Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng

Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng

Vài nét về tác giả:

Nhà văn Nguyễn Thị Bích Vượng

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hưng Yên

Trưởng ban Văn, Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên

Quê quán: Thôn Toàn Thắng, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam

Tác phẩm đã in:

– Tập truyện ngắn Ký ức tuổi thơ, NXB Hội Nhà văn năm 2012

– Tia nắng chiều muộn, NXB Hội Nhà văn năm 2014

– Một dải Ngân Hà, NXB Hội Nhà văn năm 2017

– Chiều muộn trên nghĩa trang, NXB Hội Nhà văn năm 2020

– Tập thơ Có một tình yêu, NXB Hội Nhà văn, năm 2014

– Tập thơ Trái tim mặt trời, NXB Hội Nhà văn năm 2023

GIẢI THƯỞNG

Tập truyện Tia nắng chiều muộn: Giải B không có giải A

Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ tư (2011-2015)

Tập truyện ngắn Chiều muộn trên nghĩa trang: Giải Ba. Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ năm (2016-2021)

    

Các truyện ngắn:

1.

CUỘC CHIA LY KHÔNG LỜI GIÃ BIỆT

Lễ cúng bốn chín ngày cho ông Cần đã xong đâu vào đấy. Con cháu xa gần đã ai về nhà ấy. Nhà lúc này chỉ còn lại bà Trinh vợ của ông Cần, anh Hoan con trai trưởng và vợ chồng Hoàng, con trai thứ của ông Cần. Từng ấy con người vậy mà nhà cứ như không người. Không khí im ắng bao trùm. Chỉ có chiếc đồng hồ treo tường là tích tắc miệt mài mặc lòng người buồn hay vui, cảnh sắc đông thưa hay vắng lặng. Những âm thanh đơn điệu chẳng làm cho không khí trong nhà vui tươi hơn mà còn khiến người nghe thêm nặng nề.

– Anh uống nước đi, rồi anh em mình bàn lo cho việc của mẹ sắp tới.

Hoàng rót trà mời anh Hoan, anh là con trưởng nên Hoàng và các em thường không gọi tên mà gọi là “anh trưởng”. Vân ở ngoài hiên, cầm cái chổi lúa, cua được vài vòng, loáng thoáng nghe tiếng chồng vội lánh xuống bếp dọn dẹp để cho hai anh em nói chuyện. Lúc sau ngó ra đã thấy anh trưởng lững thững đi ra ngõ, vai khoác chiếc túi, bên trong đựng vài thứ quả mà lúc nãy Vân lấy trên ban thờ xuống tán lộc cho mọi người.

Chiếc tắc – xi đứng ở rìa đường, ngay trước cổng nhà chở anh Hoan về ban sáng mở cửa, anh Hoan khom lưng bước nhanh vào trong. Chiếc xe nổ máy, lao về phía trước như trốn chạy, để lại phía sau bụi trắng mờ như khói. Vân đi nhanh vào nhà, Hoàng đang ngồi im trên ghế, mặt rầu rầu, nói với vợ

– Anh bảo anh trưởng thay vợ chồng mình ở nhà ít ngày, để mình về nhà dọn dẹp, nhà cửa đã bỏ cả năm không ngó ngàng rồi. Nhưng anh trưởng…

Hoàng ngập ngừng. Vân sốt sắng: 

– Thế anh trưởng bảo sao mà lại đi ngay như thế ạ?

– Thì anh ấy vẫn đưa ra lý do như ngày bố còn sống.

Ngày ông Cần còn sống, ốm nằm liệt, thấy vợ chồng anh Hoan được về hưu, bố mẹ chồng Vân muốn vợ chồng con trưởng về quê ở với bố mẹ. Vợ anh trưởng, vốn là vợ mới cưới được ít năm sau khi vợ cả anh Hoan mất, bảo “có điên thì mới đang ở thành phố lại về quê”. Nhất quyết không về và tìm cách cấm cản chồng.

Anh trưởng cũng có phần ngại với mẹ và các em nên chống chế thay vợ, bảo: “sợ ở quê lỡ không may bị ốm lên bệnh viện trung ương khám đường xá không thuận tiện như ở phố”.

Mọi người biết lý do chẳng hợp lý, nhưng có nói cũng bằng thừa nên thôi. Bây giờ ông Cần mất, chỉ còn lại bà Trinh tuổi cao, mắt mờ chân chậm, vậy mà anh trưởng vẫn viện cớ ấy. Vân nghĩ, rồi hắt một tiếng thở dài. Vài phút im lặng, như chợt nhớ ra, Hoàng nói:

– Anh nghĩ ra rồi, mình sẽ động viên để mẹ lên ở cùng với vợ chồng mình. Nhà mình điều kiện sinh hoạt, không khí môi trường tốt hơn ở đây rất nhiều. Nhà này bây giờ cũng xuống cấp rồi, chờ ý kiến anh  trưởng đồng ý, mình sẽ sửa sang lại rồi xây nhà thờ sẽ tính sau. Trước mắt cứ như vậy có lẽ sẽ tốt hơn em à!.

– Vâng, bây giờ cũng qua ngày cúng cơm cho bố rồi, nếu mẹ đồng ý thì phương án này là tốt nhất, lát anh hỏi ướm mẹ xem sao?

Vân hào hứng với quyết định của chồng. Hai người đang bàn chuyện thì nghe có tiếng sột soạt ở trong buồng vọng ra. Vân chột dạ vì biết mẹ chồng cô đang ở trong buồng. Tiếng động này Vân đã quen từ rất lâu. Tiếng của túi ni – lon cọ vào nhau. Mẹ chồng Vân chắc chắn lại mang mấy bọc quần áo ra gấp lại. Bà thường làm thế để giết thời gian và giải khuây mỗi khi có chuyện không vui. Vân liếc mắt về phía buồng, đưa ngón trỏ lên miệng ra hiệu, hai người vội vàng đi ra sân, xuống bờ ao, vừa đi Vân vừa nói nhỏ:

– Mẹ vẫn ở trong buồng từ nãy, có lẽ mẹ đã nghe hết chuyện rồi.

– Mẹ biết rồi cũng được. Biết trước ý định của mình để mẹ còn có thời gian suy nghĩ, rồi còn tính, chứ độp một cái bảo mẹ đi theo mình chắc mẹ không đồng ý đâu. Mà anh cũng đang căng thẳng vì chưa biết nói với mẹ thế nào. Mẹ biết rồi có khi lại tốt em ạ.

Vân và Hoàng ngồi bên bờ ao. Cả hai cùng im lặng. Phía bên kia, cách bờ ao chừng năm sáu mét, những cây tre chen chúc, ken nhau từng bụi, chạy dài thành một hàng rào chắc chắn, ngăn cách  giữa khu đất nhà chồng Vân với con đường bê – tông của xóm. Mọi hôm gió vẫn về đùa với cây, hàng tre đung đưa tựa như những người nhạc sĩ đang say sưa dạo đàn. Những thân tre cọ vào nhau phát ra âm thanh như một bản nhạc riêng của nó. Vậy mà hôm nay, hàng tre im ắng, ngọn rủ xuống, dáng buồn lặng, chẳng còn xôn xao như mọi ngày .

Chiếc cầu tre ngày xưa bây giờ đã được xây bằng gạch, trát xi- măng phẳng phiu, chia thành năm bậc. Xung quanh ao đã được xây, quây lại và gắn những con tiện bằng sứ rất đẹp. Nhưng mỗi khi đứng ở đây, trong đầu Vân lại hiện về nguyên vẹn những hình ảnh cũ. Cái ao và chiếc cầu được ghép lại bởi hai đoạn tre, một đầu gắn chắc vào bờ, đầu bên kia được gác lên hai đoạn tre, chéo nhau, đóng sâu xuống lòng ao. Nơi này, chính chỗ hai người đang ngồi đây đã gắn bó biết bao kỷ niệm đẹp của mối tình đầu và những tháng ngày khó khăn vất vả.

Khi mới về làm dâu, hàng ngày Vân vẫn xuống đây rửa rau, vo gạo, giặt đồ, vớt bèo, chao cua, mò ốc… Nước ao trong vắt, hiền hòa, lác đác những đám lục bình lá xanh biếc, điểm những bông hoa tím ngắt cho Vân cảm giác yên bình, thư thái hơn bất cứ nơi nào. Nhưng lúc này, Vân cũng như Hoàng còn đâu ra tâm trí để phiêu du với những kỷ niệm lãng mạn, yêu đương, khi mà đầu óc còn đang bộn bề với bao nhiêu công việc quan trọng, cần phải giải quyết.

