Thơ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu trong khoảng hai chục năm trở lại đây, nhất là vào thập niên đầu của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu là vô vàn nỗi lo cho hành trình đến tương lai của các nhà thơ DTTS, liên quan đến vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá trong thời kỳ hội nhập.
1. Thơ DTTS và mối lo ngại “mất dần bản sắc”
Nếu không tính đến một vài hiện tượng có tính nhỏ lẻ, tản mạn trong việc sáng tác và phổ biến thơ DTTS trước năm 1945 [1], thì mốc xác định sự ra đời của thơ hiện đại các DTTS là từ sau cách mạng tháng Tám. Thực chất, trong số 53 DTTS của chúng ta, cũng chỉ hơn chục dân tộc có chữ viết riêng, và ít hơn số đó là những DTTS có nhà thơ của dân tộc mình. Khởi đầu và nổi trội ở dân tộc Tày, Thái, sau đó xuất hiện gần như đồng thời ở các dân tộc khác như Mường, Chăm, Dao, Mông,… Giai đoạn trước năm 1975 là giai đoạn thơ DTTS phát triển trên diện rộng, âm hưởng chủ yếu là ngợi ca. Đội ngũ sáng tác chịu ảnh hưởng rõ rệt từ nguồn văn hoá dân gian của các tộc người mà họ đóng vai trò là những “sứ giả”. Tuy nhiên, khoảng mười năm cuối của thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này, xu hướng phân hoá ngày càng trở nên rõ rệt. Thơ DTTS dần đi vào chiều sâu với sự xuất hiện một số tác giả ít nhiều gây được sự chú ý của dư luận và định hình được những phong cách, cá tính trong sáng tác. Nhiều nhà thơ DTTS đã định vị được tên tuổi của mình trong sự mến mộ của người đọc, tiêu biểu là các tác giả Y Phương (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Mã A Lềnh (dân tộc Mông), Triệu Kim Văn (dân tộc Dao), Lò Cao Nhum (dân tộc Thái), Inrasara (dân tộc Chăm), Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí) …
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, những đóng góp của thơ DTTS trong nền thơ Việt Nam đương đại, còn có những cảnh báo, những quan ngại được dấy lên từ nhiều diễn đàn, từ đàm luận văn chương đến các cuộc hội thảo, từ trả lời phỏng vấn đến những suy tư, trăn trở dãi bày trên trang viết, từ những nhà nghiên cứu đến những người sáng tác…về vấn đề: thơ DTTS đang đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc [2], cũng có nghĩa là đang trên một hành trình tự huỷ diệt. Vậy, thực chất của vấn đề này là gì? Có lẽ, trước tiên, theo chúng tôi, phải xem xét lại những dấu hiệu, biểu hiện của hội chứng mất bản sắc dân tộc. Có thể điểm danh ra đây một số nguy cơ hàng đầu, được nhiều người nhắc tới:
Một là, đội ngũ các nhà thơ DTTS dường như không còn nhiều người thông thạo tiếng mẹ đẻ, càng ít người sáng tác được bằng song ngữ.
Hai là, chất dân tộc miền núi như một thứ giấy thông hành của nhà thơ DTTS đang ngày càng mờ đi, có xu hướng hoà vào văn hoá người Việt (Kinh).
Ba là, những nét bản sắc văn hoá của các tộc người thiểu số như phong tục tập quán, đời sống tinh thần, tâm linh…ngày càng nhạt đi trong sáng tác của các tác giả DTTS.
Rồi còn nhiều biểu hiện khác nữa, để kết luận: thơ các DTTS đang bị pha tạp, bị mất dần bản sắc.
Như thế, không phải chỉ riêng về thơ, nói rộng ra, văn học/văn hoá các DTTS cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bị đồng hoá, bị mất đi bản sắc.
2. Đâu là nguyên nhân?
