Gần đây có một sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý trong đông đảo quần chúng nhân dân. Đó là việc có những ý kiến đề xuất của các nhà chuyên môn, các cơ quan chức năng, các đại biểu Quốc hội… là nên loại bỏ các thông tin như dấu vân tay, quê quán,… trên thẻ căn cước công dân. Và thêm vào đó là những thông tin khác như: tên cha mẹ, nơi sinh, nhóm máu…
Dự thảo về việc thay đổi các thông tin cá nhân trên thẻ căn cước này hiện đã được trình lên nghị trường Quốc hội. Và trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin nêu một ý kiến nhỏ của mình về một trong những nội dung dự kiến được bổ sung, đó là: Nhóm máu. Cụ thể là tại khoản 12, điều 9, dự thảo luật quy định về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm cả nhóm máu.
Trước hết, tôi hoàn toàn tán đồng việc đưa thông tin về nhóm máu của mỗi cá nhân vào thẻ căn cước. Đây là một việc làm hết sức cấp thiết, có lợi ích về nhiều mặt. Nó không chỉ góp phần tích cực trong công tác quản lý hồ sơ công dân, mà còn tạo nên sự thuận tiện cho đời sống chính mỗi cá nhân. Cũng bởi như ta biết, hiện nay, khi nền y học thẩm mỹ đã khá phát triển, dung mạo của mỗi người đều có thể thay đổi một cách dễ dàng. Các dấu vết dị hình trên khuôn mặt như: nốt ruồi, sẹo da… chỉ cần can thiệp bằng một kỹ thuật đơn giản là đã có thể làm chúng bay biến hoàn toàn. Trong khi, nhóm máu của mỗi người đã được mặc định trong bộ gien di truyền và không thay đổi trong suốt cả cuộc đời. Từ đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ có thêm căn cứ xác thực cho việc định danh chủ thể. Ở khía cạnh với mỗi công dân thì việc hiển thị thông tin nhóm máu trên dữ liệu cá nhân cũng hết sức hữu ích và cần thiết. Ta hãy hình dung, khi có một ai đó chẳng may gặp cơn bệnh hiểm nghèo hay một tai nạn bất ngờ và cần được cấp cứu truyền máu khẩn cấp, trong khi trữ lượng máu tại bệnh viện lại không có đủ. Trường hợp ấy sẽ phải huy động nguồn máu tại chỗ từ gia đình, bạn bè, hoặc bất kỳ một người nào đó tình nguyện hiến máu. Và khi đó sẽ rất mất thời gian để xét nghiệm phân loại, tìm ra được người có nhóm máu phù hợp với người bệnh. Từng người một xếp hàng chờ đợi, trong khi tính mạng của người cần được truyền máu đang được tính bằng từng phút từng giây. Nếu trước đó mỗi người đã được xác định nhóm máu thì hẳn sẽ rất thuận tiện trong những tình huống như vậy.
Lợi ích thấy rõ là thế. Tuy nhiên, tôi có một thắc mắc rằng đến tận thời điểm này, năm thứ 23 của thế kỷ 21, mà ở nước ta vẫn chưa cho triển khai, thực hiện việc đưa thông tin nhóm máu vào hồ sơ công dân. Trong khi các nước tiên tiến trên thế giới họ đã làm việc này từ rất lâu rồi. Chắc chúng ta hẳn chẳng còn lạ gì những tấm thẻ quân nhân của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nó là những tấm kim loại nhỏ có ghi tên tuổi, quê quán, nhóm máu… Thiết nghĩ, đây là một hạn chế mà lâu nay chúng ta chưa thực sự quan tâm, chú ý đến. Cho dù nó là việc hết sức hữu ích, quan trọng và cấp thiết.
