NGUYỄN HỮU NHÀN: Nhà văn viết về làng quê, người quê

NGUYỄN HỮU NHÀN: Nhà văn viết về làng quê, người quê

VŨ QUỐC VĂN

Có lẽ độc giả yêu mê văn chương đương đại viết về nông thôn trong thời đất nước đổi mới không mấy ai không biết đến một tên tuổi, một bút danh nhu lành, nhưng quen thuộc – Nguyễn Hữu Nhàn.

Vốn là dân quê vùng cửa biển, ngấm nhiễm cái tật ăn sóng nói gió, đôi khi cũng bộc bạch bây nhạo, diễu cợt và thậm ghét những thói đời đố kỵ, khinh khi hư bẩn nên tôi rất mê khoái cái bút pháp châm tẩy, hài hóm, tưng tửng trong các văn phẩm của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn.

Và tôi ao ước, tôi mong đợi một ngày nào đó được diện kiến dung mạo, trò chuyện cùng tác giả mình yêu mến, quý trọng.

Rồi hình như là cuộc đời này có duyên kỳ ngộ thật. Hay cũng bởi trời đất đã mang đến cho tôi một điều may, tôi không chỉ được gặp Nguyễn Hữu Nhàn mà bây giờ chúng tôi còn là đôi bạn vong niên để rồi mỗi khi có dịp gặp nhau là cứ quấn quýt, rối rít chuyện rừng, chuyện bể tưởng chẳng bao giờ dứt được.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn

Nhớ lại ngày chưa gặp Nguyễn Hữu Nhàn, chỉ đọc những tiểu thuyết “Dốc nắng”, “Chớm nắng”. Rồi đôi ba tập truyện ngắn “Chuyện làng Gành”, “Phố Làng” … Với những thiên truyện đánh dấu vào trí nhớ “Vợ chồng hò hẹn”, “Người quê”, “Hàng xóm” … in lẻ trên báo văn nghệ. Rồi xem những phim “Ánh sáng trước mặt”; “ Làng Một”; “Đám cưới ở làng”; “Gió qua rừng”… kịch bản của Nguyễn Hữu nhàn, tôi cứ ngỡ tưởng ông nhà văn này còn trẻ lắm. Nhưng hoá ra không phải vậy. Tôi nhầm. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đứng tuổi Mậu Dần, ông sinh ngày 11 tháng 12 năm 1938. Quê ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Cứ mạo thác vào số má tử vi mà “dịch định”, và sau này được ông dốc bầu tâm sự những biến cố đổi thay, hợp tan, tan hợp, lúc thăng khi giáng, rủi may, may rủi thì Nguyễn Hữu Nhàn từng nếm trải xem ra chẳng sai trật là mấy tí. Nghĩa là Nguyễn Hữu Nhàn cũng không là một ngoại lệ số hệ nào. Âu cũng là tại giời sinh giời dưỡng cả. Khách quan thì biện hộ thế, chứ đâu hẳn thế. Ấy là tôi nói phóng lạm ra vậy chứ Nguyễn Hữu Nhàn chẳng bao giờ trách giời, trách đời mà chỉ thấy lúc nào ông cũng vô tư vui tươi, hồn nhiên lắm.

Ông kể với tôi rằng: “ Năm tớ 12 tuổi, ông bà cụ thân sinh đã bắt tớ thành thân với cô vợ lên 8 (tảo hôn ấy mà). Tuổi ấy đã biết yêu đương gì, nhưng đâu dám trái ý mẹ cha. Và, chúng tớ sống với nhau đến tận đầu bạc răng long đấy nhé. Dĩ nhiên sau này tớ có chủ động yêu thêm. Và vui nhất là được cả vợ chính thất cùng người yêu mình hòa thuận nhé”. Rồi ông nheo mắt nhìn tôi cười bí ẩn.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn học hết cấp hai năm 1958. Ông bảo ngày ấy có bằng cấp hai (học hết lớp 7 hệ 10 năm) đã là hiếm và tấm bằng có giá trị xin việc đi thoát li thành người nhà nước rồi.

Thành phố Việt Trì hồi cuối thập niên 50 thế kỷ trước là một trong hai Khu công nghiệp lớn của miền Bắc. Thanh niên Hà Nội cùng trai gái vùng châu thổ sông Hồng nô nức ngược lên miền Trung du Việt Trì xây dựng công trường, nhà máy, tạo dựng cuộc đời mới. Nguyễn Hữu Nhàn gia nhập cùng đội ngũ xung kích tuổi thanh xuân đang phơi phới ấy. Ông rời xa rừng cọ, đồi chè quê nhà xuống miền đô hội học lớp kế toán tài vụ. Và vì học giỏi nên được giữ lại Bộ Giao thông sung vào đội quân thi công cơ giới lưu động. Nhưng Nguyễn Hữu Nhàn nằng nặc đòi về Công ty Đường Sông ngày ấy đóng ở Việt Trì, Phú Thọ quê hương ông.

