NHÀ VĂN ĐOÀN GIỎI VÀ ĐỀ CƯƠNG TIỂU THUYẾT VIẾT CHO CÁC EM VẪN CÒN DANG DỞ

NHÀ VĂN ĐOÀN GIỎI VÀ ĐỀ CƯƠNG TIỂU THUYẾT VIẾT CHO CÁC EM VẪN CÒN DANG DỞ

ĐOÀN MINH TUẤN

LTS: Nhà văn lão thành Đoàn Minh Tuấn, 92 tuổi đời, 75 tuổi Đảng. Ông có nhiều tư liệu rất quý hiếm về các nhà văn lớn như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Anh Đức, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tường Hạnh… Bài viết này, ông cho chúng ta biết thêm nhiều tư liệu mới về một nhà văn Nam Bộ mà chúng ta hết lòng yêu mến: Đoàn Giỏi, tác giả của nhiều bộ sách viết cho thiếu nhi rất nổi tiếng: ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM, CUỘC TRUY TÌM KHO VŨ KHÍ…

Đoàn Giỏi sinh năm 1925, mất năm 1989. Quê ở Tân Hiệp, Châu Thành Tiền Giang, Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành HNV các khoá 1, khóa 2. Trong những năm chống Pháp, ông làm ở ngành An Ninh rồi chuyển sang công tác thông tin văn nghệ. Kỷ niệm 15 năm ngày mất Đoàn Giỏi, Tỉnh uỷ Tiền Giang, Công an Tiền Giang cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm ông, tại Hội trường UBND Tỉnh Tiền Giang và đặt tên trường Tiểu học Tân Hiệp thành Trường Trung học cơ sở Đoàn Giỏi. Xin cảm ơn Nhà văn Đoàn Minh Tuấn về những tư liệu quý lần đầu công bố.

I. ANH CÔNG AN HỌ ĐOÀN:

Năm ấy 1965, mùa thu nhân kỷ niệm 25 năm ngày Công An Nhân Dân trong một bữa rượu ở số 2 Cổ Tân – nhà Đoàn Giỏi, tôi, Phạm Tưởng Hạnh, Khương Minh Ngọc và một vài bạn văn nữa liên hoan mừng cách mạng tháng 8, đột nhiên Đoàn Giỏi hỏi tôi:

– Tuấn này, cậu thử tưởng tượng một ngày nào đó mà Hà Nội vắng bóng Công An thì sao? Tôi còn phân vân chưa biết trả lời thế nào thì tú tài Quới trả lời ngay:

– Hà Nội sẽ loạn mất, cướp phá, trộm cắp, lừa đảo, giết người, tội phạm tung hoành…

Nghe Đoàn Giỏi nói vậy, tôi liền chen vào cho vui:

– Thôi ông anh, anh lại bị bệnh nghề nghiệp rồi! Vì Đoàn giỏi năm xưa – 1945 lúc cách mạng tháng 8 thành công, anh chả là Trưởng Công An huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Cho nên anh cứ nghĩ không có Công An một ngày thì xã hội sẽ loạn lên, mà thật vậy. Ai sẽ là người thay mặt chính quyền giữ gìn an ninh, trật tự? Ai sẽ trừng trị, trấn áp bọn lưu manh tội phạm trộm cắp, đĩ điếm, hút xách, cướp phá nổi lên như rươi? Chao ôi! Ta thử tưởng tượng một ngày không có lực lượng công an thì ra làm sao nữa!

Đoàn Giỏi là một chiến sĩ an ninh dũng cảm, kiên cường, trung thành từ những năm đầu cách mạng mùa Thu. Anh đã xuống sát từng thôn xóm truy lùng bọn việt gian phản động giữ gìn trật tự để an dân. Có một lần vì anh em công an thị trấn Tân Hiệp giữ nhầm một nhân vật trí thức cách mạng, mà mãi mãi sau này mỗi lần nhắc đến anh lại ân hận, hối lỗi, và tự dằn vặt sự ấu trĩ của mình… Những ngày ở Hà Nội, tôi và Đoàn Giỏi thường đến thăm nhà bác Ba Nghĩa tức luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lúc bấy giờ bác Ba từ miền Nam ra công tác ở nhà 82 Nguyễn Du, còn Đoàn Giỏi ở Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du, Tôi ở báo I. Thống nhất nhà số 80 sát bên cạnh nhà bác Ba. Đoàn Giỏi những năm đầu tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, phụ trách Trưởng công an huyện Châu Thành tỉnh Mỹ Tho. Bác Ba Nghĩa lúc bấy giờ là luật sư danh tiếng ở Sài Gòn đi công tác Mỹ Tho, trên đường đi bác bị du kích giữ lại, nghi bác là người làm việc cho Tây. Bác là người học bên Tây thật, đỗ cử nhân luật từ thuở thiếu thời chịu sự giáo dục của Tây mà không chịu hợp tác với Tây. Chuyện về một nhà trí thức lớn, rất lớn của chúng ta, một luật sư danh tiếng. Tôi có người bạn là anh Hoàng Xuân Bình cán bộ cách mạng, bị bắt thời trước, đã được luật sư dùng lý lẽ và tình yêu Tổ Quốc biện hộ và ra khỏi toà án binh của Pháp và bao người yêu nước khác bị Pháp bắt như bà Nguyễn Thị Bình, bà Duy Liên… được tự do. Đoàn Giỏi lúc bấy giờ là trưởng Công An Huyện đã đến trụ sở gặp bác ba. Anh nổi “lập trường” lên lớp vì thấy bác Ba ăn mặc sang trọng có vẻ quý tộc: “Đúng rồi chỉ có theo Thực dân đế quốc mới ăn mặc sung sướng như vậy”. Nhưng sau khi xem giấy tờ mới biết bác Ba chính là luật sư – nhà trí thức lớn Nguyễn Hữu Thọ – tiếng tăm lừng lẫy ở Sài Gòn, đã từng bảo vệ bào chữa cho bao nhiêu tù nhân Cộng sản bị đế quốc thực dân xử ở toà án, đưa đi tù đày. Và Đoàn Giỏi khi ấy mới biết mặt luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Anh đã cúi đầu hối lỗi, sau đó anh đích thân mời luật sư ra vùng kháng chiến theo lệnh của uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ. Từ đấy anh và bác Ba mới biết nhau. Khi bác ba ra Hà Nội, chúng tôi khuyên Đoàn Giỏi đến chào thăm bác Ba. Nhưng Đoàn Giỏi vẫn khí khái: Bây giờ bác Ba là lãnh tụ của phong trào giải phóng, là nghị trưởng – ý anh nói là Chủ Tịch Quốc hội (sau giải phóng), nếu mình đến thì thiên hạ sẽ nói mình “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nhưng bác Ba thì lại khác, một trong những người bác Ba muốn thăm lại là Đoàn Giỏi. Bác cho người mời Đoàn Giỏi đến chơi, Đoàn Giỏi rất cảm động, những tưởng bác Ba thành kiến cho tội ấu trĩ, “lên mặt” dạy đời của mình. Không ngờ bác Ba tình nghĩa cho người mời anh đến. Anh nói: luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người đại lượng như thế, nhân từ như thế! Ở Hà Nội khi chúng tôi đến thăm bác Ba, Đoàn Giỏi thường diện thoại trước, bác Ba cho người ra đón. Chính tay bác pha trà mời chúng tôi. Ôi một vị quyền Chủ tịch nước mà Đoàn Giỏi có khi gọi vui là “Quốc trưởng” mà sao bình dị và chân thật như bác nông dân miệt vườn. Nhiều lúc bác nhờ Đoàn Giỏi và tôi tìm cho tài liệu, báo chí và sách truyện đang có nhiều vấn đề tranh luận và bác trao đổi chân tình về văn chương thế sự với chúng tôi một cách cởi mở không khách sáo màu mè…

Lúc Đoàn Giỏi sắp hấp hối ở bệnh viện thống nhất Thành Phố Hồ Chí Minh, chị Lục vợ anh Giỏi lúc ấy năm 1989 không lấy được vé máy bay, chị gọi điện thoại với bác Ba, bác Ba cho người ở văn phòng giải quyết, còn gửi thuốc men, lộ phí cho chị Lục để vào chăm sóc chồng.