Con vàng nhốt trong chuồng ở góc sân, sủa nhẹ. Ngỡ là nhà có khách, Hoàng và Vân đều giật mình quay lại. Bà Trinh dáng người nhỏ nhắn, lưng còng còng đã đứng ở sân, bần thần nhìn quanh khu vườn, rồi dừng lại đăm đắm nơi con vàng. Con vàng đứng lên, mừng chủ, sủa khẽ, rồi giơ chân cào cào vào khoá cũi đòi ra.

– Chúng mình về thôi, rồi còn lựa lời động viên mẹ.

Giọng buồn buồn, Hoàng nói rồi anh đứng lên đi về nhà. Vân lững thững theo sau. Cả hai đi đến chỗ bà Trinh đang đứng cùng cất tiếng chào mẹ. Bà Trinh im lặng mắt vẫn không rời con vàng.

Lát sau, bà khẽ nói, giọng buồn rầu:

– Con gọi bố Nam, bảo cháu nó mang con chó về mà nuôi, để nó trông vườn cho, khỏi tội nghiệp.

Vân mừng thầm, biết mẹ chồng đã nghe hết câu chuyện và bà đã quyết định đi với vợ chồng cô.

Hoàng vội vàng nói:

– Vâng! Mẹ cứ yên tâm, lát nữa con sẽ gọi điện bảo cháu Nam ạ!

Bà Trinh nói tiếp:

– Mẹ đã nghe các con bàn cả rồi, mẹ sẽ đi với các con, thu xếp đi luôn cho sớm !

Hoàng vui mừng vâng lời mẹ rồi chạy ra cổng chuẩn bị xe cộ. Bà Trinh lại thẫn thờ đưa mắt nhìn vườn tược, cây cối một lúc, rồi hắt một tiếng thở dài. Sau đó bà lom khom bước từng bước vào nhà, đến bên ban thờ, bà rút ba nén nhang châm vào ngọn nến vẫn leo lét đặt ở trên bàn, lần lượt cắm vào từng bát hương.

Bà chắp tay lại, lầm rầm:

– Ông ơi! Ông tha lỗi cho tôi, từ ngày mai trở đi, ông về sẽ không còn có tôi ở nhà nữa. Tôi có lỗi với tổ tiên, có lỗi với ông. Tôi lên với các con, không phải để hưởng nhà cao cửa rộng, để ăn sung mặc sướng, mà bỏ cửa, bỏ nhà hương lạnh, khói tàn đâu. Mà là tôi không còn con đường lựa chọn khác. Mong ông hiểu và tha lỗi cho tôi, ông nhé !

Bà Trinh nghẹn ngào, đưa hai bàn tay lên ôm mặt nức nở. Bà cảm thấy đau đớn chẳng kém gì hôm đưa chồng ra đồng. Vân đã cố kìm nước mắt từ lúc nhìn thấy bà Trinh đứng thẫn thờ ngắm cây cối trong vườn. Nhưng lúc này, cô không thể ngăn nổi dòng nước mắt ùa về, từng giọt, từng giọt nối nhau rơi trên má. Vân vuốt nước mắt, đi nhanh về phía mẹ chồng, chắp tay hướng lên ban thờ vái ba vái, rồi ôm lấy vai mẹ. Đôi bờ vai gày guộc của bà Trinh trong tay Vân run rẩy.

– Mẹ ơi! Mẹ đừng lo bố sẽ đi theo mẹ lên ở với chúng con, mẹ sẽ được hương khói cho bố, được trò chuyện cùng bố hằng ngày mẹ nhé! Chúng ta chuẩn bị đồ đạc để đi kẻo muộn mẹ ạ !

Bà Trinh rút chiếc khăn mùi xoa trong túi áo ra lau nước mắt, rồi lật đật theo Vân đi vào buồng. Quần áo, đồ dùng cá nhân của bà đã được bà bọc sẵn từng bọc để ở cuối giường. Vân với tay lên nóc tủ lấy chiếc Vali, xếp tất cả gọn gàng những bọc đó vào trong. Hoàng đã cho xe vào sân, anh đang lăng xăng chuyển xếp những đồ cần lên xe, mọi động tác nhanh thoăn thoắt:

– Em đỡ mẹ, chuẩn bị đồ đi nhé!

– Vâng!

Vân có cảm giác như Hoàng đang cố gắng làm mọi việc cho thật nhanh thì phải. Bà Trinh một lần nữa nhìn quang cảnh vườn tược, rồi lại quay sang nhìn con vàng vẻ đắm đuối.

Rồi bà buồn buồn, nhắc lại:

– Con nhớ gọi cháu Nam lát nữa ra mang con chó về, nhớ dặn cháu nuôi cẩn thận đỡ tội nó con nhé!

– Dạ! Con gọi điện, bảo cháu rồi. Cháu bảo lát nữa nó sẽ ra đưa con vàng về, mẹ đừng lo ạ!

Con vàng vẫn sủa từng tiếng, quẫy cái đuôi, chân cào cào vào khoá cũi, như muốn đi theo chủ. Hoàng đã đưa hết đồ vào xe. Anh đi nhanh vào nhà, đến bên ban thờ thắp hương, vái ba vái, ngậm ngùi một lúc. Rồi anh nhanh chóng đóng các cửa sổ, cửa chính, khoá lại. Mọi động tác rất nhanh, tránh cái nhìn của mẹ mình, anh đi nhanh ra xe, mở cửa xe lên ghế lái ngồi chờ. Vân khoác tay mẹ, dìu bà Trinh lên xe. Bà Trinh cố ngoái đầu, nhìn ngôi nhà lần cuối trước khi tạm biệt. Ngôi nhà ba gian, nép mình sau tán cây nhãn cổ thụ, cành lá sum suê, bỗng trở nên cô đơn, hiu hắt.

Vân nắm tay mẹ ngồi trên xe ngoái lại nhìn khung cảnh, nhìn mẹ cô thấu hiểu cảm xúc của bà lúc này. Nhưng hơn bao giờ hết giây phút này cô thấy lòng nhẹ nhõm bình an hơn khi đã giải quyết được trọn vẹn việc hiếu nghĩa và việc riêng tư cuộc sống của mình.

Chiếc xe chầm chậm chuyển bánh, mọi cảnh vật quen thuộc dần lui lại phía sau như bao u buồn lo lắng bấy nay đang lui dần vào quá khứ. Phía trước con đường thênh thang rộng, nắng chiều vàng rực rỡ mênh mông.

2.

 MÊ MUỘI

Lúc này, gần đến giờ nghỉ buổi trưa. Đây là giờ cao điểm nhất trong ngày làm việc của khoa cấp cứu, bệnh viện huyện Minh Châu,  nơi Lan con dâu ông Cần đang công tác. Lan đang hối hả cuốn theo không khí tất bật, kiểm tra lại công việc, để chuẩn bị bàn giao cho kíp trực buổi trưa, thì nhận được tin của Thuần, con rể chú chồng Lan gọi điện báo cho chị biết, ông Cần, bố chồng chị bị ngã, bất tỉnh. Lan hốt hoảng, quay về phòng thay đồ. Cũng là phòng dành cho nhân viên nghỉ trưa. Chị vừa cởi chiếc áo trắng bluose trên người ra, vừa nói với đồng nghiệp của mình: “Em chị vừa gọi điện, bảo bố chồng chị bị ngã. Chị phải về ngay, chiều nay chị xin phép nghỉ, các em làm thay chị nhé”. Mọi người cuống quýt hỏi thăm. Lan nói qua về tình hình của bố chồng, theo lời em chị vừa kể. Mọi người lo lắng cho Lan, rồi cắt cử người ở lại khoa, người mang thuốc và đồ cấp cứu về cùng với chị. Lan cảm ơn đồng nghiệp: “Để chị về nhà xem sao,  có gì chị sẽ gọi lại nhờ các em sau”. Nói rồi, Lan hỏi mượn xe máy của đồng nghiệp,  khoác vội chiếc túi lên vai,  đi như lao về phía lán để xe. Một cơn gió thổi ngang qua mặt, mang theo  mùi đặc trưng mà hầu như bệnh viện nào cũng có. Thứ mùi ấy không hề dễ chịu vì sự hỗn tạp của chất thải, mùi mồ hôi của bệnh nhân và mùi thuốc tẩy nồng nặc. Lan lấy trong túi ra cái khẩu trang, che kín mặt, chỉ còn lộ mỗi đôi mắt.  Dắt xe ra, rồ ga cho xe chạy nhanh,  ruột gan nóng như lửa đốt…

