Trần Thị Trâm
Nhà báo Trần Đăng Thao (nguyên Tổng biên tập báo Giáo dục & thời đại) làm rất nhiều thơ và cũng đã xuất bản 8 tập thơ tiếng Việt, 1 tập thơ chữ Hán “Cố Nhân” (Nxb Thanh Niên, 1999).
Ông còn là dịch giả Hoa ngữ và Nga ngữ, là người đã dịch tới 25 đầu sách. Trong đó, bộ “Thông sử thế giới vạn năm” của Trung hoa, 10 tập, tổng số tới 12.000 trang (Nxb KHXH, H, 2004) do ông cùng 2 cô con gái Trần Việt Hoa và Trần Ngọc Hoan chuyển dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt.
Nhưng có thể nói, báo là nghề còn thơ là nghiệp, thơ mới là lĩnh vực đam mê và bộc lộ rõ sở trường của ông.
Đọc thơ Trần Đăng Thao, ta có cảm giác, hình như trời sinh ra ông là để làm thi sỹ. Bởi là người đa tình, thơ ông rất giàu cảm xúc mà phần lớn là những chân cảm, chân ái nên cứ ngỡ là bồng bột mà vô cùng sâu sắc. Chất thơ dường như không nằm ở thi liệu mà ở cảm xúc về thi liệu, vẻ đẹp ngôn từ nhiều khi đã nhường bước cho chiều sâu tâm tưởng:
– Gấp sách tiếng ngân không dứt
Ngỡ ngàng như một trẻ thơ
Vũ trụ triệu năm đốn ngộ
Không ngoài hai chữ HỮU – VÔ
(Đạo đức kinh)
– Anh qua trăm biển ngàn hồ
Chiều nay chết đuối bên bờ sông yêu
(Ơi người phố Hiến)
– Gửi em tấm áo phong trần
Để em phơi giặt một lần vì anh
(Xứ Đoài mây trắng)
Mà theo Hữu Thỉnh, “cảm là nhận thức vượt khung của thi sỹ” 1, vì thế, ông viết rất tốc độ, rất thời sự. Ở tuổi thất thập nhưng hầu như ngày nào Đăng Thao Trần (nick name) cũng có thơ đăng trên facebook với không ít câu thơ tài hoa:
– Đoạt hết đất trời, tinh túy hương
Thong dong tạo hóa giữa vô thường
Nụ hoa chúm chím giai nhân tiếu
Đã thấy xuân về giữa tuyết sương
(Chợ hoa ngày áp Tết)
– Một trái thiên tài chưa kịp chín
Đã hoàng hôn trắng trước hừng đông”
(Bên mộ Hàn Mạc Tử)
– Câu thơ lướt khướt
Ngày theo tháng
Một khối tình con
Vấn vít hoài”
(Thăm mộ Tản Đà)
– Những bản Thái
Mây mù lở tở
Những bản Mông
Bám vách đá lên trời”
(Nghĩa Lộ)
– Thầy giáo trẻ bơi trong huyền thoại
Sông Đà nghiêng, một nét trăng thanh
(Nhớ bác Trần Lê Văn)
Quả thật, ở tuổi 70 hồn thơ của ông đang độ chín: bút lực thi nhân đang rất dồi dào, bút hồn luôn tươi mới, thi hứng vẫn nồng nàn, thi cảm thật mãnh liệt. Có tuổi rồi mà mắt yêu vẫn không ngừng lấp lánh:
– Bảy mươi vẫn còn khỏe
Thi tứ vẫn dồi dào
Mắt yêu còn lấp lánh
(Bạn cũ)
Với linh giác của một nghệ sỹ có trái tim mẫn cảm, ông nhanh chóng phát hiện chất thơ trong cuộc sống và thơ hóa nó một cách dễ dàng. Dường như ông bước chân tới đâu là ở đó có thơ:
– Xao xác canh dài lắng tiếng ve
Hút sau ngõ vắng lối em về
Trăng đêm Phủ Lý chừng viên mãn
Rời rợi vàng gieo theo miệt đê
(Đêm trăng Phủ Lý)
– Lắc thắc lúa đương vào cữ mẩy
Trời vừa se lạnh chớm Đông về
Sông Diêm thập thững bò ra biển
Một vệt xanh mờ phía Cồn Đen
(Nhớ anh Vũ Bão)
– Ba Vì Bất Bạt xanh ngô lúa
Đủng đỉnh bò đi trăng vàng ngân
(Bên mộ Tản Đà)