Nhà văn Đoàn Giỏi tiễn Đoàn Minh Tuấn (áo đen) vào chiến trường những năm 70

II. TÌNH CẢM ANH EM. TÌNH BẠN VĂN CHƯƠNG:

Đoàn Giỏi đi Hungary về là anh ăn tết ở nhà tôi. Năm đó là năm Kỷ Tị (1989), tháng hai mùa xuân, tức tháng 4 năm dương lịch mấy ngày sau anh lại vội vã ra đi, để lại cho gia đình tôi nỗi đau quá lớn.

Nói là ăn Tết, nhưng anh có còn ăn được gì? Tôi có ngờ đâu đấy là cái Tết cuối cùng. Một miếng pho mát nhỏ bằng quân cờ, một ly rượu bằng hạt mít anh cũng không uống nổi. Hội Văn Nghe thành phố cấp cho anh một căn phòng 20 mét vuông, trần dột nát khi mưa, còn nóng thì mái tôn hầm hập như lò nướng bánh. Anh nằm giường chiếc bên cạnh bố con tôi. Các con tôi gọi anh bằng Ba Năm – chả anh là thứ năm – vợ tôi cũng quê Tiền Giang với anh, nên anh coi như là ruột rà cốt nhục.

Khi tập kết ra Bắc, anh gặp tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam tình cờ trong một cuộc họp cộng tác viên, biết tôi họ Đoàn anh đến bắt tay: “Cậu Tuấn này, họ Đoàn ít lắm, cũng chẳng làm vua, làm chúa và quan quyền bao giờ, ông tổ chúng mình cũng từ đất Quảng vào, chắc chúng ta cùng họ nhưng khác chi, khi cha ông ta không chịu nỗi áp bức, di dân về phương Nam tha phương cầu thực”.

Kể từ những năm của thập niên 50 ấy, chúng tôi đã thân nhau lắm. Ở Hà Nội nhà tôi ở gần nhà anh – tôi ở Hàng Khay, còn anh ở Cổ Tân, cách nhau chừng 300mét nên chúng tôi vẫn thường đi lại với nhau trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”. Lúc còn ở bộ đội, tôi đã được đọc Cây đước Cà Mau của anh từ tháng 11-1954. “Bà má Năm Căn” anh tả trong hồi ký này hiện lên cùng sông nước cỏ cây chim muông, cá tôm, thời tiết… Ngôn ngữ theo đầu óc văn chương ngờ nghệch của tôi thời sinh viên. Có lần anh Xuân Diệu nói với tôi: “Bà má Năm Căn – bài thơ của mình cũng nhờ đọc Đoàn Giỏi mà có”.

Anh là một con người phóng khoáng, hào hiệp, có tấm lòng sâu nặng với sông Tiền cho nên khi giải phóng quê nhà – lúc bấy giờ tôi ở chiến khu về tiếp quản Đài truyền hình giải phóng Sài Gòn – anh điện cho tôi chuẩn bị xe cho mình về một chuyến thăm quê” và mùa xuân năm 1976, anh vào. Tôi cũng nhận công tác miền Tây nên cùng anh và một bạn quay phim về ăn Tết ở Mỹ Tho. Tôi có ra gò đất bên thị trấn Tân Hiệp viếng mộ song thân anh. Năm ấy anh vừa tròn 50 tuổi, tóc mới hoa râm, anh ngồi kề bên bia mộ đá xanh đốt đến ba tuần hương, và theo phong tục làng quê, chúng tôi châm lửa đốt vàng, một cơn gió nhẹ cuốn tàn gió bay cao đến hàng chục mét. Vốn là người có chiều sâu tâm linh và để tâm thiện nghiên cứu thiền học, anh vỗ vai tôi: “Thôi về được rồi Tuấn ạ”. Ba má đã về và đã bay vào cõi hư vô, chứng kiến cho con cháu đến lạy tổ tiên rồi đó”.

Rồi sau đó tôi cùng anh về Cà Mau. Dọc theo đường, anh thích tạt vào những vườn cây ăn trái sum suê. Anh ngắm nhìn từng chiếc lá, từng rễ cây, từng ngọn đước, ghi ghi chép chép cẩn thận. Đêm dưới ánh trăng không đủ sáng để nhìn, anh rọi đèn pin xem từng con cua, con còng, con cá kèo,… bò ra khỏi hang kiếm ăn. Và anh đưa tôi trở lại những vùng đất mà nhân vật An của anh trong Đất rừng Phương Nam đã lưu lạc… Là người đã từng học trường beaux-art Mỹ thuật Gia Định những năm 40, nếu suôn sẻ thì cũng là một nhà danh hoạ, nhưng anh bảo: Cụ Nguyễn Tuân có nói nếu cho chọn nghề thì cụ chọn nghề vẽ, còn mình chọn nghề thì chọn nghề kiểm lâm. Theo anh thì đi vào rừng sâu có nhiều điều mới lạ, bắt mình phải khám phá, tìm hiểu, quan sát… Anh say mê màu sắc chiếc lá khi chiều tà, ngọn cỏ lúc sương tan, con cò đầu bạc đủng đỉnh ung dung như đạo sĩ bên bờ sú vẹt xanh um… Và anh đã viết truyện Rưng đêm xào xạc (Truyện đã được giải thưởng của ngành Lâm Nghiệp). Ôi một người đắm đuối với thiên nhiên và yêu quý động vật cỏ cây nhưng lại là một người rất khinh bạc trong cuộc sống. Nhiều lúc anh ngồi buồn thừ người ra suy nghĩ vẫn vơ, thở dài. Có lúc ngậm ngùi thê thiết anh thường than vãn với tôi “Tết ở Hà Nội nhớ Tiền Giang, Sài Gòn, khi về Sài Gòn lại nhớ tết Hà Nội. Một nửa đời mình gắn bó với Hà Nội đó!”. Và cũng vì tình yêu quê hương, đất nước mà anh đã góp phần dìu dắt bao nhiêu nhà văn trẻ của đồng bằng sông Cửu Long, kể cả ngày qua và hôm nay.

Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ phương Nam hiện đại, anh là người “máu của máu Việt Nam” là vậy!

Tiếc rằng anh đã quá vội ra đi khi núi cả, cây ngàn” tiểu thuyết còn đang thai nghén.

