Thơ Lưu Tuấn Kiệt

Home NHÀ VĂN Thơ Thơ Lưu Tuấn Kiệt
Thơ Lưu Tuấn Kiệt

Vài nét về tác giả:

Tác giả Lưu Tuấn Kiệt sinh năm 1945 tại Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên. Ông là Nguyên cán bộ Viện Điện tử – Viện Kỹ thuật Quân sự – Bộ quốc phòng, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên.

Các tập thơ đã xuất bản: “Hoa dâm bụt” – NXB Hội nhà văn 1997, “Hồn Cỏ” – NXB Văn học 2000, “Linh vật”- NXB Hội nhà văn 2023, Truyện ngắn “Hương rau khúc”- NXB Hội nhà văn 2005, “Tiểu luận và thơ” – NXB thanh niên 2020, “Tản văn Heo may” – NXB Hội nhà văn 2012.

Giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979, Giải B Cuộc thi truyện ngắn VHNT Hải Hưng 1996, Giải B Thơ Giải thưởng Phố Hiến (1997 – 2000) và (2006 – 2010).

1. HÓA THẠCH

Giữa nhà cao

Trập trùng Tam Đảo

Một lô cốt

Rêu phong

Cỏ lau phủ họng đen

Lỗ châu mai trừng trừng

Mắt con thú dữ

Mây vẫn trắng

Mang màu tiền sử

Đại ngàn cao thoang thoảng hương bay

Con dã thú nằm dài

Meo mốc

Những lứa đôi

Áo váy lưng trời

Thầm thì trên lưng con thú

Hoa rừng như ngừng nở

Chim rừng như ngừng bay

Tam Đảo

Nhìn nhau

Ngơ ngác!

2. BONG BÓNG MƯA

Này bong bóng ơi!

Có một thời ta chạy theo bong bóng

Cơn mưa tháng năm

Bong bóng đầy ắp sân nhà

Cơn mưa tháng mười

Mẹ cha không về kịp

Một mình ta đứng khóc

Thóc cào vào

Mưa tãi thóc ra!

Có niềm vui thầm thì

Bong bóng

Cô hàng xóm xinh xinh

Quần xắn trong mưa

Bì bõm

Qua nhà

Để ta yêu nhau

Bong bóng nở hoa

Âm thầm thương nhớ

Bong bóng ngập đường

Tràn xuống ao quê

Có nỗi buồn trong cơn mưa

Tiền tài – danh vọng

Bong bóng – treo

Sân thóc ướt rồi con không về được!

Bong bóng – treo

Thăm thẳm nỗi người trông ngóng chờ mong…

Quê hương vẫn ngàn đời

Ắp đầy bong bóng

Vỡ tự sân nhà – đến cái hư không!

3. SOI TRĂNG

Ai gọi gương trăng

Lạ chưa?

Chúng mình soi gương

Chẳng bao giờ thấy mặt

Trăng đổ vàng trên tóc

Đẫm hương trời trên môi

Ta ngồi bên nhau

Cùng nhìn trăng khao khát

Soi vào trăng

Hơi ấm thêm gần

Soi vào trăng

Cùng thấy Cuội già

Nhặt lá đa

Khẽ thả

Cho những lứa đôi

Tình tự trên đời

Chiếc lá trên tay anh ướt sũng

Thơm mùi trăng trinh nguyên

Gương trăng một thời

Khắc khoải lòng ta

Nỗi nhớ thương vằng vặc

Em tròn căng như trăng

Trong giá lạnh trăng vẫn xanh vời vợi

Từng tháng vòng em

Thao thức trăng rằm

Ta cảm ơn cuộc đời tươi đẹp

Đêm đêm được soi vào trăng nhau

Có trăng em làm tan cơn khát

Để trăng thơ sáng mãi trên đầu.

4. SỐ PHẬN

Tưởng đã đi về mây gió

Ai ngờ còn có hôm nay

Cái thằng khỏe như trâu mộng

Ốm sau mà cũng đã “bay’’

Lại thằng sức còn hừng hực

Lái xe chở rác thần tình

Sáng ra nằm khoèo góc chợ

Lên tiên sướng… lủi… một mình!