Một trong những lý do khiến ở nước ta chưa thực hiện được việc công khai nhóm máu trên hồ sơ công dân của mỗi người; theo tôi, đó chính là sự hiểu biết, là kiến thức cơ bản về nhóm máu trong mặt bằng tri thức hiện tại. Hầu hết người dân không biết bản thân mình mang nhóm máu gì. Một phần rất nhỏ biết được nhóm máu của mình là vì… khi chẳng may mắc căn bệnh gì đó mà phải vào bệnh viện làm xét nghiệm máu, nhưng rồi phần lớn trong cái số ít ấy cũng lại nhanh chóng quên mất nhóm máu của mình là gì! Chúng ta có thể làm một cuộc khảo sát về việc này, và đương nhiên kết quả sẽ là như thế mà thôi. Bởi trước giờ chúng ta chỉ có duy nhất một tiết học rất sơ sài về nhóm máu trong môn sinh học ở bậc phổ thông cơ sở. Và thường thì… cái kiến thức ít ỏi của môn học được xem là phụ ấy, ở bậc học ấy… sẽ bị người ta quên đi rất nhanh.
Từ việc thiếu kiến thức cơ bản về một vấn đề nào đó, đương nhiên sẽ dẫn đến những mối hệ lụy, những rắc rối, phiền hà không đáng có. Tôi xin kể một câu chuyện đã xảy ra ở quê tôi từ cách đây chưa lâu lắm: Có một người đàn ông đã kiên quyết đâm đơn ra tòa xin ly hôn vợ với lý do, ông ta không thừa nhận đứa con do vợ đẻ ra là con mình. Khi tòa hỏi bằng cớ thì ông ra nói rằng, khi đứa con bị viêm phúc mạc cấp phải vào bệnh viện mổ cấp cứu, bác sĩ đã lấy máu của ông ta xét nghiệm để truyền cho đứa con, nhưng rất tiếc hai cha con đã không cùng nhóm máu. Từ chi tiết đó ông ta đã lập luận rất ấu trĩ rằng, đứa bé kia không phải là con ruột của mình. Cho dù khi ấy các cán bộ tòa án đã ra sức khuyên giải nhưng ông này vẫn khăng khăng giữ quan điểm của mình. Chỉ đến khi tòa án cho trưng cầu cơ quan huyết học truyền máu cho người đến tòa để trình bày, giải thích thì ông này mới hiểu ra được rằng, chuyện nó thế nhưng không phải thế! Đây thật là một câu chuyện dở khóc dở cười, nó có thật và không hiếm gặp trong đời sống. Và người đàn ông trong câu chuyện cũng là một người có học thức, có địa vị trong xã hội, chứ không phải là một người có trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết.
Từ câu chuyện trên, nó khiến tôi liên tưởng đến các câu chuyện được kể lại từ thời phong kiến, khi đó người ta dùng cách cắt cho máu nhỏ giọt vào chậu nước để xác nhận huyết thống. Té ra cái tư duy cổ hủ, lạc hậu này đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ người Việt cho đến tận bây giờ, khi khoa học đã rất phát triển nhưng do không được truyền đạt và cập nhật kiến thức một cách đầy đủ, nên họ vẫn đang rất lơ mơ, dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc về chuyện này. Sự bất cập này không chỉ diễn ra ở những người có văn hóa thấp, tầng lớp bình dân trong xã hội. Mà thậm chí gần đây, ngay trên nghị trường Quốc hội, khi tham gia lấy ý kiến về dự thảo luật căn cước, có vị đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại. Khi đại biểu này đưa ra đề nghị rằng: “Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ trước khi luật được ban hành, bởi rất có thể sẽ ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân, đến quan hệ huyết thống, từ đó sẽ dẫn đến các tiêu cực khác, nếu thông tin về nhóm máu của các cá nhân được công khai”.