– Chưa ở đâu gió đa tình đến thế
Chiều Hậu Giang xanh đến vô cùng
Chưa ở đâu đất hào phóng thế
Như mắt xoài ăm ắp nhớ nhung
(Chiều Hậu Giang)
Trong ông luôn có hai con người: một nhà báo luôn trăn trở về trách nhiệm xã hội của người cầm bút và một thi sỹ tài tử thường trực ở trạng thái thăng hoa:
Một ngàn năm
Một vạn năm
Ai thương ngọn bút
Cho bằng thi nhân
(Nguyên tiêu)
Có lẽ vì thế, thơ Trần Đăng Thao rất phong phú về nội dung, đa thanh trong giọng điệu. Cảm hứng sử thi rất nổi trội mà cảm hứng thế sự cũng không kém đậm đà. Bên cạnh giọng khẳng định ngợi ca là thái độ phẫn nộ trước cái xấu, cái ác. Bên cạnh nỗi buồn nhân thế là giọng hài hước giễu nhại, tự trào. Ở đó, có hào khí của những áng văn yêu nước đầy nhiệt huyết, có sự cao sang của Đường thi, có cái chân quê của Nguyễn Bính và cả cái ngông của Tú Xương, Tản Đà…
Dĩ nhiên, bao trùm trong thơ ông là tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc, là tình yêu con người, là niềm tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử oai hùng của dân tộc và khát vọng cháy bỏng về một thế giới hòa bình, một đất nước phồn vinh, ấm no hạnh phúc. Đúng như ông đã bày tỏ ở Lời thưa đầu sách tập thơ “Mùa chim lạc bay về” (Nxb HNV, 2020): “Tôi muốn gửi đến các bạn một thông điệp: Niềm tin sắt đá vào tương lai tươi sáng và sự phồn vinh của giống nòi Lạc Việt”. Quả thật, dấu ấn sử thi in đậm trong những bài thơ chính luận của ông:
– Ơi chim Lạc
Ơi hồn thiêng đất Việt
Nghe dòng chảy 4000 năm thao thiết
Trong mạch ngầm nhân loại hôm nay
(Ngã ba Hạc)
– Ngàn vạn người Theo cô Ba Định
Mỏ Cày ơi! Chết cũng vùng lên!
Theo những chiếc khăn rằn đẫm máu
Giành tự do khí thế xung thiên
(Thăm nhà lưu niệm cô Ba Định)
Điều thú vị là, những vấn đề sử thi (và cả những vấn đề thế sự) thường được nhà thơ thể hiện một cách rất trữ tình, trong những câu thơ mềm như lụa vừa làm rung động trái tim vừa hàm ngậm những triết lý sâu sắc:
– Lửng lơ
Mây quấn đầu non
Ta về thăm
Thuở trời tròn đất vuông
Thung mờ cổ tích, sương buông
Cây đời,
Hiểu lẽ vô thường mà xanh
(Tháng ba lên đền Hùng)
– Hỡi dòng sông sinh tử
Chảy về nẻo luân hồi
Xót lòng ngày vĩnh biệt
Biết bao giờ cho nguôi?”
(Tăng ơi)
Thơ ông có lửa và có khả năng truyền cảm hứng lớn tới bạn đọc, đánh thức ở họ tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm công dân:
– Ơi con cháu của vua Hùng Thần Thánh
Hãy nhớ mình là dân nước Văn Lang….
Nổi trống lên!
Nghìn mường vạn bản
Từ Trường sa
Tới đỉnh Trường Sơn
Biển Đông cuộn sóng ngày dâng Tổ
Nước non này
Gấm vóc đẹp tươi hơn
(Thơ dâng ngày giỗ Tổ)
– Tự hào Việt Nam
Sừng sừng trời Đại Việt
Giữa văn minh sông Hồng
(Gốm Chu Đậu)
Ý thức rất rõ về trách nhiệm của người cầm bút, ông luôn đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai đất nước:
Trời cho Việt tộc nhiều báu vật
Có giữ được không/ hỡi cháu con?