Con đường từ nơi Lan làm việc về nhà, chừng 5/6 km. Hai bên đường ngút ngát toàn là những cây ngô. Thi thoảng điểm một vài ruộng cải, hoa nở vàng ruộm, rực rỡ, xen lẫn với màu xanh của những thửa ngô đang thì con gái, thi nhau trổ cờ. Hương hoa cải thoang thoảng bao chùm, làm vợi đi cái nắng nóng của buổi trưa hè. Nhưng lúc này trong đầu Lan chỉ nghĩ làm sao để nhanh về tới nhà. Chiếc xe honda Dream phóng nhanh, bánh xe trà vào đá dăm trên mặt đường nghe lạo xạo, để lại phía sau bụi trắng như khói.

Lan dắt xe vào cổng. Nghe tiếng động, mấy người bà con trong nhà ông Cần nhốn nháo nhìn ra. “Kìa, chị Lan đã về rồi kìa!”. Lan dựng vội xe máy ở sân, đi như chạy vào nhà, chào mọi người, để vội cái túi xách xuống ghế, rồi sà đến bên giường bố chồng: “Bố à! Bố có đau ở đâu không? Bố thấy trong người thế nào bố, bố…”.

Ông Cần, lơ mơ nghe tiếng người gọi. Ông nhíu đôi lông mày, chớp chớp mắt, rồi ông từ từ mở mắt. Ông thấy đầu đau như búa bổ. Ông định nhỏm người ngồi dậy, nhưng cả tấm thân nặng trĩu, không sao nhấc nổi. Ông muốn nói câu gì đó, nhưng môi lưỡi bị tê cứng, cố gắng mãi ông mới nói được một câu: “Tôi thấy đau đầu”. Mọi người thở phào mừng vì ông Cần đã tỉnh. Lan nhanh tay lấy huyết áp và nhiệt kế ra đo cho bố chồng. Chị quan sát kỹ,  thì thấy nhân trung của bố chồng hơi lệch. Biết tình hình bệnh của bố chồng rất trầm trọng, cần phải đưa ngay lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu kịp thời, Lan khẽ nói: “Ông uống chút sữa, xong rồi con sẽ đưa ông lên bệnh viện để bác sĩ kiểm tra xem sao ạ”. Ông Cần không nói gì, nét mặt có vẻ lo lắng. Lan động viên để bố chồng yên tâm: “Chắc không có gì nguy hiểm đâu. Ông cứ yên tâm, đến bệnh viện để kiểm tra, mình cẩn thận vẫn hơn ông ạ”. Rồi không muốn để bố chồng nghe tiếng, Lan đi ra ngoài, lấy điện thoại gọi cho Hoàng chồng chị, con trai thứ của ông Cần. Hoàng sửng sốt, nói: ” Anh sẽ cho xe về ngay, nếu cần em cứ đưa bố lên bệnh viện trước đi, anh thu xếp công việc rồi lên sau”. Rồi Lan gọi điện báo cho anh Ánh. Anh là con trai trưởng của bố mẹ chồng Lan. Nên mọi người thường gọi Ánh là anh trưởng. Lan nói với anh trưởng. “Bố bị tai biến mạch máu não rồi. Em chuẩn bị đưa bố lên bệnh viện tuyến trên ạ”.  Anh trưởng giật giọng. “Thế ông bị nặng lắm à, mà phải chuyển lên tuyến trên?”.  Lan chưa kịp trả lời, thì nghe tiếng Mích, vợ kế của anh trưởng vọng qua máy của Lan: “Bảo cứ từ từ, để hỏi chúa, xem chúa bảo đi được giờ nào hãng cho đi”. Chắc điện thoại của anh trưởng bật loa ngoài. Anh trưởng ngập ngừng: “Thím… thím chờ tôi gọi hỏi chúa xem giờ nào đi được, tôi sẽ báo lại cho thím sau”.  “Chúa” mà anh trưởng vừa bảo Lan phải chờ để nghe phán, là một người đàn bà nhỏ thó, có đôi mắt một mí, với đôi lông mày xăm bằng mực tàu xanh lét, như hai sợi chỉ đen, xếch ngược trông không thiện cảm chút nào. Chị ta là bạn thân của Mích, cùng cảnh bị chồng bỏ, tự cho mình biết nghề xem bói. Và cũng tự xưng mình là “chúa”. Nên hễ cứ đi đâu trên 10km là vợ chồng anh trưởng lại phải gọi điện để chúa phán giờ nào tốt rồi mới đi.

