Truyện ngắn BÙI VĂN TRỌNG CƯỜNG
Có thể lắm, rằng tôi sẽ làm người ta cảm thấy phí thì giờ khi trót đọc truyện này. Kể về mẹ mình với lòng tôn kính thì có gì mới lạ? Nhưng… thôi! Đã lỡ mở lời rồi thì cứ nói cho cạn. Mọi sự ra sao? Hậu xét. Mà… nghĩ cho cùng, cũng chẳng có sự gì để xét.
Mẹ tôi là chị cả trong một gia đình có ba chị em gái. Ngay thời trẻ, bà cũng không được xinh xắn cho lắm; tôi biết điều đó từ ảnh trong chứng minh thư của bà. Hẳn vì thế nên bà không thuận buồm xuôi gió trong chuyện hôn nhân. Bố tôi trân quý một gia đình nền nếp nên lấy mẹ tôi và chấp nhận ở rể, theo cách nói dân gian suồng sã là “chó chui gầm chạn”. Ông bà ngoại tôi muốn vậy vì nhà hiếm con trai. Trái lại, hai dì tôi khá đẹp (nhìn ảnh cưới đen trắng của các dì là biết), lại gặp may, nên lấy được chồng giàu có trên tỉnh, cách quê nhà độ bốn chục cây số. Chỉ các dịp lễ tết hay hội làng, các dì mới cùng chồng, con từ thị xã về quê. Mọi người ở lại cùng gia đình tôi, cùng lắm là hai ngày. Có thể do nhà cửa chật chội, sinh hoạt bất tiện so với nhà ở của họ. Đổi lại, mẹ tôi lại chăm đi thăm các dì. Hẳn vì vậy, và sớm tiếp thu cuộc sống đô thị nên mẹ tôi, nếu chỉ nhìn vẻ ngoài, cũng y hệt người thành thị. Bà không nhuộm răng đen, không vấn khăn mà búi tó hoặc cặp tóc bằng ghim cài đầu. Còn về quần áo, mẹ tôi cũng mặc rất đơn giản, có thể nói là dễ tính, “các dì cho thế nào thì mặc thế ấy.” Đó là những bộ áo quần tươm tất, có cái còn gần như mới tinh, hẳn các dì có ý bù đắp phần nào cho chị cả phải chăm sóc bố mẹ già. Giữ ý, bà cũng không để các dì thiệt nhiều quá, bằng quà cáp “cây nhà lá vườn”. Không giống các bà tầm tuổi trong làng, bà mặc quần vải phíp hay lụa đen, cắt may kiểu “chân què”, tức bổ đũng. Áo thì áo cánh cổ thìa hay cổ tròn khoét hơi rộng có “brô-đê” (thêu ren) hoa văn nhỏ cùng màu, hay sơ mi màu sáng. “Mình không có, các dì cho thế nào thì mặc thế ấy”, mẹ tôi thường nói với hàng xóm láng giềng như vậy. Nhưng tôi biết chắc chắn là bà ưa thích. Thì cứ nhìn cách bà giặt giũ, phơi phóng, vuốt gấp phẳng phiu rồi xếp vào rương là rõ. Những quần áo khác, bà vắt lên sào tre.
Suýt nữa tôi quên không nói về chuyện mẹ tôi có mấy đôi guốc gỗ cao gót sơn đen, sơn nâu, cũng là các thứ các dì cho thôi, dùng để đi dự đám cưới. Không chỉ đi đám cưới, hỏi, mà đến hội làng, bà cũng mím môi ươn ướt vào mảnh giấy hồng điều để môi thắm đỏ, nếu không làm thế thì phải ăn trầu, việc bà không thích. “Ái chà! Nom chả khác các dì nhà mình là mấy”, bố tôi trêu. “Đây thế đấy, dại gì mà không tự làm cho mình đẹp hơn. Có mất vốn mất lãi gì đâu”.