Ai cũng biết văn hoá không phải là một cái gì nhất thành bất biến. Trái lại, văn hoá có tính lịch sử và luôn vận động, biến đổi. Tuy nhiên, quá trình vận động biến đổi đó dường như chỉ thay đổi được diện mạo chứ không/ít thay đổi được cốt cách. Cái ít thay đổi đó mới là bản sắc. Chúng ta đi tìm bản sắc văn hoá, như cách chúng ta (một số người) đã làm, thực chất là việc truy tìm những cái dị biệt, một sự dị biệt đến khu biệt. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đi tìm những cái không thể có. Bởi trên thực tế, văn hoá- nhìn trong tương quan giữa các tộc người, “không có gì là sự dị biệt đến khu biệt. Sự dị biệt cũng bao hàm tính phổ biến nhất định của nó”[3]. Cái mà chúng ta vẫn cho là khu biệt, là bản sắc ấy, suy cho cùng, chẳng qua chỉ là “yếu tố nổi trội ở tộc người này, nhưng lại ít/không nổi trội ở tộc người khác”[4]. Ngay cả cái được cho là nổi trội ấy, cũng không phải là một thuộc tính bất biến. Cái ta nhìn thấy, và ngay cả cái ta truy tìm, cũng chẳng qua chỉ là một lát cắt văn hoá trong một phạm vi chúng ta có khả năng/điều kiện nhận thức được mà thôi. Chẳng hạn, với người Mông, những yếu tố bền vững trong tâm lí tộc người như tâm thức lưu vong, tâm thức di dân, ám ảnh Hán…, rồi cả cá tính tâm hồn: dũng cảm đến liều lĩnh, phóng túng đến ngang tàng, cả tin đến ngây thơ…là những thuộc tính trội, nhưng trong đó, yếu tố nào là bản sắc của người Mông từ khởi thuỷ, cũng khó mà rành mạnh được. Bởi những thuộc tính tâm lí đó, chỉ hình thành từ những cuộc thiên di, do điều kiện sống quá đỗi khắc nghiệt, phải sống chót vót trên những đỉnh núi cao, trốn tránh sự truy đuổi, tàn sát của người Hán, mới hình thành nên như vậy. Nhiều cứ liệu đáng tin cậy cho rằng, tổ tiên của người Mông là những người trồng lúa nước, sinh sống ở đồng bằng [5]. Vậy thì lẽ nào lại có thể kết luận những yếu tố kể trên là bản sắc văn hoá của người Mông được? Suy cho cùng, nó là một phần biểu hiện của văn hoá, mang những đặc tính trội, trong một giai đoạn nhất định, đủ dài để nó trở thành bền vững.
Trở lại với thơ DTTS. Việc nhà thơ không sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ chưa chắc là nhà thơ đó không còn giữ được bản sắc. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện để biểu hiện văn hoá. Nó là công cụ để góp phần giữ gìn bản sắc chứ không phải là bản sắc. Ai cũng biết, ngôn ngữ là chứng tích văn hóa quan trọng vào bậc nhất của một tộc người. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong văn học nói chung và thơ nói riêng, lại mang những đặc trưng nhất định của nó. Chẳng hạn, trong văn học người Việt. Suốt nhiều trăm năm ông cha ta vẫn nói tiếng Việt nhưng lại viết (sáng tác thơ văn và các thể loại văn học chức năng…) bằng chữ Hán! Vậy có ai nghi ngờ bản sắc Việt có hay không có trong những sáng tác chữ Hán của ông cha? Nếu nhìn rộng ra thế giới thì càng nên suy nghĩ. Ví như Tagor sáng tác bằng cả tiếng Anh và tiếng Pali; Becket, Ionesco viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp; Cao Hành Kiện viết bằng Hoa ngữ và Pháp ngữ (Pháp ngữ nhiều hơn). Chẳng lẽ lại bảo các nhà văn lừng danh nói trên đánh mất đi bản sắc? Viết bằng ngôn ngữ nào không quan trọng, điều quan trọng là ở chỗ sử dụng thứ ngôn ngữ đó thế nào, nghĩa là cách tư duy, biểu đạt. Cho dù viết bằng tiếng Việt, không nhà thơ người DTTS nào lại có cách tư duy thuần Kinh đến tuyệt đối. Trái lại, dù được coi là sáng tác khá thành công về đề tài dân tộc miền núi, Tô Hoài hay Ma Văn Kháng, Nguyên Ngọc cũng không thể nào có được cách cảm, cách nghĩ của người thiểu số. Vậy nên, nói như Tô Hoài, những sáng tác về miền núi của ông, dẫu được coi là thành công, thực chất cũng mới chỉ là những phác hoạ, chưa thể là sơn dầu, sơn mài được. Raxun Gamzatôp từng nói: “Không ai có thể hiểu ngôi nhà hơn bốn bức tường của nó”. Nhà thơ DTTS, dù viết về gì đi nữa, thì cái chất dân tộc vẫn ngấm sâu vào từng tế bào, hiện hữu ở từng nhịp đập trái tim, lan toả vào từng mạch máu, không thể / không dễ thay đổi được.