Một lát sau anh trưởng gọi lại bảo Lan: “Đúng 4 giờ chiều thím mới được cho xe xuất phát đưa ông ra khỏi nhà đấy nhé”. Lan giật mình. “Cứu người như cứu hỏa, mà lại nằm đợi những 5 tiếng đồng hồ nữa mới được đi à anh? Với lại giờ ấy chuẩn bị sang ca trực tối rồi… Lan chưa nói dứt lời, thì Mích lại nói xen vào:  “Bảo chúa mà đã phán thì như đanh đóng cột, nếu mà không nghe thì ông sẽ bị chết trên đường đi đấy”. Rồi anh trưởng bảo Lan: “Bây giờ thím phải đi sắm ngay từng này thứ. Anh trưởng kể một lô nào là giấy tiền bao nhiêu loại, mỗi loại bao nhiêu. Nào là hoa loại này mấy bông, loại kia mấy bông, quả loại này mấy quả, loại kia mấy quả… rồi mang lên chùa gần đấy, thắp hương kêu các ngài phù hộ, thì bệnh của bố sẽ giảm ngay”. Lan không tin vào bói toán, chị ậm ờ, rồi chủ động tắt máy, sau đó gọi điện xin ý kiến chồng, Hoàng rất tin tưởng vào chuyên môn cũng như sự nhanh nhạy trong việc quyết sách công việc của gia đình mỗi khi anh vắng nhà, nên nghe Lan kể về tình hình của bố xong, anh nhất trí luôn. Lan nhanh chóng chuẩn bị những thứ cần thiết đợi chờ xe của chồng về.  Bà Trinh, mẹ chồng Lan từ nãy vẫn rầu rĩ, tay bà đang nắm lấy bàn chân ông Cần nắn nắn, bóp bóp. Lúc này Lan mới sực nhớ đến bữa trưa của mẹ chồng, chị khẽ nói: “Mẹ đã ăn cơm chưa?. Bà Trinh thở dài đánh thượt: “Vừa mới nấu xong, định lên nhà gọi ông xuống ăn, thì thấy ông  đổ vật xuống đất, may mà có vợ chồng Hà Thuân nó ở bên nhà chú Khâm, và mấy người xung quanh nghe tiếng tôi kêu mới chạy đến, bế ông lên giường. Cơm canh vẫn bày cả ra đấy đã kịp ăn uống gì đâu! Bà Trinh nói rồi lại thở dài. Lan an ủi mẹ chồng: “Mẹ cứ yên tâm, ở nhà giữ gìn sức khỏe. Con gọi cho cô Thu rồi, lát nữa cô Thu sẽ xuống ở cùng với mẹ. Con đưa bố đến bệnh viện điều trị vài hôm rồi sẽ khỏi thôi. Bây giờ mẹ đi ăn cơm đi, kẻo muộn rồi”.  “Hãng gợm, để ông ấy đi rồi ăn sau cũng được”. Bà Trinh sụt sùi, kéo vạt áo lên lau nước mắt. Lan vội vàng đi xuống bếp. Nồi cơm mẹ chồng chị nấu bếp củi, bằng nồi gang vẫn để trên chiếc kiềng, than tro đã tàn, nguội ngắt. Nhà Lan nồi cơm điện có, nhưng mẹ chồng chị không dùng. Bà bảo nhà sẵn củi dùng điện làm gì cho tốn tiền. Với lại nấu bếp củi, bằng nồi gang, ăn cơm ngon hơn. Một đĩa trứng chưng. Trứng gà nhà nuôi đẻ, với vài cọng rau muống bà Trinh hái ngoài vườn về luộc, thêm lọ ruốc thịt lợn Lan làm sẵn để bữa sáng ăn cho tiện. Mọi thứ đã bày ra mâm gỗ.  Nhà bà Trinh mâm nhuôm, mâm đồng đều có cả, nhưng bữa trưa khi chỉ có hai ông bà ở nhà, bà Trinh thường dọn cơm ra mâm gỗ. Cái mâm gỗ đã dùng từ rất lâu, xung quanh bị sứt sẹo, cọ rửa khó sạch. Đã có lần Lan bảo mẹ chồng: “Mẹ bỏ cái mâm gỗ này đi, lấy chiếc mâm nhôm ra dùng, vừa sạch vừa dễ rửa”. Nhưng bà Trinh bảo. “Ngày xưa đến bữa, bát đũa, đồ ăn bày cả xuống mê chiếu rách còn được nữa là”. Bà còn bảo. “Cái mâm gỗ này nó gắn bó với ông bà suốt mấy chục năm, từ cái thời ngày hai bữa, bày lên mâm chỉ toàn có khoai lang, với củ đót hầm, chứ nào có cơm canh như bây giờ. Mà nó vẫn còn dùng tốt, làm sao phải bỏ nó đi chứ? “. Lan thấy lòng xa xót, chị đứng ngây ra nhìn, cùng lúc đó ngoài ngõ có tiếng còi xe ô tô, chị giật mình, biết là xe của chồng đã về. Chị với tay lên tủ bếp lấy chiếc lồng bàn đậy thức ăn trên mâm lại, rồi vội vàng quay ra. Cháu Đoàn, người lái xe cho Hoàng từ trong xe bước nhanh vào nhà, chào mọi người, rồi tất cả mỗi người một tay đưa ông Cần ra xe. Bà Trinh mắt ngân ngấn nước, miệng lẩm bẩm: “Con nó đưa ông vào viện mấy ngày, ông chịu khó ăn, chịu khó uống thuốc cho mau khỏe rồi về nhà với tôi ông nhé”. Lan bùi ngùi, xúc động,  nắm lấy tay mẹ chồng, bà lẽo đẽo đi theo Lan, đưa ông Cần ra tận cổng, ông lên xe đi rồi, bà Trinh vẫn đứng nhìn theo cho đến khi chiếc xe đã khuất, mới quay vào nhà. Con chó mọi hôm giờ này đã được ông Cần mở cũi cho nó ăn. Hôm nay hình như biết chủ bị ốm, nó nằm cuộn khoanh trong cũi, mắt lim dim buồn thiu. Người ra người vào thăm hỏi, mà nó cấm có sủa câu nào. Bà Trinh đi đến bên chuồng chó, tay run run mở khóa. Con chó chạy vụt ra, lao một mạch xuống bờ ao. Bà Trinh lại quay ra mở chuồng gà, đàn gà nháo nhác chạy ra vườn. Rồi bà lủi thủi vào bếp, xới lưng bát cơm đưa lên miệng. Miệng bà đắng ngắt, nhai cơm, như nhai củi, nuốt không trôi. Bà xới một ít trộn cho con chó, một ít tung ra sân cho đàn gà, đàn gà thi nhau mổ từng hạt cơm trên nền sân, líu ríu…

*

Ông Cần nằm ở bệnh viện, điều trị bệnh đúng một tháng thì được ra viện. Bà con họ hàng, làng xóm tíu tít chạy qua hỏi thăm. Ông Cần đi vào buồng mở chum thóc, moi ra một chai thủy tinh, vỏ của chai bia ở trong đựng chè sen do tay ông ướp, đem ra pha mời mọi người uống. Trà sen ông Cần làm nổi tiếng là ngon. Hồi còn trẻ vợ chồng ông Cần thuê cả một cái đầm sen lớn để lấy hoa ướp trà.  Từ ngày tuổi cao sức yếu, con cái đi thoát ly hết. Ông bà không kham nổi nên đành trả lại đầm cho xã, thôi không thầu nữa. Nhưng mỗi năm về mùa hoa sen nở, là Hoàng con trai ông Cần lại đặt mua vài trăm bông, cho ông bà ướp trà để nhà dùng, cũng là thú vui ngày xưa của bố mẹ anh. Nhà ông Cần tối hôm nay bật thêm đèn sáng chưng ra tận ngõ. Bên chén trà sen ngan ngát, tỏa hương. Với đĩa trầu têm cánh phượng, tự tay bà Trinh têm rất khéo. Căn nhà đầy ắp tiếng cười, tiếng nói râm ran… Thời gian trôi nhanh như chạy, mới hôm nào ông Cần khỏi bệnh về nhà mà hôm nay đã vừa tròn một năm rồi…