Ngày ấy, người ta chưa nhuộm tóc đen, tóc nâu,… nhiều như bây giờ. Khi tóc bạc quá nửa, bà thường ước “giá có thứ nước lá nào để gội đầu cho tóc đỡ bạc, trông đỡ già, kẻo bố mày chê mà đi kiếm bà hai.” Đùa cho vui thế thôi, chứ mẹ tôi biết bố tôi không có tính léng phéng như không ít đàn ông trong thôn rửng mỡ khi không còn phải chạy sấp chạy ngửa lo toan bát cơm, manh áo, cửa nhà.
Vừa rồi, tôi mải nói về vẻ ngoài của mẹ tôi, ngày đó được coi là tân tiến lắm. Có những bà nạ dòng ở làng bĩu môi “chỉ được cái đua đòi là không ai bằng”. Về sau, có mấy bà trong số các bà kia lại dần dà bắt chước mẹ tôi. Biết thế, chẳng những không lấy lại những câu nói bĩu môi mà mẹ tôi còn thực lòng khen họ mặc đẹp, nom trẻ hẳn ra để có “đồng minh” thời trang cho có chuyện để chia sẻ.
Vốn tính thương người, mẹ tôi thường cho những ai cơ nhỡ hoặc ăn xin rất thảo. Có lần, bà cho ông lão ăn xin cái quần dài bạc màu của bố tôi, cho ông ta ăn no đủ cơm canh rồi còn gói thêm một nắm cơm to có cả cá kho để ăn đủ bữa sau. “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Nói vậy, bà như có ý răn dạy tôi “có sẻn mới giàu, cơ cầu mới có”, đồng thời nhắc khéo bố tôi khi thấy ông đổ cả bát cơm còn đầy và chưa chan canh vào nồi nước gạo. “Ông không ăn được nữa thì rải ra cái mẹt, gác lên giàn mướp, phơi khô; lúc khác cho gà, có lúc cho cả người ăn nữa đấy”, bà cố nhỏ nhẹ để không làm to chuyện trong bữa cơm. Quả vậy, những đám cơm khô, cơm cháy được bà cất giữ vào cái hũ, nút kín lại bằng lá chuối khô giống như nút vò rượu. Vào những tối mùa đông tháng giá, nhân tiện ngồi sưởi bên bếp lửa, bà đem cơm khô ra rang giòn tan, đôi khi còn trộn với mật mía và mỡ nước. Món ấy, có bao nhiêu, anh em tôi cũng ăn hết. “Nhớ để phần bố mày lưng bát”, rồi bà quay sang bố tôi, “này, ông lấy mà nhắm rượu, tôi đồ rằng còn ngon hơn món lạc rang của ông đấy”. “Ai chả biết”, bố tôi cho ngay đồ nhắm bữa trưa mai của ông vào lọ lạc của mình. “Của không ngon nhà đông con cũng hết”, mẹ tôi nói, “huống chi đây là món ngày xưa tiến vua!” Vua nào? Ai biết. Có nhiều loại vua lắm. Thiên hạ bảo thế thì mình bảo thế. Không chỉ nói đâu ra đấy mà dường như ở đâu, trong tình huống nào bà cũng ứng khẩu được những câu ca dao, tục ngữ phù hợp. Không chỉ nói câu nào “chết” câu ấy, bà còn thực hành như thể làm mẫu. Trong bữa ăn, chẳng may làm hạt cơm nào rơi xuống chiếu, bà liền nhón bỏ miệng. “Hạt cơm là hạt ngọc, không nhặt mà giẫm lên phải tội chết!”.