Nói về thời kỳ hồng hoang của mảnh đất Nam Bộ còn đang dang dở. Nếu Nam Tào gia hạn hộ chiếu Trần gian cho anh 6 tháng nữa lúc ấy chắc chắn chúng ta có thêm những trang sử thi sống động và giàu chất phiêu lưu, thêm những trang từ điển lý thú về ngôn ngữ văn học vùng này. Năm 1948 anh là trưởng ban trinh sát Công An, được kết nạp Đảng Cộng Sản Đông Dương, cho nên tác phẩm của anh có những khám phá và quan sát rất kỹ. Như người trinh sát điều tra một vụ án, khám xét hiện trường, bởi vậy cuốn sách Cuộc truy tầm kho vũ khí” (1962) là một truyện vừa mang đậm màu sắc trinh thám ly kỳ hấp dẫn của anh ấy, kể lại đời của một cô gái bị bỏ rơi trong rừng sâu Bảy Núi, sống với đàn vượn những ngày còn hoang sơ, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Sự đùm bọc của dân chài, dân cày, dân miệt rừng. Khí phách và tình nghĩa của nhân dân Nam Bộ thuở ban sơ. Số phận bi thảm của những con người bị áp bức, kẻ xâm lăng dã man tàn bạc, đặc biệt là cảnh sinh hoạt của vùng ngập mặn mới đầu chưa được khai phá… đấy là bối cảnh của “núi cả, cây ngàn”.

Anh đã nói với tôi: Cuốn sách này mình thai nghén gần ba năm rồi, ước mong nó là thông điệp lịch sử đấu tranh trong buổi sơ khai của Nam Kỳ lục tỉnh”, khi thực dân Pháp mới xâm lược và đó là cuốn tiểu thuyết dài 10 chương mà anh đã ấp ủ mãi những năm cuối của đời anh.

Tác phẩm kể lại một cô giáo bị bỏ rơi trong rừng vùng Bảy Núi trong những ngày thực dân Pháp cướp nước ta. Sự đùm bọc che chở của nhân dân miệt rừng, tình nghĩa hào hiệp của dân vùng đất hoang sơ, số phận bi thảm của những kẻ phản bội dân làng vùng đất ngập mặn. Đây là đề cương tóm tắt mà Đoàn Giỏi trước khi chết đã đưa cho tôi, để tôi viết bài in báo – tôi đã chuyển cho chị Lục cả tập bản thảo viết tay này. Tôi là người được nhờ tìm tư liệu giúp anh ở thư viện quốc gia về buổi hồng hoang “mang gươm đi mở cỏi”, bởi tôi hay vào thư viện tra cứu các truyện cũ, kể cả các tiểu thuyết ta viết về mở đất như “Quả dưa đỏ của vua An Tiêm và các thư tịch xa xưa của thời chúa Nguyễn ở Đàng trong… Riêng thư viện nhỏ ở nhà tôi đã có mấy nghìn cuốn sách mà anh thường xuống đọc nhờ, nghiên cứu. Một hôm anh mệt, anh đọc cho tôi ghi đề cương một cuốn truyện viết cho các em:

NÚI CẢ CÂY NGÀN

Đề cương Tiểu thuyết của Đoàn Giỏi

Chương I: Giữa Hoang Sơ

Mua nước lên. Vùng trũng Bảy Núi mênh mông như biển

Buổi chiều, ông già Tâm ngồi trong thuyền trò chuyện với con chó Đốm. Thuyền là nhà lưu động và con Đốm là bạn duy nhất của ông.

Ông ngồi nướng cá sau khoang lái. Oi nồng báo hiệu sắp có cơn giông. Một con rắn theo bánh lái bò lên, một con rắn đuổi sát theo, một con chim ó lao xuống bắt con rắn hổ… Cuộc sống dữ dội của thiên nhiên.

Rồi giông ẩm ầm kéo tới. Giữa ba đào, bầy rái cá lặn hụp đuổi mồi… Lát sau, trời im gió lặng như chẳng có gì xảy ra.

Già Tầm ngồi nhấm rượu với cá rô nướng. Vừa cho chó ăn vừa tiếp tục chuyện trò với nó. Ông vẫn thường ngồi một mình trò chuyện với nó rất lâu. Đối với một con người như ông, xa cách bạn bè và gia đình đã lâu, dễ bị dày vò vì nỗi cô đơn thì con Đốm là một gắn bó không thể thiếu. Nó luôn luôn ở quanh ông, trở thành một người bà con họ hàng và ông chuyện trò với nó như người, bởi nó rất nhạy cảm với tâm trạng chủ nhân.

Con thấy không, nước lên mấp mé chân núi rồi.

Dưới làng nước lao xao sóng gợn kia, mấy tháng trước còn là cánh đồng nứt nẻ. Đường xe trâu ngoằn ngèo như rắn lượn, nắng đổ lửa xuống mặt đất trần trụi, lốc xoáy bụi mù, xa xa thấy nhô vài con gò nhỏ, cây bụi lá cháy vàng… Ông nhớ lại những ngày “thầy trò” nắm cơm đi sâu vào cánh đồng, mò theo các khe trũng tìm vàng. Hai chú cháu đi mò vàng. Người chú đã giết đứa cháu trên đường về để chiếm đoạt tất cả (Crimeres Châttimeuts). Nhìn đầu cũng thấy máu. Chuyện đổi người đào nhồng, đào chuột đã nhặt được vàng, được đầu Phật đá Phật đồng một dạo đồn nhao lên. chiếc bồ trong thuyền ông lổn cổn vỏ, ốc cổ, đá quý, chân chèn hình mỷ nữ quì đội đĩa dầu… Đào được mấy tháng vừa qua (Văn hoá Ốc Eo). Nước lên, ông đã mang về chợ Tây Xuyên (Châu Đốc) và chợ huyện Hà Dương (phái Bảy Núi thuộc tỉnh An Giang) tìm cách mua bán, đổi chác nhưng chẳng được mấy đồng tiền… Đối với dân nghèo lam lũ, những cổ vật ấy chẳng giá trị gì, có khi họ bắt gặp còn không giám lấy nữa là…

Chiếc ghe lườn (thuyền độc mộc) nào, cứ xa xa lẽo đẽo theo ông về gần về đến đây, rồi rẽ đi mất?

(Thời gian: sau Lê Văn Duyệt mất (1832) Nam Kỳ chia thành 6 tỉnh, lúc xảy ra chuyện này là Pháp đã lấy nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ rồi (1865 1867).

Chương II:

Bí Ẩn Trên Ngàn Cao

Chú nhỏ “Chim bay về núi tối rồi” sao không lo liệu còn ngồi chỉ đây nỗi nọ niềm kia (mất nước). Cụ thể chuyện hèn nhát của quân Triều đình. Dân binh không đủ trang bị chống giặc nhưng họ vẫn nghĩ ra nhiều mưu mẹo đánh giặc bằng mọi cách. Về bài thơ của dân chúng Định Tường chế nhạo Nguyễn Công Nhận được Triều đình phong “Hùng dũng tướng quân” điều binh vào Mỹ Tho chống giặc “khá khen hùng dũng Nguyễn Công Nhàn. Hùng dũng nhưng ngài chẳng có gan. Giặc đến Bến Thành, run lập cập. Tây vô Cái Nước, chạy bò càng…”

Bọn cướp, bốn thằng người lai (Chân dung độc đáo mỗi thằng một vẻ) chèo chiếc ghe lườn đến bắt ông lão. Con Đốm chống cự quyết liệt, bị đánh nhào xuống nước. Chúng lục lấy hết đồ của ông.