Tôi đồ rằng, vị đại biểu Quốc hội kia cũng đã vô thức suy luận theo cái định kiến xưa cũ, tồn tại từ lâu đời, và lầm tưởng đó là sự chuẩn mực. Bởi từ lâu nay dường như có nhiều người trong chúng ta đã luôn mặc định trong đầu cái khái niệm là: Cha nào con nấy. Cha mang nhóm máu A thì con cũng phải nhóm A, cha B thì con cũng phải B. Họ không biết được rằng: Chỉ khi xét nghiệm AND mới có thể xác định được mối quan hệ huyết thống, còn nhóm máu thì hoàn toàn không có yếu tố liên quan gì trong chuyện này. Đây là một định kiến hết sức sai lầm và ấu trĩ; nó rất phi khoa học và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến những cảnh huống, sự việc đáng tiếc. Có thể nói, giờ đây vẫn có khá nhiều người còn khá lơ mơ, còn hiểu chưa đúng, chưa đủ về các thông số, tinh chất của máu người. Một kiến thức thực sự cần thiết cho đời sống con người nhưng lại chưa được quan tâm đến một cách đúng mực.
Kể từ khi Karl Landsteiner (Nhà sinh học người Áo. Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 1930) phát hiện ra hệ thống nhóm máu ABO trong cơ thể người từ năm 1901 cho đến nay, nền y sinh học thế giới đã có nhiều nghiên cứu mang tính đột phá, đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Hiện nay, người ta đã xác định được khoảng hơn 30 hệ nhóm máu khác nhau của hồng cầu với hơn 300 kháng nguyên, nhưng về cơ bản vẫn chỉ có 4 nhóm thành phần cấu tạo của tế bào máu theo hệ thống nhóm máu ABO là: A, B, AB và O. Và 4 nhóm này có sự liên quan, tác hợp với nhau theo các nguyên lý mặc định trên bộ gen người. Về yếu tố di truyền thì các nhóm máu được phân định cụ thể như sau:
- Nếu bố có nhóm A, mẹ nhóm máu A, con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu O.
- Nếu bố có nhóm A, mẹ nhóm máu B (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang một trong 4 nhóm máu A, B, AB hoặc O.
- Nếu bố có nhóm A, mẹ nhóm máu AB (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu A, hoặc nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB.
- Nếu bố có nhóm A, mẹ nhóm máu O (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu O.
- Nếu bố có nhóm B, mẹ nhóm máu B, con sinh ra có thể mang nhóm máu B hoặc nhóm máu O.
- Nếu bố có nhóm B, mẹ nhóm máu AB (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB.
- Nếu bố có nhóm B, mẹ nhóm máu O (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu B hoặc nhóm máu O.
- Nếu bố có nhóm AB, mẹ nhóm máu AB, con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB.
- Nếu bố có nhóm AB, mẹ nhóm máu O (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu B.
- Nếu bố có nhóm O, mẹ nhóm máu O, con sinh ra chỉ có thể mang nhóm máu O.
Như vậy, việc chỉ dựa vào nhóm máu để xác định quan hệ huyết thống là chưa đủ cơ sở khoa học. Do đó, nó chỉ phần nào hỗ trợ trong việc phân tích xác định mối quan hệ huyết thống chứ không có tính khẳng định. Xét nghiệm ADN mới là cách xác định quan hệ huyết thống chính xác nhất.
Hiện nay tại nước ta các nguồn máu dự trữ trong điều trị y tế đang ở ngưỡng rất thấp, so với mức trung bình của thế giới. Các ngân hàng máu luôn trong tình trạng cạn kiệt, đáng báo động. Nguồn máu bổ sung từ các chương trình hiến máu cộng đồng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế. Các bệnh viện từ trung ương tới các địa phương luôn phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại rất lớn trong công tác điều trị truyền máu cấp cứu. Vì vậy, việc công khai nhóm máu của mỗi người trên dữ liệu cá nhân là rất cấp thiết. Nó không chỉ là yếu tố cập nhật tiến bộ khoa học để phục vụ đời sống con người, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. Hy vọng chi tiết về thông tin nhóm máu trong dự luật căn cước sẽ sớm được ban hành, mang đến sự thuận tiện cho mỗi người dân nói riêng và đem lại lợi ích cho toàn xã hội nói chung.
T.H.G