Tọa đàm Đế chế ký hiệu của Roland Barthes được tổ chức bởi Viện Pháp tại Hà Nội và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam trong khuôn khổ Ngày hội khám phá của Viện Pháp, với sự tham gia của các diễn giả: Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy; Phó Viện trưởng Phạm Minh Quân, Viện Nhân học Văn hóa và tiến sĩ Văn học Nguyễn Quyên, chủ biên tạp chí Zzz Review.
Roland Barthes từng nói: “Nhật Bản là không gian của những ký hiệu rất gợi tình và giàu thẩm mỹ, một bài học về sự thanh cao trong sự gợi tình, đó chính là điều chạm tới tôi nhất ở Nhật Bản…” Và ở Đế chế ký hiệu, ông coi Nhật Bản như xứ sở của chữ viết, nơi nghiên cứu về ký hiệu có nhiều điểm tương đương nhất với các xác tín của ông bởi nó tách hẳn khỏi khỏi ký hiệu học phương Tây, nó gợi mở các ký hiệu thông qua thành phố, kịch, phép lịch sự, vườn tược, bạo lực, các cử chỉ, đồ ăn, thơ…
Tại sao lại là Nhật Bản? bởi đó là đất nước của chữ viết: trong số tất cả những đất nước mà có thể tác giả đã biết, Nhật Bản là đất nước mà ở đó ông gặp gỡ công việc nghiên cứu ký hiệu gần gũi nhất với các xác tín cũng như các huyễn tưởng của mình, hoặc cũng có thể nói là công việc nghiên cứu ký hiệu tách xa hẳn những gớm ghiếc, những phiền hà khó chịu và những khước từ mà ký hiệu học phương Tây làm nảy sinh trong ông. Ký hiệu Nhật Bản rất mạnh: được quy định, sắp xếp và thể hiện một cách đáng ngưỡng mộ, chưa bao giờ bị đồng hoá hay lý tính hoá. Ký hiệu Nhật Bản có tính rỗng: cái được biểu đạt lẩn trốn, không có Chúa, không có sự thật, không có đạo đức trong sâu thẳm cái biểu đạt vốn giữ vai trò thống trị mà không có đối trọng. Và nhất là, chất lượng vượt trội của thứ ký hiệu này, cách nó tự khẳng định hết sức cao quý cũng như nét duyên dáng gợi tình của nó được gắn ở khắp nơi, trên những món đồ cũng như trên những lối hành xử nhỏ nhặt phù phiếm nhất, những lối hành xử mà thường ta sẽ quy cho là vô nghĩa hoặc tầm thường.
Cùng với sự tham gia của các diễn giả:
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy: PGS.TS Đỗ Lai Thúy là nhà phê bình văn học và nghiên cứu văn hóa. Ông là Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa và từng công tác tại tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật (Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch) với vị trí Phó Tổng Biên tập.
Phó Viện trưởng Phạm Minh Quân: Phạm Minh Quân là Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa. Anh cũng là dịch giả và giảng viên môn Lịch sử nghệ thuật.
TS. Nguyễn Quyên tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Văn chương Anh ngữ từ đại học Công nghệ Nanyang NTU, Singapore với luận án về James Joyce. Chị tham gia hoạt động văn chương với nhiều vai trò: nhà phê bình, dịch giả, biên tập viên; đồng thời là người đồng sáng lập, chủ biên tạp chí Zzz Review.
Tọa đàm là điểm nhấn trong khuôn khổ các hoạt động Ngày khám phá do Viện Pháp tổ chức. Nhiều hoạt động và dịch vụ chỉ có tại Viện Pháp tại Hà Nội như học thuật, văn hoá, nghệ thuật và cả các trò chơi thú vị nhân dịp Giáng sinh sẽ được tổ chức vào ngày 23 tháng 12 năm 2023 vừa qua.