TUỆ MINH
Nguyễn Tuân – chuyện văn, chuyện đời được Phạm Đình Ân sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn theo một cách thức mới và một tinh thần mới. Với mục đích mang đến cho bạn đọc những hiểu biết phong phú, đa dạng về phong cách sống, phong cách sáng tác của nhà văn. Những bài được tuyển chọn đều có lối kể chuyện hấp dẫn, bổ ích về tác giả và bên lề tác phẩm, không đăng lại những bài nghiên cứu, phê bình, chân dung văn học mang tính học thuật cao mà bạn đọc từ lâu đã không còn xa lạ nữa.
Cuốn sách nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc rộng rãi, từ học sinh, sinh viên, nhà giáo, các nhà nghiên cứu đến tất cả những ai ngưỡng mộ nhà văn Nguyễn Tuân và sự nghiệp của ông.
Cuốn sách chia làm 3 phần:
I. Nguyễn Tuân – con người lãng tử, hào hoa, bao gồm các bài viết về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, các sở thích, quan niệm… của Nguyễn Tuân về cuộc đời và nghệ thuật.
Hát ả đào đêm xuân của Hoàng Cầm là một ví dụ điển hình khi miêu tả con người tài hoa ấy:
“…
Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh.
Tiếng phách dồn xuống hết mức, tiếng đàn như hồi tiếng thu quân thì roi chầu bác Nguyễn xói lên năm tiếng, năm tiếng nữa rồi là cả một hồi ngũ liên rất nhanh, như hàng xóm có cướp, như đê sắp vỡ, như báo động khẩn cấp. Những tiếng trống nảy lửa. Rồi bác Nguyễn quăng roi chầu, lừ lữ đứng dậy, mặt càng đỏ lự, mắt không nhìn ai, bác nện cộp, cộp, cộp đế giày xuống sàn đá hoa và… đi thẳng, nghĩa là bác bỏ ra về… Về thẳng, không cần chào hỏi, không cần bắt tay ai hết… Về thẳng!
…
– Từ nay, mày có định tổ chức cái gì mà có hát ca trù thì đừng có mời mấy cái thằng “nhóc” ấy nhé. Bà Phúc, ông Ban đàn, phách, hát như thế mà thấy thằng cứ ngả ngốn, cười đùa… như ở đầu chợ. Lần sau thế, mày có mời rã họng, tao cũng không đến. Tao sát phạt. Ừ thì hôm qua, cái roi của tao sát phạt chúng nó đấy.”
II. Khi con chữ vào trang giấy, gồm những bài viết liên quan đến quá trình sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Nhà văn Kim Lân từng viết về Nguyễn Tuân – Người sung sướng nhất:
“Một lần anh em xuất bản cử tôi đến gặp anh Tuân đề nghị anh sửa cho mấy chữ trong một bài ngắn anh vừa mới viết. Tôi đến gặp anh, cứ lo ngay ngáy. Không biết chuyện gì có thể xảy ra đây. Thôi thì cứ phải liều, cứ thực bụng mình nghĩ thế nào cứ nói thế ấy. Tôi thưa: “…Bài của anh hay lắm rồi. Chỉ có mấy chữ, thật tình tôi thấy nó cũng chẳng làm sao… Thế nhưng nếu không sửa… Anh thì anh chẳng cần gì nhưng bọn tôi… bọn tôi thì…”.
Thế là anh Tuân vui lòng sửa ngay. Đã đến cái nước đàn em năn nỉ như thế thì ông anh không hẹp lượng.
Cắt bài được ít lâu, không biết ngẫm nghĩ thế nào ông anh tôi lại thấy tiếc, thấy đau… Trong một buổi họp, giữa cơ quan Hội Nhà văn, anh chỉ vào mặt tôi, mắng: “Thằng cha Kim Lân này, có quyền chức nó cũng không phải vừa đâu, nó cắt của mình mấy chữ đểu quá! Đểu quá!…””.
Hoàng Quốc Hải có bài Viết lấy mà cắt:
“…
- Không phải thế đâu ông Tuân. Tôi gạch dưới là để bàn với ông cắt đoạn ấy đi – Ông Nguyễn Bắc đáp.
Nhà văn Nguyễn Tuân do đổi sắc mặt và nghiêm giọng:
- Sao phải cắt?
- Tôi thấy nó chướng quá.
- Này Nguyễn Bắc! – Nhà văn Nguyễn Tuân đứng lên nói dằn từng tiếng: “Muốn cắt thì viết lấy mà cắt!” – Rồi ông quay lưng đi thẳng.”
III. Chuyện đời thường và giai thoại, gồm những mẩu chuyện nhỏ, chủ yếu thể hiện những nét cá tính, phong cách độc đáo của nhà văn.
Nói về chồng mình – nhà văn Nguyễn Tuân, vợ ông bà Vũ Thị Tuệ cho biết:
“Đối với tôi, nhà tôi lúc nào cũng chu đáo. Nhà tôi chưa hề nặng lời với
tôi lần nào. Mặc dầu xa nhau luôn, tôi vẫn tin ở nhà tôi. Hồi trước Cách mạng, nhà tôi cũng theo bạn đi hát ả đào. Tôi còn nhớ, có lần có người đến gõ cửa báo tin cho mẹ con tôi biết là nhà tôi đang ở nhà này, nhà nọ. Tôi cứ để mặc.
Dưới mắt tôi, nhà tôi bao giờ và lúc nào cũng là một con người có suy nghĩ. Điều vui thú nhất của nhà tôi là được đi. Cho đến nay, đã ngoài bảy mươi, nhà tôi vẫn thích đi. Nhà tôi biết đủ các thứ: ả đào, thuốc phiện, chè, rượu… Nhưng không trở thành nghiện ngập, đắm mình trong các thứ đó. Nhà tôi rất quý vợ con. Đi đâu cũng có quà đem về. Đặc biệt nhà tôi rất yêu con, rất chiều con, nhất là con gái. Ông ấy không hề đánh con. Thế mà các con tôi đứa nào cũng sợ bố, yêu bố và tự hào về bố.
Nhà tôi khó tính và nóng tính. Ít nói. Rất thẳng. Rất trực. Tình cảm bộc lộ rõ ràng. Không ưa ai là tỏ ngay ra nét mặt. Tính tình có khi rất ồn ào, nhưng cũng có lúc chỉ lặng thinh. Ghét sự giả dối, rất tởm sự nịnh hót…”
(Chồng Tôi – Vũ Thị Tuệ, Thạch Vân ghi)
T.M