Học hết cấp hai trường huyện, tôi thi vào được trường Trung cấp Xây dựng của tỉnh. Tiễn tôi ra ngoài ngõ, mẹ tôi đưa tôi gói xôi đỗ xanh có dúm muối vừng trộn lạc để “mai ăn sáng; ăn bát phở, bát bún ngon miệng đấy nhưng vừa tốn, vừa chẳng đâu vào đâu với cái bụng lúc nào cũng đói của con, đái xoẹt một cái là lại đói meo. Chi bằng ăn xôi cho chắc dạ”. Đoạn, bà kín đáo tránh ánh mắt của bố tôi, dúi vào túi quần tôi tệp tiền, “tiêu pha cẩn thận đấy”. Cẩn thận là phải thôi, vì sáu chục đồng thời ấy là lương của kỹ sư xây dựng. Học trung cấp, lương của tôi còn kém nhiều. Tôi giành việc đạp xe chở bố lên bến ô tô huyện. Khi xe nổ máy, ông bảo thêm: “Anh cứ làm đúng như mẹ anh dặn là chuẩn. Bố chẳng kỹ lưỡng được như bà ấy được đâu”.
Những ngày đầu vào trường, do ký túc xá chưa đủ giường nên tôi phải ở nhờ nhà dì út, vừa gần trường vừa dễ chịu hơn dì cả. Ngay sau bữa cơm thứ ba, thứ tư gì đó, tôi linh cảm được tình cảm và cách ứng xử của chồng dì út mà tôi gọi là chú. Tôi chủ động thưa “tối nay, cháu xin phép chú, dì vào trường vì lớp cháu đã đủ giường tầng.” Thực ra, tôi nói dối vì nghĩ trải chiếu ra sàn bê tông mà ngủ cũng được. “Từ mai, cháu ăn tại nhà ăn tập thể của trường. Cháu cảm ơn chú, dì đã giúp đỡ cháu trong mấy ngày qua. Hôm nào rỗi, cháu lại đến đây thăm cả nhà”. “Cháu khách sáo làm gì! Người nhà, người cửa không giúp nhau, mà có đáng là bao thì còn nói gì đến việc giúp thiên hạ”. Ông ta nói thế chứ tôi thừa biết đó là câu nói đầu môi che lấp nỗi vui mừng như mở cờ trong bụng, vì đỡ được một gánh nặng cả về miếng ăn và sinh hoạt mà lại không mang tiếng với gia đình chị ruột của vợ mình.
Mươi hôm sau, tôi rủ mấy bạn trai cùng lớp ghé qua cả nhà dì cả và dì út chơi một lúc vì nhớ lời mẹ dặn: “Thỉnh thoảng nên đến thăm các dì, các chú và các em để họ hàng thêm gần gặn. Không ai nắm tay thâu đêm đến sáng được đâu con ạ. Trên tỉnh chỉ có mình con, ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì, bố mẹ làm sao đến kịp”. Ý bà là chả bao giờ để mắt đến nhau mà đến khi hoạn nạn mới tìm đến nhờ vả thì ai muốn giúp. Cứ suy từ bụng mình ra là biết thôi.
Chuyện không ai ngờ, nhưng gần tháng sau tôi mới biết. Nửa đêm hôm tôi đến chơi, nhà dì út bị cháy to, toàn bộ cửa nhà cùng đồ đạc bị thiêu rụi. “Hú vía! Nếu đêm ấy mình ngủ lại theo lời mời của mấy đứaem thì mọi chuyện sẽ ra sao?”, tôi tự nhủ.
Cuối tháng đó, tôi về thăm bố mẹ và các em. Lần đầu đi xa nhà nên nhớ nôn nao. Vừa bước chân vào nhà, tôi đã kể việc nhà dì út bị cháy không còn gì nữa. “Thế… cửa hàng quần áo của dì có bị làm sao không?”, mẹ tôi hỏi. “Cũng thành tro bụi hết mẹ ạ”. “Khốn khổ chưa! Mới mọc mũi sủi tăm được vài năm nay. Thế là chỉ còn có mỗi nước dắt nhau đi ăn mày thôi”, bà rớm nước mắt. “Bữa nào con lên trường thì hai mẹ con cùng đi để thăm hỏi gia đình dì”. “Bà đến thì được tích sự gì?”, bố tôi nói.