(Trưa ở Cúc Phương)
Và cả những vấn đề cấp bách có tính chất toàn cầu, liên quan tới sự sống còn của nhân loại như: biến đổi khí hậu, đại dịch hoành hành, ô nhiễm môi trường, chiến tranh và nhất là bệnh thực dụng đến từng centimet đang hàng ngày hàng giờ lên ngôi. Không ảo tưởng, ông luôn cùng bạn đọc đối diện với sự thật trần trụi và lên tiếng cảnh báo con người:
“Đừng ảo tưởng/ Lên cung trăng thì sống/ Cung trăng ư? / Phóng xạ nhiễm lâu rồi”
(Truyện ở Malayxia)
“Trái đất của chúng ta/ Liệu có phải/ là ngôi nhà hạnh phúc?”
(Vô nghiệm)
Với cái nhìn sắc nhọn của một nhà báo nên thơ Trần Đăng Thao có tính thời sự cao. Như một chiếc ra đa thính nhạy, ông luôn phát hiện kịp thời và đưa vào thơ mình những vấn đề còn tươi mới vừa xảy ra trong cuộc sống thời 4.0: một người bạn thơ vừa ra đi vì một căn bệnh ung thư quái ác, một chiến sỹ đặc công vừa nằm xuống, mùa đại dịch covid vừa bùng phát, nạn lụt lội vừa xảy ra ở Hà Giang: “Thương bảy vùng biên ải/ sao cay cực hỡi trời?” (Lụt ở Hà Giang)…
Ông đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề thế sự, nhất là những vấn đề hậu chiến (Lòng mẹ, Người thương binh, Người hát rong) và những trớ trêu của cõi người khi mà “Những dối lừa/Bay lả tả giữa đời mê “(Vô nghiệm). Ông đặc biệt cảm thương với những ai yếu thế, thiệt thòi, những mảnh đời bất hạnh, cô đơn, buồn tủi: “Muốn chết không chết được/ Vật vờ như cỏ cây” (Bà cụ người Mông); đồng thời cũng luôn trăn trở làm thế nào để xã hội phát triển công bằng dân chủ văn minh, đất nước hòa bình hạnh phúc ấm no cho đàn chim lạc mãi bay về:
“Sự đời muôn mối bòng bong/Sự thơ?/ Sự thế?/Sự lòng?/Sự sinh”…
(Gửi Hoàng đại ca).
Ngoài hai cảm hứng sử thi và cảm hứng thế sự, mảng thơ có tính chất trào phúng, khôi hài của ông cũng khá đặc sắc. Có tiếng cười nhằm phê phán những kẻ vô nhân tính (Khúc đồng dao). Có tiếng cười nhằm vào những thói xấu “đáng yêu” của cánh bạn thơ: một ông thi sĩ nửa mùa nhưng mê thơ thái quá (Chuyện ông anh), một ông bạn thơ có thói phong tình (Dặn một ông anh), hoặc chỉ là đùa vui tếu táo cùng bạn bè (Gửi bác Quýnh, Gửi hai cụ đốc, Gửi Trần Thi nhân…). Và nhiều khi nhà thơ lại tự cười mình một cách hài hước, hóm hỉnh: “Em giờ kiêng món thịt gà/Cũng như hai bác/ Giờ bà kiêng ông/Xót thay/ Phận cải lên ngồng/ Trả xong nợ đất mình không còn gì” (Đùa hai bác). Rồi lại tự cười cái nghèo, cái sự ngu ngơ trên mây dưới gió “dễ thương” của kẻ làm thơ vô tích sự:
– Tôi hay mắc bệnh tiên khồng
Đi đâu bà nhớ mấy đồng xùy ra
– Lạ gì thơ thẩn nhà anh
Có ôm cột điện
Cũng thành em yêu
(Đùa vợ)