Thầy Chà Châu Giang nghe thấy chó sủa, la hét, chèo ghe đến xem chuyện gì. Bọn cướp còn nghi ngờ ông lão là do thám, toan giết ông, ông sẵn sàng chết. Chết thoát khổ, đời chẳng còn gì để ông nuối tiếc, Nhưng thầy Chà can”.

Nó là người Việt. Đưa về giao cho thầy Tư Cốc. Nếu nó không phải do thám, ông sẽ giúp nó chỉ chỗ đào vàng. Thuận thì cho nhập bọn, nghịch, giết chết chẳng muộn gì! (hổng sao).

Chúng trói ông, kéo theo cả chiếc ghe đưa ông về sào huyệt. Con Đốm bởi theo, trèo lên lăn xả vào bên chủ. Nó liếm khắp mặt mũi chân tay ông, chiếc lưỡi ram ráp và nóng ấm của nó sờ soạng khắp da thịt ông như dò tìm xem ông có bị thương chỗ nào không, cổ họng nó phát ra những tiếng rên ư ử kéo dài. Từ bộ lông ướt đẫm của nó, nước ròng ròng chảy xuống mặt ông, ông thè lưỡi liếm môi, cảm thấy mằn mặn. Hai dòng nước mắt hôi hổi chầm chậm tuôn ra. Trong thoáng chốc, ông thấy yên lòng và vui vui nhưng rồi phút giây ngắn ngủi dễ chịu ấy vụt biến mất. Một nỗi lo sợ choáng ngợp cả tâm hồn ông. Ông không còn nghĩ gì về mình mà lo sinh mệnh con Đốm thì ra ông đâu có dễ dàng từ bỏ đời mày. Tinh thần trách nhiệm buộc ông phải nhẫn nhục chịu đựng, để cứu nó. Không thì bọn chúng sẽ giết nó, ăn thịt nó mất. Nó nhìn chủ, nhìn chung quanh một màu nước trắng và bốn tên cướp dữ tợn, như tìm cách đánh tháo cho chủ. Nó có thể nhảy xuống, bơi đi thoát thân một mình. Trong giây phút cận kề nguy hiểm, nó cũng không bỏ chủ. Bao nhiêu năm qua, con Đốm thực sự là người bạn gần gũi thân thiết, cả ông và nó có một sự gắn bó không gì phá vỡ nổi. Nó giục ông đi săn, nhắc nhở ông rằng nó đói, báo cho ông biết có người lạ đến nhà… bao nhiêu hoạt động hằng ngày có ý nghĩa, trách nhiệm, giúp ông bớt cô đơn, bớt chán nản. Nó còn làm giảm bớt sự bồn chồn, lo lắng bằng cách xoắn xít, cọ sát vào người ông, làm thư giản đầu óc và tạo cho ông cảm giác yên ổn. Ông không thể sống một mình như những người chưa có nó, nhất là những lúc ốm đau. Nỗi cô đơn có thể gây ra bệnh tật, thậm chí còn làm bệnh tật thêm trầm trọng khi ông nằm một mình, dễ dàng dẫn tới cái chết. Sự có mặt của con Đốm trong những lúc ấy đã làm ông thấy có niềm an ủi, dễ chịu, giảm bớt nỗi buồn vì thiếu thốn quan hệ bạn bè và họ hàng thân thuộc…

Xóm nhà sàn lưa thưa trên mép núi. Hang ổ bọn cướp. Tên lái buôn Tàu (nhờ bảo trợ của bọn cướp) vào nằm chờ mua ngà voi, sừng, da tê giác. Đêm chúng xích chân ông già Tâm vào cột nhà, Đốm vẫn theo sát nằm bên chân chủ. Chúng bày tiệc nhậu. Nữa đêm, Tư Cốc về đến… (Bọn cướp trộm trâu, thường xuyên đón trâu từ Tà Keo về Hậu Giang). Bọn cướp hút cần sa, thử nhựa đen trộn với thuốc lá quấn hút. Có thằng lợi ra một gói, vỏ cây này được tước xơ ra, trắng như sợi vỏ cây bố (Gai). Nó hút nặng, 9/10 cần sa một phần thuốc lá (chúng thường xuyên bị kích động tình cảm quá trớn… đôi khi bị những ảo giác ghê rợn mà chúng cho là hồn ma).

Mấy thằng kể về con gái của Bà Chúa Xứ, chúng lại gặp xuất hiện trên đầu núi, bên hông đeo chiếc dao găm vỏ đồng loé loé. Nó chuyển cành thoăn thoắt. Trên cao, bay lượn con chim ụt xanh lè óng ánh, dưới là một bầy khỉ chuyển cành lao theo… Đã mấy năm rồi, thỉnh thoảng nó lại xuất hiện. Người góp một mẩu, bàn một phách. Khỉ vượn hay người?

Già Tâm ngồi nghe, ông tin là thật. Bởi có lần ông leo núi tìm quả, thấy thấp thoáng bóng nó… dường như nó rình ông hay sao ấy.

Chúng mãi còn bận nhậu, tán chuyện con quái, chưa vội điều tra ông lão. Có thằng còn đưa ông chén rượu, bảo ông uống cho ấm.

Ngày mai hằng hay. Một là ông sống, hai là ông chết. Đừng hòng lọt vào đây mà thoát khỏi chốn này!

Chương III:

Tha Hương Nhận Họ

Buổi sáng, rừng ban mai địa phương. Chúng cật vấn ông lão.

Thằng mang kỳ đà, đứa mang rùa về làm đồ nhậu ê hề. Trong đám này có Năm Lé, một tên “đòn xóc hai đầu”

Tư Cốc trình bày mâm cúng trước sân. Chỉ có nước lã, cơm trắng và 3 cánh hoa, 3 chiếc lá. Nhìn vật lễ, ông rưng rưng nước mắt (Đất lề quê thói) hoá ra trùm bọn cướp là họ hàng ta từ miền Trung dạt vào.

Vài câu trao đổi, ông tự xưng danh tánh, nguyên quán, bị đày vào bổ đồn điền giữ biên giới ở Hồng Ngự, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây, xung ông bỏ chốn đi… Tư Cóc và già Tâm nhận ra họ hàng, ôm nhau khóc. Ngồi vào mâm nhậu (rùa rang muối) Tư Cóc kể chuyện con rùa “vì quyến luyến nơi cư trú, bầu cạn, tôm cá rút hết ra sông, rùa lại bị người làm gốm đào đất sét xắn đứt đuôi…” y bỏ làng vào Gia Định, nghe có mấy bà con không đi, ở lại, bị huyện quan ghép tội ủng hộ Tây sơn, giết chết. Y vào đây, trước còn làm thầy Dạy võ, sau nghĩ làm cướp, dọc ngang cả một cõi biên thuỳ, chết cũng thoải mái hơn nép mình dưới bọn làng xã. Chỉ đánh bọn nhà giàu thương lái ác, thường giúp đỡ người nghèo, dung nạp người thất cơ lỡ vận, tiếng “lục lâm cường đạo” nhưng rất được cư dân trong vùng quý mến.