Thế mới gọi là số phận

Khổ đau chỉ có ở đời

Mà sao con người ham sống

Ham ôm ấp những buồn vui?

5. HƯ VÔ

Ngày giỗ cụ tôi

Bà dỗi với ai

Đầu đội nón mê

Tựa cửa đình Ngò

Tôi ngây thơ

Biếu bà nắm xôi

Bà khóc

Nước mắt già chứa chan

Giờ – đĩa xôi thật đầy

Tôi chưá chan nước mắt

Trong ảo mờ khói hương

Có bà

Ai bảo hư vô?

6. ĐƯỜNG TRĂNG

Từ bao giờ em gọi đường trăng ?

Ta bắt gặp cổng làng trăng đến

Trăng soi suốt đêm đêm cho chúng mình hò hẹn

Để em bâng khuâng

Trăng lặn xuống… ao chùa!

Quê hương mình đã khác ngày xưa

Đường bê tông – hai đầu trăng lên xuống

Đường bê tông – nối mùa hoa với mùa lúa chín

Điện sáng cùng trăng soi bước em về

Quê hương mình còn nắng còn mưa

Lũ trẻ chân trần

Qua đường trăng

Vụt lớn!

Như chúng mình thơ

Người mai sau sẽ cùng nhau hò hẹn

Con đường trăng bát ngát giữa làng mình

Rồi qua đây những đám cưới thật xanh

Quả cau xanh

Lá trầu xanh

Cùng áo ai xanh màu trời biếc

Con đường trăng đi theo mải miết…

Trong từng đôi lứa nhớ thương nhau.

7. NƠI TÌNH YÊU Ủ TỪ TRONG CÁT

Xa xưa

Có người đàn bà quây mùng tắm

Gáo thứ nhất

Thơm mắt làn da

Gáo thứ hai

Lộ ra người đàn ông nguyên khuôn trời đất

Họ thương nhau thành vợ thành chồng

Có sông nước và đất trời chứng giám

Ngàn năm

Cát còn đây

Đời người gió thoảng

Chàng trai nghèo

Lấy công chúa giàu sang

Còn cái khố nhường cha nhắm mắt

Ai dám mơ người ấy bạc vàng ?

Chỉ có tình yêu họ mới thành Tiên Dung- Đồng Tử

Chỉ có thời gian đất thành cát pha lê

Chỉ có con sông nói lời chân thật

Hỡi ngàn năm con sóng hát say mê!

Bao thế hệ Tiên Dung sinh con đẻ cái

Dựng đất Hưng Yên chặt lau sậy làm nhà

Đánh giặc kiên cường, cha con nối bước

Vùi cát lên người lừa địch đi qua

Những cháu con chàng trai Đồng Tử

Phạm Ngũ Lão mặc giáo đâm vào chân

Còn mải mê mưu lược

Tô Hiệu trong lao

Để lại sắc hoa đào

Đất nước xanh thêm áng thơ Đoàn Thị Điểm

Đêm Nguyệt hồ vụt sáng một vì sao

Có một thời ong bay qua nhà Tỉnh ủy

Con cháu Tiên Dung mắt hạt nhãn lồng

Theo tay Bác Hồ tìm trong đất cát

Đưa nước về đồng

Cây lúa đi lên!

