“Chỉ còn gang tấc” chạm vào góc khuất tâm hồn

“Chỉ còn gang tấc” chạm vào góc khuất tâm hồn

Bùi Quý Thực là một trong nhiều nhà thơ sinh ra và lớn lên tại đất cảng Hải Phòng. Để bản thân không chìm trong số nhiều đó, anh không ngừng sáng tạo và làm mới cách diễn đạt để cảm xúc trong mỗi bài thơ đều gây ngạc nhiên thích thú đối với độc giả.

“Chỉ còn gang tấc” là tập thơ thứ 7 trong sự nghiệp thi ca của Bùi Quý Thực. 76 bài trong tập thơ này “bóc mẽ” gần như trọn vẹn tâm hồn người viết: yêu thương những điều bé nhỏ, giản dị và gần gũi; nâng niu, trân quý tình cảm gia đình, tình bạn, tình đời – những điều mà vì bộn bề trong cuộc sống, đôi khi chúng ta lỡ quên.   

Tập thơ “Chỉ còn gang tấc”

Và nếu ai đó lỡ quên, hãy thử trải nghiệm những con chữ của Bùi Quý Thực, thử đặt mình vào khung cảnh “Chiều quê” mà anh vẽ ra bằng thơ:

“Đồng xanh chấm một cánh diều/ Vi vu buộc cả những chiều tuổi thơ/ Miền thiêng vẳng khúc ầu ơ/ Hàng tre ngả bóng xanh mờ thinh không…”

Giữa cái xa lạ và quen thuộc, hẳn nhiên trái tim của người trưởng thành sẽ biết mình muốn chọn cái nào. Điều quen thuộc với ta luôn dễ hiểu hơn cái ta chưa biết vì ta đã có thời gian gắn bó với nó, nó nằm trong vùng thoải mái của ta. Chạm vào thơ Bùi Quý Thực, ta mới thấy chiếc lá, cụm mây, dòng nước, cọng cỏ,… thực là quý. Cái lạ và hay ở thơ Bùi Quý Thực còn thể hiện ở cách diễn đạt ngữ nghĩa đầy duy cảm.

“Tiếng tơ trùng cả tiếng mưa/ Giọt buồn lã chã nghiêng đưa cung đàn/ Vịn dây day dứt than van/ Dửng dưng nhẩm đếm ngập tràn tai ương…”

Mỗi điều ta trải qua đều là sự khám phá mạnh mẽ về thân phận con người và những cảm xúc đi kèm với nó. Nhiều tác phẩm trong tập thơ “Chỉ còn gang tấc”, Bùi Quý Thực dành tặng người thân và những người bạn hữu, phần lớn họ đều là nghệ sĩ – một hành động thể hiện sự quý trọng và thấu cảm mà tác giả dành cho những tri âm của mình. Vì đó mà tập thơ bỗng nhiên trở thành góc sẻ chia, tâm tình của những tâm hồn dễ rung cảm với cái đẹp. 

Cái đẹp ở đây không hẳn là thứ ta có nhìn hay ngửi bằng những giác quan thông thường, mà còn là sự gắn bó sâu sắc, những quan tâm ấm áp nhất giữa người với người, giữa người với đời.

Theo cách đó, thơ Bùi Quý Thực còn là công cụ mạnh mẽ khi tìm được đường đi, dù là trực tiếp hay gián tiếp, đều sẽ chạm đến những vấn đề lớn nhất trong đời sống thực tại.

“Thơ đau rút ruột đam mê/ Con đò bến nước lắng nghe sông buồn/ Mạn thuyền nước nở nụ hôn/ Kiếp người đè nặng co cơn rút sầu…”

Vẻ đẹp trong thi ca có thể vượt xa vẻ đẹp đơn thuần. Với Bùi Quý Thực, có lẽ cảm giác về vẻ đẹp nằm trong âm thanh, hoặc trong hình ảnh trực quan mà câu chữ của anh có thể gợi lên.

Thơ Bùi Quý Thực không chỉ có rung cảm, thấu cảm mà còn có cả sự dũng cảm. Ta nghĩ gì, quan tâm đến điều gì nhất, ta nên tìm cách nói ra, dù là qua ngôn ngữ nghệ thuật. Và, một trong những công cụ “nói” được sắc bén nhất chính là thơ.

“Âm thầm câu chuyện đa mang/ Buồn tình dội cả nắng vàng vào thơ…”

Nhiều nhà thơ, trong cả sự nghiệp của họ, đều viết về những trải nghiệm với nỗi u sầu, và chính những tác phẩm thấm đẫm vẻ u sầu đó đã gây tiếng vang với nhiều thế hệ độc giả. Với Bùi Quý Thực, nỗi buồn cũng là sức mạnh. Anh cùng với con chữ của mình đối phó với nỗi buồn và hóa giải nó. Sầu muộn là một cảm xúc phức tạp, khó xác định nhưng nó thường gắn liền với cảm giác khao khát và vươn lên.

“Ánh trăng đánh đắm nụ hôn/ Ta còn mắt ướt linh hồn người xưa/ Ta còn khóc đến gió mưa/ Tin vui lại đến những mùa trái non…”

Những câu thơ cho thấy một thế giới nội tâm đựng đầy sự chiêm nghiệm. Nỗi buồn của thi sĩ có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm mất mát, cô đơn và cảm giác mất kết nối với thế giới xung quanh. Đó là một cảm xúc sâu sắc, mãnh liệt, có thể vừa đau đớn vừa dễ chịu.

Đôi khi, chỉ là bắt gặp một vài câu thơ của Bùi Quý Thực, mà ta chợt hiểu và xử lý những cảm xúc u sầu của chính mình. Đối với độc giả, nếu đọc một bài thơ nắm bắt được cảm xúc của chính họ, đó có thể là một trải nghiệm có tác dụng tẩy rửa và biến đổi sâu sắc.

“Bóng đen hiểm ác đau mòn/ Đất trời bừng sáng lòng son đợi chờ/ Đồng tiền sập trước câu thơ/ Mầm trăng lại mọc sững sờ đêm nay…”

Thông qua sức mạnh của ngôn ngữ, những ý, những tứ Bùi Quý Thực mang vào thơ có thể giúp người đọc tìm ra ý nghĩa cũng như mục đích trong cuộc sống. Đó cũng là một cách để kết nối những người có cùng trải nghiệm, đồng thời tìm thấy sự an ủi trong trải nghiệm.

Tiểu Mai

Leave a Reply

Your email address will not be published.