Tư Cóc: Tha hương hoàn tưởng thị gia hương. Dầu ở đâu thì mình cũng coi như quê hương của mình.

Già Tâm ở lại xóm đó (xóm núi). Bọn cướp họp lực cất cho ông ngôi nhà sàn lửng ngoài xóm, xem như vọng gác tiền tiêu. (Có được những người bạn tốt hay bà con tốt, xem ra đã có được một phương tiện bảo vệ trước những biến cố căng thẳng của đời sống. Sự cô lập).

Chương IV: Mái Ấm

Nước rút dần. Heo rừng kéo xuống đồng, phá rẫy. Ông lão đào hố, bẫy bắt heo rừng.

Một bầy khỉ vượn vây quanh miệng hố, kêu la chí choé. Sương mù, ông Tân dắt con chó Đóm đi thăm bẫy. Sự tận tuỵ phi thường, sự tinh khôn khả năng an ủi chủ của con Đốm. một con chó Hòn (Chó đảo Phú Quốc) thuộc loại chó nòi, lông đen nhánh, xoáy lưng như xoáy ngựa, có tài săn bắt, bơi lặn trứ danh…

Ông bắt lên được một “vượn người” có đeo chiếc dao găm vỏ đồng loé loé. Chính món vũ khí bền lợi hại này đã tăng cường sức mạnh, đưa nó vượt lên hàng đầu của tất cả các muông thú trong rừng. “Vượn người” này là một bé gái khoảng 10 tuổi, sa bẫy bị thương nặng, đầm đìa máu. Ông vác về nhà nuôi, băng bố các vết thương.

Đêm, khỉ vượn kéo đến gần nhà ông, kêu thảm thuết. Con bé đỡ dần, ngồi một chỗ, tay chân dài hơn kẻ bình thưòng, lơ láo, sợ hãi, tím cách trốn chạy khi có người lạ đếm gần, nhưng nó còn bò đi chưa nổi. Nó chỉ thích ăn trái cây, áo quần mặc cho cứ xé vứt đi, chỉ bằng lòng vận độc cái khổ, tết bằng những sợi dây rừng. Con Đốm gầm gừ mãi, bởi mùi khỉ vượn còn toát ra từ cô chủ nhỏ. Thật khó mà làm cho con bé hiểu được nó là ai. Bởi vì chỉ đinh ninh rằng mẹ nó là một con vượn cái, và nó không biết gì khác ngoài tính chất sinh hoạt dã thú bầy đàn. Trong thời gian này, mụ Ba Sơn đầu bếp của bọn cướp thường lui tới chăm sóc con bé, nhưng chính là để ve vãn già Tâm, định ninh lão già Tâm phải có nhiều vàng hiện còn chôn dấu đâu đó.

Về Mu Ba Sơn

Nhìn ai thì cúi mặt liếc ngang, lại hay ngoái cổ: Tâm hồn dâm đãng, bừa bãi hà tiện! Cổ ngắn tóc rậm, xương lưng, xương sườn ló, chưa ra khỏi khuê phòng đã khắc phu.

Khắc phu làm cho chồng lụi bại, chia lìa.

Sát phu làm cho chồng chết, đàn bà nói tiếng đàn ông, cuối tiếng lại có âm sắc nhọn, nghe chói tai, có chồng không quá hai năm thì chôn chồng, không chôn chồng thì cũng sát con.

Dần dà có đến gần năm, ông đã dạy tập nó nó nói được tiếng người.

Tư Cóc mừng lắm. Nghĩ: sẽ dùng nó làm thám báo đưa đường đi cướp. Nó đã biết mặc quần áo, cầm bát đũa ăn cơm. Già Tâm gọi nó là con. Trẻ con trong xóm, ngỡ đặt tên cho nó là Con bèn gọi con Con. Thỉnh thoảng nó trốn ra rừng, mang về cho ông vài thứ quả chỉ thấy trên núi cao. Có khi nó bỏ nhà đi mất vài ngày.

Tư Cóc càng năng lui tới dạy tập con bé bắn nỏ. Nó bắn rất giỏi. Động tác nhanh nhẹn kiểu thú rừng. Cánh tay khoẻ đến nỗi hễ giương mạnh là dây nó đứt ngay.

Chương V:

Mang Tên Một Loài Hoa Núi

Ông lão dò theo, rình xem con bé đi đâu.

Hoang vắng bây giờ. Rừng tràm mênh mông dọc vịnh Xiêm La trùm qua sông Hậu. Những bầy voi, Trâu rừng, sói lửa, hổ báo…

Đến dưới hang núi. Bên chân núi, một chiếc thuyền lấp trong phù sa, ló be mục nát vì mưa gió tháng ngày. Lần lên, thấy có ngôi mộ đắp bằng những hòn đá. Trong hang còn một chum nhỏ, nồi niêu, chén bát… và bộ xương người đàn bà còn mái tóc dài và chiếc vòng cẩm thạch. Dấu vết có khi vượn thường xuyên lui tới, xác vỏ trái cây bừa bãi. Ông tìm thấy trong hốc đá một chiếc hộp tráp gỗ. Trong tráp có quyển lịch viết bằng chữ Nôm ghi tên tuổi hai vợ chồng, gốc gác từ miền Trung vào đây làm thầy đồ dạy học. Trên đường xuống Hà Tiên, đến đây đã chồng mất vài ngày, người vợ lại ốm nặng, biết mình không qua khỏi, bà đã viết để lại “Ai gặp được cháu bé này, lớn lên Tư Cóc càng năng lui tới dạy tập con bé bắn nỏ. Nó bắn rất giỏi. Động tác nhanh nhẹn kiểu thú rừng. Cánh tay khoẻ đến nỗi hễ giương mạnh là dây nó đứt ngay. nói cho cháu biết…” rồi không thấy ghi gì nữa.

Vậy là con bé chưa tròn 3 tuổi, mẹ chết, nó đã được một bầy khỉ vượn nuôi dưỡng, lớn lên tại hang này. Nó là con bé lão đang nuôi giờ đây. Trong đầu óc còn quá khù khờ bé bỏng, không còn giữ được chút hình ảnh, kỷ niệm gì của mẹ. giữa cỏi bụi này, không có gì tự nó sinh ra rồi tự nó mất đi. Cái ta gọi mất đi, chỉ là sự sống chuyển qua một dạng khác mà thôi.

Sau khi chôn hài cốt người đàn bà cạnh mộ chồng, ông bùi ngùi nghĩ về thân phận của những kiếp người, trở về ôm theo cái tráp gỗ và chiếc vòng cẩm thạch.

Già Tâm bàn với Cóc Tư: “Phải đặt tên nó là con Trà Mi, căn cứ theo lời ghi về quê hương một vùng núi ngoài kia, ắt nơi đó phải có rất nhiều loại hoa này”!

Chương VI:

Tiểu Nữ Của Rừng Xanh

Trên núi, Trà Mi chuyền cành vui chơi với bầy khỉ vượn, tay đeo thêm chiếc vòng cẩm thạch của mẹ. Có hôm nó đi một mình, có hôm nó dắt con chó Đốm theo. Con Đóm vóc dáng như con báo, ngoan ngoãn phục tùng cô chủ nhỏ, nhưng cũng lắm lúc cứ sửa oang oang, làm chim thú sợ hãi, lủi, bay toán loan.