“Không lẽ biết mà cứ “bình chân như vại” ở nhà mình sao?”.
Hôm mẹ con tôi đi, bà mang cái làn mây mà dì cả cho đã lâu, bên trong có mấy cân gạo nếp mới, vài chục trứng gà ta, nải chuối tây và mấy bộ quần áo còn mới mà các dì cho bà ngày nào. Các dì không nhận, nhưng mẹ tôi một mực để lại. “Khi nào lại làm ăn được thì các dì lại cho chị, chị xin ngay, các dì không e việc đi cho mà cũng không đắt, dễ làm sái lòng nhau ư?”.
Ngoái lại một đoạn. Lúc xuống xe để đi bộ đến nhà dì cả, từ đó đi đến nhà dì út, mẹ tôi kể, lần đầu lên tỉnh, bà mặc quần sa-tanh hoa mờ, áo cánh phin nõn trắng thêu ren quanh cổ khoét hơi sâu hình trái tim, tay xách làn mây được quang dầu nâu bóng, đựng quà “cây nhà lá vườn” khá nặng. Đang ngơ ngác tìm đường ra ngoài cổng bến xe, thì có mấy tay xích lô chèo kéo “cô về đâu, mợ về đâu để con chở nào”. Bà mỉm cười “cảm ơn các anh, cháu nhà tôi hẹn ra đón rồi”. Xách cái làn, ra vẻ không nặng nhọc gì, bà lững thững vừa đi vừa nghĩ: “Tay xách nách mang nặng thế này, lại không biết phố xá, làm sao đến được nhà các dì đây. Phải đi xích lô rồi”. Vẫn có một xe lẽo đẽo theo sau, “cô chờ thì biết đến bao giờ, mà cũng sắp trưa rồi, chi bằng, cô lên xe, con chở cô về tận nhà, kết hợp ăn trưa luôn nên giá hữu nghị thôi”. “Hữu nghị là bao nhiêu?” “Hai đồng ạ”. “Anh tưởng cô mới ở đồng rừng về à?”. “Thế ý cô cho cháu bao nhiêu?”. “Một đồng! Mọi bận cô vẫn đi giá đó mà”. “Cô lên xe đi, đặt làn dưới chân để ngồi cho rộng”. Đạp được mấy vòng, anh ta bắt chuyện, “con nhìn cô quen lắm, hình như cô bán hàng khô hay tạp hóa ở chợ tỉnh; nhìn các bà, các cô buôn bán ở chợ to là con biết ngay”. Bà chỉ ừ hữ cho qua, vì theo bà, càng nói nhiều với người xa lạ thì chẳng khác gì “vạch áo cho người xem lưng”. Chí phải. “Cả đời, mẹ chả lừa ai, nhưng cũng không để kẻ nào lừa được mình. Dễ bị lừa là người cả tin và tham.
Ở đời, ai chả tham. Có điều, tham nhưng phải tỉnh. Tỉnh thì không mắc bẫy”. Bà còn kể, có lần đạp xe lên huyện có việc, thấy giữa đường có một cái ví đẹp, đầy căng. Tưởng của ai đánh rơi, bà bèn xuống xe, không cúi xuống nhặt mà đá chân khẽ vào, lập tức, cái ví chắc chỉ có giấy báo bị kéo rất nhanh vào bụi cây bên đường cùng tiếng trẻ con cười rúc rích “mày hấp tấp quá, đáng lẽ để bà ấy cúi xuống nhặt hẵng kéo thì có phải vui hơn không?” “Chỉ là trò đùa của trẻ con, nhưng qua đó có thể một lần nữa rút ra bài học: thế gian chẳng ai tự nhiên cho không ai cái gì, trừ khi người ta có lòng trắc ẩn sâu xa, hoặc vì lý do cụ thể, đặc biệt nào đó”.