*

Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng. Lan vội vàng nói với chồng: “Anh nhìn kìa, đúng là bố mình, ông ra cổng đứng làm gì ý nhỉ?”. “Chắc bố đứng chờ vợ chồng mình về”.  Khi xe của vợ chồng Lan về tới cổng, Hoàng cho xe dừng lại: “Em cầm đồ ăn,  để anh đưa bố vào nhà”. Hoàng nói với Lan, rồi vội vàng chạy đến bên bố mình: ” Bố à! Bố đứng làm gì ở đây, trời rét lắm, bố vào nhà đi? “. Ông Cần không nói không rằng, mắt xa xăm nhìn về cuối ngõ. Hoàng nói tiếp: “Bố chờ chúng con à? Chúng con về rồi, bố vào nhà cho đỡ lạnh, nào để con đỡ bố nào!”. Ông Cần lúc bấy giờ mới nhìn Hoàng, mếu máo: “Không! Không phải bố chờ các con.  Bố chờ, là chờ anh trưởng cơ!”. Lan cảm thấy lòng mình se lại bởi câu nói của bố chồng. Hoàng xúc động, sống mũi cay cay, anh quàng tay ngang lưng bố, rồi  dìu ông vào nhà, Lan xách thức ăn vào bếp.  Biết bố, mẹ chồng thích ăn canh cua, nên chiều nào dù bận mấy chị cũng kỳ cạch giã cua nấu với rau mồng tơi thêm một chút rau đay, rau rền hái ngoài vườn… Vẫn mấy món ăn hợp với khẩu vị của bố mẹ chồng. Vậy mà tối nay ông Cần ăn rất ít. Dù cho vợ chồng Lan mời thế nào ông cũng chỉ ăn vài miếng cơm với một chút canh rồi đứng lên đi vào giường nằm từ chập tối. Bà Trinh tối nay ăn cũng ít hơn mọi hôm, bà ngồi trước bộ trường kỷ, thu cả hai chân lên ghế, nét mặt đăm chiêu, mắt xa xăm nhìn ra ngõ. Xung quanh hàng xóm im ắng, đèn ngoài đường xóm đã tắt.  “Mẹ vào giường ngả lưng cho đỡ mệt”. Bà Trinh rón rén đi vào chiếc võng để ngay cạnh giường ông Cần đang nằm,  ngả lưng xuống võng, có tiếng muỗi vo ve bên tai, bà nhón chân định đưa võng để xua muỗi, nhưng rồi lại sợ tiếng võng đưa làm ông Cần tỉnh ngủ. Bà đành nhắm mắt để đấy, đầu óc hướng về chiếc giường ông Cần đang nằm. Lạ thật, mọi hôm giờ này là ông đã gáy o o. Vậy mà hôm nay?. Bà cố dỏng tai nghe,  mà vẫn không nghe thấy cái tiếng ngáy quen thuộc mà nhiều tối nằm cạnh ông, bà đã bị mất ngủ vì nó. Không gian vắng lặng,  chỉ có tiếng xì xào của con trai và con dâu thứ. “Vợ chồng nó đang bàn bạc chuyện gì nhỉ?”. Bà Trinh chăm chú nghe, lõm bõm, câu được câu mất, không rõ đầu cuối, nhưng bà biết con dâu và con trai bà đang lo lắng về việc ông Cần chiều nay ra cổng đứng chờ vợ chồng con trai trưởng. Bà biết tính Hoàng con trai thứ của bà, nó thương bố mẹ lắm, nó không tiếc bố mẹ cái gì. Nhưng con nào có phận, có phần của con ấy chứ”. Bà Trinh chăm chú nghe vẫn chỉ là tiếng rì rầm, rì rầm, cùng với tiếng kim giây của chiếc đồng hồ treo trên tường tích tắc… tích tắc… vọng vào căn phòng ông bà nằm. Bà Trinh thở dài, vắt tay lên trán miên man nghĩ, chợt bà nhớ lại hôm trước đi họp thôn. Cô Xinh trong giờ giải lao, nói: ” Xóm này, nhất vợ chồng bà Trinh. Các con, các cháu đều phương trưởng, thành đạt cả, không nhà nào bằng, sướng nhất hai bác đấy…”.  Mọi người đều tấm tắc khen. Mà họ khen cũng đúng đấy chứ. Có con, cháu nhà nào xóm này được như nhà bà? Con trai trưởng của bà đã từng là một sĩ quan, giữ chức Giám đốc của một nhà khách thuộc Quân khu Ba, bây giờ về hưu lương cao nhất trong những người về hưu ở xóm. Còn Hoàng con trai thứ của bà đang là một cán bộ quản lý đầu ngành của một ngành quan trọng của tỉnh. Ba cô con gái của bà, cũng đều thoát ly nhà nước, cuộc sống dư giả. Ông bà thì từ lâu đã được vợ chồng Hoàng chăm sóc rất chu đáo, các con gái của bà cũng hiếu thảo, qua lại thăm nom, quà cáp biếu bố mẹ luôn, các cháu nội ngoại bên trước bên sau đều chăm ngoan, học hành đến nơi đến chốn, có công việc ổn định thu nhập tốt. Bà Trinh nhẩm trong bụng vậy, rồi hắt một tiếng thở dài: “Chỉ bị mỗi con Mích mất nết, suốt ngày ghen ngược lên với các con chồng, giành giật cả vật chất, lẫn tình cảm của chồng cho hai mẹ con mình, rồi mượn lời thày bói hù dọa chồng, tìm cách lôi kéo chồng nghe theo mình, mới ra nông nỗi này. Con Thạch mà còn sống, thì đúng là nhà bà dâu, giai, gái, rể, các cháu nội ngoại hai bên được tất, được tất, đằng này… Bà Trinh bỏ dở câu nói, chệp miệng một cái: “Thôi thì, năm ngón tay, cũng có ngón dài ngón ngắn. Chả nhà nào vuông tròn hết cả đâu!”. Bà Trinh tự an ủi mình, rồi khẽ ngồi dậy, rón rén đi ra ngoài, thấy phòng của vợ chồng con trai vẫn mở, bà nhẹ nhàng bước vào: “Các con chưa đi ngủ à?”. “Dạ! Mẹ à! Mẹ ngồi xuống đây”. Lan vội vàng bưng chiếc ghế để cho mẹ chồng ngồi. Bà Trinh rầu rầu kể: “Không phải hôm nay bố con mới ra ngõ ngóng vợ chồng nhà anh trưởng đâu, mà đã hơn một tuần nay rồi, chiều nào bố con cũng ra cổng đứng như thế đấy. Mà mẹ nói thế nào ông ấy cũng không chịu vào nhà, chỉ đến khi chiếc loa treo ở đầu ngõ cất lên bài ca cải lương, ông ấy mới chịu vào nhà. Nhưng hôm nay chiếc loa phát thanh của thôn bị xảy ra sự cố, ông không biết, nên cứ đứng chờ mãi. Bà Trinh chép miệng “rõ khổ”. Bỗng Hoàng thốt lên: “Trời ơi! Đã gần chục ngày nay bố con ra ngõ đứng rồi, thế mà bây giờ mẹ mới nói”. Rồi Hoàng đứng phắt khỏi chiếc ghế, quay ra lại quay vào, vò đầu bứt tai. Chiếc kim giây của chiếc đồng hồ treo tường vẫn cần mẫn quay.  Chợt Hoàng nảy ra ý định. Anh đưa mắt nhìn lên chiếc đồng hồ,  đã chỉ 9h30 phút. Rồi vội vàng, nói với bà Trinh: “Bây giờ con bấm điện thoại cho anh trưởng để mẹ nói chuyện với anh ấy nhé…”.  Bà Trinh đây đẩy: “Mẹ già rồi,  lại nặng tai nữa, biết gì điện thoại mà nói, con gọi mà giục vợ chồng nhà nó,  biết đường thì về nhanh lên”. “Thì con bấm sẵn rồi, mẹ chỉ việc nói thôi, có gì mà không biết. Với lại mẹ giục anh ấy về thì không sao, chứ con mà giục thì… “.  Bà Trinh rối rít. “Ừ, ừ, thế con gọi đi, gọi đi để mẹ nói chuyện với nó”. Hoàng lấy điện thoại gọi cho anh trưởng. Rồi bật loa ngoài. Sau hai hồi chuông thì nghe tiếng anh trưởng: “Alo” . “Anh à! Mẹ muốn nói chuyện với anh này, anh nói với mẹ nhé”. Bà Trinh để sát miệng vào chiếc điện thoại nói rõ to. “Thế vợ chồng con dạo này có khỏe không? Hai vợ chồng tranh thủ về nhà chơi. Lâu lắm rồi các con không về, bố mẹ nhớ các con lắm. Bố con cũng chỉ vì nhớ con mà sinh bệnh, ốm nằm không dậy được nữa rồi, các con cố gắng tranh thủ mà về nhà thăm bố…”. Bà Trinh đang nói. Thì tiếng Mích, con dâu trưởng của bà vọng vào: “Về gì mà về, về để mà ốm theo ông à? Chúa đã bảo tuổi bố tuổi con xung nhau thì tốt nhất là ít gặp cho nó lành”. Bà Trinh nổi nóng: “Này, này chị không về nhà tôi thì thôi, nhà tôi cũng không cần cái mặt chị. Nhưng chị đừng có đầu độc con trai tôi.  Từ ngày con tôi vớ phải chị nó mới đốn đời mạt kiếp thế này…  “.  Anh Trưởng vội vàng cắt ngang lời bà Trinh. “Vâng vâng để con xem sao,  mẹ nghỉ đi”. Alo,  alo, alo. Anh trưởng tắt máy rồi. Bà Trinh khóc nấc lên. “Sống mất cậy, chết mất nhờ. Lúc nào cũng chỉ lo giữ thân mình, bố ốm mặc bố, mẹ ốm mặc mẹ. Đúng là “gần mực thì đen gần đèn thì rạng”… Rồi bà Trinh kể lể một hồi. Ông Cần từ nãy nằm phòng bên cạnh, nghe hết đầu đuôi câu chuyện của vợ và các con.  Sáng hôm sau, ông không dậy, nhịn ăn cả ngày. Ông nằm bất động một tuần liền, không nói không rằng, chỉ thi thoảng mới nhấp một ngụm nước, người dán xuống chiếu. Lan kiểm tra huyết áp, mạch, nhiệt độ cho bố chồng… mọi chỉ số sinh tồn đều bình thường. Duy chỉ có huyết áp là hơi thấp một chút, vì ông không ăn gì. Lan mời bác sĩ về khám bệnh cho bố chồng, nhưng cũng không phát hiện ra bệnh gì. Lan hỏi bố chồng: “Ông bị mệt à?”. Ông cũng không trả lời: “Hay con đưa ông vào viện kiểm tra sức khỏe xem sao?”. Lúc bấy giờ, ông Cần mới khẽ lắc đầu, tay xua xua, ra hiệu không đồng ý. Bà Trinh đứng cạnh Lan  nắm lấy tay con dâu, hai mẹ con đi ra ngoài hiên, bà mới nói nhỏ: “Bố con tuổi cao rồi, bệnh của người già, thuốc không chữa nổi đâu, đừng đưa bố vào viện nữa, lỡ không may mà như nhà bác Thà ở xóm trên thì gay. Nhà bác ấy vừa mới tuần trước, bố bị ốm, rồi cũng đưa vào bệnh viện, đến khi bệnh nặng quá rồi, mới cuống lên cho về nhà,  nhưng không kịp nữa, đành phải đưa xác về nghĩa trang làm ma, qua loa rồi chôn. Nghe nói, con trai ông Thà cũng làm quan chức ở tỉnh giàu có lắm, muốn trả hiếu bố làm đám ma thật to, nhưng rồi lại sợ, có dám đưa xác về nhà đâu. Lại còn mang tiếng mãi về sau là chết đường chết chợ nữa chứ”. Chú Khâm, em trai ông Cần  đứng ngay đó, chăm chú nghe bà Trinh nói, rồi gật gật đầu tỏ vẻ đồng tình với quan điểm của chị dâu…

Con cháu í ới gọi nhau về “ông sắp mất rồi”. Họ mạc làng xóm kéo đến hỏi thăm. Mấy bụi cây rậm rạp cạnh khoảng sân trước nhà cũng bị phát quang cho rộng, mượn thêm vài bộ bàn ghế kê tiếp khách… Việc chuẩn bị lo hậu sự cho ông Cần đã được Hoàng, con trai thứ của ông cắt cử người nào việc ấy, đâu vào đấy. Con cháu, anh em ruột đứng quanh ông Cần chờ giờ… Ông Khâm, em ruột của ông Cần nhìn một vòng rồi hỏi:

– Thế đã ai báo cho vợ chồng anh trưởng biết chưa?