Lâu lâu Trà Mi mới xách nỏ đi săn, vài đứa trẻ con đi theo. Nói đi săn chứ không gặp phải con gì, nó cũng bắn. Trà Mi gọi chim, chim rừng bay về đậu đầy trên vòm cây. Đặc tài của cô bé: nhại được nhiều tiếng chim thú, Trà Mi chỉ bắn mấy con chim hồng hoàng, con sáo, ó dữ và chăm độc hay rình bắt khỉ vượn con thôi,

Ngày nọ, Trà Mi dắt bầy khỉ vượn đi chơi xa núi, xuống rừng cây thấp bên bờ con rạch nhỏ ăn thông vào đầm lớn. Cô bé kịp giương nỏ bắn mù mắt con cá sấu to, cứu được thắng bé chăn trâu sắp bị con sấu bắt. Thằng bé này, người miên, tên cha (Châu). Từ đấy thành bạn, đôi bạn nhỏ thỉnh thoảng lại gặp nhau, chơi đùa bên rừng mỗi khi cậu bé lùa trâu vào cho ăn gần núi.

Chương VII: Vàng

Bọn lính đồn Châu Đốc, do mấy tên Pháp chỉ huy và Cai tổng dắt đường, mở cuộc hành quân vào vùng núi, lùng sục bắt 4 người tu núi trong các am, các cốc… mà chúng được mật báo là nghĩa quân của Thủ Khoa Huân, Trương Định tan rã, lui về đẩy mai danh ẩn tích, chờ đợi thời cơ. Chúng lùa bắt trâu bò, đốt chùa phá miếu, cướp bóc, hãm hiếp, lục lọi cướp vàng.

Bộ hạ Tư Cốc, mai phục các nơi hiểm yếu: lăn để chuyên đi rình bắn chết một số lính bằng tên tẩm độc. Giặc lồng lộn. Càn quét kéo dài hơn nửa thàng trời, tiếng đại bác ngày đêm ùng oàng vật vã ném xẻ núi này sang núi khác.

Thừa gió bẻ măng. Xã Xốm trong dịp ấy, theo hướng dẫn của Năm Lé, chống ba toong vào nhà ông Tâm:

Nghe đồn ông có nuôi một con vượn biết nói tiếng người phải không?

Nó là một con người. Già Tâm kể lại.

Người sao chuyển cây, leo núi như khỉ hay mẹ nó đi rừng bị khỉ hiếp, đẻ ra nó?

Ông Tâm kể tóm tắt lại lịch con bé. Xã Xổm được mợi, đe doạ: Vậy thì giao nó cho Nhà nước! Ông giữ nó để tính toán việc phản loạn, gieo huyền hoặc núp dưới danh nghĩa lập đạo này hoặc đạo nọ… chống: Tân trào”… phải không?

Hăm đe không chuyển, hắn lại dỗ ông đưa con bé lên Sài Gòn triển lãm. Rằng sắp có hội chợ 1874, đã có hai lần Hội chợ triển lãm 1866 và 1867 do uỷ ban canh nông và Kỷ nghệ Nam Kỳ gồm sĩ quan hải quân và công chức Pháp tổ chức. Giới thiệu sản phẩm, vật lạ của Nam Kỳ và Cao Miên, đồng thời khoa trương máy móc của Tây phương… Như có máy xay lúa chạy suốt ngày tại khu triển lãm cho dân chúng xem… Khoa trương khoác loặc không xong, hắn lại đem vàng ra câu ông Tâm.

Có lão Khách Sơn Đông mài võ mới từ Hà Tiên lên, đang biểu diễn ngoài chợ Châu Đốc. Lão cũng có một con vượn đen khôn lắm, như người nhưng không nói tiếng người. “Nhượng” con bé cho lão, thành một cặp nửa vượn nửa người. Bao nhiêu vàng bán con bé, hắn chỉ lấy một phần ba công môi giới. Còn mặc cả được bao nhiêu thì để tuỳ hắn. Mụ Ba Son biết chuyện đành bảo Năm Lé: Chính con bé là con đẻ của già Tâm. Qua Xã Xồm, câu chuyện trở thành: hai người này đã ăn ở với nhau, có con, người đàn bà 9 đưa chồng đến hang đá thuốc chết. Trời bắt người đàn bà cũng ốm chết sau đó. Thảo nào già Tâm quanh quẩn vùng này chờ đợi người tình…

Lão doạ sẽ rước người thầy đồng lên cầu hồn ông thầy về.

Ông già Tâm không sợ, không lay chuyển, khăng khăng nhất mực từ chối. Con bé tình cờ nghe được câu chuyện, bỏ trốn vào rừng.

Một đêm, Trà Mi mò về nhà, bị tay chân Xã Xồm, do Năm Lệ tổ chức bắt cóc, nhét giẻ vào mồm, bỏ vào bao tải, đem bán cho lão khách. Tên “đòn sóc hai đầu” này thừa lúc già Tâm đi vắng đã dùng thủ thuật “Mồi đu đủ nướng” của bọn trộm chuyên nghiệp, nhổ truị gần hết hai hàm răng con Đốm, mới bắt cóc được Trà Mi.

Chương VIII: Cõi Bụi

Nói về gánh sơn động mãi võ này: Hai vợ chồng lão khách có một đứa con nhỏ tên là Hiếu, một đứa con nuôi tên là Thiện. Cả hai cậu thiếu niên đều giỏi võ, biểu diễn giỏi. Nhất là con vượn đen biết được các con số từ một đến mười. Nó còn biết làm các trò gánh nước, giặt quần áo, trồng chuối ngược, đi bằng hai tay. Vợ chồng lão khách đã theo thuyền buôn Hải Nam vào Cù Lao Phố (Biên Hoà), xuống Mỹ Thọ, Hà Tiên là ba vùng đất có đông người Tầu cư trú.

Chiếc thuyền lưu động rong ruổi khắp các sông hồ, lục tỉnh. Biểu diễn mặc toàn đen, con vượn đen thêm bầy cồng cộc đen buộc chân vào cây sào ngang được huấn luyện dùng để săn bắt cá… đã là một sự lạ, hấp dẫn. Đặc biệt gánh hát còn thu hút người xem mua thuốc rất đông từ vùng này sang vùng khác, nhờ vào các trò ảo thuật như quả trứng nở ra con gà con trong chớp mắt, cộng cỏ cộng bông súng biến thành rắn trong chiếc hộp đen… Tất cả các già trẻ bé lớn đến xem, đã có ấn tượng mạnh mẽ các tin đồn, họ đến xem trong thâm tâm sẵn sàng chờ đón những điều huyền diệu, nên càng tin là thật các trò ảo thuật được nguy ẩn một cách hết sức khéo léo, tài tình kia. Cũng như sự tinh khôn của con vượn đen, là ở chỗ có thể phát hiện ra những thay đổi rất tinh vi trong tư thế và nét mặt của con người khi nó đáp đúng một ẩn số. Ở con người, những tín hiệu không bằng lời thường được phát đi một cách không có ý thức, họ hoàn toàn không biết rằng họ đang phát ra những tín hiệu cho con vượn tinh khôn này; họ đã đánh giá quá thấp khả năng nhận thức của con vật, vô hình đã cung cấp cho nó những tín hiệu không phải bằng lời, chỉ cho nó thấy những cử chỉ nào của nó là không đúng hoặc không phù hợp với điều người ta đang chờ đợi ở nó, thì nó mới đưa bàn tay gõ lên chiếc hộp gỗ hoặc biết dừng lại một cách hết sức chính xác, đúng lúc.