***
Sau hai năm học chỉ miệt mài vào lúc sắp thi, tôi ra trường với thành tích chẳng có gì đáng tự hào, bởi học kỳ nào cũng phải thi lại một, hai môn quan trọng; trừ môn thể dục luôn đạt xuất sắc! Do được ưu tiên: bố là thương binh, mẹ là du kích trong thời kháng chiến nên tôi được về làm ở phòng kiến trúc của huyện nhà, với chức danh giám sát thi công các công trình xây dựng trong huyện. Hôm tôi nhận được giấy phân công công tác, mẹ hỏi: “Cái ông ký giấy cho mày già hay trẻ?” “Mẹ biết để làm gì?”. “Có việc mới hỏi chứ không hỏi vu vơ”. “Cũng tầm tuổi bố thôi”. “Vậy, mai mốt đem biếu ông ấy mấy bơ vừng và vài quả ổi găng. Nếu họ không nhận thì để lại trên bàn và nói là bố mẹ cháu biếu bác, cháu chỉ có nhiệm vụ mang tới đây thôi”. Thời ấy như thế đấy. Đâu có như bây giờ… Giờ kể chuyện biếu cán bộ phân công việc làm vài bơ lạc, bơ vừng… ai nghe cũng phì cười. Như nghe chuyện tiếu lâm. “Thì có khác gì bố mày lên ủy ban huyện và huyện đội làm chứng và cam đoan cho một ông trong xã đúng là người cùng đơn vị và cũng bị thương trong chiến tranh. Việc quan trọng liên quan đến chế độ, chính sách được hưởng, thế mà ông ấy cũng chỉ mời bố mày bữa cơm rượu. Chả nhẽ lại bảo thế là đút lót”. Không nói nhiều nhưng bà nói câu nào là bấm đúng huyệt câu ấy. Chẳng thế mà có việc gì phải ngoại giao hay họp hành ở thôn xóm, bố tôi thường đùn đẩy cho mẹ tôi đi. So với các dì tôi trên tỉnh, sống bằng buôn bán phải va chạm với đủ loại người nên chao chát, mẹ tôi tuy không hiền nhưng biết điều, khôn ngoan hơn nhiều. Những việc hệ trọng đối với gia đình, bà xử lý không chê vào đâu được. Ví dụ, khi phải sửa lớn ngôi nhà lâu năm dột nát, bà bảo thợ làm mặt tiền lùi vào hàng mét, đầu hồi cũng vậy, dù bố tôi phản đối “người ta muốn rộng ra chẳng được thì bà thu hẹp lại”. “Muốn nhà rộng thì làm sâu lòng vào, vườn còn rộng chán”. Sự tinh khôn ấy, chẳng bao lâu ứng nghiệm ngay. Năm sau, xã mở rộng đường liên thôn, nhà tôi không bị xén lẹm vào, còn đầu hồi thoáng đãng, có thể mở cửa ra ngõ đã tạo cho ngôi nhà có hai mặt tiền, nom vừa đẹp vừa dễ bán được giá. Lại nữa, năm đó, làng có dịch gà toi, gà chết hàng loạt, chẳng nhà nào giữ được con giống. Thấy vậy, bà liền thuê đào cái ao nhỏ ở góc vườn, đợi mưa xuống là mua vịt con về thả. Đàn vịt lớn nhanh như thổi. Với nhà nông, thế là thắng to. Ao vừa nuôi được vịt, cá trắm cỏ, cá trê, vừa giữ được độ ẩm cho vườn vào mùa khô hạn.
Cứ lan man dây cà ra dây muống về chuyện nhà thì bao giờ cho hết. Vậy, xin khép lại. Mẹ tôi sống thọ, ở góa hai chục năm, ngót chín mươi tuổi mới mất.
