TRÚC LINH
Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ bao gồm các tác phẩm văn xuôi là truyện ký (truyện dài, truyện ngắn, mẩu truyện) được ghi lại trong những tài liệu, sách vở viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, đã tồn tại suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam từ thời Lý – Trần đến cuối đời Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XX). Công trình này gồm 261 truyện, được lựa chọn từ 16 văn bản Hán Nôm lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, in thành 2 tập.
Nói đến thư tịch cổ có thể nhiều người cho rằng: nội dung nặng nề, khó đọc, kén độc giả… Nhưng bộ sách này lại rất dễ đọc, hấp dẫn, cuốn hút… bởi nội dung phong phú, gần gũi với người Việt, văn hóa Việt… hình thức được trình bày rất trang nhã. Những truyện được gọi là truyện dài cũng không quá dài, đều là những câu chuyện sâu sắc, thú vị… Những truyện đã được lựa chọn trong 2 tập sách này đều là những tác phẩm tiêu biểu đại diện cho truyện dài và truyện ngắn. Về truyện dài có Sự tích ông Trạng Quỳnh, Sự tích ông Trạng Lợn… Về truyện ngắn có Cổ quái bốc sư truyện đại diện cho loại truyện chí quái, Tân truyền kỳ lục đại diện cho truyện truyền kỳ, Dã sử tạp biên đại diện cho truyện bút ký, Sử Nam chí dị đại diện cho truyện lịch sử, Truyện ký trích lục đại diện cho truyện tình yêu, Tiếu lâm tân truyện đại diện cho truyện hài ước, châm biếm… Mỗi tác phẩm đều được khảo sát, đối chiếu các dị bản để tìm ra bản đáng tin cậy để tiến hành biên dịch, giới thiệu. Sách có in kèm bản Hán Nôm để cho bạn đọc có nhu cầu tra cứu. Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ được Lâm Giang và Nguyễn Văn Tuân phiên dịch, giới thiệu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nhà xuất bản Văn học xuất bản và phát hành
Xin trích một hai mẩu truyện ngắn thú vị trong bộ sách này:
1. Trúng tửu (Say rượu)
Có một thầy đồ giáo học, học trò hỏi rằng:
– Thưa thầy, “Đại học chi đạo” nghĩa là gì?
Thầy giả cách say rượu nói rằng:
– Thầy đang say rượu, mai tỉnh thầy bảo.
Thầy về hỏi vợ, vợ bảo rằng:
– “Đại học” là tên sách, “chi đạo” là đạo lý trong sách ấy.
Sáng hôm sau thầy gọi học trò bảo rằng:
– Các anh không biết gì cả, đương lúc người ta say rượu mà lại hỏi. Bây giờ sao không hỏi đi?
Học trò hỏi rằng:
– Thưa thầy, “Đại học chi đạo” nghĩa là gì?
Thầy cứ nói như lời vợ. Học trò lại hỏi đến câu “Tại minh minh đức”, thầy vội ngã ra nói rằng:
– Ta lại trúng tửu.
2. Tranh tọa (Tranh nhau chỗ ngồi) Mắt bảo lông mày rằng:
– Tao còn phải trông nom nhiều việc, mày thực là vô dụng, làm sao mày lại ở trên tao?
Lông mày bảo rằng:
– Dẫu vô dụng [hay] thực dụng, nhưng mà không có tao ở trên mày, thì trông mày còn ra cái gì nữa!
T.L