Thu, con gái ông Cần nhanh nhảu trả lời:

– Cháu gọi điện báo rồi!

– Thế cháu nói thế nào mà giờ này vẫn chưa thấy mặt vợ chồng nó?

– Cháu bảo anh chị thu xếp về ngay, bố sắp mất rồi.

– Thế chúng nó bảo sao?

– Chị ấy bảo, chúa bảo tuổi của anh ấy khắc với tuổi của bố cháu. Nên anh ấy không về đâu, đã có anh Hoàng cháu ở nhà lo hậu sự cho bố cháu rồi…

Thu, con gái ông Cần chưa nói hết câu. Đột nhiên ông Cần ngồi phắt dậy, hai tay vỗ xuống giường, rồi kêu lên:

– Trời ơi! Bố tưởng bố chết thì sẽ được gặp con. Ai ngờ bố chết con cũng không về. Con ơi là con. Trưởng ơi là Trưởng. Rồi ông Cần khóc hu hu, như một đứa trẻ.

3.

SÁM HỐI

Tôi dọn dẹp xong, vừa ngồi uống dở chén nước thì Hoàng, chồng tôi cầm điện thoại của tôi, đi từ tầng hai xuống đưa cho tôi, rồi bảo: “Mợ Thu gọi em đấy. Chắc ở quê có việc gì? Em gọi lại cho mợ ấy xem sao!”. Tôi bỏ chén nước xuống mặt bàn, đón chiếc điện thoại từ tay chồng, vừa mở mật khẩu ra, đã nhìn thấy ba cuộc gọi nhỡ của Thu. Tôi chột dạ nghĩ: “Chắc chắn là ở quê có việc gì?”. Vì chỉ có việc gì cần hoặc quan trọng lắm, Thu mới gọi cho tôi nhiều như thế. Tôi vội gọi lại cho Thu, mới được một hồi chuông em đã bắt máy. Tôi chủ động vui vẻ, hỏi: “Em gọi chị à?”. – Tôi vừa dứt lời, em hân hoan nói:”Vâng! Em gọi báo tin vui cho hai bác. Cháu Tùng chuẩn bị cưới vợ rồi!”. Mường tượng ra nụ cười mãn nguyện trên gương mặt dịu hiền của em, tôi phấn khởi nói : “Thế thì mừng quá rồi. Chị chúc mừng cháu, chúc mừng các em!”. Vẫn giọng vui vẻ Thu bảo: “Vợ chồng em và cháu còn đang có việc rất quan trọng muốn nhờ bác đây!”. Tôi hỏi: “Có việc gì mà quan trọng thế? Em nói cho chị nghe nào!”. Thu vui vẻ bảo: “Chúng em lo mời khách, lo chuẩn bị hơn trăm mâm cỗ cũng không bằng lo việc này…”. Rồi Thu tiếp tục giãi bày: “Bố mẹ vợ cháu Tùng đều làm cán bộ nhà nước. Mẹ cháu là hiệu Trưởng của trường phổ thông cơ sở xã Tân Tiến. Còn bố cháu làm cán bộ ở tỉnh, em nghe cháu Tùng nói cũng giữ chức gì ở Văn phòng Ủy ban tỉnh cơ đấy!”. Tôi cắt ngang lời em: “Vậy cháu Tùng nhà mình được làm rể nhà họ thì tốt quá rồi. Thế còn việc quan trọng mà cậu mợ và cháu muốn nhờ anh chị giúp là việc gì hả em?”. Thu dịu giọng, nói tiếp: “Suốt đêm hôm qua em không sao ngủ được vì lo nhà người ta đều làm cán bộ, còn em của bác thì chỉ là nông dân, không tương xứng với nhà họ, cũng thấy ngại cho ngày trọng đại. Thế rồi tự nhiên em lại nghĩ ra nhà mình cũng có bác Hoàng làm cán bộ em nhẹ cả đầu. Sáng nay em nói với chồng em và cháu Tùng, hai bố con mừng cuống cả lên, giục em phải gọi ngay cho bác, nhờ bác nói với bác Hoàng giúp cháu việc đại sự. Đến hôm cưới cháu, mong bác Hoàng cố gắng thu xếp thời gian làm đại diện cho họ nhà trai, được như thế thì vợ chồng em với cháu Tùng cũng nở mày nở mặt hơn bác ạ…!”. ” Trời ơi! Có việc thế thôi mà mợ không nói thẳng ra cứ rào trước đón sau mãi. Việc đó chị nhất trí ngay, gì chứ giúp cháu việc đại hỉ như vậy thì anh chị nhất định sẽ thu xếp rồi!”. Thu mừng rỡ: “Ôi! Nghe bác nói mà em cứ nhẹ cả người. Thế bác cho em gửi lời cảm ơn bác Hoàng với nhé. Hôm cưới cháu, gặp bác vợ chồng em sẽ có lời với bác ấy sau ạ….”. Thu đang nói, rồi như sực nhớ ra: “Em vui quá, mải nói chuyện suýt nữa quên báo cho bác ngày cưới của cháu. Đám  lễ tổ chức vào ngày hai mươi, tháng tám, tức thứ năm tuần sau nữa. Từ nay đến hôm ấy chỉ còn mười hai ngày nữa thôi bác ạ!”. Tôi hỏi: “Thế còn lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi…?”. Thu bảo: “Nhà gái miễn hết, miễn hết bác ạ!”. Tôi thầm khen bố mẹ vợ tương lai của Tùng, mừng cho cháu được làm rể nhà họ và cũng mừng cho vợ chồng Thu có ông bà thông gia tốt, thoáng đãng, hiểu chuyện và hiện đại. Chứ xã hội bây giờ vẫn còn có nhiều nhà cưới con gái thách cao, khó dễ đủ thứ. Chứ đừng nói đến miễn hết các bước lễ dạm ngõ, lễ hỏi thì được mấy nhà.  Thu cười hóm hỉnh: “Em báo cho bác tin vui này nữa nhé, cháu bác cưới là do bác sĩ bảo phải cưới đấy…”. Tôi vui lây niềm vui của em nhanh nhảu nói: “Thế thì còn gì bằng, được cả trâu lẫn ghé, sướng nhất cậu mợ rồi. Có con dâu là có cháu nội luôn. Song hỉ là đây!”. Hai chị em luyên thuyên trò chuyện hoan hỉ thêm đôi câu rồi tắt máy trong niềm phấn khởi.

Thế mà chỉ mấy hôm sau, bỗng Thu gọi điện cho tôi báo đám cưới của cháu Tùng hoãn rồi. Tôi định hỏi Thu lý do vì sao hoãn, nhưng lúc ấy tôi lại có công việc gấp khác nên dừng máy. Xử lý xong công việc tôi định gọi cho Thu, nhưng lại nghĩ đơn giản chắc có việc gì đó, nên lui đám cưới lại ít ngày, rồi các em sẽ báo lại ngày cưới sớm thôi.  

