ứng xử trong thực tế, để các em có một tâm thế vững vàng khi bước vào tuổi trưởng thành. Bài viết của em Linh Giang đã hay, với trình độ đầu cấp , viết được như em, chắc là không nhiều. Em có hiểu biết khá sâu, kiến thức văn đã học rất vững, đưa ra làm dẫn chứng khá chắc. Nhưng có một điều, có lẽ là điều quan trọng nhất của bài thơ trên thì em chưa nhận ra được. Đó là vị thế của các Ác, đối với cái Thiện và đối với toàn xã hội, dù em đã phân tích khá hay về quan hệ giữa hai cái Thiện và Ác trong mối tương quan như nhau, vì “cả hai cùng cười đi về tương lai”. Như vậy không chỉ có cái Thiện, mà cái Ác cũng rất lạc quan khi “đi về lương lai”. Cái Ác nghĩ: tương lai vẫn thuộc về nó. Và Trần Nhuận Minh dặn chúng ta “đừng quên”. Ý này của Trần Nhuận Minh rất cần được suy ngẫm, vì xét cho cùng, tôi nghĩ là nhà thơ có lí. Em Linh Giang, còn ít tuổi, chưa thể cảm thấu được ở cái tầng nghĩa này, cũng là điều dễ được cảm thông. Thơ Trần Nhuận Minh, trong các bài thơ thành công theo kiểu Trần Nhuận Minh, cùng một câu, một bài, hàm chứa nhiều tầng nghĩa, có nghĩa phải người lớn, có từng trải rồi mới tiếp nhận được. Không phải không có cơ sở mà dịch giả, nhà thơ Pháp, De Miscault đã viết khi giới thiệu Tuyển thơ Trần Nhuận Minh 107 bài tiếng Pháp, ra mắt năm 2020 ở Paris, là: “Thơ Trần Nhuận Minh càng bàn, càng thấy nó bất tận.”
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Trần Nhuận Minh viết “Cái Ác vỗ vai cái Thiện” . Ở đây các Ác là chủ thể, là chủ động, với tư cách bề trên, vỗ vai cái Thiện như vỗ vai một người giúp việc, một người em, một hạng con cháu. Vì sao thế, vì cái Ác chính là chủ thể của cuộc sống, cái Ác thúc đẩy cuộc sống phát triển rồi cái Thiện mới phát triển sau để điều hòa cái Ác và làm giảm liều lượng của các Ác. Nhưng kết quả thế nào, chính Trần Nhuận Minh trong bài “Tự thuật” đã viết : “Cả xã hội diệt trừ cái Ác / Cái Ác vẫn ngang nhiên cười nói giữa đời”.
Từ xưa các cụ ta đã có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là con người khi mới ra đời cái Thiện đã có. Điều đó đúng. Nhưng rồi con người nhao vào cuộc sống, với những xoay xở, bươn trải để tồn tại, rồi vượt lên, bon chen, giành giật, hãm hại, chém giết nhau, để giành một cái gì đó cao hơn cho mình (và có thể cho cả một cộng đồng hay phe nhóm nào đó). Cái Ác đã ra đời, từ cơ sở đó, phát triển rất nhanh, rất mạnh, tương ứng hoặc cao hơn, do đó mới vận hành được thực tế theo ý mình. Ở một phương diện tiếp cận nào đó, có thể coi là cái Ác đã làm trái đất này quay theo quĩ đạo của nó, đó là các cuộc chinh phạt, sắp xếp lại thế giới của các thế lực lớn, chưa kể các cuộc làm giàu “tiền Tư bản” từ mồ hôi và xương máu hàng trăm triệu người lao động. Và càng vận hành, cái Ác càng nạp được nhiều năng lượng giống như cơn bão trên biển Đông. Đấy là nói chung. Còn nói riêng, không ít trường hợp, cái Ác chứ không phải cái Thiện đã thúc đẩy xã hội vượt lên phía trước. Như vậy trong những trường hợp cụ thể, cái Ác vẫn có những yếu tố tích cực, vì thế cái Thiện không diệt nó được, nó “vẫn ngang nhiên cười nói giữa đời” như nhà thơ đã viết ở trên.
Ở một số trường hợp khác. Cái Ác và cái Thiện có khi lại trộn lẫn vào nhau, khiến nhiều người không phân biệt được. Có người làm việc, vì cái Thiện, nhân danh cái Thiện hẳn hoi nhưng kết quả lại là những điều Ác và cuối cùng mới nhận ra nó chính là cái Ác mà mình lại cứ tưởng nó là cái Thiện. Câu “Cả hai cùng cười” , cái Ác đã đành lừa chúng ta, và nhiều người đọc, vì “cùng cười” như nhau thì biết phân biệt nó thế nào đây? Cái đó mới thực sự đáng sợ. Lại chính nhà thơ đã phát hiện ngay từ đầu Đổi Mới điều này, đến nay vẫn còn làm nhiều người đọc chúng ta ngỡ ngàng. Trong bài thơ “Phút lâm chung của cụ Hãn”, Trần Nhuận Minh viết về một ông già làm nghề bảo vệ ở một Rạp chiếu bóng quốc doanh. Việc của ông là không cho bất cứ ai không mua vé mà được vào Rạp. Để làm gì? Để làm giàu cho nhà nước, để nhà nước không bị thất thu. Điều đó là điều Thiện rõ ràng chứ. Ông đã được bầu làm chiến sĩ thi đua của ngành chiếu bóng là đúng . Nhưng đến lúc sắp chết, ông mới nhận ra rằng: “ Đất nước chẳng giàu lên được / Dù tôi chắt bóp từng đồng / Muốn Thiện lại thành ra Ác / Có ai giống với tôi không ? ”. Và kết quả cuối cùng ông nhận ra, là, để làm việc đó, ông đã đánh “hàng ngàn trẻ con “/ “ có đứa đến hộc màu mồm” … trong cả cuộc của mình. Vì chỉ có trẻ con mới liều lĩnh và háo hức xem chiếu bóng nhất ở thời chưa có ti vi. “ Không tiền mà muốn xem phim / Chúng có trăm mưu ngàn kế/ Vẫn không che được mắt tôi” … Nào là “Trèo tường, chui qua cửa sổ / Náu mình sau tấm màn nhung / Nằm bẹp dưới gầm ghế lớn/ Tôi cũng moi ra tận cùng…” Và đến lúc lâm chung còn chút minh mẫn cuối cùng, ông nhờ nhà thơ viết một bài báo, thay mặt ông “Xin lỗi hàng ngàn trẻ con” mà ông đã đánh chúng trong suốt hơn 30 năm tận tụy làm nghề của mình, vì ông muốn về với tiên tổ trong sự thanh thản của cõi lòng. Và kết bài thơ, Trần Nhuận Minh viết : “Cụ đã giã từ cuộc sống / Vong linh muốn được thanh nhàn / Thương ôi, Hỡi các bạn trẻ / Tha cho lỗi lầm thế gian…”
Đấy là điều tôi bàn thêm, cũng chỉ xoay quanh thơ Trần Nhuận Minh thôi. Vấn đề Thiện, Ác lớn lắm. Bàn mãi vẫn không cùng….
Thơ Trần Nhuận Minh là thế, ông chỉ đưa ra các sự việc để bạn đọc tự nhận ra điều mà mình cần biết. Ông nói đó là thi pháp mà ông học được ở những nhà thơ lớn.
T.Đ.K