Thơ Trần Đăng Thao giàu cảm xúc bởi ông là kẻ nặng tình. Thơ vốn là tiếng nói tình cảm song cảm xúc nơi ông thường cái gì cũng quá một chút nên trong thơ ông tình yêu, niềm thương, nỗi nhớ cứ giăng mắc hoài khắp nẻo: Nhớ Ý Yên, nhớ Trần Lê văn, nhớ nước Nga, nhớ con gái nhà văn, nhớ nhã Nam, nhớ Kon Tum, nhớ em, nhớ chị, nhớ bạn, nhớ giáo sư Hoàng Tụy, nhớ Vũ Từ Trang, đặc biệt là nỗi nhớ song thân đã khuất núi lâu rồi mà bóng hình mẹ cha vẫn bảng lảng đâu đây:
Cha ngồi trước hiên mài mực
Tóc bay trong gió lòa xòa
Con lạc vào miền cổ tích
Theo từng nét chữ tài hoa
(Thơ dâng cha)
Cho đến lúc đã ở tuổi thất thập, còn hóa thành chú bé con giữa ngày tháng bẩy khóc vì thương nhớ ngày xưa:
Có chú bé 72 ngồi khóc
Ngoài trời thu tầm tã mưa bay
(Tháng bảy)
Là một nhà báo có năng khiếu thi ca, có vốn văn hóa sâu và rộng lại nắm rất vững kỹ thuật làm thơ, Trần Đăng Thao bao giờ cũng có cách giật tít ngắn gọn, súc tích, mà vẫn rất thơ (Thơ, Về Thi, Tăng ơi!). Cách vào đề rất tự nhiên: “Xuân này mẹ đã 84/ Con nhìn dáng mẹ hình như hơi gầy” (Thơ dâng mẹ); “Ô cái chợ Xuân Hòa” (Xuân Hòa); “Ô kìa! Trăng muộn đã ngang đầu/Ta nhớ cô mình nhớ đã lâu” (Lại một đêm trăng)
Cái kết trong thơ ông thường là kết mở, nhẹ nhàng, tạo cảm giác hứng thú cho người đọc: “Ba nén hương thơm Con thắp/ Cha về/ Thượng hưởng/ Thưa cha!” (Thơ dâng cha);
“Thung thăng ba chén rượu/Thơ phú một vài đôi” (Hoa kiểng); “Những đỉnh núi cả triệu năm tuyết phủ/ Thành La Sa/ Lấm chấm vạn vì sao” (Qua Thành Đô)
Ông có khả năng huy động tư duy thơ, kết hợp với sự biến ảo của chữ và trường liên tưởng tinh tế rộng về không gian và sâu về chiều kích văn hóa nên câu thơ của ông luôn giàu sáng tạo và vô cùng khoáng đạt:
“Hạ chín trong lòng trái chín/ Hương thơm lựng cả trời xuân”(Thơ dâng cha)
“Trăng rắc vàng trên từng chóp núi/ Muôn ngàn ô áo bén duyên nhau!”(Về miền Quan Họ)
“Lâu rồi không lên Tam Đảo/ Trời mây, vẫn cứ trời mây/ Mà nắng vẫn vàng như nắng/ Mà thu vẫn biếc trong cây” (Nhìn về Tam Đảo)
Ông là người thông thạo nhiều thể loại thơ cổ điển phương Đông (5 tiếng, 6 tiếng, 7 tiếng của Trung Hoa) và các thể thơ dân tộc, đặc biệt là lục bát. Ông có tập thơ chữ Hán Cố nhân gồm 72 bài, trong đó có Khốc Hồ Chủ Tịch, được viết ngày 6/9/1969 khi tác giả tròn 20 tuổi. Đó là nén linh nhang ông thành kính dâng lên Bác kính yêu khi Người về cõi vĩnh hằng:
Khóc Hồ Chủ Tịch
Thắng tận anh hùng siêu vĩ nhân
Tâm như nhật nguyệt trí như thần
Sơn hà tinh kết anh hoa tại
Thiên tải hồng quang đức, nghĩa, nhân
Dịch thơ:
Khóc Hồ Chủ tịch
Hơn mọi anh hùng hơn vĩ nhân
Lòng son vằng vặc trí như Thần
Sơn hà chung đúc tinh hoa lại
Sáng vạn đời sau đức, trí, nhân.