Cứ thế công việc bận rộn cuốn tôi đi cùng với những lo toan, chuyện đời thường xảy ra hàng ngày, cũng như chuyện hoãn đám cưới cháu Tùng cũng đi vào quên lãng…

Bẵng đi một thời gian, chắc khoảng năm, sáu tháng tôi không nhớ rõ. Hôm ấy vừa mới sáng, tôi vẫn còn chưa dậy đã nghe tiếng chuông điện thoại của em trai tôi gọi, bảo tôi về ngay, nhà mợ Thu xảy ra chuyện. Tôi hỏi chuyện gì thì em tôi nói qua loa vài câu rồi bảo, chuyện dài lắm anh chị về rồi sẽ biết. Tôi cùng chồng vội vàng về quê mới hay ngọn ngành câu chuyện và đau đớn trước sự việc xảy ra với gia đình Thu.

***

Tùng và Lan yêu nhau từ khi hai người còn đang học cấp ba. Họ cùng tốt nghiệp trung cấp Tài chính, cùng xin vào làm nhân viên kế toán cho một công ty. Bà Hồng biết mối tình của con gái với chàng trai trẻ mà bà cho là không môn đăng hộ đối nên thường đe nẹt con gái: “Mày mà yêu thằng ấy, thì liệu với tao đấy, biết đường thì tránh xa nó ra…”. Bà cho rằng ở địa vị, chức vụ như vợ chồng bà và nhan sắc của Lan. Con gái bà có thể lấy được con trai nhà đại gia hoặc con rể bà phải là Giám đốc, Phó giám đốc của một công ty nào đó, hay ít nhất cũng phải giữ chức Trưởng, Phó phòng trong một cơ quan hành chính nhà nước, chứ không như Tùng con nhà nông dân chẳng giàu có cũng chẳng học vấn, địa vị gì. Nhưng Lan vẫn rất mực yêu Tùng, một lòng, một dạ, vun đắp cho tình yêu của mình. Cô trốn mẹ xin vào Công ty Tùng làm việc, rồi hai người thuê một gian nhà ở với nhau như vợ chồng, bà Hồng tức lắm nhưng không làm gì được.

Rồi một hôm bà nhận được tin Lan báo cô đã có thai. Bà Hồng tức giận chửi mắng con gái thậm tệ. Nhưng rồi hôm sau, bà lại gọi điện cho Lan, tỏ ra vui mừng, bảo con gái: “Mẹ nghĩ lại rồi, đằng nào thì các con cũng đã có con rồi, thế là mừng rồi, bố mẹ sắp được bế cháu ngoại rồi. Con bảo Tùng xin nghỉ đưa con về đây, để mẹ bàn với cậu ấy nhanh chóng lo đám cưới cho các con, chứ để lâu dân làng họ xì xào bố mẹ ngại lắm!”.

Khỏi phải nói đôi trẻ mừng đến mức nào, vội vàng xin phép công ty nghỉ để về lo đám cưới. Tùng nhanh chóng đưa người yêu về gặp bố mẹ vợ tương lai. Ông bà tỏ ra vui vẻ đon đả làm cơm bảo Tùng ở lại dùng cơm với cả nhà. Rồi bà Hồng bảo Tùng về nói với bố mẹ, hai bên chỉ cần bàn bạc thống nhất công việc qua điện thoại là được rồi. Mọi lễ lạt bỏ qua hết chỉ cần định ngày tổ chức đám cưới. Tùng đem chuyện bà Hồng dặn về thưa với bố mẹ. Bố mẹ Tùng vô cùng cảm kích bảo nhau: “Ông bà thông gia là người hiểu biết có khác, cách họ giải quyết công việc cũng thật tình cảm, nhân văn”.

Theo lịch hai nhà đã bàn bạc và thống nhất vợ chồng Thu cùng với con trai tất bật chuẩn bị cho đám cưới. Khi mọi việc đã ổn, Tùng mới gọi điện cho người yêu, nhưng gọi mãi không được, Tùng nghĩ chắc Lan bận mời bạn bè và chuẩn bị cho hôn lễ sắp tới. Hôm sau, Tùng tranh thủ tạt qua nhà người yêu. Tùng đến nơi thì cánh cổng sắt to sừng sững đã bị khóa trái bên trong. Tùng gọi to: “Lan ơi! Mở cửa cho anh, Lan ơi!”. Nghe tiếng Tùng, Lan vùng dậy chạy ra, tóc tai bơ phờ, đôi mắt sưng húp, mọng nước, gương mặt nhợt nhạt. Tùng cuống lên hỏi: “Đã có chuyện gì xảy ra với em thế? Mau mở cổng cho anh! Mau lên em!”. Lan nước mắt giàn giụa, cô vội vàng thò tay qua cánh cổng sắt, Tùng đưa tay lên nắm chặt tay người yêu, Lan nói giọng cầu cứu, gấp gáp: “Anh mau tìm cách cứu em và con của chúng mình. Chúng mình bị mẹ em lừa rồi, bà nói dối để dụ em về, rồi ép em phải phá thai đấy. Mẹ nhốt em lại và tịch thu điện thoại của em rồi. Em không thể liên lạc với bên ngoài được. Anh mau lên tìm cách cứu em, cứu con mau lên anh…”. Nói rồi Lan oà khóc. “Trời ơi! Anh không thể nào ngờ rằng sự việc lại đến nỗi này? Anh có thể làm gì để cứu mẹ con em? Lan ơi!…”.

Tùng choáng váng, nỗi xót xa cay đắng trào dâng trong lòng. Lan run rẩy, đôi mắt sợ hãi điên loạn, mười ngón tay bíu chặt mười ngón tay Tùng. Tùng muốn ôm Lan vào lòng an ủi, vỗ về che chở cho Lan nhưng cánh cổng sắt lạnh lùng kia như ngăn hai người thành hai thế giới. Tiếng người trong nhà quát to vọng ra: “Lan! Vào nhà ngay, còn cậu kia biết đường thì xéo nhanh lên, kẻo rầy rà đấy!”. Người đàn ông đầu trọc, mặc chiếc áo cổ tàu sát nách từ trong nhà chạy nhanh ra chỗ Lan, mặt hằm hổ nhìn Tùng đe dọa, rồi mười ngón tay của ông ta như mười gọng kìm bấm chặt vào bờ vai Lan, kéo mạnh cô vào phía trong, bàn tay Lan rời khỏi tay Tùng tuyệt vọng. Tùng nhoài người cố với theo, nhưng cánh cổng sắt to sừng sững đã ngăn anh lại. Tùng khuỵ hai đầu gối xuống nền gạch, hai tay bíu chặt song sắt, nghẹn ngào kêu gào van xin: “Lan ơi! Lan ơi! Bố mẹ ơi, con van xin bố mẹ, đừng làm hại con của chúng con. Lan ơi…”. Người đàn ông đẩy Lan đi vào trong nhà, Lan cố ngoái lại nhìn Tùng nức nở như muốn cầu cứu: “Anh ơi, cứu con mình, họ chuẩn bị giết con mình, cứu con, cứu con…”.

Tùng nghe thấy tiếng Lan vọng ra, rồi im bặt. Tùng vẫn quỳ trước cổng nhà Lan, đập tay lay cổng gào khóc, van nài: “Bố mẹ ơi! Con xin bố mẹ hãy thương chúng con, thương lấy cháu, đừng hại cháu, bố mẹ ơi… Lan ơi..!”. Tùng dùng hết sức lực ngửa mặt lên trời gào thét và đập cổng, người trong nhà thả mấy con chó ra, đàn chó sủa inh ỏi, át cả tiếng gào khóc của Tùng. Xung quanh không một bóng người. Tùng không biết cầu cứu ai, chỉ biết tiếp tục van xin thảm thiết…

Người đàn ông to béo vừa rồi do bà Hồng thuê về để canh chừng con gái. Trong nhà đang có hai người nữa đó là bà Hồng và một người là y sĩ sản khoa. Người đàn ông kéo Lan vào phía bên trong theo lệnh của bà Hồng, nhanh chóng người y sĩ sản khoa xách túi đồ theo sau. Tiếng gào thét của Lan vọng ra nhỏ dần: “Đừng, đừng giết con tôi…đừng …!”.

Tùng bủn rủn chân tay như bị trút hết sinh lực vì cú sốc đau đớn, và nỗi tuyệt vọng tột cùng. Anh vẫn tiếp tục quỳ bên ngoài cánh cổng sắt, miệng không thôi kêu gào van xin. Bỗng nhiên có hai người đến vỗ vai Tùng, họ nhìn anh bằng ánh mắt thông cảm. Họ xưng là Công an xã nhận được tin của gia đình bà Hồng báo có người đến quấy rối, nên đến yêu cầu Tùng lên phòng công an để làm việc. Tùng giải thích tuyệt vọng dưới sự áp giải của hai người công an.