Quang cảnh Hội chợ Sài Gòn năm 1874. Thành phố mới mở giữa sông rạch, ao đầm, đôi chỗ gò nông còn lùm bụi hoang vu. Nhà cây lợp ngói. Cột cờ Thủ Ngữ và phía Khánh hội là nơi tấp nập đông vui nhất. Tầu buôn viễn dương. Sĩ quan hải quân, thương khách Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tàu, Nhật Bản. Bọn thông ngôn, thân hào nhân sĩ mới theo “tân trào”… Vài ba chiếc xe ngựa kéo song mã kiểu bên Pháp, đóng từ Ấn Độ được đưa sang “chở Tây Đầm trên đường trục chính từ Chợ Vải đến dinh Thống Đốc”.

Cái trò chơi bình dân từ Pháp sang như leo cột mỡ, nhảy cao, ném vòng vịt… không thu hút công chúng bằng gánh hát thuật sơn đông mãi võ này. Vì thế bọn Pháp đuổi lão khách qua bên kia

Chương IX: Báo thù

Ai báo thù cho cháu. Ai còn biết con Trà Mi là ai. Tin rằng ngày gặp nhau dưới suối vàng, tôi không thể phải hổ thẹn với chú.

Quán rượu bên cột cờ, con đầm kể cho một ký giả Pháp nghe chuyện mụ chứng kiến ở Gia Định, ý cung cấp thời sự giật gân. Thằng ký giả không tin, nhún vai:

Ồ chuyện, Chinoiserie! Làm gì có chuyện đó? Nếu có tương tự như vậy, cũng không phải là chuyện đáng đăng báo, tin chăng là giữa núi rừng, chứ Sài Gòn này đã khai hoá mà. Làm sao có được giữa thời đại này? Người hoá thú, thú hoá người, chuyện hoang đường là của các vùng núi cao rừng sâu, hoạ chăng có thể xảy ra ở Hy Mã Lạp Sơn…

Mưa đêm, bóng ông lão và chiếc đèn lồng.

Tía con gặp nhau, ông lão đưa Trà Mi xuống thuyền chèo thuyền về Xóm núi.

Chương X: Lánh Bẫy Xa Vòng

Lênh đênh theo con nước ròng, có hơn tháng trời từ Sài Gòn về đến đất An Giang.

Gặp thầy Chà Châu Giang du phương trên sông Tiền:

Ông Tâm! Ông để tang ai đó?

Cho chú Tư Cốc! Chú bị lính mã tà bắn chết rồi! Ông thuật lại câu chuyện thảm khốc vừa qua.

Thầy Chà ngồi thừ ra một lúc. Đuôi mắt nheo rạn chân chim sững sờ đăm đăm nhìn xuống làn nước cuộn trôi.

Tôi đã cảm thấy điều đó. Tự nhiên bồn chồn lo lo sặc máu mũi… Giao tình tri kỷ bấy nay. Nhớ lần thầy dùng bùn dán lên vết chém và dùng ngoại khí bàn sự phát ra tia sáng mầu vàng chữa bệnh cho Tư Cốc. Chuyện thầy làm phép chết một cây cổ thụ. Lặng đi nhếch mép cười gằng: “Tây ở Sài Gòn đông quá. Tôi dù lên đó cũng không đủ súc giết hết chúng nó được. Tôi sẽ thù thằng chủ tịch Châu Đốc. Cho bọ hong đậu trên đĩa thịt bò, lá rau ngò, hạt tiêu. Nó ăn con bọ hong, sẽ trở thành miếng da trâu trong bụng…” Rồi thầy Chà kể cho già Tâm biết: Tai hoạ lại xảy ra ở xóm núi, không kém trận càn năm kia. Một trận dịch lớn đã làm chết gần hết xóm. Những người còn sống sót đã đốt xóm bỏ đi.

Từ biệt nhau Thầy chà ngậm ngùi:

Trời đất này, không biết rồi anh em ta còn cơ may gặp nhau nữa không…

Già Tâm:

Cho dù một người nào trong anh em ta mất đi thì những người còn lại, ít nhất chúng ta cũng gặp lại nhau bên nấm mồ. Còn hơn còn biết bao nhiêu người còn sống đó, hàng ngày vẫn trông thấy nhau đó, mà họ không còn bao giờ gặp lại nhau nữa, thì sao?

Xế chiều, thuyền ông lão sắp qua Vàm Nao. Ông nhìn trời, biết sắp có cơn giông to. Đành neo lại bờ bên này nấu cơm ăn chờ cơn giông qua đã. Nhưng Trà Mi cứ đòi đi, nó nóng lòng sốt ruột muốn về nhanh. Ông lão đành chiều con. Ấn tượng rùng rợn về ngã ba con sông dữ này: Cặp ngỗng thần con trắng con đen! Trời yên gió lặng hễ thấy con ngỗng đen nổi lên thì sóng nổi đùng đùng nhận chìm tất cả thuyền bè. Nếu kịp thời đốt giấy vàng bạc thả xuống nước, đốt pháo thì tức khắc sẽ có con ngỗng trắng nổi lên. Con ngỗng trắng nổi lên, kêu cò quéc…….. cò quéc ba tiếng thì mây tan sóng lặng. Vì thế, ghe thuyền qua lại khúc sông này đều thủ sẵn nhiều pháo và giấy, tiền vàng bạc phòng khi nguy hiểm… Từ thời đào kênh Vĩnh tế, dân phu không chịu nổi bệnh tật và lao dịch nhọc nhằn (sốt rét rừng, nạn hổ vồ, rắn độc cắn, đêm vẫn phải thắp đuốc đi làm, người quai búa ngủ gục, đập búa vào đầu người cầm choòng đục xẻ đá…). Nhiều người đã liều chết trốn đi. Rừng mênh mông gai gốc, muốn về các tỉnh miền trên, chỉ có mỗi độc đạo là qua khúc sông này. Họ lấy chuối rừng kết bè, ôm bè chuối vượt sông. Cá mập đen đặc từng bầy. Một trăm người cá mập xơi hết sáu, bày chục người. Thà chôn thây trong bụng cáai có cơ may sống sót, còn có hi vọng về gặp lại vợ con còn hơn ở lại công trường đào kênh, kéo dài khổ nhọc mà trước sau gì rồi cũng chết…

Sang được hai phần ba sông thì gió nổi lên, mây khói đen cuồn cuộn tới. Chống choòng cật lực nhưng chiếc thuyền của hai cha con ông lão cũng bị sóng đánh chìm. Trà Mi chỉ còn biết ngồi trên cây nhìn xuống mà khóc. Vừa đi vừa khóc. Nhịn đói nhịn khát, đi suốt ngày đêm, Trà Mi nhằm hướng núi xanh lần về xóm cũ.