Còn Kính Võ Đại tướng ông viết ngày 20/7/2007, khi cùng đoàn cán bộ Cựu giáo chức của Bộ Giáo dục tới thăm và chúc thọ Đại tướng tại tư dinh 30 Hoàng Diệu:
Kính Võ Đại Tướng
Bách tuế tinh anh Việt sử kỳ
Nhất sinh thống tướng cổ kim thi
Vị dân vị quốc trung can tận
Thiên tải anh hùng cẩm tú thi
Dịch thơ
Kính tặng Võ Đại Tướng
Trăm xuân minh triết lạ lùng thay
Thống tướng lừng danh Tổ quốc này
Vì nước tận trung, dân tận hiếu
Anh hùng muôn thuở cánh thơ bay
Điều đáng nói là thi sỹ họ Trần rất có ý thức đổi mới thơ truyền thống theo hướng dân tộc mà hiện đại. Với những thể Đường thi, một mặt ông tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc (vần, gieo vần, đối, luật) và thi pháp của thơ cổ điển, mặt khác ông lại chủ trương Việt hóa chúng một cách sáng tạo sao cho vừa chuyển tải những nội dung thuần Việt vừa phù hợp tâm lý và cách biểu đạt của dân tộc mình theo xu hướng cách tân:
– Anh về mẹ bảo con Xoan nó
Qua cữ giêng hai cũng lớn rồi
Mẹ bấm tết này thì 19
Anh vừa hai mốt
Đẹp duyên đôi
(Nhớ Hoàng Cầm)
– Bóng ai khuất vào lối nhỏ
Sau làn mây trắng nõn như…”
(Nhìn về Tam Đảo)
Với thể lục bát, ông có những phá cách hết sức linh hoạt, uyển chuyển:
Quê mình
Là đất Tam nguyên
Hơn đời
Cái vạt đồng chiêm ao bèo
Từ trong cái đói cái nghèo
Mẹ cha nuốt lệ
Để giao hạt vàng
(Em gái)
Chất liệu dân gian được sử dụng đắc địa nên những câu lục bát của ông thường mềm mại sang trọng bác học nhưng lại thấm đẫm hồn dân tộc:
Yêu em năm đợi mười chờ
Cánh cò chớp trắng bên bờ ca dao
(Nguyên tiêu)
– Mỏng manh là cái lưới tình
Mà sao đổ quán xiêu đình như chơi
(Gửi Vũ thi nhân)
Ngôn ngữ trong thơ Trần Đăng Thao là sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ nôm na của dân gian: “Ơi hai thằng cháu ngoại/ Ông yêu quý nhất nhà/ Đi đâu ông cũng gọi / Ơi thằng Tô thằng Khoa” (Viết cho hai cháu).
Thỉnh thoảng xen vào những tiếng láy (gỉ gì gi, đẩu đầu đâu, xửa xừa xưa), tiếng đệm làm cho mỗi con chữ không bị xẹp lép mà căng căng phồng sức sống và thật dễ thương:
Nhớ nhau chỉ có mấy lời
Xứ Đoài mây trắng
Vũ ơi! Vũ hè!”
(Gửi Vũ thi nhân)
Ở thơ ông cũng không thiếu những từ mới lạ: mây mẩy, lở tở, lướt khướt, phì phà, thập thững, lắc thắc …
– Ngồi bắt chân chữ ngũ
Thở khói bay phì phà
(Người đánh xe thổ mộ)
– Lắc thắc lúa đương vào cữ mẩy
Trời vừa se lạnh chớm Đông về
Sông Diêm thập thững bò ra biển
Một vệt xanh mờ phía Cồn Đen
(Nhớ anh Vũ Bão)
Sinh ra trong một gia đình cha mẹ yêu thơ văn, ở một vùng quê nghèo nhưng lại có rất nhiều người biết làm thơ, tình yêu thơ ca đã ngấm vào ông từ rất sớm. Cách nhà ông trong bán kính chừng 10 km có đến 5 văn sỹ nổi tiếng: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, cụ Tú thành Nam Trần Tế Xương, nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, Nhà văn đất Đại Hoàng Nam Cao, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải. Làng Họ nhỏ bé bên đường quốc lộ 21 của ông hiện có 3 người là Hội viên hội nhà văn Việt Nam. Đối với một nhà thơ, điều quan trọng nhất là phải có một vùng quê, để thương để nhớ và là nơi cho tâm hồn neo đậu. Vùng đất văn Nam Hạ với những trầm tích văn hóa ngàn đời đã in bóng rất đậm trong từng trang thơ của tác giả.
Là người ham học và cầu thị, lại có nhiều năm học tập, làm việc tại Trung Quốc, Liên bang Nga, Trần Đăng Thao đã nỗ lực chiếm lĩnh kiến thức rồi thể trở thành một nhà báo, một dịch giả, một nhà thơ có chân tài biết chơi Violong, biết viết thư pháp đẹp.
Ở độ tuổi 70, thơ ông đang độ chín và đang hứa hẹn những thành công mới.
1 Hữu Thỉnh, “Bến văn và những vòng sóng”, Nxb HNV, 2020, tr.152