Nguyễn Thiên Việt
Hiện tại trên đất nước chúng ta có khoảng 5000 làng nghề trong đó miền Bắc có 1950 làng nghề với số nhân công toàn nước là 10 triệu lao động. Tất nhiên các làng nghề đóng góp một phần lớn GDP hàng tỉ đô la Mỹ. Đó chưa nói các làng nghề chính là nơi duy trì và bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc giữ gìn truyền thống địa phương qua hàng thế kỷ.
Các làng nghề rất đa dạng như: chế biến lương thực thực phẩm, ví dụ: sản xuất miến, phở, bánh cuốn, bánh ngọt…vv sản xuất vải vóc dệt lụa tơ the nhuộm…vv, sản xuất vật liệu xây dựng làm gạch ngói các loại gốm.. sản xuất thủ công mĩ nghệ làm đồ chơi đồ trang sức như đồ gỗ mĩ nghệ, vàng bạc mĩ nghệ… tái chế chất thải và phế thải. So với làm nông nghiệp thì các làng nghề có thu nhập cao hơn, đời sống nhân dân làng nghề tốt hơn và nông dân có thể làm việc tại nhà tận dụng thời gian nông nhàn và giải quyết được nhiều việc làm cho mọi người.
Làng nghề cũng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghệ hóa hiện đại hóa và đóng góp khá quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh các lợi ích đó thì ở một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường khá nặng và làm ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Phần lớn là do các làng nghề nằm lẫn trong khu dân cư chứ không ở một nơi riêng rẽ. Vậy nên, không chỉ những người sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp mà nhân dân trong toàn vùng cũng chịu ảnh hưởng môi trường ô nhiễm chung dẫn đến các bệnh nguy hại sức khỏe và tính mạng.
Thông thường là không khí ô nhiễm do bụi và các loại khí bẩn nên dẫn tới bệnh viêm phổi, đau mắt… Lâu ngày sẽ thành mãn tính rất khó chữa. Còn với những làng nghề liên quan đến kim loại (đồng, chì, kẽm…) và hóa chất thì mức độc hại còn lớn hơn nhiều.
Một số nơi rác thải không được tiêu hủy theo đúng quy định nên làm ảnh hưởng nguồn nước dẫn đến bệnh tật… thậm chí có làng rất nhiều người bị ung thư do ăn phải nước bẩn. Ngoài ra, ánh sáng, tiếng ồn, độ rung… cũng là nguy cơ tiềm ẩn lâu dài với sức khỏe người dân làng nghề. Thường thì mỗi làng có một loại bệnh tật riêng tùy theo loại hình sản xuất của làng đó.
Nhà nước và ngành Y tế cần có định hướng và chính sách quản lý môi trường làng nghề, phát hiện sớm các bệnh sinh ra từ ô nhiễm môi trường, nghiên cứu các nguy cơ có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân làng nghề. Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền và hướng dẫn các qui định an toàn vệ sinh lao động các biện pháp vệ sinh phòng dịch do ô nhiễm môi trường gây ra. Ngành y tế cần thường xuyên nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở, củng cố nhân lực vật chất để đáp ứng mọi nhu cầu khám chữa bệnh nghề nghiệp ở các khu vực có nhiều làng nghề.
Một điều quan trọng nữa, người dân ở các làng nghề cần nâng cao hiểu biết, ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Không bất chấp đánh đổi sức khỏe lấy lợi ích kinh tế trước mắt bằng mọi giá.