Ngoài ra, việc phong tục tập quán, đời sống tinh thần, tâm linh không được biểu hiện nhiều trong sáng tác của một số nhà thơ DTTS, theo chúng tôi, cũng không lấy làm vấn đề qua lo lắng, bi quan. Những phong tục tập quán, những hội hè đình đám, những lối ăn lối mặc… đúng là nó mang vác hồn vía, tính cách, thói quen, tâm lí…dân tộc nhưng không phải là cái duy nhất. Hơn thế, nó chỉ có giá trị khi cộng đồng dân tộc sống khép kín, xa lạ/cách với các cộng đồng khác. Thời hiện đại tính chất tự trị, khép kín được thay thế bằng sự giao thoa, tiếp nhận, biến đổi. Vậy thì, đương nhiên những cái riêng biệt kia sẽ dần mất đi, hoặc ít nhất là biến đổi. Nhà thơ không phải là người sưu tầm những chứng tích về một thời đã qua. Không ai cấm người Tày đi xe máy, lái ô tô, sử dụng Internet…, và chẳng ai bắt người Tày cứ phải mặc áo chàm, hát lượn, hát then… để bảo tồn bản sắc. Đành rằng nhà thơ góp phần làm sống lại văn hoá như một sứ mạng cao cả. Nhưng cũng không có nghĩa văn hoá là một cái gì cố định, bất biến, đã được định vị từ trong lịch sử mà ta vẫn gọi là truyền thống. Văn hoá, về bản chất không/ít thay đổi nhưng lại có sự tái cấu trúc liên tục về chất liệu. Không thể coi những dấu hiệu văn hoá mà ta dễ dàng quan sát, trong thế đối sánh và nhận thấy có sự khác biệt với những cái gọi là đặc trưng văn hoá đã được mặc định từ truyền thống, để rồi bảo rằng ta đang mất đi bản sắc như đánh rơi một hiện vật có thể cầm nắm và định giá được. Không có nhà thơ nào, dù viết về những thứ ở trên trời, mà không phản ánh hiện thực, mà không phải chịu sự chi phối bởi những ám ảnh văn hoá từ cái nôi mà anh ta đã sinh ra, đã trải nghiệm. Nó ăn sâu và bền vững từ trong vô thức. Điều khiến những người quan tâm đến văn hoá lo ngại là một sự hoà tan trong hội nhập. Chúng tôi cho rằng, sự hoà tan ấy chỉ là thứ được biểu hiện ra bên ngoài, là những vấn đề được liệt kê trong hồ sơ văn hoá mà thôi. Nó không phải là vân tay, là căn cước văn hoá của mỗi tộc người. Văn hóa không phải là cái thuộc về quá khứ. Văn hóa luôn thuộc về thì hiện tại, nó luôn đồng hành với con người, luôn luôn. Chủ nghĩa bảo thủ cho rằng bản sắc thuộc về cái bất biến. Và vô tình đã đẩy văn hóa luôn thuộc về quá khứ, dị ứng với hiện đại và bản sắc đã bị đồng nhất với cái dị biệt. Gần đây, người ta chứng kiến một làn sóng du lịch đi tìm kiếm cái dị biệt của các tộc người chậm phát triển. Và thế là người ta càng cường điệu cái gọi là bản sắc…
Người Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu sắc sẽ nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, điều đó không khác gì người dân tộc chỉ nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh) mà không nói tiếng mẹ đẻ. Bản sắc văn hoá vừa là cái được bộc lộ-cái đặc trưng nổi trội, dễ nhận ra, lại vừa là cái mẫu ADN được ẩn giấu, chỉ có thể nhận diện nó qua giám định. Cái dễ nhận ra cũng dễ biến đổi, vì đó chẳng qua là những biểu hiện văn hoá mang tính thích ứng với điều kiện xã hội trong những không/thời gian văn hoá được xác định. Văn hoá mang nhiều gương mặt của một tâm hồn. Những gương mặt ấy ở mỗi giai đoạn lịch sử là biểu hiện cụ thể của “sự tái cấu trúc liên tục chất liệu khi tộc người phải xê dịch vì tị nạn chính trị, tìm kiếm sinh kế, liên kết hay va chạm trong cộng cư với các tộc người lân cận”[6]. Nhà thơ Y Phương sáng tác bằng tiếng Tày (là tiếng mẹ đẻ), nhà thơ Vi Thuỳ Linh, dân tộc Tày, sinh ra ở Hà Nội, in thơ bằng tiếng Anh, liệu giữa họ có điều gì khác nhau? Biết đâu/có thể cái căn cước Tày ở Vi Thuỳ Linh chính là viết về tình yêu một cách thẳng thắn đến tạo bạo; là sự phơi gan, phơi ruột trước trang giấy cả những điều thầm kín nhất mà không cần nguỵ trang. Vậy thì đó chính là bản sắc. Nó không mất đi, mà được trú ẩn trong một gương mặt khác, một hình thức biểu hiện khác.