Hôm làm tang cho mẹ tôi, ông trưởng thôn bảo tôi viết hoặc nhờ ai viết điếu văn cho cụ. “Tang gia bối rối thế này, tôi bụng dạ nào mà viết được điếu văn điếu võ”, tôi thoái thác. “Còn nhờ thì nhờ ai? Hay là ông viết giúp vậy”. “Ấy… tôi cũng bận nhiều việc thôn xóm lắm.” Biết chắc ông ta không viết được vì chỉ nắn nót mấy dòng trên bảng tin của thôn mà còn sai chính tả, tôi nói thêm với cái ý mẹ tôi là dân quê, cả đời ở quê, chưa từng sang tỉnh này tỉnh nọ, chưa từng mơ đi nước này nước kia; cũng không có giấy khen, bằng khen, huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu nào, vì làm gì có thành tích, công trạng lớn bé có thể kể ra được. Viết theo công thức: cụ là người vợ hiền, dâu thảo, người mẹ, người bà mẫu mực, hết lòng thương con, thương cháu, được bà con chòm xóm kính trọng… thì viết làm gì để người ta cười thầm cho “toàn là tuyệt vời và trên cả tuyệt vời, chẳng có một ly một lai khiếm khuyết nào”. Điếu văn bao giờ chả vậy, “nghĩa tử là nghĩa tận” mà, ai nỡ lòng nào bới móc ra những điều không hay lúc sống của người vừa nằm xuống. Truyện đến đây là hết! Nếu…
Khi sắp đóng đinh quan tài, có hai người lạ mặt – một đàn bà đứng tuổi, một nam – không biết từ đâu đến nhưng có vẻ là người thành phố, tự nói là hai mẹ con, mặc đồ tang đi chân đất vào nhà. Người mẹ gục đầu trên linh cữu, khóc thảm thiết: “Anh ơi! Chị ơi! Hương hồn chị có tha thứ cho em không? Sống khôn, chết thiêng, chị phù hộ cho mẹ con em…”. Mọi người dự tang lễ ngơ ngác nhìn nhau, không ai hiểu ra chuyện gì. Sự việc khác thường đó khiến tôi nhớ lại chuyện cách nay hơn hai chục năm.
Hồi đó, một cụ ông, nghe nói là hiền lành phúc hậu tìm cách nói chuyện với mẹ tôi ở đình làng. Không biết cụ ông nói gì mà mẹ tôi khó chịu ra mặt. Thì ra là thế này: cụ có đứa cháu ngoại khá xinh nhưng không hiểu sao lại quá lứa nhỡ thì. Ở nhà quê trước đây, phụ nữ ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng, tức là ế to, dễ cô độc cô quả lắm, may mắn hơn thì phải chịu cảnh làm vợ lẽ. Thương cháu, cụ ông muốn giúp nó kiếm một đứa con để về già có chỗ nương tựa. Người xinh như thế, nếu táo bạo thì cần gì phải ai giúp, có khi còn dám cướp chồng người khác. Không rõ vì sao ông cụ nghĩ đến việc lấy giống của bố tôi? Có thể ông cụ thấy bố tôi cao to, đẹp mã, là thương binh hạng nhẹ nhưng khá khỏe mạnh vì vẫn cày bừa, xốc vác được những việc nặng nhọc… Song, cái chính là cụ biết bố tôi được làng xóm nói là người tử tế. Không chỉ một mà nhiều lần, cụ nài nỉ mẹ tôi cho phép việc ấy. Có lẽ bà cũng xuôi xuôi, vì ở quê vẫn có chuyện các bà vợ chỉ đẻ con gái, còn đi tìm vợ lẽ cho chồng để gia đình hy vọng có con trai nối dõi. Nhớ lại chuyện hôn nhân lận đận của mình ngày trước, bà