***

Từ ngày ở nhà Lan về Tùng không làm ở Công ty nữa, người đờ đẫn, tha thẩn, suốt ngày lủi thủi không nói không rằng, ngày ngày cầm chổi ra quét chùa. Tùng như một cái bóng vật vờ, lòng bà Thu đau như dao cắt. Họ hàng, bà con xung quanh đến chơi động viên, an ủi, ai đến bà Thu cũng uất ức, khóc lóc than vãn: “Cứ tưởng nhà họ đều làm cán bộ, có ăn, có học sẽ tử tế. Vậy mà lại là quân lừa đảo, mất cả tính người, đang tâm giết cả cháu mình, loài cầm thú ác như thế mà cũng là giáo viên, mất đức như thế thì dạy được ai chứ…?”

Vốn là một người đàn bà vui vẻ, hồ hởi, bây giờ bà Thu bỗng trở nên ít nói, lặng lẽ hơn. Bà bắt đầu ăn chay, tối niệm phật. Thường đêm người ta nghe tiếng gõ mõ, tiếng cầu kinh vọng ra từ ngôi nhà của bà. Sau hôm ấy, không đêm nào bà Thu tròn giấc, đêm nào bà cũng sang phòng con trai, ngó xem con ngủ hay con thức như chăm nhìn một đứa trẻ…

Ông Hanh, bố Tùng tỉnh rượu lúc nào thì ngồi chết lặng người đi lúc đó. Lúc nào say lại hung lên, bảo: “Chém chết quân lừa đảo, cán bộ cán bèo gì cái loại chúng nó đồ cầm thú…”

Vợ chồng bà Thu vừa thương con, vừa uất hận định đến trường bà Hồng đang công tác để vạch trần bản chất của họ nhưng nghĩ mình thân mọn sức yếu, với cả dù gì họ cũng xử lý chuyện riêng con cái nhà họ thì mình làm sao đủ lý, đủ lực để làm nên chuyện gì, chỉ thêm đau lòng. Nghĩ vậy vợ chồng bà Thu đành ngậm bồ hòn cố quên.

***

Một hôm Tùng trở lại nhà bà Hồng tìm người yêu, qua cánh cổng sắt đã bị khóa trái bên trong, anh nhìn thấy Lan, tay ôm con búp bê đang thơ thẩn trong sân. Tùng gọi: “Lan ơi, Lan…Lan ơi…!”

Nghe tiếng gọi, Lan quay ra, rụt rè tiến về phía Tùng, nhưng vẻ sợ hãi, không dám đến gần. Nét mặt Lan ngây ngô đến lạ lùng, miệng cười cười. Một tay ôm búp bê vào ngực, đầu nghiêng nghiêng áp má vào búp bê, một tay vỗ vỗ búp bê, Lan nhìn Tùng bằng ánh mắt ngây dại, nói như khoe: “Con Lan đấy, đây là con của Lan mà, có đáng yêu không nào!”. Nói rồi Lan lại cười khanh khách. Tùng chết điếng, lắp bắp gọi tên Lan không thành lời, anh khụy xuống. Từ trong nhà, người đàn ông hôm trước lao nhanh ra giằng lấy con búp bê trên tay Lan, ném mạnh xuống đất, cau có quát: “Con với chả cái, lúc nào cũng con, con! Đi vào nhà! Vào ngay!”.

Nói rồi gã cầm tay Lan lôi vào trong. Lan gào khóc dãy dụa với tay về phía con búp bê, gọi: “Con ơi, con ơi, đừng giết con tôi…”.

Tùng cảm giác như dao cắt từng khúc ruột. Anh ngồi dựa vào cánh cổng sừng sững kia nấc lên khóc như một đứa trẻ. Chợt anh nghĩ giá mình cũng giống như Lan, quên hết những trái ngang ở đời, chẳng còn đau khổ nữa. Rồi như người mê, Tùng đứng dậy lủi thủi vô hồn bước đi.

Từ đó Tùng mắc bệnh trầm cảm nặng, sống như một người vô thức.

***

Đêm nay bà Thu sang phòng Tùng lần này là lần thứ tư rồi, thấy con trai nằm im, tưởng con ngủ, bà lại lặng lẽ trở về phòng mình, ngả lưng rồi thiếp đi. Trong giấc ngủ mê mệt, bà Thu gặp một giấc mơ lạ. Bà Thu thấy Tùng áo quần ướt sũng cứ lặng im đứng trân trân cạnh giường mình. Bà giật mình choàng dậy vội chạy nhanh sang phòng Tùng, không thấy con đâu, chỉ thấy tờ giấy, viết mấy dòng chữ đặt trên đầu giường, bà Thu vồ lấy tờ giấy run run đọc: “Bố mẹ ơi! Con là đứa con bất hiếu. Con xin lỗi và mong được bố mẹ tha thứ. Sáng nay bố mẹ ra hồ sen, trước cổng Đền Mạn Xuyên, có một cái cọc tre, buộc sợi dây thừng, bố mẹ sẽ tìm thấy con!”.

Bà Thu chỉ kịp kêu lên một tiếng: “Con ơi!” rồi ngất lịm, nằm lăn ra sàn nhà. Ông Hanh nghe tiếng động chạy từ phòng bên sang thấy vợ nằm bất tỉnh liền hô hoán hàng xóm đến giúp. Mọi người xúm lại đọc bức thư của Tùng rồi tất cả vội vã cùng chạy thật nhanh về phía hồ sen.

Trời vẫn chưa sáng hẳn, sương sớm bao trùm, tựa như khói nhang mênh mang, lan tràn phía trên mặt hồ nước. Đền Mạn Xuyên nằm cách hồ chừng năm thước. Người ta nhìn thấy một chiếc cọc tre có cột chặt một dây thừng, đầu dây thừng còn lại dẫn xuống hồ sen.

Mấy người đàn ông hốt hoảng lần theo dây thừng ùa xuống hồ, lách vào những đám sen um tùm. Tùng nằm đó mặt hướng lên trời. Xung quanh Tùng những cây sen thẳng đứng, lá xoè to giống như chiếc ô. Những đoá sen cánh đỏ thắm, ngoi lên trên đám lá xanh rì, toả hương thơm ngát. Mọi người nhẹ nhàng lách đám sen rộng ra, từ từ nâng Tùng từ trong làn nước trong xanh, rồi đưa Tùng về nhà, đặt lên chiếc giường mà Tùng đã chuẩn bị cho ngày cưới của mình.

Tùng trong bộ trang phục chuẩn bị cho buổi hôn lễ, nằm bình thản như người đang ngủ, hương sen thơm dịu từ hồ sen toả ra bao trùm xóm làng buổi sáng sớm.

Những tiếng khóc ai oán, đau đớn, tiếc thương chồng chéo nhau làm náo động cả xóm nhỏ

***

Vào một buổi sáng khi bố mẹ Tùng cùng vài người thân thích ra thăm mộ con, họ ngạc nhiên khi thấy trên mộ Tùng có một vòng hoa lạ được kết từ những bông hồng trắng muốt, có băng tang màu đen vắt ngang nổi lên dòng chữ: “Cầu mong cháu sớm siêu thoát và an giấc ngàn thu”.

Bà Thu nhìn vòng hoa vẻ thắc mắc: “Ai đến viếng mà lại không vào nhà thế nhỉ?”. Một người trong số họ hàng bỗng thốt lên: “A! Tôi nhớ ra, chiều hôm qua, tôi có nhìn thấy hình như cháu Lan cùng với bà Hồng đi từ phía mộ này ra, có lẽ …”. Một người khác trong đám nói: “Chắc bà ấy thấy ân hận, nhưng ân hận thì cũng đã quá muộn rồi!”. Lại có tiếng người khác nói: “Ừ! muộn…nhưng ít nhất trong bà ấy cũng đã thức dậy một chút lương tâm!”.

Bà Thu bỗng khóc òa nức nở, bà đau đớn vì sự sám hối của một lương tâm phải đánh đổi bằng mạng sống của đứa con bà.

Leave a Reply

Your email address will not be published.