Từ hồi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, Nguyễn Hữu Nhàn đã mê đọc “Kiếm sống” của Goóc- Ki, “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, và nuôi mộng ước trở thành nhà văn.

Rồi cái mộng ước ấy ngày càng thôi thúc lớn dần trong ông. Nhưng nó thật sự có điều kiện được phát lộ kể từ ngày Nguyễn Hữu Nhàn theo học khoá III Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam, 1968 ở Quảng Bá.

Sau ngày ra trường, Nguyễn Hữu Nhàn về nhận công tác ở Phòng Xuất bản Sở Văn hoá tỉnh Vĩnh Phú. Tiếp đến ông chuyển về Hội Văn nghệ dân gian, rồi Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh Vĩnh Phú.

Thời gian công tác ở Hội Văn nghệ Dân gian, Nguyễn Hữu Nhàn thường xuống sống “ba cùng” với nhân dân. Tiếp xúc, tìm hiểu thực tế cuộc sống ở các bản làng xa xôi heo hút vùng Đất Tổ. Cũng từ những chuyến đi ấy đã giúp cho Nguyễn Hữu Nhàn có lượng vốn sống phong phú và sự hiểu biết sâu sắc, tinh tế văn hóa của làng quê mà không phải ai cũng có được.

Trong những ngày Nguyễn Hữu Nhàn đi điền dã, khảo cứu, sưu tầm văn hoá văn nghệ dân gian, ông luôn có ý thức tự học bằng cách ghi chép, vun góp những hiểu biết, những tư liệu phát hiện về văn hóa, cuộc sống nơi thôn dã mình đi qua.

Quá trình và cả hành trình tự giác hiến trí lực và niềm say mê chân thành vì văn chương, cho văn chương, văn hoá của Nguyễn Hữu Nhàn đã mang lại cho ông nhiều thành công vinh quang và hạnh phúc.

Người đọc, người xem những tiểu thuyết, truyện ngắn, bài báo hay những bộ phim dài tập kịch bản của Nguyễn Hữu Nhàn đều cảm được cái tinh tuý, sâu sắc, qua nét phóng tác phúng dụ dung dị chân mộc như đời sống. Bằng bút pháp này Nguyễn Hữu Nhàn đã gây tạo được hiệu ứng cảm xúc, đánh thức những vùng tối, đánh thức lòng trắc ẩn tới cõi ngóc ngách riêng tư nhất của con người. Chúng ta hãy đọc “Làng nghèo”, “Người quê”, “Đám cưới ở làng” và rất nhiều, rất nhiều truyện nữa của ông sẽ chia sẻ được điều này…

Không thể kể ra hết những gì Nguyễn Hữu Nhàn đã viết, đã gửi gắm tâm trí, tấm lòng mình cho cuộc đời thông qua các tác phẩm, câu chuyện về làng quê, người quê của ông.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có lối viết riêng, một phong cách Nguyễn Hữu Nhàn không lẫn với ai viết về làng quê, người quê. Nói theo thời bây giờ là Nguyễn Hữu Nhàn đã tạo cho mình một thương hiệu, cao hơn là một tên tuổi trong làng văn Việt Nam hiện đại.

Tôi nói vậy, có thể là một nhận định chủ quan và võ đoán. Nhưng xin bạn đọc hãy bình tâm xét nét và dành chút thời gian đọc những gì Nguyễn Hữu Nhàn đã viết.

Sáu thập niên qua Nguyễn Hữu Nhàn đã cho công bố 3 tập tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn và hàng chục kịch bản phim cùng với hàng trăm bài báo cùng các công trình khảo luận nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian là thành quả đáng ghi nhận trong cuộc đời lao động nghệ thuật của ông.

Nếu làm phép thống kê số đầu sách, hay những gì Nguyễn Hữu Nhàn đã viết thì ông chỉ thuộc hàng “phu chữ” tầm trung. Nhưng nói giá trị tác phẩm còn đọng lại trong lòng công chúng yêu văn chương viết về làng quê, người quê thì ông là một nhà văn rất đáng được biểu dương trong làng văn đất Việt.

Đầu xuân Quý mão này Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã bước sang tuổi 86. Nhưng nom dung nhan sắc diện của ông lão dư bát tuần này xem ra còn xuân lắm. Nói là xuân trẻ thế cho thêm lạc quan vui sống chứ vào tuổi ấy chắc cơ thể ông cũng nhiều ít trục trặc rồi. Nhưng là bậc đàn em xin kính cẩn cầu giời cho ông cứ khỏe đều, khỏe mãi để viết về làng quê, người quê cống hiến cho bạn đọc nước nhà.

V.Q.V

Leave a Reply

Your email address will not be published.