lặng lẽ lên tỉnh chơi với các dì ít ngày. Lúc này, ông cụ mới nhờ một bà dắt cô cháu bất hạnh nọ lân la đến nói chuyện với bố tôi. Lúc hiểu ra việc đó, bố tôi cũng chối đây đẩy, chỉ thiếu nước mời hai người ra khỏi nhà. Cô cháu cúi gằm mặt, hai tai đỏ tía, rấm rứt khóc làm bố tôi cũng động lòng thương. Có thể lắm, sau khi ngắm nghía cô gái nọ, ông thấy đám này xứng đáng “đồng tiền bát gạo”. “Thôi, bà cứ về trước đi, để tôi xem quanh đây có ai giúp được không”. Mọi sự chỉ ngượng nghịu, lúng búng bước đầu. Qua cái bước mặt dày mặt thớt ấy, mấy buổi sau, mọi chuyện hanh thông. Cũng là đàn ông có vợ, tôi hiểu một trinh nữ muộn phì nhiêu, phồn thực, tràn trề sinh lực như thế có sức cám dỗ ngộp thở. Bố tôi chổng vó lên “giúp đỡ” cũng là điều dễ hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, trước khi tiến hành, bố tôi phải chấp nhận một hợp đồng dân sự bằng miệng. Cụ thể như sau: khi biết chắc là mình có thai, cô ta sẽ biếu bố tôi hai đồng cân vàng ta để bồi dưỡng sức dân. Ngày đó, một đồng cân vàng cũng có thể tậu được một sào ruộng. Kể từ đó trở đi, bố tôi tuyệt đối không được phép tìm gặp cô ta và cũng không được tìm cách đến gần đứa con. Nếu không nghe, cô ta sẽ nói hết chuyện ấy cho mẹ tôi biết.
Thực ra, mẹ tôi chẳng những biết việc đó từ tám đời mà còn tạo điều kiện để họ không mặc cảm tội lỗi. Lấy cớ lên tỉnh chơi với các dì dăm bảy ngày để “khuất mắt trông coi”, bà không vui lắm. Khi về, bà hỏi cả nhà mấy hôm vừa rồi có ai biếu cái gì không. Cả nhà lắc đầu không hiểu ý bà muốn nói gì.
Như mọi lần, bà đem về mấy tệp báo cũ đủ loại, lật giở xem đi xem lại. Cũng không ít bận, bố tôi vẫn nói báo cũ rích thì còn ích lợi gì mà đọc. Song, mẹ tôi bảo những cái gì mình chưa đọc vẫn cứ là mới tinh và có nhiều thứ còn giá trị; tỷ như mấy năm trước có tờ báo phổ biến kinh nghiệm chống sương muối cho khoai tây mà nhà mình áp dụng hiệu quả, thế có cũ rích không? Bố tôi khẽ nhún vai.
Mấy hôm liền, thỉnh thoảng bà lại đằng hắng trong khi bố tôi im thít, có thể nói là nem nép như “rắn mùng năm”. Đánh trống lảng, ông ra ao ném cỏ cho cá. Đôi lúc bà còn ngâm nga mấy câu Kiều nói về việc Thúy Kiều đánh ghen Hoạn Thư, rồi phá ra cười.
Lạ lùng vô hạn và cũng bái phục vô cùng tấm lòng thương xót người cùng cảnh ngộ của mẹ tôi. Cũng từ tình thương đó mà tôi có thêm một người dì và một đứa em trai cùng cha khác mẹ. Thế chẳng quý lắm sao?
Cuộc sống của mẹ tôi và cả gia đình tôi lặng lẽ trôi qua. Cũng có thể cho là tẻ nhạt, đối với những ai hiếu kỳ, hiếu sự. Đến nay, cũng già rồi, tôi càng thấm thía cái điều được cho là tẻ nhạt. Thật không gì hạnh phúc hơn những số phận tẻ nhạt. Phong ba bão tố có lẽ chỉ quý đối với các vị viết tiểu thuyết thôi.