3. Thực chất, chúng ta cần/nên lo lắng về điều gì?
Chúng ta đáng lo về điều gì cho thơ DTTS trong thời kì hội nhập? Liệu có phải trong tương lai, thơ DTTS không còn bản sắc? Sẽ là như vậy nếu chúng ta cứ nhìn văn hoá như nhìn những hiện vật ở bảo tàng. Cũng vì thế mà không giải được bài toán về mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn và phát huy. Phát triển luôn gắn liền với sự vận động. Bản thân văn hoá cũng bao hàm ý nghĩa vận động. Mỗi chúng ta trong hành trình cuộc đời từ thời thơ ấu đến khi về già có sự thay đổi rất lớn từ gương mặt đến vóc dáng cơ thể. Nhưng cái bản tính/căn cốt của mỗi người thì vẫn được bảo lưu. Người Mông ở Pháp, ở Mỹ, ở Úc, ở Canada không còn ở nhà trình tường, sống trên những đỉnh núi, tra ngô hốc đá và săn bắt thú rừng, thử hỏi con cháu họ làm sao còn giữ được tập quán “ăn theo lửa”?. Lại nữa, nếu coi khẩu súng và cây khèn là những biểu tượng văn hoá tiêu biểu của người Mông, thì chưa chắc những biểu tượng ấy đã được lưu giữ ở những khu vực người nói trên. Nhưng chắc chắn, “người Mông là một dân tộc có phẩm chất văn nghệ ở mức cao”[7] là điều khó biến đổi.
Vấn đề cốt yếu nhất, theo tôi, không phải là mối lo thơ DTTS đang mất đi băn sắc văn hóa trong sáng tác của mình, mà là vấn đề, các nhà thơ DTTS sẽ mất đi bản lĩnh, một thứ bản lĩnh có thể giúp cho mỗi nhà thơ DTTS có được bản sắc riêng của mình; bản lĩnh để họ có thể đủ tự tin theo đuổi đến cùng những đam mê, kiên trì đến cùng trên con đường mình đã chọn, trong hành trình tự bộc lộ mình và luôn biết làm mới mình. Cái mà mỗi nhà thơ DTTS cần là cá tính sáng tạo, là tâm thức của nhà thơ trước những vấn đề của xã hội, của cuộc sống, chứ không phải là lối viết “giăng màn quá khứ” để bảo lưu cái gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Hội nhập văn hoá cần đến sự thay đổi, thay đổi từ trong tư duy đến tập quán. Thay đổi để hội nhập là điều tất yếu. Vậy thì, sẽ đến một ngày, những tác giả DTTS sẽ không viết thơ bằng tiếng mẹ đẻ của mình, cho dù họ vẫn viết về quê hương- một quê hương không còn nhìn thấy những biểu hiện văn hoá truyền thống. Liệu đó có phải là điều đáng sợ, điều tồi tệ nhất trên đời? Tôi lại nghĩ, trong một chừng mực nào đó, đấy là điều đáng mừng. Bởi những nhà thơ DTTS đã biết không ngừng vươn xa hơn trên hành trình sáng tạo. Điều quan trọng là họ đủ khả năng để hoà tan tâm hồn mình vào dòng chảy chung của văn hoá nhân loại hay không? Khi sáng tác đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, tác phẩm trở thành bất tử thì bản sắc văn hoá sẽ được hồi sinh. Hãy cứ yên tâm một điều, nước biển bốc hơi đi sẽ còn lại vị muối, còn nước suối, dẫu có bốc hơi cạn cả dòng cũng chẳng để lại giọt muối nào.
Nguyễn Kiến Thọ
CHÚ THÍCH
[1] Trường hợp Hoàng Đức Hậu của người Tày và Ngần Văn Hoan của người Thái.
[2] Xin xem: Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2007), Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời kì đổi mới. Nxb Văn hoá Dân tộc.H.
[3],[4],[6] Nguyễn Mạnh Tiến (2014), Những đỉnh núi du ca-một lối tìm về cá tính H’mông. Nxb Thế giới.H.
[5] F. Savina (1924), Lịch sử người Mèo. Bản dịch của Trương Thị Thọ và Đỗ Trọng Quang, Phòng tư liệu, Thư viện Dân tộc học.H.
[7] Hồng Thao (1997), Âm nhạc dân tộc Mông. Nxb Văn hoá Dân tộc. H.