Có một thời

Tình yêu làm ta rưng rưng nước mắt

Mẹ tiễn con đi nấu bánh đúc cua đồng

Con cua bò ngang- nhớ đồng xa mẹ cấy

Con cua ngoi lên nhớ trưa nắng mẹ về

Mẹt bánh đúc Mĩ Hào

Đại đội ăn không hết

Thương mẹ nghèo gạt nước mắt con đi

Có một thời

Chúng tôi nhận ra nhau

Những dáng hình Tiên Dung – Đồng Tử

Giọng “ lói” người đâu nghe đã dịu dàng

Uống rượu cần nhớ rượu quê Trương- Xá

Qua phà Rừng nhớ Yên Lệnh đò sang

Chúng tôi nhận ra nhau

Mắt nào đen ươn ướt

Bởi nhãn quê ta ngọt lịm trưa hè

Có nửa vầng trăng trên môi em cười nụ

Đôi vai tròn gợi nhớ vòng đê

Đã một thời

Cháu con Tiên Dung làm nên lịch sử

Hôm nay chúng tôi lại đứng trước sang giàu

Trước quyến rũ đồng tiền

Vẫn không quên tổ tiên nhường nhau chiếc khố

Vẫn không quên lầu son gác tía

Đổi bằng bãi mía nương dâu

Chúng tôi có tình yêu ủ từ trong cát

Nghìn năm xưa còn sáng hôm nay

Những hậu duệ Đồng Tử – Tiên Dung

Sẽ làm nên huyền thoại

Quê hương

đổi mới

từng ngày

8. CHỜ ĐỢI THÁNG BA

Tháng ba cây cà trắng quả

Ngọn bí bò trong mưa

Tháng ba đồng ngợp màu xanh

Cây lúa cho người nóng ruột

Em về – lá dâu còn ướt

Tầm đang ăn rỗi đợi người

Tháng ba rộn ràng trống hội

Sao là cô Tấm em ơi?

Hãy nói cho nhau một lời

Em bảo – mùa xuân chưa vội

Nhưng nào tháng ba có đợi

Thoáng chùm hoa gạo bay bay …

Cầu bập bênh

Ngoài đồng lúa rủ câu

Trong nhà

Tầm ăn rỗi

Vai em mang

Chiếc cầu

Bập

Bênh

Anh đỡ thế nào

Em bớt mỏi?

9. HOA BÁO HỘI LÀNG

Em ơi mùa hè!

Cây gạo đầu làng khoe chùm hoa đỏ

Ta bâng khuâng nhớ về thuở nhỏ

Em chạy dọc bờ đê

Đuổi đón hoa rơi

Quê mình mùa nước đầy vơi

Cao cao ngọn gạo bao đời gió mưa

Hội làng mồng tám – tháng tư

Áo em khâu đến bao giờ cho xong?

Đình làng mái lượn cong cong

Tam quan ngói đỏ phượng rồng lại bay

Nhớ gì sao mắt cay cay

Tuổi thơ đi hội túi đầy dưa gang

Hoa rơi – rắc pháo quanh làng

Em học ăn trầu môi đỏ

Anh đến đình làng

Khăn xếp áo the

Con gái – con trai

Học về

Lưng thắt đai xanh hoa lý

Đầu đội khăn hồng

Gươm giáo cầm tay

Hội làng – ra trận hôm nay

Quân tướng hoa cài trên ngực

Anh chạnh nhớ ngày em đứng khóc

Hoa đỏ trời tiễn biệt anh đi!

*

Xa xôi ai hẹn tìm về

Thấy hoa gạo đỏ là quê hội làng

Người vui lòng dạ xôn xang

Hội vui trống trận rộn ràng như say

Đầu làng lửa gạo bay bay

Nhặt hoa em gái cầm tay má hồng

Hội làng có lửa cha ông

Người xưa giữ lửa thắp trong hội làng…

Người xưa như bóng khói nhang

Em đi lễ hội để làm… người xưa

Sắc màu như thực như mơ

Giăng giăng bông gạo vương hờ áo nhau

*

Người xưa – ai dễ quên đâu?

Thắp nén hương lên gọi thời gian khổ

Bạn bè ơi – ngã xuống hãy mau về

Cứ thẳng hướng đầu làng – hoa gạo

Mẹ vẫn chờ – trống giục hội làng quê!

10. Trang mới tháng tư

Tháng tư trời đất gọi nhau

Ầm ì tiếng sấm

Ngọn tre đầu làng

Bẻ lái

Nồm nam

Tháng tư

Cỏ ào ra như bút

Chống màn sương lên cao

Viết lên trời xanh muôn ngàn trang sách

Vẩy tê tê

Xếp nửa bầu trời

Cây gạo già áo giáp ủ gai

Mai bút mòn buốt giá

Sáng nay

Tung khăn Sương

Đầu bốc lửa

Thăp đỏ trời tháng tư

Thiêu cháy những chân mây cũ…

Leave a Reply

Your email address will not be published.