Đêm trời sáng trăng suông. Những ngôi lều xưa cháy trụi, lúp xúp đây đó những nấm mồ. Vắng lặng rợn người. Bỗng thấy con Đốm gầy giơ xương, hếch mũi đánh hơi người từ bụi rậm lần ra. Trà Mi chuyền cành nhảy xuống, ôm chó vào lòng, nỗi ngơ ngác của con chó khi thấy vắng bóng già Tâm. Nó ngửa cổ chu lên, chỉ còn nghe giọng khàn khô đứt quãng. Rồi nó gục xuống chết. Trong khi đó ở Sài Gòn lão khách mân mê chiếc dọc buồn nản nhìn sông nước. Phong trần, phiêu bạt khắp nơi kiếm một mớ vàng về Tầu dưỡng

……..

Nhà văn Đoàn Giỏi là một người vũ dũng, một nhà văn tài hoa, đọc nhiều, đi nhiều, lịch lãm và từng trãi, đã viết nên những tác phẩm văn học chân thực. Riêng cuốn ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM đã được dịch ra tiếng Nga, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc. Và ở ta, sách của anh đã làm đắm say bao thế hệ trẻ còn cắp sách đến trường. Tôi đã giới thiệu sách này với bạn học cũ từ đầu thập niên 60 của tôi, chị Zimônina Ina. Có lần chị tâm sự: “rong các nhà văn đương đại của Nam bộ, Đoàn Giỏi là người có cá tính và ngôn ngữ, tính cách và tâm hồn vùng đất mới khai phá. Nhân vật của anh dữ dội, hào hiệp, điển hình cho vùng đất của Đất rừng phương Nam”.

Sau Tết Kỷ Tị, tôi lại đưa anh vào bệnh viện. Anh mang theo tập bản thảo ở dạng đề cương chi tiết về truyện dài “NÚI CẢ MÂY NGÀN”. Sau đó anh đã trới trăng giao cho nhà văn trẻ Ung Ngọc Trí dựng lại? Chao ôi! Có ai viết tiếp cho ai được đâu? Và cũng chưa hề có tiểu thuyết nào hai người viết mà thành công được. Có chăng trừ Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc. Khi Tào Tuyết Cần mất, bộ tiểu thuyết khổng lồ HỒNG LÂU MỘNG vẫn còn dang dở. Cao Ngạc là học trò của Tào Tuyết Cần đã viết tiếp phần cuối để khép cuốn sách này. Học trò rất hiểu thày nên cuốn sách vẫn liền mạch và hay, nhưng khí văn vẫn không được như Tào Tuyết Cần. Đây là đề cương tóm tắt mà Đoàn Giỏi trước khi chết đã đưa cho tôi, để tôi khai thác được gì. Tôi đã chuyển cho chị Lục của tập bản thảo viết tay riêng. Tôi là người được nhờ tìm tư liệu giúp anh ở Thư viện quốc gia về buổi hồng hoang “mang gươm đi mở cỏi”.

Có bữa tôi Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng nâng cốc rượu gần cạn uống với anh, lúc anh còn uống được – trước khi mất độ mấy tháng, thấy anh bâng khuông nỗi niềm thương nhớ Hà Nội. Và một chiều Sài Gòn có mưa rào anh nói với Nguyễn Duy: Mình có đọc bài thơ Tết ở Cà Mau của cậu anh khen Duy và khe khẽ ngâm:

Và cái xuồng mày xỉn rối hả Lão đảo như thằng say

Và cây đước mày xỉn rồi hả Dám nhảy ra trấn giữa rạch này

Này cậu Duy, có lẽ cậu là người đầu tiên đưa từ xỉn vào thơ. Thế cậu có biết từ xỉn xuất phát từ đâu không? Rồi không đợi ai trả lời, anh rít điếu cày một hơi dài, lọc xọc nói” “xỉn” là cha Mười Xỉn, là Mỹ Tho, lúc say uống vài xị là hẳn ta say quắc cần câu nằm dài ra ở bất kỳ trên giường, dưới đất, kể cả chỗ sinh lầy. Và từ đó kể từ năm Tuất (1946) lúc mình còn làm Công An ở Mỹ Tho bà con dân làng về dìu Xin về trụ sở Công An cho Xin nghỉ Xin” là danh từ riêng trở thành động từ. Cùng như từ Điện Biên Phủ trở thành động từ dienbienfuer – từ điển Bách khoa toàn thư Pháp chỉ người thua trận. Còn hai cậu có biết “Xị” là thế nào không? Xị chỉ bằng chai xá xị loại nước ngọt như coca cola bằng một lít đó.

III. SỐ PHẬN ĐỜI NGƯỜI

Trước Cách mạng Tháng Tám, Đoàn Giỏi theo học trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, sau khi học xong trung học Mỹ Tho. Truyện ngắn của anh được in vào năm 1943, được cụ Hồ biểu Chánh chọn đăng ở Nam Kỳ tuần bảo. Năm 1947. Đoàn Giỏi đã làm trưởng Công An, phụ trách 10 xã của huyện Châu Thành. Năm 1948, anh vào Đảng Cộng sản đồng Dương, làm phó ty Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho kiêm chủ bút báo Tiền Phong của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho. Năm 1950, làm phó ty Thông tin tỉnh Rạch Giá. Năm 1951, là Uỷ viên Ban thường vụ Hội Văn Nghệ Nam Bộ và Uỷ viên biên tập tạp chí Lá lúa. “Rồi anh tập kết ra Bắc, cho ra đời ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM vừa được đài truyền hình TP Hồ Chí Minh dựng quay phim truyện (16 tập với những nhân vật đầy cá tính với cỏ cây, sông nước, chim muông, cá tôm, thú rừng cùng với bao thuần phong mỹ tục. Nhà thơ Tế Hanh đã đánh giá với các bạn nhà văn nước ngoài: Chúng tôi có thể gọi ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM là truyện Rôbinxơn của Việt Nam vậy! Vì nó cũng là những trang vàng huyền thoại và hấp dẫn không kém”.

Tôi và Đoàn Giỏi đã từng khăn gói: giang hồ” khắp các miền của đất nước: từ Mũi Ngọc, Trà Cổ cực Bắc, đến tận mũi cà Mau cực nam. Những ngày tôi và nhà thơ Nguyễn Duy đang dàn dựng bộ phim tài liệu về anh do tôi biên kịch, Nguyễn Duy đạo diễn VTV3 chiếu 2 lần.

Anh từng là tác giả của tiểu thuyết NGƯỜI THỦY THỦ TRÊN HÒN ĐẢO LƯU ĐÀY viết về chủ tịch Tôn Đức Thắng những ngày bị giam giữ ở nhà ngục Côn Lôn, hồi ức từ miền đất Tiền Giang năm 1980 viết về Nguyễn Thị Thập với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và Cách mạng mùa Thu. Bao nhiêu trang viết là bao nhiêu lao lực, bao nhiêu tấm lòng, bao nhiêu cuộc đời và cả nước mắt mồ hôi của tác giả. Đoàn Giỏi đã viết hàng chục tác phẩm: Cá bống mú (1956), Ngọn tầm vông (1957), Trần Văn Ơn (1955), Hoa hướng dương (1960). Những chuyện lạ về cá (1981), Tê giác trong rừng xanh (1982). Riêng cuốn CUỘC TRUY LÙNG KHO VŨ KHÍ được Hungary và Lào làm thành cuộc thi cho giới trẻ. Anh đã chết trong tay tôi. Trong những ngày cuối cùng.

03 2023

Đ.M.T

Leave a Reply

Your email address will not be published.